Có nhiều bức chân dung, bao gồm cả bức Người Đẹp Mang Dây Đeo Trán (La Belle Ferronnière, 1496) trước đó của Leonardo, tạo cảm tưởng như đôi mắt của nhân vật trong tranh đang dõi theo từng chuyển động của người xem. Dù là tranh gốc hay bản sao chất lượng cao, thì bức tranh này và cả bức Mona Lisa (1506) đều có hiện tượng ấy. Đứng đối diện bức tranh, người trong tranh như đang nhìn chằm chằm vào ta; dù ta có di chuyển từ trái sang phải, thì ánh nhìn vẫn như đang trực tiếp hướng về phía ta. Mặc dù Leonardo không phải là người đầu tiên tạo ra kỹ thuật vẽ này, nhưng hiệu ứng thị giác này gắn liền với ông, nổi tiếng đến nỗi đôi khi nó được gọi là “hiệu ứng Mona Lisa”.
Hàng chục chuyên gia đã nghiên cứu bức Mona Lisa để lý giải hiệu ứng trên. Nếu trong thế giới thực ba chiều, thì bóng và ánh sáng trên khuôn mặt sẽ khác đi khi thay đổi vị trí, nhưng trong bức tranh hai chiều thì không như vậy. Do đó, chúng ta có cảm giác rằng đôi mắt trong tranh luôn nhìn thẳng đang dõi theo ta, ngay cả khi chúng ta không trực diện đứng trước bức tranh. Sự thành thạo về bóng và ánh sáng của Leonardo giúp hiện tượng trong bức Mona Lisa trở nên thêm rõ nét.
Cuối cùng, yếu tố huyền bí và hấp dẫn nhất của Mona Lisa chính là nụ cười của nàng. Danh họa Vasari đã viết rằng “Trong tác phẩm này của Leonardo, có một nụ cười đẹp đến mức thần thánh vượt mức phàm trần”. Ông ấy thậm chí còn kể một câu chuyện về việc Leonardo đã bắt Lisa phải thật tươi cười trong suốt các buổi làm mẫu vẽ: “Trong khi vẽ chân dung cho nàng, ông đã thuê người tới diễn kịch và hát cho nàng nghe, và tạo ra những trò đùa để giữ cho nàng luôn vui vẻ, tránh nỗi sầu muộn mà các họa sĩ thường vô tình khắc họa trong những bức chân dung của họ.”
Nụ cười này chứa một bí ẩn không thể lý giải. Khi nhìn chăm chú, ta thấy đôi môi tựa như đang mấp máy. Nàng đang nghĩ gì vậy nhỉ? Rồi chỉ cần chuyển mắt chút thôi, và nụ cười của nàng dường như lại đang thay đổi. Bí ẩn chồng chất bí ẩn. Dời tầm mắt đi nhưng nụ cười vẫn đọng lại trong tâm trí của ta, cũng như trong tâm trí của toàn nhân loại. Chưa bao giờ trong một bức tranh lại chứa nhiều chuyển động và cảm xúc đến vậy, hòa quyện vào nhau trong kiệt tác nghệ thuật của Leonardo.
• • •
Vào thời điểm hoàn thiện nụ cười của nàng Lisa, Leonardo đã dành hằng đêm trong nhà xác dưới bệnh viện Santa Maria Nuova, bóc thịt các tử thi để quan sát các cơ và dây thần kinh bên dưới lớp da. Ông ấy trở nên say mê tìm hiểu về sự hình thành của một nụ cười. Ông bắt đầu phân tích mọi chuyển động của từng bộ phận trên khuôn mặt và xác định nguồn gốc của mọi dây thần kinh điều khiển từng bó cơ. Việc tìm hiểu dây thần kinh nào là dây thần kinh sọ và dây thần kinh nào là dây thần kinh tủy sống có thể không cần thiết để vẽ nên một nụ cười, nhưng Leonardo vẫn thấy mình cần phải biết.
Nụ cười của nàng Mona Lisa khiến ta nên xem lại các bức vẽ giải phẫu có từ khoảng những năm 1508 của Leonardo, khắc hoạ một đôi môi đang mở miệng hết cỡ và sau đó mím lại. Ông phát hiện ra rằng cơ tạo tác động mím môi cũng chính là cơ tạo thành môi dưới. Cứ thử tự mím môi dưới thì bạn sẽ thấy rằng điều này là đúng; ta có thể co phần môi dưới, mà không gây ảnh hưởng tới môi trên, nhưng không thể co mỗi môi trên. Đó là một khám phá nhỏ, nhưng đối với một nhà giải phẫu học đồng thời là một nghệ sĩ, đặc biệt là một người đang trong quá trình vẽ bức tranh Mona Lisa như Da Vinci, thì kiến thức này rất đáng được lưu tâm. Các chuyển động khác của môi liên quan đến các cơ khác nhau, bao gồm “những cơ dùng để chúm môi, dùng để dãn môi và dùng để cong môi, dùng để duỗi môi,vặn môi theo chiều ngang và những cơ khác đưa môi trở lại vị trí ban đầu.” Sau đó, ông đã vẽ một hàng môi với lớp da bị bóc ra. Ở góc trên của trang này có một điều khá thú vị: một bức vẽ đơn giản hơn về một nụ cười mỉm dịu dàng, được phác thảo nhẹ bằng phấn đen. Mặc dù các nếp nhăn ở đuôi miệng hầu như không thể thấy rõ, nhưng ấn tượng khi nhìn vào đó thì ấy chính là đôi môi đang cười. Giữa các bức vẽ giải phẫu, chúng ta đã tìm thấy các bức vẽ giải phẫu giúp tạo nên nụ cười nàng Mona Lisa.
Có một kiến thức khoa học khác cũng liên quan đến nụ cười. Từ các nghiên cứu quang học của mình, Leonardo nhận ra rằng các tia sáng không đến một điểm duy nhất trong mắt mà thay vào đó chiếu vào toàn bộ khu vực của võng mạc. Khu vực trung tâm của võng mạc, được gọi là hố thị giác, là nơi tốt nhất để nhìn màu sắc và các chi tiết nhỏ; khu vực xung quanh hố thị giác là nơi nhạy cảm nhất giúp quan sát bóng và sắc độ hai màu đen và trắng. Khi chúng ta nhìn thẳng vào một vật thể, hình ảnh có vẻ sắc nét hơn. Khi chúng ta nhìn vật thể ở ngoại vi, như thoáng qua khóe mắt, thì hình ảnh sẽ hơi mờ, như thể vật đó ở xa hơn.
Với kiến thức này, Leonardo đã có thể tạo ra một nụ cười như có như không, một nụ cười thậm chí trở nên khó hiểu nếu chúng ta cố gắng nhìn quá kỹ. Những đường nhăn rất nhỏ ở khóe miệng của Lisa cho thấy một vết lõm nhỏ, giống như khuôn miệng được vẽ trên tờ giấy giải phẫu. Nếu bạn nhìn thẳng vào khuôn miệng, võng mạc của bạn sẽ bắt gặp những chi tiết và nét vẽ rất nhỏ này, khiến ta cảm thấy nàng có vẻ như không cười. Nhưng nếu bạn hơi di chuyển ánh nhìn ra khỏi vùng miệng, để tập trung quan sát mắt hoặc má của nàng hay một số phần khác của bức tranh, bạn sẽ chỉ nhìn thấy miệng nàng ở ngoại vi. Nụ cười sẽ mờ hơn một chút. Những nét vẽ nhỏ ở khóe miệng trở nên không rõ ràng, nhưng bạn vẫn sẽ thấy bóng đổ ở đó. Những nét đổ bóng này và kỹ thuật tạo bóng sfumato mềm mại ở vùng khóe miệng khiến môi nàng như nhếch lên thành một nụ cười đầy ẩn ý. Kết quả là bạn càng không nhìn kỹ thì nụ cười càng rạng rỡ.
• • •
Các nhà khoa học gần đây đã tìm ra một phương pháp kỹ thuật để mô tả tất cả những điều này. Nhà khoa học thần kinh Margaret Livingstone của Trường Y Harvard cho biết: “Một nụ cười rõ ràng hơn nhiều khi trong hình ảnh tần số không gian thấp [mờ hơn] so với hình ảnh tần số không gian cao. Vì vậy, nếu bạn nhìn vào bức tranh và để ánh mắt của bạn rơi vào nền hoặc trên bàn tay của Mona Lisa, nhận thức của bạn về miệng của cô ấy sẽ bị chi phối bởi tần số không gian thấp, kết quả là nụ cười sẽ có vẻ rõ ràng hơn nhiều so với khi bạn nhìn trực tiếp vào miệng của cô ấy.” Một nghiên cứu khác tại Đại học Sheffield Hallam cho thấy Leonardo không chỉ sử dụng kỹ thuật này trên Người Đẹp Mang Dây Đeo Trán (La Belle Ferronière), mà còn trên bức Công Nương Xinh Đẹp (La Belle Principessa, 1495) được phát hiện gần đây.
Có thể nói, nụ cười nổi tiếng nhất thế giới vốn dĩ rất khó nắm bắt, và đó cũng chính là nhận định của Leonardo về bản chất con người. Chuyên môn của ông là miêu tả biểu hiện bên ngoài của những cảm xúc ẩn sâu bên trong, nhưng trong bức Mona Lisa, ông cho thấy một điều quan trọng hơn: rằng chúng ta không bao giờ có thể biết được hết cảm xúc thực sự từ những biểu hiện bên ngoài. Sẽ luôn có một lớp khói mờ phủ lên cảm xúc của con người, như một bức màn che vậy.
Bài viết gốc The Eyes And The Smile Of Mona Lisa
Bởi Walter Isaacson, tại Science Friday, 19 tháng 10 năm 2017
Lược dịch bởi Artplas
Bản dịch thuộc bản quyền của Artplas & RGB, vui lòng liên hệ khi có ý định đăng tải lại
Để lại đánh giá