Nakagin Capsule – tòa nhà biểu tượng của kiến ​​trúc chuyển hóa luận ở Nhật Bản

Nằm ở phía bên ngoài khu vực Ginza sang trọng của Tokyo là Nakagin Capsule Tower, một tòa nhà kỳ lạ từng là tầm nhìn về tương lai của Nhật Bản.

Tòa nhà này được thiết kế bởi Kishokurokawa, người tiên phong của kiến ​​trúc chuyển hóa luận (Metabolism Architecture), một phong trào đầy tham vọng vào những năm 1960, nhấn mạnh ý tưởng về những tòa nhà năng động và có khả năng thích nghi với tốc độ phát triển nhanh chóng và liên tục thay đổi của thành phố tương lai.

Nhìn từ phía bên ngoài, tòa nhà này trông giống như một tổ hợp của nhiều chiếc máy giặt được xếp chồng lên nhau. Các căn phòng này được gắn vào (và cũng có thể tháo ra) hai lõi bê tông cao 11 và 13 tầng của tòa nhà. Mỗi căn phòng, với diện tích khoảng 10 mét vuông, được đúc sẵn và gắn vào lõi tòa nhà bằng 4 bu lông cao áp. Các phòng này, còn được gọi là phòng con nhộng, được trang bị tất cả các thiết bị cơ bản cần thiết và nhà vệ sinh có kích thước của một nhà vệ sinh trên máy bay.

Tòa nhà được xây dựng vào năm 1972 chỉ trong vòng 30 ngày. Kurokawa đã hình dung nó sẽ là bình minh của một thời đại mới. Thay vào đó, Nakagin Capsule Tower lại trở thành một điều không tưởng. Những căn phòng với tuổi thọ 25 năm này quá tốn kém để thay thế. Tòa nhà giờ đây đứng trơ trọi như một biểu tượng của sự lỗi thời, bị vây quanh bởi những tòa nhà khác thực tế hơn mọc lên như nấm.

Khi Kurakawa qua đời vào năm 2007, cư dân ở đây đã bỏ phiếu để phá hủy kiệt tác này của ông và thay thế bằng một tòa chung cư thông thường khác, sau khi đã quá mệt mỏi với những đường ống nước bị rò rỉ và bê tông đổ nát. Tuy nhiên kế hoạch này đã bị ngưng lại bởi vụ sụp đổ thị trường chứng khoán vào năm 2008.

Nhiếp ảnh gia Norita Kaminami bắt đầu ghi lại cuộc đời và số phận của Tòa nhà Nakagin vào năm 2010. Trong bảy năm tiếp theo, ông đã quay trở lại đây gần 10 lần. “Mỗi lần đến thăm tòa nhà này, tôi lại học được một vài điều về kiến ​​trúc và cư dân của nó”, ông nói.

Một số chủ phòng đã chuyển đi hoặc chuyển căn phòng thành văn phòng, trong khi những người khác chọn cách cải tạo và vẫn sống ở đó. Minami tránh chụp ảnh cư dân một cách trực tiếp, ông thích thể hiện sự hiện diện của họ thông qua các vật thể hơn. “Căn phòng giống như một container chứa đựng bản sắc, sở thích cá nhân, thị hiếu và phong cách của từng người.”

Minami hy vọng tòa tháp sẽ được bảo tồn như một biểu tượng của một phong trào mà các khái niệm về cuộc sống đô thị hiệu quả vẫn còn liên quan đến ngày nay. Nó cũng là một lời nhắc nhở về những xu hướng không trở thành hiện thực và một tương lai không bao giờ đến.

“Người ta không chú trọng lắm đến việc gìn giữ các kiến trúc đương đại ở Nhật Bản,” Minami chia sẻ. “Tôi hy vọng tòa nhà sẽ được giữ lại thay vì bị phá hủy đi vì các lý do kinh tế.”

  • Thiết kế: Kisho Kurokawa
  • Địa điểm: Ginza, Tokyo, Japan
  • Diện tích: 3,091.23 m2
  • Năm: 1970 – 1972
  • Hình ảnh: Noritaka Minami, Kisho Kurokawa

Theo National Geographic


THAM GIA CHIA SẺ Ý KIẾN VỀ CHỦ ĐỀ NÀY CÙNG ARC VIBES