Phân tích 22 quy tắc kể chuyện của Pixar (Mà không thực sự là của Pixar) là một ebook của Stephan Vladimir Bugaj với những thông tin thú vị dành cho các bạn yêu thích “đế chế” phim của Pixar. Mời bạn đọc cùng nghiên cứu và chia sẻ thêm quan điểm của mình. Mọi đóng góp cho bài viết này xin gửi về ideas@rgb.vn.
[quote]Quy tắc 5[/quote]
Đơn giản hóa. Trọng tâm. Kết hợp nhân vật. Tránh đi đường vòng. Bạn sẽ cảm thấy như bạn đang mất đi những thứ có giá trị nhưng thực tế nó giải thoát bạn khỏi cám dỗ.
Hoặc đơn giản hơn:
Quy tắc 5. Đơn giản hóa.
Đây là điều khó khăn nhất đối với hầu hết những nhà văn, nhà viết kịch, bởi vì đơn giản hóa luôn luôn có nghĩa cắt bớt những thứ tốt cũng như những thứ xấu. Việc cắt bớt đi cũng tương tự như việc “giết đi người mình yêu” đối với các nhà văn vậy – lối suy nghĩ này được ghi lại kể cả trước khi Faulkner nói lên điều đó (Ít nhất là thời của Arthur Quiller-Couch). Nhưng thực sự khi bạn có thể cắt bớt các cảnh, nhân vật không cần thiết đó, bạn sẽ giúp khán giả nhìn thấy rõ ràng ý tưởng cốt lõi chính mà bạn muốn truyền tải. Và đôi khi bạn thật sự cần phải cắt những đoạn mà bạn cho là tuyệt nhất để chắc chắn là câu chuyện của bạn đi đúng hướng. Các cảnh quay tốt có thể hoạt động độc lập, nên đừng cho thêm nhiều thông tin sẽ gây rối loạn nhịp điệu của cốt truyện, nếu không sẽ chỉ làm cho bạn khó khăn hơn. Các nhân vật cần kết hợp thì nên kết hợp. Nếu hai nhân vật phản ánh nhân cách tương tự với tính cách của nhân vật chính thì chúng ta chỉ nên để lại một nhân vật mà thôi.
Kịch bản phim cần sự ngắn ngọn. Mỗi cảnh quay mới và mỗi nhân vật mới cần cho khán giả những thông tin và cách nhìn khác nhau. Sự lặp lại thường không gây ấn tượng tốt trong việc viết kịch bản, tuy việc thêm vào các yếu tố này có thể giúp làm giãn mạch truyện nhưng khán giả sẽ nhận thấy rằng chả có gì thay đổi và họ sẽ mất hứng thú (kể cả tất cả các cảnh quay đều là các màn hành động mãn nhãn.) Vì vậy, trừ trường hợp các cảnh này giúp cho câu chuyện tiếp tục tiến về phía trước, nếu không thì chúng cần bị lượt bỏ. (Chú ý là tôi nói là cả câu chuyện, chứ không phải chỉ là cốt truyện. Các cảnh quay tình cảm làm “trì hoãn” cốt truyện có thể rất quan trọng đối với một số thể loại truyện nhất định với mạch truyện nhất định.) Đôi khi có vài câu chuyện chỉ cần một nhân vật độc thoại trong một căn phòng trống là đủ.
Thế nhưng bạn cũng cần phải cẩn thận với việc đơn giản hoá. Nếu bạn tập trung quá nhiều vào việc thể hiện cảm xúc vào một kịch bản thì nó có thể khiến bạn bỏ qua các xung đột, các đoạn cao trào và bỏ luôn các phần hỗ trợ cốt truyện khác cho đến khi bạn có một câu chuyện thiếu đi chiều sâu. Nhịp điệu và giọng điệu có thể bị ảnh hưởng rất lớn từ việc bị cắt bỏ quá nhiều. Một câu chuyện mà có quá nhiều pha hành động và nhiều thông tin mới mà không hề quan tâm đến những gì đã xảy ra có thể khiến khán giả của bạn quá tải và hoang mang. Nhưng nếu cắt đi quá nhiều thì lại gây ra nhàm chán.
Sự đơn giản hoá có nghĩa là phân tách những đoạn quan trọng của câu chuyện khỏi những phần thừa không cần thiết. Và vì mỗi câu chuyện đều khác nhau, nó phụ thuộc vào việc người viết nghĩ cái gì là quan trọng. Việc giữ cân bằng đó là trách nhiệm lớn của một người kể chuyện, sẽ chẳng có “đường tắt” nào để làm điều đó ngoài việc bạn thử mọi cách cho đến khi nó thành công thì thôi. Cho dù chúng ta có các phong cách và thể loại truyện khác nhau, vẫn có một số cách khách quan mà tự người viết kịch bản có thể tự đánh giá được. Đó chính là bạn phải hiểu được chủ đề của mình, nhân vật chủ thể, và kết thúc để bạn có thể xác định được bạn nên cắt bớt các cảnh nào khi nó không cho thêm bất cứ thông tin gì mới, hay bất cứ thứ gì hay nhân vật gì mà không tạo thêm khía cạnh nào khác cho câu chuyện.
Bạn cũng nên rõ ràng về nhịp điệu và giọng văn của mình. Ví dụ, thiết lập một bối cảnh có sự xung đột lâu dài và trình tự diễn biến có thể chính xác là những gì bạn cần trong một câu chuyện tình lịch sử, nhưng nó chắc chắn không phải là những gì bạn muốn trong một câu chuyện sôi động tràn đầy kịch tính. Các vấn đề thường thấy ở đây chính là sự nhầm lẫn của bạn về các yếu tố quan trọng trong câu chuyện của mình, ví dụ như là chủ đề hay giọng văn. Bạn không thể đi đường tắt trừ khi bạn thực sự biết là bạn đang đi đâu, nếu không bạn có thể đang cắt đi những đoạn quan trọng trong khi bạn nghĩ nó không cần thiết. Đó chính là sự tự chuốt lấy thất bại và làm mất thời gian của chính mình để đơn giản hoá câu chuyện nếu như bạn không rõ ràng về bất cứ thứ gì cả. Một bản phác thảo không có gì đáng để xấu hổ cả, vì đó chính là cái mà bạn cần để có thể biết mình nên đơn giản hoá như thế nào. Khi bạn biết mình cần gì, hãy bắt đầu viết lại câu chuyện của mình.
Thách thức của bạn khi là một nhà văn là phải chắc rằng câu chuyện này phải liên quan và liên kết với nhau, từ cốt truyện, nhân vật đến các bối cảnh xung quanh. Vì vậy, để làm cho quy tắc số 5 hữu dụng hơn, tôi sẽ thêm vào một yêu cầu nữa cho những cảnh quay và nhân vật cần loại bỏ: Nếu một cảnh quay hoặc nhân vật không cung cấp thông tin mới hoặc một góc nhìn thú vị về một cái gì đó có liên quan đến chủ đề, cốt truyện, nhân vật hoặc yếu tố khác trong câu chuyện của bạn? Cắt bỏ nó.
[quote]Quy tắc 6[/quote]
Nhân vật của bạn tốt nhất ở điều gì, điều gì làm họ thấy thoải mái? Ném vào mặt họ một thứ hoàn toàn ngược lại, thách thức họ. Và họ sẽ làm gì?
Có một vấn đề với cách diễn đạt cho lời khuyên tuyệt vời này, vì nó có thể đẩy các nhà văn vào một cái bẫy thông dụng. Lời khuyên này nói rằng “hãy đưa nhân vật của bạn ra khỏi vùng an toàn của họ,” “thách thức họ và xem cách họ đáp trả như thế nào,” và “nhân vật của bạn phát triển và lớn lên bằng cách đối đầu với những khó khăn.” “Nhưng ném vào họ một sự trái ngược hoàn toàn,” nếu nói về nghĩa đen thôi, nghĩa là sẽ đẩy nhân vật của bạn vào một thế giới trái ngược và nó không có tính xây dựng hay sắc thái gì cả. Và nó không cho khán giả của bạn cơ hội nào để xem nhân vật của bạn tốt về điều gì.
Nếu viết một cách máy móc, thì sự trái ngược ở đây đơn thuần là cái bẫy cho các nhà văn khi họ cố gắng nắm bắt sự xung đột và biến nó thành một điều gì đó bất hạnh. Ví dụ như nhân vật của bạn chơi đàn violin giỏi, và sự trái ngược ở đây là “không chơi violin.” Nhưng nó không có thách thức gì thú vị để gây hứng thú cả. Một điều quan trọng cần nhớ là quy tắc này hữu dụng và thú vị nhất khi nó áp dụng cho các điểm mạnh, điểm yếu về mặt tinh thần hơn là về kĩ năng. Ép nhân vật của bạn không được dùng kĩ năng của mình là quá máy móc và sẽ không đưa bạn đi xa được. Nó chỉ có tác dụng với những xung đột không phải là trọng điểm.
Ép nhân vật của bạn ra khỏi vùng tâm lý an toàn và thách thức cô ta phải có sự phản ứng cảm xúc mới là cách mà các nhân vật phải được xây dựng. Ví dụ, một nhân vật sống bằng cách dối trá và lừa lọc bị đẩy vào tình thế mà cô ta phải nói ra sự thật là một xung đột thú vị, nó khiến khán giả cảm thấy hiểu rõ về nhân vật đó hơn (thông qua sự thành thật, sự tự huỷ hoại hay là bất hạnh gì đó). Bạn sẽ muốn bắt đầu bằng cách cho khán giả thấy nhân vật của bạn giỏi về việc gì đó. Ví dụ như cô gái này nói dối giỏi đến độ nếu có giải thưởng nào trong lĩnh vực này, cô ấy hẳn phải là quán quân rồi.
Sau đó bạn phải đưa cô ta vào tình huống mà sự lừa đảo sẽ không giúp được gì cho cô ta nữa, và điều đó khiến cô ta phải có một sự thay đổi mạnh mẽ. Càng về sau, khi cô càng lúc càng thay đổi và tốt hơn, bạn có thể đưa cô ấy vào tình huống mà nếu cô ta tiếp tục dối trá thì cô ta sẽ sống tốt, nhưng phải có một sự đấu tranh nội tâm mãnh liệt giữa việc đi về lối mòn hay là quyết định trở nên thành một người lương thiện hơn. Cô ta phải lựa chọn giữa việc quay trở lại là mình trước kia hay là cô ta phải tìm cách vượt qua điều này mà không cần quay lại là con người cũ của mình. Các khán giả sẽ muốn xem nhân vật của bạn duy trì có thể sống dưới ánh sáng tốt đẹp của sự thay đổi hay là từ từ trở về với con người trước đây, một kẻ vô lương tâm, hay là người có những suy nghĩ khủng khiếp.
Cái nhân vật lừa đảo đó, có thể bị đặt vào tình huống mà cô ta nên nói dối, mặc dù cô ta có thể thấy việc nối dối đã làm hại cô ấy như thế nào. Cách mà cô ta đối mặt trong tình huống đó có khi còn gây hứng thú hơn cách cô ta suy nghĩ là cô ta nên nói thật. Tóm lại: Bạn sẽ muốn cho nhân vật của mình thoát khói vùng an toàn và đặt vào các tình huống khó khăn để họ đối phó, nhưng việc khiến họ bị thách thức trong việc sử dụng các cách họ đã từng làm còn gây ấn tượng tốt hơn. Một kết luận kịch tính mang tính cao trào đó chính là các nhân vật cũ lựa chọn không quay lại con đường lạc lối của mình.
[quote]Quy tắc 7[/quote]
Hãy viết kết thúc trước khi viết thân bài, nghiêm túc luôn. Kết thúc rất khó viết vì vậy hãy dành thời gian cho nó trước.
Giống như tôi đã nói từ trước ở quy tắc số 3, tôi hoàn toàn đồng ý với điều này. Thậm chí tôi nghĩ còn nên viết kết thúc trước khi bạn nghĩ nó nên bắt đầu như thế nào. Cái kết của câu chuyện chính là mục tiêu để bạn viết ra cả một câu chuyện hoàn chỉnh. Nó sẽ dễ hơn rất nhiều để bạn biết rằng mình đang đi đâu. Cách làm điều này tốt nhất chính là: Khởi đầu bằng một khái niệm đơn giản mà trong đó có bối cảnh và hệ quả (mở bài và kết bài. Bắt đầu viết chi tiết của kết bài: cách giải quyết của các xung đột và câu trả lời cho mọi câu hỏi. Điều này có nghĩa là về mặt cảm xúc của nhân vật chính, anh ta đã giải quyết và hệ quả của mọi thứ đã diễn ra là gì, kết luận gì được rút ra. Sau đó viết thân bài như cây cầu bắt giữa điểm đầu và điểm kết thúc. Một vài người có lẽ đang nghĩ “thế thì cứng nhắc quá, tôi không thể làm điều đó được. Ý tưởng đến thì nó tự đến thôi.” Ngược lại, điều này không hề cứng nhắc tí nào.
Khi bạn đã có một khái niệm cơ bản kết thúc sẽ như thế nào, bạn vẫn phải tạo ra một cấu trúc cho câu chuyện từ khi bắt đầu cho đến điểm dừng. Mặc dù bạn đã có sơ bộ ý tưởng mọi thứ diễn ra như thế nào, nó vẫn chỉ là một câu chuyện đơn giản. Nó cần nhiều chi tiết hơn để biến nó thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Và việc bạn nghĩ bạn nên cấu trúc câu chuyện này như thế nào (sau khi bạn đã có vài cái nhìn sâu sắc hơn về vài điểm) thì việc này tiết kiệm rất nhiều thời gian cho bạn, để bạn có nhiều cơ hội để thỏa sức sáng tạo hơn khi bạn bắt đầu viết các diễn biến của câu chuyện. Khi bạn đã hoàn thành bản thảo đầu tiên, đây cũng là một cách để suy nghĩ lại về câu chuyện của mình trước khi bắt đầu viết lại nó một cách chỉnh chu hơn. Bạn có thể sẽ gặp mình đang tự hỏi bản thân, vậy cái kết mình viết ngay từ đầu nó có còn tốt không, và việc thay đổi này có là thay đổi toàn bộ câu chuyện không? Và nó có ảnh hưởng gì đến mở bài, thân bài? Thế nên, cho đến khi bạn có một cách nhìn rộng hơn về toàn bộ câu chuyện thì không nên chu tâm vào việc viết quá chi tiết từ khi bạn bắt đầu.
Dĩ nhiên bạn vẫn có thể không cần cái kết nào trước cả. Kể cả khi bạn không biết mình đi đâu bạn vẫn có thể đến được cái đích nhưng chỉ là bạn sẽ mất rất nhiều thời gian để đi vòng quanh và tìm cách để đến được cái đích đó. Cho dù từ đầu bạn đã xác định bạn sẽ có một cái kết thế này, nhưng trong quá trình hoàn thiện tác phẩm bạn có thể nhận ra mình đang tìm một thứ gì đó khác – nhưng tôi nghĩ viết một cái kết thúc trước là điều mà một nhà văn nên làm.
[quote]Quy tắc 8[/quote]
Kết thúc câu chuyện của mình cho dù có thể nó không hoàn hảo. Trong thế giới lý tưởng thì bạn có thể có tất cả, nhưng hãy nhìn nhận thực tế đi. Hãy viết tốt hơn ở câu chuyện tiếp theo.
Lời khuyên này không có nghĩa sự hoàn hảo là kẻ thù của bạn, nó chỉ có nghĩa là sự hoàn hảo rất khó nhưng cũng là cái quan trọng mà bất cứ ai cũng muốn đạt được. Bạn nên nhớ rằng không có gì là hoàn hảo cả, và một cái kết trông có vẻ khá vấn đề nhưng bằng cách nào đó nó cũng có thể được xem như là gần hoàn hảo đấy, đó là lý do mà chúng ta rút ra được câu “mặc dù nó không hoàn hảo, nhưng….” Sự không hoàn hảo là sự dĩ nhiên, nhưng hãy để tôi phân tích rõ hơn ý này vì sự hoàn hảo có thể gây ra nhiều tranh cãi và thiệt hại cho nhiều anh em nghệ sĩ.
“Căn bệnh ám ảnh hoàn hảo” là thật, và nó có thể khiển cho sự sáng tạo của bạn bị tê liệt. Vì vậy, biết từ bỏ cũng là một kĩ năng rất quan trọng và mỗi nghệ sĩ đều phải trau dồi cho mình kĩ năng này. Những người trong ngành làm phim thường mượn lời nhà thơ Pháp “Paul Valery” và nói rằng “một bộ phim chưa từng được hoàn thành, nó chỉ bị bỏ dở.” Điều này thực sự đúng cho tất cả các nghệ thuật mang tính thương mại, bởi vì thời hạn cho các bộ phim thương mại không có nhiều để bạn tiếp tục trau chuốt cho nó.
Nhưng nó cũng là một nghệ thuật thật sự khi hoàn hảo là điều không thể đạt được. Nghiêm túc đấy, bởi vì không có gì là hoàn hảo, nên nếu bạn mang tư tưởng này trong đầu thì bạn có thể tiết kiệm rất nhiều thời gian để vực dậy tinh thần của chính mình. Lời khuyên này đang cố gắng chỉ ra điểm đó, nhưng cách diễn đạt của vế sau vẫn còn nghe “mơ tưởng” quá. Khi bạn nói “có thể sẽ không” không hoàn hảo, thì điều đó cũng có nghĩa rằng “có thể sẽ có” sự hoàn hảo ở đâu đó. Nhưng đừng nghĩ xấu về người tặng lời khuyên này: tất cả chúng ta đều từng để giấc mơ đó đi vào suy nghĩ và từ ngữ của chúng ta về những công việc mình đang làm, và nó cần rất nhiều nỗ lực tỉnh táo để chiến đấu chống lại nó. Đó là lý do vì sao tôi đang cố gắng giúp bạn với cuốn sách phi lợi nhuận này. Đừng để cho sự tưởng tượng về thế giới lý tưởng trong câu chuyện của bạn ám ảnh bạn, nó chỉ là một sự lãng phí thời gian (trừ khi bạn đang viết một câu chuyện về thế giới lý tưởng và mọi thứ đều tuyệt hảo thì cứ tiếp tục đi.)
Đam mê về những gì mình làm là một điều tốt, nhưng khi nó ngăn cản bạn khỏi việc tìm lấy mình thì không nên. Công việc có thể có từ chỉ một dự án, nhưng để tiếp tục công việc đó thì bạn cần nhiều hơn một dự án để nuôi sống sự nghiệp của mình. Nếu như bạn mới chỉ làm có một dự án duy nhất, điều đó có nghĩa bạn chưa sẵn sàng để dấn thân vào nghề này, bởi vì bạn chưa có những kĩ năng cần thiết để tiếp tục làm. (Một dự án lâu dài không phải là một cái nghề, và tất cả những lời khuyên trong đây đều chỉ dành cho những người muốn làm việc – còn với những ai chỉ cần đam mê là đủ thì tôi cảm thấy không cần khuyên gì cả).
Một trong những quan hệ đối tác gần đây của tôi đã bị giải thể chỉ bởi vì anh ta bị ám ảnh với sự hoàn hảo. Người kia đã quá đầu tư vào dự án của mình, và mục tiêu của anh ta là sự hoàn hảo. Anh ta không thể tiếp tục viết tiếp, khi anh ta không thể làm rõ mục đích của mình và mở rộng kĩ năng và kinh nghiệm, bởi vì anh ta quá tập trung vào một dự án trong một thời gian quá lâu. Trong khi đó, anh ra luôn luôn có nhận xét và luôn tìm ra những điểm thiếu sót và cứ lặp đi lặp lại như vậy mà không có điểm dừng.
Thường thì những phản hồi của người này sẽ khác với người khác, từ lần đọc này đến lần đọc sau. Đó là cách mà chúng ta cho nhận xét. Trừ khi một người nào đó đang trả tiền cho bạn để làm hài lòng họ thì sự nhân xét chẳng cần nữa, và cố gắng “làm hài lòng tất cả” là không thể, đặc biệt khi bạn từ chối bỏ đi những gì mà người nghĩ rằng không phù hợp nhưng nó lại khiến bạn cảm thấy hài lòng.
Khi bạn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, kể cả bạn, chính là khi bạn theo đuổi sự hoàn hảo.
Sự theo đuổi này thường có kết quả là thiếu đi sự tự tin vào bản thân. Nếu bạn không tin vào khả năng của chính mình, bạn sẽ không thấy tự tin để tiếp tục. Nếu bạn không tin vào bản năng của mình cái nào đúng cái nào sai, và khi bạn dựa vào người khác thì sẽ chỉ dẫn đến một vòng luẩn quẩn làm thế nào để làm hài lòng họ. Có thể bạn sẽ không biết rằng câu chuyện của bạn đã khác đi, và bạn bị che mắt bởi chính sự theo đuổi hoàn hảo một cách mù quáng.
Để trở nên thành công như một nhà viết kịch bản, bạn nên biết từ bỏ khi những sự thay đổi bạn đang tạo ra không làm cho việc gì khác hơn.
Nếu lấy sự hoàn hảo như là một mục tiêu, thì bạn sẽ luôn gắn chặt với sự nghi ngờ, ngập ngừng, và sẽ những sự thay đổi không cần thiết và cũng không làm cho cái gì tốt hơn. Tình huống này khiến bạn cảm thấy như mình bị trật khỏi đường rày cho dù bạn có đang viết tốt thế nào đi nữa. Một người viết kịch bản phải biết rõ về câu chuyện mình đang kể, và kể trong khả năng tốt nhất của mình ở thời điểm đó. Khi bạn đã hoàn tất thì bạn nên kết thúc câu chuyện và viết một tác phẩm khác. (Nếu bạn cảm thấy không công bằng gì cho ý tưởng mà bạn thật sự yêu thích, thì hãy quay lại với nó một thời gian sau đó. Rất lâu sau đó cho đến khi bạn đã có ý tưởng hoàn toàn mới và cái nhìn khác. Trong thời gian đó bạn có thể viết một câu chuyện khác. Đó là cách mà những nhà làm nghệ thuật luôn làm.)
[quote]Quy tắc 9[/quote]
Khi bạn đang “bí”, hãy lên một danh sách những gì sẽ KHÔNG xảy ra tiếp theo. Những thứ này sẽ giúp bạn gỡ “bí.”
Quy tắc này có một ý rất đáng giá trong nó: đó chính là việc lên ý tưởng, thử viết nó ra, và sau đó gạch bỏ những gì sẽ không thực sự hiệu quả chính là cách viết ra câu chuyện tốt nhất. Nhưng vì quy tắc này được viết một cách ngắn gọn khiến nó trở thành một tuyên bố khiến bạn có thể bị mắc kẹt trong mớ suy nghĩ của mình, bởi vì bạn sẽ có một danh sách quá dài những-gì-sẽ-không-diễn-ra. Bạn có thể dành phần đời còn lại của mình để viết cái danh sách vô hạn đó. Điều quan trọng mà bạn có thể đào sâu ở đây chính là làm cách nào để hạn chế danh sách này để khiến nó trở nên hiệu quả với bạn. Ví dụ, nếu có 2 trẻ vị thành niên vô tình trên đường đời đụng nhau ở một tiệm tạp hoá và bạn sẽ viết như thế này:
Mọi người ngồi xuống và ăn bánh
Trái Đất bị nuốt chửng bởi một con rắn khổng lổ
Quay cận cảnh một người đang cố gắng giải quyết một bài toán Vân vân
Việc này sẽ kéo dài một lúc lâu sau đó cho đến khi bạn nhận ra “ồ cái mà mình nghĩ nó sẽ không diễn ra lại chính là cái tốt nhất cho câu chuyện của mình (trừ khi bạn là Luis Buñuel). Nhưng ngay cả khi bạn đã bỏ qua một số mớ các điều không cần thiết từ danh sách, nó vẫn có khả năng là một danh sách cực dài “những điều sẽ không diễn ra tiếp theo” về mặt cốt truyện nói chung. Tốt nhất bạn nên hỏi rằng những nhân vật trong cảnh này sẽ không phản ứng như thế nào trong tình huống đó, để bạn có cái nhìn tổng quan những gì sẽ không diễn ra theo từng tính cách nhân vật liên quan:
“Nhân vật này sẽ làm điều gì cuối cùng khi phải đối mặt với tình trạng này?”
Nó có vẻ như một sự khác biệt nhỏ, nhưng thật ra nó không phải.
Tính cách, nhu cầu và mong muốn, mục tiêu và khó khăn, và các điểm quan trọng của nhân vật của bạn là những điều cơ bản để bạn cân nhắc khi quyết định các sự kiện tiếp theo sẽ diễn ra trong câu chuyện của bạn. Lý do đằng sau lời khuyên này là để giúp bạn suy nghĩ về những gì nhân vật của bạn sẽ không làm, đặc biệt khi bạn đang mắc kẹt, những sự định liệu trước là chỉ giúp bạn có câu trả lời rõ ràng hơn. Thông thường với cách sắp xếp câu chuyện của bạn, người đọc có thể phần nào đoán được chuyện gì sẽ xảy ra và nó sẽ gây nhàm chán với họ. Vì vậy việc tìm hiểu những gì sẽ không nên diễn ra sẽ gây ra sự bất ngờ hứng thú, và nó chính là giải pháp mà bạn đang tìm.
Một khi bạn đã vẽ một chiếc hộp xung quanh nhân vật của bạn, bạn cần phải nghĩ bên ngoài chiếc hộp đó để khiến mọi thứ luôn thú vị và thoát khỏi những điều đoán được trước. Bằng cách nghĩ những gì sẽ không diễn ra, bạn đã đang thực sự nghĩ đến những gì có thể xảy ra để tạo ra một cái nhìn đa chiều về nhân vật và hoàn cảnh trong câu chuyện.
Bạn không muốn có những động thái hoàn toàn không liên quan gì đến nhân vật của bạn, nhưng bạn nên thử thách những định kiến mà nhân vật của bạn được thiết lập và đặt họ vào một trường hợp khiến họ phải đưa ra những lý do, hành động khó hiểu. Hãy viết một câu chuyện dựa vào sự mâu thuẫn của nhân vật, chứ không phải cách viết lộn xộn khó hiểu.
Lưu ý rằng các nhân vật đưa ra quyết định không nhất thiết phải luôn luôn là nhân vật chính, không phải trong tất cả mọi cảnh quay. Đôi khi, các nhân vật phản diện và các nhân vật đối kháng khác cần phải đưa ra quyết định để ép nhân vật chính phải có động thái đáp trả. Dĩ nhiên sự lựa chọn của nhân vật chính thường phải đưa cô ta vào hoặc đưa cô ta ra khỏi một mâu thuẫn nào đó, nhưng những chướng ngại dọc đường đi thú vị nhất là khi chúng được tạo bởi những nhân vật đối kháng. Ví dụ, nếu nhân vật của chúng ta cần đưa ra một quyết định là cần thủ tiêu ai đó, và tình cảnh là cô ta đã tìm ra mục tiêu của mình, thì điểu hiển nhiên nhất của việc “cô ta không nên làm gì” chính là để cho mục tiêu được sống. Nhưng để viết một câu chuyện với hậu quả khó lường như vậy, bạn cần phải tìm ra những mảnh vụn nhỏ để giúp bạn phát triển câu chuyện một cách cụ thể.
Trong ví dụ ám sát kể trên, để cho mục tiêu trốn thoát chính là một lựa chọn, hoặc làm họ tàn tật chứ không giết hẳn mục tiêu cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, cô ta có thể cố gắng tiếp cận mục tiêu rồi rơi vào tình yêu với kẻ đó, quyết định đổi mặt trận hoặc thậm chí quyết định mục tiêu không xứng đáng để giết hại cũng là một lựa chọn thú vị. Và đó là lý do mà việc luyện tập này rất quan trọng, để bạn có thể khám phá ra những cách mà các nhân vật có thể không làm gì trong tình huống như thế này. Mỗi một nhân vật cần phải có một sự mâu thuẫn nhất định để ứng đối. Đầu tiên bạn cần phải tìm (nếu bạn chưa có), sau đó thách thức bản thân để nghĩ về những điều “không thể” dựa vào những gì bạn biết về nhân vật và tình cảnh mà nhân vật của bạn đang bị đặt vào. Đây không chỉ là một cách để gỡ rối cho bản thân bạn khi bạn đang bí ý tưởng, mà đây cũng là cách để bạn nghĩ nên tạo ra các cảnh quay tốt hơn như thế nào khi bạn vẫn đang viết về một điều hiển nhiên nào đó.
[quote]Quy tắc 10[/quote]
Gỡ bỏ phần câu chuyện mà bạn thích. Những gì mà bạn thích về họ chỉ là một phần của bạn; bạn cần nhận ra điều đó trước khi bạn đưa nó vào kịch bản chính thức.
Đây chính là điều mà bạn chắc chắn phải làm để nhắc nhở bản thân rằng bạn hiểu như thế nào mới là một người kể chuyện. Nhưng điều này không hề hữu dụng khi bạn đang viết dang dở – trừ khi bạn đang bí và đang tìm các câu chuyện tương tự có cấu trúc và ý tưởng cụ thể để giúp bạn có thể tiếp tục (Một cách khác của việc phân tích câu chuyện cũng là một lời khuyên tốt. Cả hai lời khuyên đều có lý, chỉ là nó dùng cho hai mục đích khác nhau). Quy tắc này sẽ làm rõ ràng những điều mà bạn thích trong các câu chuyện của mình: các loại ẩn ý, sự âm mưu, cốt truyện cụ thể, tạo hình nhân vật, mạch truyện và nhiều hơn nữa.
Bạn cần phải hiểu rõ những yếu tố này, nên hãy cho bản thân thời gian để suy nghĩ thật kĩ về nó. Bạn hãy viết xuống những thứ mà bạn thích trong khi bạn đang nghĩ về nó (bạn có thể sắp xếp chúng vào các thể loại khác nhau sau đó). Khoanh tròn những gì mà bạn thấy đúng với bản thân nhất bất kể nó là thứ gì. Bạn sẽ khám phá ra những gì bạn thích không thật sự giống nhau cho từng câu chuyện. Bạn có thể thích truyện này bởi vì cách nó nói về quá khứ và sự phát triển chầm chậm của nó, và bạn thích truyện khác bởi vì nó quá nhiều âm mưu và xen lẫn nhiều pha hành động. Mỗi câu chuyện sẽ “kê” với bạn bằng những cách khác nhau. Tìm hiểu khi nào, tại sao, như thế nào mà mỗi yếu tố bạn muốn, trong mỗi hoàn cảnh, sẽ giúp bạn biết cách nào để áp dụng từng yếu tố khác nhau vào câu chuyện của chính bạn.
Trong khi bạn cố gắng không bắt chước những nhà kể chuyện khác, bạn cần phải hiểu rõ vì sao bạn thích truyện đó và biến chúng thành ý tưởng của bạn. Cách này sẽ giúp bạn biết bạn nên viết cái gì. Nó cũng có thể giúp bạn xác định những yếu tố mà bạn muốn đưa vào truyện của mình bằng cách nào cho tự nhiên nhất. Nhưng điều này cũng có nghĩa là bạn sẽ đào sâu vào những gì cần làm khi phân tích các câu chuyện: tìm ra cốt lõi của bộ phim cái đã khiến bạn thu hút ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Khi bạn làm điều này cho nhiều truyện khác nhau, bạn sẽ hiểu vì sao bạn tôi – Barri Evins – đã nói “Quan niệm cá nhân” chính là một khái niệm mà bạn sẽ bị thu hút bởi những câu chuyện phản ánh giống với quan niệm của mình. Dưới đây là một số ví dụ về cốt lõi làm phim và cách mà một nhà làm phim đã đưa nó đến cho khán giả như thế nào (dựa vào quan điểm cá nhân tôi):
Tình yêu chiến thắng tất cả – Nora Ephron
Gã yếu đuối có thể chống lại thế lực mạnh mẽ và sự tham nhũng – Frank Capra
Sự tham nhũng và sức mạnh luôn đè bẹp những kẻ yếu hèn – Alan Pakula
Trông tầm thường nhưng nó lại không hề tầm thường chút nào- M. Night Shyamalan
Chỉ kẻ mạnh mới sống sót – John Carpenter
Hãy là chính mình mặc kệ thế giới nghĩ gì về bạn- Tim Burton
Cuộc sống khốn nạn và cuối cùng thì bạn cũng chết – Alex Cox
Không phải nhà làm phim nào kể trên đều là những người có cái nhìn nghiêm khắc về cốt lõi của bộ phim, nhưng họ tìm ra được những yếu tố mà người xem không thể rời mắt được. Việc lặp đi lặp lại các ý tưởng là không thể tránh khỏi, vì cái nhìn của bản thân là cách chúng ta nhìn ra thế giới, cái mà chúng ta có thể giải thích rằng nó có ý nghĩa gì tới cuộc sống đến từ quan niệm và cách sống cá nhân của chúng ta thế nào. Và trong khi thế giới quan của một người được tinh chế và mở rộng hơn theo thời gian, nó hiếm khi thay đổi hoàn toàn, có nghĩa là ý tưởng ban đầu luôn luôn xuất hiện ở đâu đó trong một số hình thức khác nhau.
Bám vào cái nhìn cá nhân của riêng bạn không phải là một công thức hay là một giải pháp dự phòng, bởi vì ngoài kia có vô vàn cách để thể hiện cùng một ý tưởng qua nhiều cách kể khác nhau. Thay vào đó, quan điểm cá nhân làm cho bạn hiểu chính tính cách và phong cách của bản thân, do đó bạn có thể sử dụng nó như là một lợi thế của bạn để phát triển giọng văn của bạn. Tất nhiên, quan điểm cá nhân của bạn cũng có thể khiến bạn thất lạc hoặc bị mắc kẹt trong một câu chuyện không lối thoát. Nhưng nếu bạn có ý thức về suy nghĩ của bản thân mình, bạn cũng có thể tự kiểm soát mình một cách hiệu quả hơn, bởi vì bạn biết rằng bạn đang muốn tìm kiếm cái gì đó cụ thể.
Cuối cùng thì lời khuyên này đang nói rằng tìm hiểu kịch bản của mình như một khán giả sẽ giúp bạn trở nên tốt hơn trong việc tập trung vào điểm mạnh và rèn luyện điểm yếu của bạn.
Còn tiếp..
Phân tích 22 quy tắc kể chuyện của Pixar (Mà không thực sự là của Pixar)
Bởi Stephan Vladimir Bugaj www.bugaj.com Twitter: @stephanbugaj © 2013 Stephan Vladimir Bugaj
Cuốn sách điện tử miễn phí này không phải là một sản phẩm của hãng Pixar, Pixar studio hay công ty mẹ của hãng.
Để lại đánh giá