Microsoft vừa công bố quyết định mua lại Activision Blizzard – công ty sở hữu nhiều tựa game nổi tiếng như Call of Duty, Diablo, Candy Crush – với số tiền cao kỷ lục tận 68,7 tỷ USD. Vậy lý do đằng sau vụ sáp nhập lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ này là gì? Tại sao Microsoft sẵn sàng chi một số tiền lớn chưa từng có như vậy cho một công ty sản xuất game?
Vụ sáp nhập được công bố ngày 18/1 và dự kiến hoàn tất trong năm tài chính 2023. Với định giá mỗi cổ phiếu của Activision Blizzard là 95 USD, giá trị của thương vụ là 68,7 tỷ USD và được trả bằng tiền mặt, theo công bố từ Microsoft.
Đây là vụ sáp nhập lớn nhất trong lĩnh vực công nghệ, vượt qua sự kiện Dell mua EMC với giá 67 tỷ USD năm 2016. Số tiền Microsoft bỏ ra cũng vượt xa mức 26 tỷ USD họ từng chi để mua mạng xã hội LinkedIn. Theo Bloomberg, có 5 lý do để hãng làm điều này.
Lý do Microsoft mua Activision Blizzard:
Tăng vị thế ở lĩnh vực game
Nếu giao dịch giữa Microsoft và Activision Blizzard được các cơ quan quản lý chấp nhận, tập đoàn phần mềm Mỹ sẽ trở thành công ty game lớn thứ ba toàn cầu sau Tencent của Trung Quốc và Sony của Nhật Bản. Thực tế, cả hai công ty cũng thừa nhận muốn “về chung một nhà” nhằm tăng vị thế của mình ở lĩnh vực game.
“Activision không thể tự mình cạnh tranh trong thế giới trò chơi mới”, Bobby Kotick, CEO Activision Blizzard, nói. “Bạn nhìn vào các công ty như Facebook, Google, Amazon, Apple hay Tencent và dễ thấy họ có quy mô rất lớn. Chúng tôi nhận ra mình cần một đối tác để hiện thực hóa những ước mơ và khát vọng đang theo đuổi”.
Chủ tịch Satya Nadella của Microsoft cũng đặt mục tiêu lớn ở mảng game trong thương vụ với Activision Blizzard. “Tham vọng của chúng tôi là mang lại niềm vui và sự thống nhất trong việc chơi game cho mọi người trên hành tinh”, ông nói với các nhà đầu tư trong cuộc họp hôm 18/1.
Thực tế, thương vụ sẽ ngay lập tức mang lại lợi ích cho Microsoft. Công ty có quyền tiếp cận 390 triệu người dùng hàng tháng của Activision và các thương hiệu trò chơi khổng lồ như Call of Duty và Warcraft. Theo công ty nghiên cứu Newzoo, game là một thị trường mang tính toàn cầu trị giá 180 tỷ USD. The Guardian đánh giá, việc sở hữu các trò chơi và tài năng của Activision sẽ giúp Microsoft như “hổ mọc thêm cánh” trong cuộc chiến với PlayStation của Sony cũng như dịch vụ chơi game từ nền tảng VR Oculus của Meta.
Kiểm soát mảng game mobile
Theo các chuyên gia, game mobile là phân khúc game phát triển nhanh nhất hiện nay. Trong khi đó, Activision sở hữu studio trò chơi King – đứng sau game Candy Crush – một trong số những game phổ biến nhất mọi thời. Ở chiều ngược lại, Microsoft gần như không có studio sản xuất game di động nào.
“Tất cả đều thừa nhận thiết bị chơi game số một hiện nay là điện thoại di động”, Phil Spencer, Giám đốc mảng Xbox và vừa được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành Microsoft Gaming, cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg.
Đầu tháng này, nhà phát hành game nổi tiếng Take-Two, công ty đứng sau GTA, Red Dead Redemption (Rockstar), cũng đã thâu tóm Zynga với giá 12,7 tỷ USD. Zynga chủ yếu tập trung ở mảng di động, như game nông trại FarmVille hay xây dựng thành phố CityVille. Theo giới chuyên gia, con số 12,7 tỷ USD phản ánh đúng giá trị của công ty game mobile trong thời đại mới.
Qua mặt cửa hàng ứng dụng Apple, Google
Nadella từng thừa nhận muốn xây dựng một đế chế chơi game di động đủ lớn để các game thủ có thể tải về và chơi trực tiếp thay vì phải thông qua cửa hàng ứng dụng App Store hay Google Play. Trước đây, Microsoft cũng nhiều lần “chiến tranh với Apple và Google về chính sách thu phí nhà phát triển trò chơi.
“Chúng tôi phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu, nhưng từ các nhà phân phối trò chơi hơn là từ những công ty tạo ra trò chơi”, Nadella cho biết trong một cuộc họp với nhà đầu tư hồi đầu tháng. “Chúng tôi cần đổi mới, đầu tư mạnh mẽ vào việc tạo nội dung và ít ràng buộc hơn về vấn đề phân phối”.
Trong khi đó, Spencer cũng nhấn mạnh việc phân phối game trên các thiết bị di động “đang được kiểm soát bởi hai công ty lớn”. Vì vậy, Microsoft muốn tăng khả năng triển khai game theo cách riêng và “không muốn bị kiểm soát”.
Metaverse
Đây có thể là mục tiêu lớn nhất của Microsoft khi mua lại Activision. Trong phát biểu của mình, Nadella đề cập đến metaverse và nhận định “game đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các nền tảng này”.
Nadella và Spencer cho biết Microsoft xem cộng đồng game thủ lớn xung quanh các game của hãng như Minecraft và Halo rất quan trọng, góp phần hiện thực hoá khái niệm metaverse – lĩnh vực công ty đang theo đuổi. Do đó, việc mua lại Activision sẽ giúp Microsoft xây dựng cộng đồng game lớn hơn, tận tâm hơn để tạo ra các metaverse của riêng mình.
“Khi nghĩ về tầm nhìn để hiện thực hóa metaverse, chúng tôi tin sẽ không có một metaverse tập trung, duy nhất và thực tế là cũng không nên có”. Nadella nói. “Chúng tôi cần nhiều nền tảng metaverse, cũng như một hệ sinh thái nội dung, thương mại và ứng dụng mạnh mẽ”.
Trong khi đó, The Guardian đánh giá bước đi của Microsoft cho thấy chơi game sẽ là trung tâm phát triển của công ty trong vũ trụ ảo tương lai, thay vì thiết bị hay phần mềm giống như các đối thủ khác.
Chiến lược ‘ba chữ C’
Nadella đưa ra mục tiêu “ba chữ C” cho Microsoft, gồm Cloud (Đám mây), Content (Nội dung) và Creator (Sáng tạo). Với việc thâu tóm Activision, công ty muốn đưa thêm nhiều nội dung hơn nữa vào dữ liệu đám mây để thúc đẩy doanh số bán hàng và kiếm về nguồn doanh thu ổn định.
Bên cạnh đó, thỏa thuận mới cũng cho phép Microsoft khai thác nhóm người chơi yêu thích tạo ra nội dung và thế giới trò chơi của riêng họ. Sau khi nắm Minecraft, LinkedIn và GitHub, Nadella cần mua sắm các tài sản lớn hơn để có thể tạo nên một cộng đồng những người sáng tạo khác.
“Nadella đã thất bại khi tiếp cận dịch vụ video xã hội TikTok, trong khi các cuộc thương thảo với Pinterest và Discord cũng không đi đến đâu. Nhưng Activision là lần thử mới nhất và ông ấy đã thành công”, Bloomberg bình luận.
Theo: vnexpress
Để lại đánh giá