Họa sĩ trẻ Bảo Lưu: Vẽ là gửi gắm câu chuyện, cảm xúc vào từng tác phẩm

Bảo Lưu là một họa sĩ trẻ tài năng được biết đến qua những tác phẩm minh họa không những đẹp mà còn chạm cảm xúc, mang tới người xem một cảm giác dễ chịu và hiền lành, giống như chính con người bên ngoài của anh chàng này vậy.

Bảo Lưu, sinh năm 1995 hiện đang là một họa sĩ minh họa sách tranh chuyên nghiệp sống và làm việc tại Mỹ. Bảo Lưu đã là tác giả của khá nhiều quyển sách tranh nổi tiếng quốc tế như Look inside Seas and Oceans, Earth Hour, The Seed of Compassion…

Với phong cách làm việc chuyên nghiệp, điều Bảo Lưu luôn tâm niệm là làm sao cho tranh vừa truyền tải được nội dung, cảm xúc, vừa giữ được sự hoàn thiện chỉn chu. Cùng trò chuyện nhiều hơn với họa sĩ minh họa tài năng Bảo Lưu qua bài phỏng vấn được thực hiện bởi Vietnam Illustrators Club nhé.

Mình là Bảo Lưu – Họa sĩ minh họa. Mình bắt đầu vẽ minh họa từ năm 2014. Mình đã học ở ĐH Mỹ thuật TPHCM chuyên ngành Thiết kế đồ họa.

Bảo Lưu

Họa sĩ minh họa tự do
Sinh nhật: 1995
Instagram / Behance

Được biết hiện Bảo Lưu đang sống tại Mỹ, việc sống và làm việc ở môi trường phương Tây như có ảnh hưởng gì tới quan điểm và công việc sáng tạo của bạn không?

Ừa mình đang hiện sống tại Mỹ. Môi trường hiện tại giúp mình hiểu rõ hơn về văn hóa phương Tây, ngoài chất liệu Á Đông. Bằng cách quan sát cuộc sống xung quanh, sống cùng với văn hóa Mỹ, mình có một nguồn tư liệu tự nhiên cho các job minh họa, đặc biệt là những job với bối cảnh Mỹ nói riêng và bối cảnh phương Tây nói chung. Việc trải nghiệm và quan sát thực tế sẽ ưu thế hơn nhiều so với tham khảo qua ảnh.
Mình cũng chú ý nhiều hơn đến việc thể hiện sự đa dạng văn hóa và chủng tộc trong tác phẩm. Điều này các nhà xuất bản trên thế giới cũng rất quan tâm.

Một ngày làm việc tiêu biểu của Bảo sẽ như thế nào?

Nếu không phải đi học, một ngày tiêu biểu của mình sẽ là: Ăn sáng xong sẽ ngồi trả lời mail cho client, vì khác múi giờ nên client sẽ thường gửi vào lúc mình đang ngủ hoặc do mình dậy trễ (cười). Sau đó là làm việc đến lúc ăn trưa, trong lúc làm việc rất hay bị phân tâm. Nếu cần thì mình sẽ ngủ nhẹ tầm 30-45 phút để tối thức vẽ cho hiệu quả. Chiều thì tập thể dục, ăn tối và làm đến khuya, vẫn là hay bị phân tâm. Trước khi ngủ mình sẽ gửi email mọi thứ. Mai dậy mình lại trả lời.

Có điều gì khác biệt so với khi bạn còn ở Việt Nam không?

Cũng nhiều điểm khác biệt lắm. Ở Mỹ phần lớn là mình làm độc lập nên mình cảm thấy trưởng thành trong việc làm freelance so với hồi ở Việt Nam, quản lý bản thân tốt hơn (cười). Với những clients ở Mỹ thì sẽ thuận tiện hơn trong việc trao đổi hợp đồng và gửi bưu kiện. Ngoài ra, mình tiếp cận được đa dạng tư liệu trong nghề hơn, như sách và tài liệu tham khảo, cũng dễ dàng mua được hơn so với ở Việt Nam.

Khác biệt đáng tiếc là ở Mỹ mình chỉ còn có thể trao đổi và tương tác với bạn bè chủ yếu qua Facebook mà không có kết nối trực tiếp, cũng như cùng mọi người đến tham dự những sự kiện triển lãm cộng đồng hay cá nhân của anh chị bạn bè artist tại Việt Nam. Một số sự kiện với thể lệ chỉ dành cho công dân đang sinh sống tại Việt Nam cũng là hạn chế đối với mình. Thật cảm ơn là mình vẫn được mọi người quan tâm rủ rê góp tranh trong một số các dự án chung của cộng đồng họa sĩ Việt tuy không có thể “góp mặt”.

Công việc liên quan tới minh họa đầu tiên mà bạn nhận được là gì?

Công việc đầu tiên mình được nhận và được thử sức với digital art là dự án bộ bìa sách về 12 cung hoàng đạo năm 2015. Đây là dự án mà mình rất thích. Vì là job đầu tay, cũng là dự án dài (12 tranh bìa) nên lúc đó mình vừa vui lại vừa lo. Lúc đó trên thị trường cũng có rất nhiều các bộ sách cung hoàng đạo rồi nên mình muốn bộ bìa này phải thật xuất sắc và mang nét riêng của mình. Và có vẻ như đã thành công vì đến đến bây giờ series bìa này vẫn nhận được rất nhiều sự yêu thích của mọi người trên Behance.

Bạn có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình lúc thực hiện quyển sách The Seed of Compassion, về Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 không?

Khi mình nhận project này, mình thực sự đã rất lo lắng vì đây là project về cuộc đời của một nhân vật nổi tiếng, bao gồm yếu tố lịch sử và văn hóa của Tây Tạng. Lo lắng vì không biết mình có thể làm tốt không, mình có thể khắc họa được chân dung của nhân vật gần nhất có thể không.

Mình đã phải research rất nhiều, nơi sống, con người, trang phục, kiến trúc và chân dung của ông qua từng thời điểm, đặc biệt là các góc mặt khác nhau của ông ở thời điểm hiện tại. Rất may là có thêm các clip từ Youtube để mình tham khảo, xem clip thật sự dễ hình dung hơn nhiều.

Mình khá hài lòng với sản phẩm cuối cùng. Kiểu như mình đã vượt qua được một thử thách không nhỏ, và chẳng dễ dàng. Mình vui vì đã tái hiện được chân dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma qua phong cách minh họa của mình.

Mình muốn tác phẩm của mình luôn kể lên một câu chuyện, dù đó là tranh đơn. Chính vì vậy, mình đặc biệt chú trọng đến sự kết nối giữa các đối tượng, cảm xúc và sự tương tác của các nhân vật trong tác phẩm.

Bạn tâm niệm điều gì khi vẽ?

Câu chuyện. Mình muốn tác phẩm của mình luôn kể lên một câu chuyện, dù đó là tranh đơn. Chính vì vậy, mình đặc biệt chú trọng đến sự kết nối giữa các đối tượng, cảm xúc và sự tương tác của các nhân vật trong tác phẩm. Ngoài ra, sự chỉn chu và tính hoàn thiện của tác phẩm cũng là điều quan trọng cần thiết. Với mình, tác phẩm sau cùng luôn cần có cảm xúc và mức độ hoàn chỉnh cao.

Mình thích ghi lại trong tranh hình ảnh cuộc sống đời thường, đặc biệt là “Nắng”. Mình cũng thích biến những điều bình thường trở nên phi thực tế và đưa vào các tác phẩm, như cá vàng bay chẳng hạn.
Mình không thích chủ đề gắn với những thứ yêu cầu chi tiết tỉ mỉ và độ chính xác cao, ví dụ như các chi tiết cơ khí, máy móc, hay tranh có quá nhiều đối tượng, kiểu đông đúc chi chít. Chủ đề về văn hóa, lịch sử xa lạ thì mình cũng không hứng thú lắm.

Quá trình thực hiện một dự án của bạn ra sao?

Quy trình của mình:
-Đầu tiên sẽ là nhận brief , các info về dự án
-Sau khi đã đồng ý thì sẽ là công đoạn research, tìm kiếm references.
-Vẽ thumbnails (phác thảo nhỏ), và thiết kế nhân vật
-Vẽ phác thảo và gửi đi chờ feedback, sửa chữa nếu cần thiết,
– Sau khi các phác thảo đã được duyệt, mình bắt tay vào bước lên màu. Mình thường làm nháp màu trước khi tô.
– Cuối cùng là nhận feedback cho bản màu và sửa lỗi để có được tác phẩm cuối cùng.

Giai đoạn khó khăn nhất có là vẽ phác thảo. Đây là bước quan trọng có ảnh hưởng đến những bước tiếp theo. Giai đoạn này định hình cho cả tác phẩm, và yêu cầu phân chia bố cục phải tốt, giữa các yếu tố trong tranh, giữa các đối tượng và background.

Dự án ưng ý nhất cho đến thời điểm hiện tại là sách tranh Earth Hour. Quy trình thực hiện cũng như tương tự như chia sẻ trước, mình cũng bắt đầu bằng việc tìm kiếm references cho các địa danh, con người được nhắc đến trong sách, phác thảo các góc rộng. Vì sách chủ yếu là cảnh ban đêm nên mình thêm bước nháp màu tông lạnh khác nhau để tránh sự lặp lại. Ý tưởng của mình cho sách là nửa phần đầu sẽ là gam màu nóng chiếm ưu thế, nửa phần sau khi đèn được tắt sẽ dành sự ưu tiên cho các gam lạnh.

Nói về Tác phẩm yêu thích thì là tranh cho dự án Nảy Mầm 1. Sự kết nối giữa nhân vật và cảm xúc của “Nắng” thể hiện được rõ điều mình mong muốn trong một tác phẩm. Có nhiều dự án đã hoàn thành nhưng chưa thể chia sẻ được vì hiện chưa có thông tin về ngày xuất bản, có thể là do Covid.

Hiện mình đang thực hiện một số dự án sách, ví dụ như sách về việc xây cầu cho động vật qua đường, hoặc một sách về sự kết nối giữa người với người trong thời điểm bệnh dịch. Các dự án này có nội dung khá thú vị, vừa gần gũi vừa mới lạ, và mình cũng mong sản phẩm sau cùng sẽ thật tốt.

Nếu được thời gian để làm một dự án của riêng mình, mình muốn thực hiện một series về nắng và những khoảnh khắc đời thường. Mình cũng muốn làm một series fanart những nhân vật hoặc các bộ phim mình yêu thích.

Mình cảm thấy điểm được ở các tác phẩm của mình là màu sắc và nội dung tranh. Điểm hạn chế là line art, vẫn chưa mạnh ở yếu tố fantasy, vẫn còn nhát tay và bước đi trong vùng an toàn. Một số người đã nhận xét tác phẩm của mình còn bị gò bó, bị căn ke thiếu đi một chút sự phóng khoáng, tự do của nét cọ.

Đường dài hơn mình muốn trải nghiệm nhiều hơn các đề tài khác nhau, bước ra khỏi “comfort zone” và phát triển trên nền tảng những gì mình đã làm tốt.

Tranh vẽ và màu sắc của Bảo Lưu có một sự đặc biệt nào đó làm người khác nhận ra ngay. Làm thế nào để bạn đạt được phong cách cá nhân ngày hôm nay?

Phong cách cá nhân của mình có thể là được hình thành từ việc theo đuổi style minh họa mình thích, tham khảo tranh các họa sĩ yêu thích, và tự điều chỉnh thêm trong quá trình làm các dự án khác nhau. Phong cách cá nhân với mình không quan trọng lắm. Dĩ nhiên là sẽ rất tuyệt khi phong cách cá nhân giúp mọi người nhớ đến mình, nhưng quan trọng hơn là mình làm được những gì, và khả năng thích nghi với các yêu cầu công việc khác nhau.

Từ lúc trở thành họa sĩ vẽ minh họa, mình được kỹ năng kinh nghiệm, những mối quan hệ, những người bạn cùng lĩnh vực, những tác phẩm được nhiều người đón nhận. Đặc biệt, là một họa sĩ minh họa sách, những dòng reviews tích cực và ý nghĩa chia sẻ từ người đọc cho mình động lực rất nhiều. Mình được biết thêm kiến thức của nhiều lĩnh vực từ việc tìm hiểu thông tin và references cho các dự án.

Thứ mất có thể là thời gian dành cho những việc khác. Mình đang cố gắng hơn để cân bằng thời gian cho từng việc. Nếu như cho mình chọn lại, mình cũng không nghĩ ra được việc gì mà mình có đủ đam mê và có thể làm tốt hơn công việc hiện tại.

Bạn có muốn gửi gắm lời khuyên nào tới các bạn trẻ muốn bắt đầu làm nghề giống mình không?

Nếu có đủ đam mê và nếu đây là lĩnh vực bạn làm tốt nhất, hãy quyết tâm theo đuổi. Theo đuổi ở đây là luôn phát triển mình, luôn rèn luyện để kĩ năng ngày càng tốt hơn. Đừng dại dột mà sao chép đạo nhái tác phẩm, đây là điều không bao giờ được hoan nghênh và chẳng thể giúp bạn đi đường dài được.

Nếu có đủ đam mê và nếu đây là lĩnh vực
bạn làm tốt nhất, hãy quyết tâm theo đuổi.

Bảo Lưu

Người truyền cảm hứng và đưa mình đến với nghề minh họa là những artists mình yêu thích và các anh chị bạn bè họa sĩ.

Hỏi nhanh đáp ngắn cùng Bảo Lưu:

1. Tông màu yêu thích? Xanh cốm (xanh rêu)
2. Bộ phim yêu thích? Nhiều
3. Quyển sách yêu thích? Nhiều, đặc biệt là sách tranh của họa sĩ yêu thích.
4. Bộ truyện tranh yêu thích? Nhiều, trong đó có Ranma ½, ngày xưa cũng bày đặt nộp tranh fanart cho tòa soạn và được in phía ở cuối truyện. (Cười)
5. Thể loại âm nhạc yêu thích? Nhiều thể loại. Nghe hợp tai là sẽ có 1 vé vào playlist. 

1. Vẽ tay hay vẽ máy? Cả 2
2. Ý tưởng độc đáo khó làm hay ý tưởng phổ biến dễ làm? Ý tưởng phổ biến dễ làm, nhưng mình sẽ làm cho nó độc đáo.
3. Tranh đơn hay một dự án dài? Cả 2, tranh đơn độc đáo và Dự án dài thú vị
4. Màu nóng hay màu lạnh? Màu lạnh
5. Làm ở nhà hay đi làm công ty? Làm ở nhà
6. Phác thảo bằng chì hay trên máy? Trên máy 

Cảm ơn cuộc trò chuyện của Bảo Lưu, chúc bạn sẽ luôn đầy năng lượng và cảm xúc cho những tác phẩm, dự án mới của mình!

Bài viết mang đến bởi Vietnam Illustrators Club – cộng đồng dành cho các họa sĩ minh họa Việt Nam.