Thương Đinh: “Mình đã “gói ghém” những yếu tố sáng tạo xung quanh vào một tác phẩm sáng tạo”

Thương Đinh – Một sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội. Thương Đinh có một dự án cắt dán với câu chuyện Ông già và biển cả, tạo ra ấn tượng đậm nét khi ngắm nhìn về nó. Đó là sự uyển chuyển trong cách sử dụng chất liệu, tính mạnh mẽ của đường path (đường viền) được cắt, và cả bố cục nhấn mạnh câu chuyện, cách kể chuyện… Nhờ đồ án mà cô có những thể nghiệm sáng tạo mới mẻ trong chất liệu, cách sử dụng màu sắc, bố cục. RGB có cơ hội cùng trò chuyện với Thương Đinh và những câu chuyện của cô ấy – cách mà cô đã thực hành sáng tạo như thế nào.

Thương Đinh có thể giới thiệu đôi chút bản thân đến độc giả của RGB? Những lần tiếp cận sáng tạo đầu tiên của bạn là gì?

Xin chào, mình là Thương Đinh, hiện là sinh viên Đại học Mỹ thuật công nghiệp, đang sinh sống tại Hà Nội. Mình còn nhớ lần tiếp cận sáng tạo của mình đầu tiên: từ hồi bé, mình còn nhớ là những dịp thường hay mua báo Hoa Học Trò, Trà sữa cho tâm hồn hàng tuần. Trong những trang báo đó có rất nhiều tranh minh hoạ của các họa sĩ khác nhau. Nhà mình cũng nhiều sách tranh có minh hoạ nữa. Nên mình đã vẽ bắt chước theo các tranh trên báo, trong các sách đó, các nhân vật manga… 

Lúc đó khoảng cuối cấp II. Thời đi học mình cũng chỉ vẽ chơi vẽ vui thôi, mọi người hay khen lắm. Nhà mình thì không ai theo nghệ thuật hết, mọi thứ mình tìm được tiếp cận được đều qua internet và sách báo. Phải đến lúc vào đại học mình mới thật sự được học vẽ từ căn bản, mới hiểu về nghề, được gặp nhiều bạn bè chung sở thích và gặp các hoạ sĩ (đặc biệt là hoạ sĩ minh hoạ), góc nhìn mình được mở rộng hơn và nhận ra mình thật sự muốn làm họa sĩ minh họa.

Mình có biết đến dự án Ông già và biển cả, bạn đã có những học hỏi gì từ dự án này?

Dự án Ông già và biển cả cho mình nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Về kỹ thuật, truyện “Ông già và biển cả” mình minh hoạ là một sự thử nghiệm với collage. Quá trình nhặt nhạnh những vật liệu để tạo chất liệu như xốp, màng xốp hơi, que gỗ. Cách cắt mảng, rồi dán lại như thế nào, dùng keo dán gì, mình đã thử qua nhiều loại keo để tìm ra loại không làm cong giấy… Mình cũng rút kinh nghiệm về cách phân bổ thời gian sao cho đúng tiến độ, kinh nghiệm in ấn, và quản lý tệp mềm. Mình đã bị hỏng phần mềm tệp Photoshop trước thời gian giao nộp hai hôm mà sợ quá trời, không cứu được phải làm lại rất mất thời gian.

Các tác phẩm của bạn thường được tác động bởi nhiều yếu tố xung quanh, thường bạn đã “gói ghém” nó như thế nào để thành một tác phẩm sáng tạo?

Khi mà mình bị ấn tượng bởi một khung cảnh, hay đọc một câu chuyện hay, thì lúc đó trong đầu mình đã tự hình thành hình ảnh hằn sâu gắn liền với kỷ niệm đó, điều này cũng chính là linh hồn của bức tranh. Tất nhiên là trong tưởng tượng với thực tế bao giờ cũng khác nhau, mình cần căn chỉnh bố cục, tìm hình ảnh tham khảo, cân bằng các yếu tố thị giác, hoặc đôi khi sẽ thêm thắt / lược bỏ những thứ so với tưởng tượng ban đầu, và hoàn thiện.

Thương Đinh có thể kể về kỉ niệm dự án liên quan đến sự tác động mạnh mẽ của môi trường sống đến tác phẩm bạn không? Bạn học được điều gì?

Mình thích những buổi đi chơi với bạn bè, sau quãng thời gian dài làm việc căng thẳng thì mọi người hẹn nhau đi đâu đó hòa mình với thiên nhiên, nói chuyện tâm sự. Không hiểu sao mỗi lần hẹn nhau trời hay mưa, nhưng không sao mưa vẫn rất chill. Mình thích cái không khí mưa trong rừng cây, và cảm giác của chính lúc đó thôi thúc mình vẽ lại nó. Cơ mà phải sau khi về nhà mình mới bắt tay vào vẽ theo trí nhớ vì không chụp lại ảnh. Bài học: luôn mang theo máy ảnh/ điện thoại khi có thể vì những khoảnh khắc xung quanh có thể đẹp bất ngờ. Nếu được thì có thể phác thảo tại chỗ trực tiếp luôn vì như vậy có thể bắt được trạng thái đúng nhất khung cảnh mình chứng kiến. Chụp nhiều ảnh vừa lưu giữ kỷ niệm, vừa có nhiều hình ảnh tham khảo để vẽ và hãy đi chơi cùng bạn bè / người thân nhiều hơn vì đấy sẽ là kỷ niệm quý giá.

Quy trình sáng tạo vẽ của bạn là gì? 

Đầu tiên sau khi có brief (yêu cầu sáng tạo), có chủ đề, mình sẽ lên danh sách ra các từ khóa để tìm hiểu, cần hiểu rõ điều mình cần truyền tải. Sau đó thì bắt tay vào phác thảo trên giấy: nhân vật, bối cảnh, bố cục, các yếu tố thiết kế cần cho tranh theo tuỳ từng dự án. Nếu đã ổn với bản phác thảo, mình sẽ làm hoàn thiện, cái này tùy vào chất liệu mình dùng. Nếu làm collage thì mình tạo các chất liệu trên giấy, màu sắc theo bảng màu mình chọn cho dự án đó.

Rồi từ các tờ giấy đó mình cắt tạo hình theo phác thảo rồi dán lên tờ giấy mình chọn làm nền. Sau khi dán xong mình đem scan hoặc chụp và chỉnh sửa thêm bằng phần mềm Photoshop. Điều mình tâm đắc nhất có lẽ là bộ sưu tập giấy mình đã làm vì nó mang tính độc bản, và những tờ báo tờ rơi mình gom lại, mỗi một tờ giấy là một chất liệu khác nhau, và cách kết hợp các chất liệu đó trên tranh của mình trở nên đặc biệt.

Khi sáng tạo bạn có làm song song với điều gì khác?

Những lúc cần phác thảo ý tưởng, những cái cần tập trung cao độ thì mình chỉ làm một việc duy nhất là phác thảo thôi. Mình muốn yên tĩnh để tập trung. Còn những lúc có đầy đủ phác thảo, hình dáng mình cần rồi hay chỉ là công đoạn chỉnh sửa hoàn thiện, mình sẽ nghe thêm nhạc. Một số album để chạy deadline mình hay bật là Abbey Road – The Beatles, White Pony – Deftones hay Những khúc ca Việt cổ – Lê Cát Trọng Lý,… cái này cũng chỉ là sở thích cá nhân của mình.

Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!