Trải nghiệm Trade Marketing qua ngôn ngữ thiết kế

Từ marketing 1.0 những năm một ngàn không trăm, chúng ta đang tiến tới thời đại marketing 4.0 với nền tảng kỹ thuật số biến đổi không ngừng cùng nhiều định nghĩa marketing hiện đại. Nếu như Brand Marketing tập trung vào đối tượng là người tiêu dùng cuối cùng, trực tiếp sử dụng sản phẩm hay dịch vụ thì Trade Marketing lại nhắm vào các kênh phân phối hiện có hoặc đang xây dựng, nơi thay doanh nghiệp đưa sản phẩm tới tận tay khách hàng.

Webcover (1)

Vậy Trade Marketing là gì?

Có rất nhiều định nghĩa về khái niệm này ở Việt Nam hiện nay . Nhưng về cơ bản, Trade Marketing là phương pháp giúp người tiêu dùng nhận biết được sản phẩm và từ đó có ý định mua hàng. Trade Marketing nhắm đến khách hàng và phục vụ cho điểm bán sản phẩm.

“Dù bạn có làm Trade Marketing cho ngành hàng nào, công ty lớn hay nhỏ thì người mua hàng cũng là điều đầu tiên cần quan tâm, và “điểm bán” cũng là chiến trường cuối cùng quyết định thành bại.”

Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đã quá quen với siêu thị, với cửa hàng tiện lợi – nơi mà chúng ta bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những người làm tiếp thị, những lý thuyết dẫn dắt tâm lý chuyên môn. Nhưng ngoài kia vẫn còn những trải nghiệm mua sắm truyền thống thú vị – nơi không có máy móc, không có bảng giá, không có biển chỉ dẫn, nơi ngập trong những lời rao tiếng gọi.

Hãy cùng chúng tôi trải nghiệm một số hình thức Trade Marketing trong một môi trường rất quen thuộc – chợ truyền thống. Đó là nơi mọi người bán thực hiện Trade Marketing một cách nguyên thủy, sơ khai nhất nhưng rất thú vị và đáng để học hỏi.

GƯƠNG MẶT THƯƠNG HIỆU – ĐẠI SỨ NIỀM TIN

Artboard 5 copy 3

Ngay từ cổng chợ, chúng ta có thể bắt gặp ngay hình ảnh quầy thịt lợn với nào thủ, nào chân giò đến những thớ thịt đỏ tươi rói cùng người chủ cửa hàng với đôi tay to khỏe, cầm chiếc dao phay sắc lẻm thoăn thoắt thái từng miếng thịt cho khách. Quá trình biến tảng thịt to thành những miếng mỏng rồi cho vào túi gọn gàng chỉ diễn ra trong vài phút ngắn ngủi rồi lại đến lượt người khách tiếp theo.

“Với một người bán thịt như thế, hẳn đã có nhiều năm kinh nghiệm, sẽ biết thế nào là thịt ngon, mua của chú ấy thì quá yên tâm rồi!”

Đứng ở vị trí người mua hàng, hẳn chúng ta sẽ có suy nghĩ “chọn mặt gửi vàng” như thế khi đứng giữa bao nhiêu sự lựa chọn trong chợ. Chú bán thịt chính là gương mặt thương hiệu cho cửa hàng thịt, người mua hàng nhìn nhận chú như đại sứ niềm tin của họ. Đây chính là vị trí mà chúng ta vẫn hay gọi là PB (Promotion Boy) – những người đại diện doanh nghiệp, quảng bá giới thiệu sản phẩm trực tiếp với khách hàng tại điểm bán hoặc thậm chí cả trên đường.

Chắc bạn đã quen với sự xuất hiện của Sơn Tùng trên các quảng cáo của Oppo hay Isaac trên các banner của Samsung. Họ chính là “anh bán thịt lợn” mà nhãn hàng lựa chọn cho thương hiệu.

Luôn cập nhật – Luôn dẫn đầu

Artboard 5 copy 2

Nếu bạn tìm một cửa hàng – nơi bán mọi thứ từ A đến Z, từ bộ quần áo đến iphone đời mới, từ cái khăn đôi guốc tới nhà lầu xe hơi thì đó chính là cửa hàng vàng mã. Đối với những người đã đi xa, dương thế có gì, chúng ta đều mong muốn mang đến cho họ những điều như thế. Nên cũng vì vậy cửa hàng vàng mã luôn cập nhật những sản phẩm mới nhất vô cùng nhanh chóng.

“Trần sao âm vậy. Nhất định ngày lễ sẽ quay lại đây mua hàng”

Cập nhật chính là yếu tố quyết định thành bại, cả cộng đồng đang xôn xao về một sản phẩm mới, nếu bạn đang cung ứng sản phẩm đó, hẳn bạn sẽ lãi to hoặc không, khách hàng có thể sẽ ghi nhớ bạn với hình ảnh “chậm tiến”. Khi Apple cho ra đời chiếc smartphone đầu tiên của mình, cả thế giới hướng về họ, và cho tới giờ, dù các hãng công nghệ khác có cho ra đời bao nhiêu mẫu điện thoại mới doanh thu hàng năm của Apple vẫn là một con số đáng ngưỡng mộ.

Bắn trúng tim – Ghim trúng đích

Artboard 5 copy

Hãy trả lời thành thật, bạn có bao nhiêu bộ quần áo cất kỹ trong tủ hoặc mới “sờ” đến một hai lần? Với thói quen mua sắm của chị em phụ nữ, cứ rẻ là mua, cứ giảm giá là xách cả túi to về thì chắc số lượng quần áo không mặc đến cũng không hề nhỏ. Đi vào chợ là hàng quần áo giảm giá nhan nhản, họ bày cả đống cả đụn bên cạnh treo thêm chiếc biển “Mua 2 tặng 1”, “30 ngàn hai 3 áo”, “Áo dài 30 áo ngắn 15” thế là cửa hàng của họ lúc nào cũng nườm nượp người xô đẩy nhau xem hàng. Rồi có anh chủ còn bày thêm cặp loa thùng, ra sức hô hào gọi mời giảm giá, đi qua không nhìn thì tiếng loa cũng đập vào tai, khó mà không dừng lại xem đôi ba cái áo cái quần.

“Nhanh tay lựa cho mình một vài mẫu thích mắt thôi chứ sao, chẳng biết có vừa hay không”

Đấy họ còn chẳng cần biết họ có cần hay không, cứ mua đã. Rao bằng loa để xóa nhòa khoảng cách, thu hút khách hàng bằng nhiều ưu đãi. Vậy là nhắm trung tâm lý ham rẻ cùng hiệu ứng bầy đàn, hàng quần áo giảm giá đã thành công trong việc thu hút, khơi gợi trí tò mò và thôi thúc khách mua hàng.

Mà cũng đừng cười những khách hàng này nếu bạn nghĩ mình không giống họ. Bạn có chắc bạn sẽ nằm ngoài cuộc chơi nếu các hãng hàng không tung vé giá rẻ 0đ? Cũng giống như quần áo, cứ chọn cho mình tấm vé giá rẻ đã, mặc dù chưa biết sếp có cho nghỉ phép mà đi không. Các chiến dịch khuyến mãi chưa bao giờ lỗi thời, chỉ cần khéo léo lựa xem khách hàng của bạn cần gì là bạn đã thành công bước đầu rồi.

Ở đâu có bạn – Ở đó có tôi

29793595_459632224465811_2435473995974763302_n

Chiều hè oi oi, ngồi trong nhà nghe tiếng rao “Ai phớ khôngggg” là cuống cuồng chạy ra gọi cô bán phớ lại. Gánh hàng tào phớ hay lắm nhé, cô luôn mang theo đôi ba chiếc ghế. Khách ở đâu, cô bán ở đó, khắp mọi nơi, từ trước cổng trường cho tới vỉa hè, từ cổng chợ cho đến trung tâm hàng quán. Đôi chân thoăn thoắt quẩy gánh hàng đi khắp nơi, bộ áo bà ba đon đả mời khách ăn phớ. Có cảm giác như dù đi đến đâu cô cũng sẵn sàng “tào phớ” chúng ta vậy. Lời rao “Ai tào phớ đi” văng vẳng khắp ngõ ngách, phố phường đã tạo nên nhu cầu phát sinh cho người tiêu dùng.

“Cô ơi cho con bát nữa”

Chính sự tiện lợi về khoảng cách địa lý đã giúp lượng khách hàng mở rộng và doanh thu tăng cao. Chẳng thế mà chỉ trong thời gian ngắn, Vingroup đã mở hơn 1000 cửa hàng Vinmart trên khắp cả nước, ra đầu ngõ là gặp Vinmart, chai dầu lọ mắm giờ đến cả rau củ quả đều mua được ở Vinmart. Hệ thống mở hơn 50 cửa hàng mới mỗi tháng, đủ thấy họ đang thay đổi thói quen người tiêu dùng mạnh mẽ thế nào bằng chiến lược “Ở đâu có bạn – Ở đó có tôi”, như hình ảnh “cô tào phớ” quen thuộc với chúng ta.

Với góc nhìn mới về hình thức cũ của chợ truyền thống, thiết kế của artwork được lấy cảm hứng từ phong cách lập thể (Cubism). Ít ai nhìn nhận Trade Marketing trong chợ một cách nghiêm túc, cũng như ít ai nghĩ tới kết hợp một phong cách kinh điển Tây u cho những thứ rất đỗi quen thuộc ở Việt Nam. Từ việc xây dựng ý tưởng tới lựa chọn phong cách thể hiện, GAM studio mong muốn đem đến những tác phẩm khác biệt và thú vị.

“Nghĩ khác để làm khác” là tuyên ngôn sáng tạo mà chúng tôi muốn gửi gắm qua artwork “Trade trong chợ”. Vì quảng cáo là sáng tạo từ chất liệu đời sống, chúng tôi mong rằng bộ thiết kế này sẽ làm tốt sự mệnh truyền cảm hứng và đem đến góc nhìn mới cho marketer

Bài viết và thiết kế bởi: GAM7 | GAM Studio