Máy trạm ảo và công nghệ đám mây – tương lai của ngành công nghiệp VFX và animation?

Máy tính là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp hiệu ứng hình ảnh (VFX) và diễn hoạt (animation). Trong lịch sử, rất nhiều studios và hãng phim đã phải thay đổi cũng như trang bị cho mình những máy móc cần thiết để tạo dựng, hiển thị và lưu trữ nội dung sao cho hiệu quả nhất. Chi phí liên quan đến các khoản này cũng không hề nhỏ khiến các studios khá đau đầu khi quyết định đầu tư cho chúng.

Tuy nhiên với sự xuất hiện và phát triển của máy trạm ảo (virtual workstation) và các nền tảng công nghệ đám mây (cloud-based services), ngành VFX và animation dường như đã tìm được giải pháp thay thế và khả năng mở rộng linh hoạt hơn cho những cơ sở hạ tầng cồng kềnh truyền thống. Giờ đây các nghệ sĩ trong ngành có thể làm việc theo cách mà họ muốn, ở bất cứ nơi đâu mà không còn bị ràng buộc bởi phần cứng như trước nữa. Ngày càng có nhiều studios mới thành lập dựa hoàn toàn vào công nghệ đám mây. Ngay cả các studios với phần cứng sẵn có cũng đã và đang tăng cường tích hợp cơ sở hạ tầng của mình với dịch vụ này.

Một trong những sản phẩm được thực hiện trên nền tảng công nghệ đám mây của Untold Studios

Và rồi đại dịch chính là cú hích lớn khiến mọi thứ trong đó có ngành công nghiệp VFX phải thay đổi hoàn toàn khi làm việc tại nhà trở nên bắt buộc. Các studio và xưởng phim hoạt hình ở mọi nơi đã phải thay đổi cách làm việc của mình để giữ cho lịch trình được phân phối theo đúng tiến độ. Máy trạm ảo và các công cụ dựa trên nền tảng đám mây đã chứng minh là lựa chọn tất yếu cho các studios trong thời gian này.

Lợi thế của máy trạm ảo

Mặc dù các máy trạm vật lý đã ngày càng tiên tiến và trở nên dễ tiếp cận hơn, nhưng chúng vẫn khá tốn kém. Trong khi đó, một máy trạm ảo được chạy hoàn toàn trên nền tảng đám mây. Triển khai một máy trạm ảo chỉ yêu cầu một thiết bị và kết nối internet, ngay cả đối với các tác vụ phức tạp, tính toán chuyên sâu như hoạt hình 3D hoặc mô phỏng hạt, người dùng vẫn có trải nghiệm tương đương như với một máy trạm vật lý.

Cách mà các máy trạm ảo của AWS hoạt động

Giá cả cũng là yếu tố phân biệt lớn giữa máy trạm vật lý và máy trạm ảo. Chi phí máy trạm ảo được xác định dựa trên nhu cầu và cách sử dụng, trong khi máy trạm vật lý phải được đầu tư và trả trước. Các máy trạm ảo còn có ưu điểm cực lớn là các thông số kỹ thuật đều có thể được điều chỉnh nhanh chóng dựa trên từng dự án. Các studios có thể làm cho máy mạnh hơn đơn giản bằng cách điều chỉnh một số cài đặt cho máy trạm ảo, trong khi đối với máy trạm vật lý điều đó đồng nghĩa với việc mua thêm hoặc thậm chí thay đổi cả cơ sở hạ tầng. Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây đơn cử như Amazon Web Services (AWS), cung cấp nhiều phiên bản khác nhau cho phép kết hợp giữa dung lượng, bộ nhớ và tốc độ mạng được thiết lập riêng dành cho các nhu cầu về VFX và animation. Ví dụ: AWS cung cấp các máy trạm ảo chạy trên Amazon Elastic Compute Cloud (EC2) phiên bản G4, có GPU NVIDIA T4 Tensor Core và công nghệ Quadro, đồng thời có thể chạy bất kỳ ứng dụng sáng tạo nội dung kỹ thuật số nào.

Tangent Animation, Untold Studios, và Hive VFX là những cái tên dẫn đầu trong việc áp dụng phương thức mới để sản xuất nội dung

Làm việc trên những đám mây cùng Tangent Animation

Tangent Animation đã áp dụng công nghệ đám mây từ rất sớm, đơn cử là bộ phim hoạt hình Next Gen của hãng được tạo ra hoàn toàn bằng Blender và render trên nền tảng công nghệ đám mây. Hãng phim đã lên kế hoạch mở rộng quy trình làm việc của mình lên các dịch vụ đám mây và máy trạm ảo để xử lý những dự án sắp tới, bao gồm cả series hoạt hình đang được ngóng chờ Maya and The Three.

Một nghệ sĩ của Tangent Animation đang làm việc trên Next Gen

Tangent Animation cũng đã thử nghiệm các máy trạm ảo trên AWS từ cuối năm 2019 và cài đặt AWS Direct Connect để cung cấp đường truyền chuyên dụng và an toàn với AWS. Khi hãng phim này chuyển sang thiết lập văn phòng ảo, họ đã tăng cường kết nối đó cho phù hợp với định tuyến VPN và các nghệ sĩ của họ có thể tiếp tục làm việc với các dự án như bình thường, không khác gì khi sử dụng máy trạm vật lý.

Untold Studios tiếp tục thúc đẩy ranh giới sáng tạo trên nền tảng công nghệ đám mây

Untold Studios đã tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực sản xuất nội dung ngay từ thời điểm ra mắt năm 2018 hãng đã loại bỏ quy trình làm việc truyền thống và trở thành studio sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ đám mây đầu tiên trên thế giới. Từ việc sản xuất phim người đóng, hoạt hình, thiết kế đồ họa chuyển động cho đến tạo ra các sinh vật siêu thực hay phát triển nội dung gốc, Untold Studios đều sử dụng nền tảng công nghệ đám mây để làm việc trên nhiều định dạng, với trí tưởng tượng dồi dào và đầy ắp sự sáng tạo. Tất cả sức mạnh tính toán và bộ nhớ của Untold Studios đều nằm trên AWS, vì vậy các nghệ sĩ của hãng đều có thể làm việc từ mọi nơi trên thế giới.

Sự linh hoạt này đã chứng minh được lợi thế cho studio và khách hàng của mình khi họ chuyển cơ cấu hoạt động sang làm việc lại nhà. Việc cộng tác giữa các nghệ sĩ cũng tiện lợi hơn nhiều nhờ vào công nghệ đám mây. Mỗi cá nhân đều có thể truy cập và xem các tệp dự án một cách an toàn và tức thì từ bất kỳ đâu, cho dù ở bên trong hay bên ngoài studio. Họ có thể làm việc cùng với nhóm của mình và thực hiện công việc ngay lập tức, cho phép hành trình sáng tạo trôi chảy hơn. Về kế hoạch trong tương lai, Giám đốc Công nghệ Sam Reid dự kiến rằng Untold Studios sẽ tiếp tục phát triển đội ngũ nhân tài của mình và mở rộng tiềm năng bằng cách khai thác khả năng gần như vô hạn của AWS.

Nắm bắt xu hướng, Hive VFX nối bước trở thành studio ảo tiếp theo

Tương tự như Untold Studios, Hive VFX cũng đang hoạt động hoàn toàn dựa trên công nghệ đám mây. Studio ảo được thành lập bởi Bernie Kimbacher này là một tập hợp các nghệ sĩ làm việc cùng nhau theo từng dự án. Các dự án gần đây của hãng bao gồm phim hành động Spenser ConfidentialExtraction – bộ phim được sản xuất bởi Netflix và cũng là phim được xem nhiều nhất của hãng từ trước đến nay.

Một cảnh trong phim Spenser Confidential

Các nghệ sĩ của Hive VFX sử dụng quy trình làm việc chuẩn hóa bao gồm các giải pháp được thiết kế riêng và độc quyền, nhằm tiết kiệm chi phí và đơn giản hóa quá trình gia nhập cũng như làm quen của các nghệ sĩ mới. Mỗi máy trạm ảo đều được chạy trên AWS và có phần mềm tổng hợp Foundry’s NUKE cũng như Boris FX’s Mocha và Silhouette cho các tác vụ chuyên biệt. Autodesk Shotgun được sử dụng để quản lý dự án và tài sản, đồng thời giấy phép phần mềm được quản lý trên máy chủ ảo. Trong thời gian dự án tạm ngưng, quy mô máy móc được thu nhỏ lại một cách dễ dàng cũng giống như việc tăng quy mô lên khi dự án hoạt động trở lại.

Một tương lai ảo?

Có thể việc kết hợp các giải pháp nền tảng công nghệ đám mây vào quy trình công việc đã được các studios nghĩ đến trước đây, nhưng với tình hình thực tế của đại dịch thì chắc chắn việc này giờ đây đã được họ đẩy lên làm ưu tiên hàng đầu. Mặc dù ban đầu, ảo hóa quy trình công việc có lẽ là một nhu cầu ngắn hạn cần thiết để duy trì hoạt động, nhưng nhiều studio đã và đang tìm thấy những lợi ích đáng kinh ngạc thông qua cách làm việc mới này, giúp giải phóng họ khỏi các gông kiềng có tên gọi là phần cứng. Liệu đây có phải chỉ là một giải pháp tình thế? Với những điểm mạnh không thể chối cãi, rất có thể máy trạm ảo và công nghệ đám mây sẽ là tương lai tất yếu của công nghiệp VFX và animation.

Theo beforesandafters