Với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư nhiều thời gian, công sức, nhóm sinh viên FPT Arena đã tạo nên “Hội Tễu” – bộ nhận diện thương hiệu đầy sáng tạo về bộ môn Nghệ thuật truyền thống Múa rối nước.
Giới trẻ và cái nhìn mới với nghệ thuật truyền thống
“Hội Tễu” là đồ án tốt nghiệp học kỳ I, được nhóm sinh viên lớp A2.2007E thực hiện dưới sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Minh Hằng. Với đề tài về Múa rối nước, nhóm sinh viên được đánh giá cao khi mạo hiểm lựa chọn xây dựng bộ nhận thương hiệu cho sự kiện của một bộ môn nghệ thuật văn hóa truyền thống thay vì một sản phẩm hay thương hiệu như hầu hết những đồ án khác.
Thông qua “Hội Tễu”, nhóm sinh viên thể hiện mong muốn truyền tải đến giới trẻ những nét đẹp của bộ môn nghệ thuật Múa rối nước ở Việt Nam nói riêng và tinh hoa văn hóa dân tộc nói chung. Điều này phần nào cho thấy người trẻ đang dành nhiều sự quan tâm hơn đến các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.
Sự đầu tư kỹ lưỡng, chỉn chu đến từng chi tiết
Chú Tễu là nhân vật tiêu biểu xuất hiện trong hầu hết các sân khấu kịch rối nước và được coi là linh hồn của nghệ thuật Múa rối nước ở Việt Nam. Tễu được tạo nên từ hình ảnh của một anh nông dân hiền lành, chất phác quấn khố vàng. Với khuôn mặt tròn trĩnh, nụ cười hóm hỉnh cùng mái tóc trái đào, Tễu đem lại cho người xem cảm giác vui vẻ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Trong Múa rối nước, Tễu có vai trò như một “MC” với nhiệm vụ mở màn, dẫn chuyện và bình phẩm sự đời. Chính vì vậy, có thể nói Tễu là nhân vật đem lại nhiều tiếng cười nhất cho khán giả khi xem múa rối.
Chú Tễu – Linh hồn của Múa rối nước
Được lấy cảm hứng từ những dáng vẻ rất đời thường, mộc mạc đó, logo “Hội Tễu” thể hiện sự vui tươi, phóng khoảng giống như tính cách của chính nhân vật Tễu, kết hợp với thủ pháp Typography trên hai tone màu chủ đạo là đỏ và trắng. Cụ thể, logo được kết hợp bởi ba chữ: chữ “T” là hình ảnh nhảy chân sáo của các em nhỏ, chữ “Ê” lấy cảm hứng từ nụ cười của chú Tễu và cuối cùng là chữ “U” đầy uyển chuyển. Tổng thể logo vừa có nét cổ điển, mềm mại, vẫn đảm bảo sự vững chắc về bố cục. Dường như còn có thể cảm nhận được, nó chứa đựng cả sự vui vẻ, gần gũi và chân chất.
Font chữ được sử dụng trong các ấn phẩm là SVN – A love of Thunder và Bree Serif Regular. Các họa tiết bổ trợ được đưa vào trong ấn phẩm được lấy ý tưởng từ chữ cái “e” trong logo và lá cờ lễ hội truyền thống của Việt Nam. Có thể thấy, các chi tiết đều mang những nét tính cách vui tươi của nhân vật Tễu kết hợp sắc thái rực rỡ của màu lễ hội.
Không khó để nhận ra, các tone màu chủ đạo được sử dụng xuyên suốt bộ nhận diện thương hiệu chính là những màu có trên lá cờ lễ hội: đỏ, vàng, xanh và trắng. Sự kết hợp màu sắc này tạo nên hiệu ứng thu hút thị giác mạnh mẽ, đồng thời truyền tải rất tốt thông điệp truyền thống pha trộn sự vui tươi, mới mẻ mà bộ môn nghệ thuật Múa rối nước muốn mang đến cho khán giả.
Ảnh nhân viên mang phong cách trò chơi dân gian
Đối với các yếu tố thuộc bộ nhận diện hình ảnh, nhóm sinh viên có sự bổ sung thêm những hình ảnh về bộ môn nghệ thuật Múa rối nước. Sân khấu múa rối nước, con rối, cô Tiên và các hình ảnh mang đậm tính lễ hội như con rồng, cá,… được tái hiện khá sinh động, độc đáo, đem lại cái nhìn mới mẻ hơn về loại hình nghệ thuật này.
Vé mời thương mại hạng “xa xa” được sử dụng trong triển lãm
Các ấn phẩm truyền thông và quà tặng cũng không ngoại lệ – bắt mắt, rực rỡ và mang màu sắc của lễ hội. Riêng bộ quà tặng với bưu thiếp, lịch để bàn và túi vải được đánh giá tương đối tốt bởi tính hữu dụng và vô cùng thân thiện với môi trường.
Thiết kế túi vải được dùng làm quà tặng trong triển lãm
Nhìn chung, xuyên suốt dự án là các yếu tố văn hóa truyền thống cùng với hình ảnh Múa rối nước được truyền tải một cách sống động, hài hòa, tạo nên một tổng thể đồng điệu. Hãy cùng ngắm nhìn thêm những hình ảnh đẹp đến từ dự án “Hội Tễu” được thực hiện bởi nhóm sinh viên tài năng đến từ FPT Arena nhé!
Để lại đánh giá