Đoạn Trường Vinh Hoa – “Gánh phim” của những người trẻ lan tỏa bản sắc văn hóa Nam Bộ

18 tháng rong ruổi khắp miền Tây cùng gánh hát Cải Lương Phương Ánh, với hơn 100 giờ quay, đạo diễn Lê Mỹ Cường cùng bạn đồng hành Thanh Nguyễn và ekip của mình – những người trẻ đến từ Miền Bắc đã gói ghém lại cuộc sống của những người nghệ sĩ trong 50 phút phim đầy cảm xúc và chân thực. Và họ lại tiếp tục rong ruổi cùng “gánh phim” của mình để giới thiệu và lan tỏa bản sắc văn hóa Nam Bộ đến đông đảo công chúng.

“Khi bức màn buông, danh vọng hết
Người về lòng rũ sạch sầu thương,
Người vào cởi áo lau son phấn,
Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường.”


Đoạn trường vinh hoa – The Glorious Pain là tác phẩm thuộc dự án VTV Đặc biệt của Đài truyền hình Việt Nam. VTV Đặc biệt là chuỗi phim tài liệu khai thác các vấn đề kinh tế, văn hóa, chính trị… nổi bật. Hướng đến phong cách điện ảnh trực tiếp, Đoạn trường vinh hoa dẫn khán giả đến với đoàn hát tuồng cổ của nữ nghệ sĩ Phương Ánh – một trong những gánh hát hiếm hoi còn sót lại. Chia sẻ tại buổi ră mắt phim tại Sài Gòn, đạo diễn trẻ Lê Mỹ Cường cho biết anh muốn tìm kiếm những điều đặc biệt trong những cái tưởng chừng như bình thường ấy. “Thế nhưng bốn ngày đầu tiên khi bắt tay dự án, tôi đã không biết bắt đầu từ đâu. Chỉ đến khi nhìn thấy những đứa trẻ say mê ngồi xem vở diễn đến cuối, tôi đã biết mình sẽ phải làm gì”. Sau những cuộc họp êkip sản xuất, Lê Mỹ Cường quyết định thực hiện dự án một mình cùng người đồng hành được gọi… cấp tốc từ Hà Nội vào – Thanh Nguyễn.

18 tháng thực hiện phim với hơn 100 giờ quay để cuối cùng gói trọn bộ phim trong 50 phút phim mang đậm chất điện ảnh lại rất đời, khiến người xem như đắm chìm vào số phận của những người nghệ sĩ rong ruổi theo đuổi ước mơ của mình…

Để tạo ra những thước phim ấn tượng ấy, những người làm phim đã từ chỗ xa lạ biến mình thành một thành viên của gánh hát, bắt được những khoảnh khắc đắt giá đưa vào phim. Đạo diễn Mỹ Cường cho rằng: “Đó đúng là duyên, chúng tôi xuất hiện đúng thời điểm, có mặt trong những sự kiện quan trọng của gánh hát mà dù chúng tôi có hay không làm phim thì nó vẫn diễn ra”.

Cô Ba Phương Ánh – Đạo diễn Lê Mỹ Cường và Thanh Nguyễn chia sẻ về bộ phim

Còn với Thanh Nguyễn, bộ phim tài liệu dài tập đầu tiên đã giúp anh “học hỏi được nhiều từ các cô chú trong đoàn hát. Chi phí, tiền bạc… những thứ liên quan vật chất dường như không có tác động đến niềm đam mê của họ.

Dù có 10 triệu, 5 triệu hay 500.000 đồng… vừa đủ tiền xăng xe họ vẫn đến diễn, điều này gợi lên suy nghĩ cần dung hòa những điều mình mong muốn để sống trọn vẹn với đam mê”.

BUỒN ĐẾN NAO LÒNG


Đó là cảm xúc của nhiều khán giả sau khi xem bộ phim, những cảm xúc vui, buồn, xót xa cứ xen lẫn suy tư về gánh hát Phương Ánh và số phận của những người nghệ sĩ trong đoàn.

Những nghệ sĩ gánnh hát đa phần trung niên nhưng phong cách diễn vẫn còn lanh lẹ và giọng ca khỏe. Ấn tượng nhất là nghệ sĩ Phương Anh – con gái của bà bầu Phương Ánh.

Nghệ sĩ Phương Ánh xúc động khi chia sẻ tại buổi ra mắt phim tại Sài Gòn.

Dù đã U40 nhưng chị vẫn là đào chính trong đoàn. Thương làm sao, trên sân khấu, chị biến thành bà hoàng, công chúa với xiêm y diêm dúa, lộng lẫy thì trong hậu đài Phương Anh lại nằm vật ra thở, xức dầu đánh gió… để làm giảm đi cơn đau.

Trên giường bệnh thở oxy, run cầm cập… nhưng Phương Anh vẫn nhớ nghề, say mê xem tiết mục mình diễn qua chiếc điện thoại bé tẹo… 

Sau ánh hào quang nghệ sĩ, là một cuộc đời nhiều nước mắt hơn niềm vui. “Khi bức màn buông danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”.

KHÔNG CHỈ CÒN LÀ PHIM, MÀ LÀ ĐỜI


Trong phim, tuồng cổ chỉ được sử dụng như đường dây dẫn dắt câu chuyện, thay vì là trái tim của tác phẩm. Nhịp sống của cải lương trong Đoạn trường vinh hoa là một vòng tròn khép kín, bắt đầu từ thời điểm đoàn diễn dọn dẹp đồ đạc sau buổi diễn, nghỉ ngơi, tập luyện vở mới, dựng sân khấu, biểu diễn và lặp lại.

Đó không chỉ là nhịp sống, vòng tuần hoàn của sân khấu cải lương, mà còn là vận mệnh những con người cống hiến cuộc đời mình cho môn nghệ thuật ấy. Bà sinh mẹ, mẹ sinh con, con sinh cháu… tất cả đều chung niềm đam mê với sân khấu. Họ không ngần ngại từ chối công ăn việc làm ổn định, một tương lai được bảo đảm, sống cuộc đời 6 tháng lưu diễn 6 tháng vật lộn mưu sinh để được cháy hết mình với sân khấu.

Trọng tâm của Đoạn trường vinh hoa không chỉ là những bức chân dung nghệ sĩ trên sân khấu mà là họ, khi tấm màn nhung đã hạ. Trong khi tình yêu với nghiệp diễn là thứ vẻ đẹp quyến rũ, nhưng có thể xa cách với khán giả đại chúng, thì những giọt nước mắt của tình mẫu tử, nét kiên quyết trên khuôn mặt người phụ nữ đang cố nén đau đớn để thu xếp chuyện gia đình trong tác phẩm lại dễ khiến khán giả đồng cảm, xót xa.

Bà bầu Phương Ánh, nghệ sĩ Phương Anh – con gái bà, và sau này là cả cháu trai bà chỉ là ba trong số hàng trăm, hàng nghìn cuộc đời đã bén duyên với nghệ thuật cải lương. Họ chính là đại diện cho những người nghệ sĩ chịu đựng những nỗi đau “đứt ruột” (đoạn trường) đằng sau sân khấu để bồi đắp nên vinh hoa của môn nghệ thuật truyền thống, duy trì sức sống của nó trong lòng xã hội hiện đại với hàng trăm hình thức giải trí mới.


Đoạn Trường Vinh Hoa ra rạp

Với mong muốn phim không chỉ phát sóng trên truyền hình, Đoạn trường vinh hoa đã rong ruổi tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ với 9 suất chiếu trước khi lên sóng. Các suất chiếu đều thu hút khán giả đến xem. Thậm chí khi chiếu ở Idecaf ngày 2-11, gần 100 khán giả đã phải ra về vì không còn chỗ.

Trước nhu cầu ấy, Đoạn trường vinh hoa đã được sự đồng hành của nhà phát hành BHD để phim ra rạp từ ngày 13-11 trong hai tuần với các suất chiếu giới hạn.

Đây là bộ phim đầu tiên của VTV đặc biệt được chiếu màn ảnh rộng. Toàn bộ lợi nhuận thu về từ phim sẽ được tặng cho cô Ba Phương Ánh cùng các thành viên trong đoàn tuồng cổ và thực hiện một số hoạt động ý nghĩa nhằm gìn giữ môn nghệ thuật này.