Học chụp với máy ảnh ‘mô phỏng’

Nhờ phần mềm mô phỏng, người chụp có thể nắm một cách tổng quan các thông số phơi sáng ảnh hưởng thế nào đến chất lượng ảnh.

Mặc dù máy ảnh số ngày nay đã tối ưu hóa tính năng tự động đến mức người dùng gần như chỉ cần giơ máy lên bấm là đã có thể có được một bức ảnh đẹp. Tuy nhiên, khi bắt đầu muốn tìm hiểu thêm các tính năng chỉnh tay khác, không phải ai cũng đủ điều kiện có được máy ảnh bỏ túi cao cấp hay máy thay ống kính để thử nghiệm tác động của việc thay đổi từng thông số lên kết quả cuối cùng thế nào.

Đó chính là lý do trang web CameraSim đã xây dựng một mô hình màn hình máy ảnh giả lập, cho phép người dùng tự học hỏi ảnh hưởng của các thông số như độ dài tiêu cự, ISO, độ mở, tốc độ… lên bức ảnh cuối.

Khung hình
Khung hình “chào mừng” của CameraSim.

Khi truy cập vào trang này, bạn sẽ nhìn thấy một khung hình như trên với hình nền là một bé gái cầm cây chóng chóng đứng trước một sân chơi, như thể đang nhìn qua khung hình của máy ảnh vậy. Bên dưới là các thanh trượt dùng cho thông số như ánh sáng, khoảng cách từ người chụp tới bé gái, độ dài tiêu cự (ở đây lấy khoảng tiêu cự thông dụng 18 – 55mm), ISO, độ mở, tốc độ, các chế độ chỉnh và nút chụp ảnh.

Trang CameraSim thể hiện các hiệu ứng khoảng cách và tiêu cự khá tốt với bức ảnh ví dụ này. Người chụp chỉ việc điều chỉnh thanh trượt khoảng cách (Distance) sẽ thấy khoảng cách giữa máy ảnh với đối tượng thay đổi. Khi chụp gần lại, hiệu ứng mô phỏng khá chính xác độ lớn của đối tượng, theo đó, bé gái ở tiền cảnh sẽ có kích cỡ lớn nhanh hơn các cầu trượt ở hậu cảnh, giúp bạn dễ hình dung những thay đổi thực tế khi cầm máy ảnh.

Bức ảnh mô phỏng khi chụp ở khoảng cách gần nhất với ống góc rộng nhất.
Bức ảnh mô phỏng khi chụp ở khoảng cách gần nhất với ống góc rộng nhất.

Bức ảnh trên được mô phỏng khi chụp ở khoảng cách gần nhất (khoảng 0,3m) với ống góc rộng nhất (18mm). Khi bạn dùng thanh trượt tiêu cự (Focal Length) thay đổi, bạn sẽ thấy ảnh như được zoom gần hoặc xa nhưng kích cỡ phóng đại/thu nhỏ của tiền cảnh và hậu cảnh là như nhau, khác với khi bạn tiến gần hoặc ra xa đối tượng. Từ đó, khi chụp ảnh bạn sẽ tự quyết định điểm nhấn của mình mà dùng cách tiến lại gần hay chỉ cần zoom gần đối tượng.

Để học hỏi, tốt nhất nên bắt đầu với chế độ Ưu tiên của trập (Shutter Priority). Chỉ việc điều chỉnh thanh trượt, bạn có thể thay đổi tốc độ cửa trập để xem hiệu ứng tác động lên ảnh thể nào. Ví như bức dưới đây chụp với tốc độ 1/125, độ mở f/11:

Tốc độ 1/125s, độ mở f/11.
Tốc độ 1/125s, độ mở f/11.

Lưu ý tới chong chóng quay liên tục trên tay cố bé. Nếu giảm tốc độ, bạn sẽ thấy chiếc chong chóng này hoàn toàn mờ. Nhưng nếu thử đẩy lên 1/500 giây (lúc này độ mở được tự động giảm xuống f/5.6), bạn sẽ chụp được cánh chong chóng ở dạng đứng yên (hay còn gọi là đóng băng) như ảnh dưới đây:

Tốc độ 1/500s, độ mở f/5.6.
Tốc độ 1/500s, độ mở f/5.6.

Ở ngay dưới bức ảnh có sẵn các chỉ số sáng cho biết các thông số bạn vừa chỉnh sẽ khiến ảnh thiếu hay thừa sáng. Nếu chỉnh tốc độ quá cao trong khi độ mở quá khép, bạn sẽ thấy ngay con trỏ ở vị trí thiếu sáng (hàng số âm), lúc này có thể dùng cách tăng ISO để ảnh đủ sáng. Dùng cách này bạn cũng có thể thấy hiệu ứng của việc tăng ISO một mặt làm cho ảnh sáng hơn, một mặt sẽ làm ảnh bị nhiễu và vỡ như thế nào theo từng thang giá trị.

Bạn cũng có thể thay đổi các thông số độ mở (f/2.8 – f/36) để mô phỏng thay đổi độ sâu trường ảnh. Về lý thuyết, ảnh có độ mở càng lớn (f càng nhỏ) thì độ sâu ảnh càng nông và ngược lại. Ở chế độ mô phỏng này, với f/2.8, bạn sẽ thấy ảnh rất nét ở tiền ảnh, trong khi hậu cảnh nhòe mờ, tương tự như trên các máy DSLR thật. Nhưng lưu ý khi chỉnh độ mở lên f/36, thông thường bạn nghĩ sẽ có một ảnh với độ nét sâu lớn, nhưng kết quả lại là một bức ảnh nhòe mờ. Lúc này bạn hãy chú ý tới thông số tốc độ. Do khép khẩu quá lớn, tốc độ bị đẩy về mức 1/6 giây và lúc này ảnh sẽ bị nhòe do rung máy, bởi trung bình tay người chỉ có thể cầm chụp ở tốc độ khoảng 1/30 giây. Việc mô phỏng này cũng sẽ giúp bạn hiểu được không nên quá chú trọng vào độ mở mà không lưu tâm đến các thông số khác vốn cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng ảnh.

Sau khi đã quen, giờ là lúc có thể chuyển về chế độ chỉnh tay (Manual) để tự mình phối hợp các thông số để xem kết quả cuối cùng. Bạn có thể điều chỉnh thêm cả thanh trượt ánh sáng (Lighting) để tự mình trải nghiệm các thông số và độ mở thay đổi theo mỗi môi trường ánh sáng khác nhau như thế nào.

Dù chỉ là các mô phỏng bằng phần mềm, nhưng đây quả thực là một trang web rất hữu ích, cả cho những người đã có máy muốn học hỏi lẫn những người bắt đầu muốn tìm hiểu về các thông số phơi sáng trước khi quyết định đầu tư một khoản tiền cho DSLR.

 

 

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!