Eleonora Ortolani, một sinh viên ngành Tương lai Vật liệu (Material Futures), vừa chế tạo ra thứ mà cô tin là thực phẩm đầu tiên được làm từ rác thải nhựa, như một phần trong dự án năm cuối tại trường thiết kế Central Saint Martins (CSM) mà cô đang theo học thạc sĩ.
Ortolani đã làm việc với các nhà khoa học để lấy một lượng nhỏ nhựa, phân hủy nó trong phòng thí nghiệm, rồi biến nó thành vanillin – vốn là phân tử hương vị trong vani. Sau đó, cô ấy biến lượng vanillin này thành món ăn mà cô ấy thích nhất: kem.
Ý tưởng cho công trình mang tên Guilty Flavours này xuất phát từ sự thất vọng của Ortolani khi thấy cách mà các nhà thiết kế hiện đang sử dụng nhựa tái chế. Cô cho biết chúng thường được làm thành những sản phẩm không thể tiếp tục tái chế được nữa vì nhựa đã bị nấu chảy với nhựa resin hoặc các vật liệu khác.
“Chúng ta thực sự đang khiến tình hình tồi tệ hơn bằng cách bán những sản phẩm này như một giải pháp cho vấn đề nhựa”, Ortolani nói với tờ Dezeen.
Bên cạnh đó, Ortolani cũng đang nghiên cứu thêm về giun sáp và vi khuẩn ideonella sakaiensis.
Giun sáp thường ăn sáp ong nhưng gần đây đã được phát hiện là có khả năng tiêu hóa túi nhựa theo cách tương tự. Còn vi khuẩn ideonella sakaiensis được phát hiện bên ngoài một nhà máy tái chế chai ở Nhật Bản, được cho là đã tiến hóa để có thể chuyển hóa nhựa PET.
Nó khiến Ortolani tự hỏi, liệu có cách nào con người có thể ăn nhựa và loại bỏ nó vĩnh viễn không?
“Tôi chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình thực sự có thể làm thức ăn từ nhựa,” cô nói.
Vanillin tổng hợp đã và đang được bán phổ biến trong các siêu thị như một chất thay thế rẻ hơn cho vani tự nhiên.
Loại vani tổng hợp này thường được sản xuất từ dầu thô, có cùng nguồn gốc nhiên liệu hóa thạch với nhựa, đây là một phần lý do khiến Ortolani chọn phân tử hương vị này cho thí nghiệm của mình.
Ortolani giải thích rằng các nhà khoa học đã thiết kế một loại enzyme mà họ đặt vào vi khuẩn E. coli để cho phép vi khuẩn này cắt đứt các liên kết siêu bền giữa các phân tử trong cấu trúc của nhựa như một phần của quá trình trao đổi chất. Một enzyme khác sau đó tổng hợp các phân tử không liên kết này thành vanillin.
“Vào thời điểm mà các enzym đầu tiên phá vỡ chuỗi, nó không còn là nhựa nữa. Nó không còn là polyme nữa. Nó là monome. Nó là nguyên tố.”, Ortolani cho biết.
Tuy nhiên, không nên nhầm lẫn sản phẩm của quá trình này với hạt vi nhựa (microplastic), vốn vẫn là nhựa ở cấp độ phân tử.
“Microplastic trông giống như một phân tử, nhưng nó thực sự vẫn là một mảnh nhựa rất nhỏ chưa bị phá vỡ,” Ortolani nói.
Mặc dù phân tử vanillin được làm từ nhựa này có thể giống hệt về mặt hóa học với vanillin tổng hợp hiện có, nhưng nó được các cơ quan an toàn thực phẩm coi là một thành phần hoàn toàn mới và các nhà khoa học sẽ không cho phép nếm thử cho đến khi nó đã trải qua tất cả các thử nghiệm để chắc chắn là nó an toàn để ăn.
Ortolani đã giới thiệu “món kem nhựa” đặc biệt này trong tủ lạnh có khóa tại buổi triển lãm sau đại học của CSM. Cô hy vọng dự án của mình sẽ bắt đầu một cuộc trò chuyện về những gì chúng ta coi là tự nhiên so với tổng hợp, và những nhận thức đó có thể cản trở mục tiêu tiến tới an ninh thực phẩm trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu như thế nào.
“Nếu tôi nói với bạn rằng ‘có một thành phần trong món kem đó đến từ rác thải nhựa’, bạn sẽ hoàn toàn kinh tởm về điều đó. Nhưng khi bạn hiểu rằng về cơ bản mọi thứ đều là một phần của cùng một hệ sinh thái, và nhựa cũng vậy, thì điều đó không còn điên rồ nữa,” Ortolani nói thêm.
“Bản chất tự nhiên không ngừng phát triển và chừng nào chúng ta còn coi nhựa là thứ gì đó nằm ngoài tự nhiên, chúng ta sẽ không thực sự hiểu cách giải quyết vấn đề.”
Ortolani hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu của mình và hy vọng sẽ thu hút sự tham gia của các đầu bếp trong giai đoạn tiếp theo của dự án. Cô cho rằng quá trình tương tự cách biến nhựa thành vanillin một ngày nào đó có thể được sử dụng để sản xuất protein hoặc carbohydrate.
Theo: Dezeen
Ảnh: Mael Henaff
Để lại đánh giá