Hoàng – The Journey, dự án thiết kế của Tuan Maxx cùng album của Hoàng Thùy Linh

Hoàng là album mới nhất của ca sĩ Hoàng Thùy Linh gây ấn tượng mạnh mẽ bởi những sản phẩm âm nhạc chất lượng và chỉn chu. Là một phần của ê-kíp tài năng này, Tuan Maxx – người giữ vai trò giám đốc mỹ thuật của dự án giới thiệu những thiết kế xuyên suốt cho album qua Hoàng – The Journey.

Nguyễn Đoàn Minh Tuấn (Tuan Maxx)

Ngày sinh: 25/01/1996
Công việc hiện tại: Art Designer tại Kenh14.vn & Phụ trách Hình Ảnh cho The Leader Entertainment và ST.319
Sở thích: Ngủ nướng, ăn hàng, sắm đồ..
Trang cá nhân: Behance | Facebook | Instagram
RGB Creative Talk: Tuan Maxx và hành trình thiết kế cùng Album Hoàng


Trong dự án album Hoàng, chị Linh đã ưu ái giao vị trí Giám đốc mỹ thuật cho mình. Tự bản thân mình ý thức được rằng, đây là vị trí mà phải là người mà chị thật sự tin tưởng mới dám giao trọng trách. Vì chuỗi hình ảnh sẽ trải dài dự kiến cả năm trời. Hơn cả, Hoàng cũng dự án mà chị dồn rất nhiều tâm sức chuẩn bị và kỳ vọng vào nó rất rất nhiều.

Công việc cụ thể của mình trong dự án là phụ trách toàn bộ hình ảnh thiết kế, bao gồm tất cả các hình ảnh promo trên social lẫn các sản phẩm phát hành dưới dạng in ấn.

“Để Mị nói cho mà nghe” là phát súng đầu tiên cho chuỗi dự án Hoàng của Hoàng Thùy Linh. Đây không chỉ là một sự trở lại đơn thuần với diễn đàn âm nhạc mà là những gì Hoàng Thùy Linh muốn cho công chúng hiểu về mình, bằng những sản phẩm được lao động quyết liệt và toàn diện. “Tôi muốn ca khúc của mình có một sự hợp nhất hoàn chỉnh từ tiêu đề, giai điệu, ca từ cho đến hình ảnh của MV" - Hoàng Thùy Linh chia sẻ. Tuy đây không phải lần đầu tiên Hoàng Thùy Linh thổi sự nữ quyền vào sản phẩm, nhưng “Để Mị nói cho mà nghe" thực sự đặc biệt hơn, quen thuộc hơn nhưng cũng táo bạo hơn. 
Có thể đối với nhiều người, Tứ Phủ như một thế giới khác với Để Mị Nói Cho Mà Nghe, là một sản phẩm cầu kì, xa lạ với khán giả trẻ - những người đã yêu mến cô Mị nhiều nhất trong 2 tháng qua. Linh thấy sự khác biệt nhưng không xem đó là cản trở. Ngược lại, Linh cho rằng Để Mị Nói Cho Mà Nghe là một chiếc cầu nối, là cơ hội tuyệt vời để Linh được đến gần hơn với lứa khán giả trẻ mà khi đã đến gần rồi, Linh mang cho họ những điều gì. Nói nôm na thì Để Mị Nói Cho Mà Nghe là tiếng nói vượt thoát còn Tứ Phủ là một cuộc về nguồn. Tất cả đều là những trăn trở về nghệ thuật của Hoàng Thùy Linh. 


Tứ Phủ như đúng tên gọi của bài hát, đại diện cho bốn phủ Thiên (trời), Địa (đất), Thoải (nước), Nhạc (rừng), là một thế giới bao la và kì vĩ của văn hoá dân gian nội sinh Việt Nam mà giới trẻ cần được biết đến. Linh không tự cho mình có sứ mệnh gì cao đẹp, đơn giản là Hoàng Thuỳ Linh đang nắm bắt cơ hội để mang những thứ rất Việt Nam ấy đến cho người trẻ.  
Một năm trời ra vào phòng thu bất cứ khi nào có thể, sau một chuyến bay dài hay những buổi diễn vắt kiệt sức lực, cuối cùng thì cái album vol.3 mà từ lâu mà Linh đã quen với việc “tạm dừng" cũng hoàn thành. Một chữ “Hoàng" ngắn gọn, nhưng đủ đầy âm sắc và tinh thần của chính Hoàng Thuỳ Linh.   
Duyên âm - như một quan niệm của dân gian về những mối duyên cần phải cắt đứt, những điều không may mắn mà chẳng ai mong muốn. Nhưng cũng như một câu thành ngữ rất hay của người Nhật - “ichi go ichi e/nhất kỳ nhất hội" - chẳng mối duyên nào trên đời này vô nghĩa. Là duyên dương hay duyên âm, duyên thành hay duyên đoạn, cũng đều là định mệnh của cuộc đời chúng ta. Bản thân Linh, hoặc bất cứ ai trên Trái Đất này, đều phải trải qua những chuyện không lường trước, gặp những người chưa từng muốn gặp, chịu đựng những việc vốn nằm ngoài sức đề kháng của chính mình. Đó là những sự cố, những trải nghiệm đau thương, những người bạn bỗng một ngày thành thù, những lời gièm pha, những cái nhìn đố kị… mà ta không thể nào lên kế hoạch để tránh né. 
Với Kẻ cắp gặp bà già, Linh muốn thể hiện một khía cạnh khó nhất của người phụ nữ trong cuộc đời. Không phải là giai đoạn bạn muốn làm tất cả mọi điều, cũng không phải khi bạn đã đủ trưởng thành để vượt qua những đau thương. Đối với Linh, người phụ nữ đẹp nhất là một người phụ nữ vừa tự chủ, nhưng vừa biết yêu thương. Hoàng hậu trong câu chuyện đã dành hết chất xám, tâm sức để chiến thắng trên ván cờ của nhà Vua - người mình chung chăn gối. Chỉ với hai cung nữ, Hoàng hậu đã có sau lưng rất nhiều bá quan văn võ, đổi lại sau lưng nhà Vua một sự trống vắng đến hoang mang. 
Hoàng Thuỳ Linh và ê-kíp của mình đưa những mảng màu văn hoá đa diện vào những khuôn, đế rất hiện đại và tiệm cận với thế hệ Z, tạo ra sự liên kết gần với người xem trước khi dắt họ đi xa hơn đến những miền văn hoá.

Việc những giải thưởng lớn như Làn Sóng Xanh hay Cống Hiến trao hết các hạng mục quan trọng cho Hoàng Thùy Linh có lẽ không phải vì âm nhạc của cô có số liệu/ thứ hạng cao. Mà vì chúng thực sự mang đến một làn sóng tích cực về văn hoá, khiến những người trẻ phải tò mò và tìm hiểu, làm sống lại những giá trị rất Việt Nam. Đó chính là sự “cống hiến” mà khó có nhiều nghệ sĩ đương thời làm được.

Thiết kế   Tuấn Maxx    |   Nội dung  Phúc Du 

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!