Một tương lai không màn hình

Công nghệ thực tế ảo đã thay đổi cách con người chúng ta tương tác với công nghệ như thế nào?

rgb.vn_mot-tuong-lai-khong-man-hinh_01

Đây có thể là một sự thật không mấy hay ho, nhưng ở thời điểm này, có lẽ bạn đang thông thạo từng ngõ ngách của mạng xã hội Facebook hơn chính chiếc giường thuở ấu thơ của mình. Công nghệ đang len lỏi vào cuộc sống thường ngày của chúng ta, đã biến một cuộc tản bộ tới cuối đường để lấy một tờ báo trở thành một cú lộn ngoạn mục xuống cuối giường và nhấn nút trong chệnh choạng.

Nhưng cũng giống như cuộc chuyển đổi về phía thế giới số, khi ta rời bỏ báo giấy và những chương trình radio sau bữa tối để đến với mạng xã hội và màn hình, “thực tế mới” này đang mon men đến gần – một cơn địa chấn của sự thay đổi.
Nếu ý kiến của những nhà công nghệ và những nhà tương lai học là đúng thì sớm thôi, chúng ta sẽ không còn phải lái xe trên những con đường, chỉ cần nằm trên giường với một cặp kính đeo.

Thế giới trực tuyến mà chúng ta vốn quen thuộc đang chuyển biến từ chỗ chỉ là một màn hình cho tới cả một không gian ảo – sự biến chuyển không chỉ thể hiện ở việc công nghệ trông như thế nào, mà còn thể hiện ở cách chúng ta tương tác với nó.
Công nghệ thực tế ảo sẽ không chỉ phản ánh các hành vi xã hội của chúng ta, công nghệ này còn dấy lên một vài câu hỏi rất thú vị và thiết thực về một thứ chúng ta vẫn cho là hiển nhiên: Không gian.

Vậy chúng ta sẽ tương tác với chiều không gian mới này như thế nào? Liệu các doanh nghiệp đã nghĩ về các tương tác mới của không gian này chưa? Và chúng sẽ thay đổi cách chúng ta tương tác với công nghệ như thế nào?

[quote]Lược sử về công nghệ (và cách chúng ta tương tác với chúng)[/quote]

Vài tuần trước, tôi và một người bạn thảo luận về tương lai của công nghệ thực tế ảo, và cuộc hội thoại bằng một cách nào đó, luôn luôn quay về cùng một lối: “Đương nhiên công nghệ thực tế ảo là một trải nghiệm thú vị – Tôi rất mong chờ để có thể chơi tàu lượn siêu tốc bất cứ khi nào tôi muốn – nhưng tôi vẫn chưa hiểu làm sao để chúng ta tương tác với các khía cạnh hai chiều trong một không gian ba chiều?”
Giao diện quen thuộc ngày nay được sử dụng phổ biến cho smartphone hay laptop như giao diện bạn đang sử dụng để đọc bài viết này được gọi là Giao diện Đồ họa Người dùng (Graphical User Interface/GUI), được sử dụng phổ biến bởi Xerox, Apple, và Microsoft trong những năm 80.

rgb.vn_mot-tuong-lai-khong-man-hinh_02

Chúng ta đã đi một chặng đường dài trong cách tương tác với công nghệ. Trong những ngày đầu, các lệnh sẽ được đưa ra thông qua việc gõ những đoạn mã bí hiểm, và khó hiểu vào một màn hình đen.

Qua thời gian, các vị thánh công nghệ (Jobs, Gates,…) đã dần dần đưa vào các cải tiến, từ đó khiến cho việc đưa ra các lệnh cho máy tính trở nên đơn giản và trực quan. Việc gõ các lệnh dần dần được thay thế bởi các biểu tượng. Các biểu tượng này lại có thể được chọn và kéo thả bởi chuột máy tính – hành động chúng ta coi là hiển nhiên ngày nay, nhưng thực tế lại là một cải tiến công nghệ vĩ đại.
Giờ đây, những trải nghiệm của chúng ta với giao diện đồ họa đã giống như một bản năng thứ hai.
Trình duyệt của ta sẽ biết từ mà chúng ta muốn gõ. Các thiết bị di động sẽ cho phép chúng ta kéo thả, phóng to thu nhỏ, chạm, và chọn chính xác nơi ta muốn.
Tóm lại, sau 30 đến 35 năm cải tiến công nghệ máy tính cá nhân, chúng ta đã tiến được tới điểm mà tất cả mọi người đều có thể dùng máy tính, bao gồm cả bà của bạn. Và nếu như bà không thể, chắc hẳn là do bạn chưa mua cho bà một chiếc máy tính bảng. (Đến cái điều khiển của bà còn có nhiều hơn bảng điều khiển của một chiếc 747 những 38 nút. Chắc chắn bà có thể sử dụng một chiếc máy tính bảng.)
Khi ta hiểu được những tiến bộ này, cũng là khi ta hiểu ra được một sự thật tuyệt vời, rằng ngay khi chúng ta đã làm chủ được kỉ nguyên công nghệ cũ, thì cũng là lúc chúng ta đang đứng ở trước thềm của một kỉ nguyên công nghệ mới.
Những thứ chúng ta thường trải nghiệm và thiết kế ở mức độ chuyên gia – thường được gọi là giao diện – nay lại là thứ mà cả nhà thiết kế và người dùng cần phải thực sự xem xét lại, theo một cách hoàn toàn mới.

[quote]Thiết kế cho không gian ảo[/quote]

Hãy lấy Netflix với giao diện người dùng đơn giản một cách ấn tượng làm ví dụ. Bạn chỉ cần vào website, cuộn chuột qua danh sách phim, click chọn, và xem phim. Nhưng giao diện này sẽ biến đổi như thế nào nếu đặt trong hoàn cảnh màn hình trở thành thứ thừa thãi? Lúc này, đột nhiên sẽ có vô vàn những yếu tố mới cần được cân nhắc.

Yếu tố đầu tiên là không gian: thứ mà chúng ta không phải tính đến trong trải nghiệm truyền thống.
Tuy nhiên, thực tế ảo lại là một thứ hoàn toàn khác. Chúng ta đeo kính vào, chọn Netfilx, và ngay lập tức, ta đã thấy mình ở trong một phòng đăng nhập. Và khi ta nhìn ra xung quanh, ta sẽ thấy mình đang ngồi trên một chiếc ghế sofa màu đỏ, ngay trước một màn hình 60 inch khổng lồ –  và lần đầu tiên, ta biết thế nào mà tỉ lệ ảo.

rgb.vn_mot-tuong-lai-khong-man-hinh_03.jpeg

Netflix với công nghệ thực tế ảo (được hoàn thiện với khung nền là núi tuyết)

Ta sẽ không còn phải dựa dẫm vào Sony hay LG để chờ đợi họ sản xuất các TV chuẩn HD nữa. Căn phòng của Netflix cho ta trải nghiệm màn hình TV lớn nhất tôi từng thấy, và họ thậm chí còn đặt nó trong một cái lò sưởi khổng lồ. Sở hữu một màn hình 60 inch gói gọn trong màn hình 5 inch của tôi thực sự là điều tôi chưa tính đến khi đặt chân vào thế giới thực tế ảo (đấy là còn chưa kể đến khung cảnh núi tuyết hung vĩ trải dài qua ô cửa sổ).
Trước khi ta đến với các chức năng cơ bản, chúng ta cần phải tiếp xúc với không gian. Điều này đặt ra một vài câu hỏi cho không chỉ Netflix, mà còn rất nhiều các điểm đến số khác mà tất cả mọi người đều quen thuộc.
Hãy thử tưởng tượng với Google, YouTube, và Facebook. Làm thế nào để ta định vị được các thanh menu cơ bản hiện tại đang được hiển thị dưới dạng 2D?
Làm sao để một thứ đơn giản như Google có thể thay đổi sang thực tế mới này? Liệu chúng ta có thể tìm kiếm bằng giọng nói? Bằng tay? Hay liệu ta có thể dạo quanh các thanh menu để tiếp cận một số chức năng nhất định?
Và ta thậm chí còn chưa bàn đến chuyện những môi trường này sẽ trông như thế nào, chúng có cảm giác, và âm thanh ra sao.

[quote]Chạm tay vào thế giới thực tế ảo[/quote]

Có rất nhiều các tính năng định hướng chúng ta cần phải làm quen. Nếu như trước kia chỉ đơn giản là chỉ vào và click chuột, nay, lệnh này được biến hóa vô cùng đa dạng phụ thuộc vào thiết bị bạn sử dụng. Một số thiết bị sẽ yêu cầu bạn định vị với dấu ngắm bằng chuyển động của đầu (thay vì sử dụng chuột để di chuyển). Để chọn đối tượng, biểu tượng, hay đoạn văn, ta sẽ ấn vào một nút được thiết kế trên thiết bị đội đầu.
Trong một vài trường hợp khác, ta cũng có thể sử dụng găng tay để điều khiển vật thể trong không gian ảo hoặc chọn đối tượng trong menu.

rgb.vn_mot-tuong-lai-khong-man-hinh_04.jpeg

Và sau ngần ấy năm, cuối cùng thì giọng nói của chúng ta đã được sử dụng theo đúng bản chất tự nhiên của nó. Sau hàng loạt những bối rối khi ứng dụng với các thiết bị di động, sử dụng giọng nói trong không gian thực tế ảo dường như trở nên vô cùng hợp lý bởi môi trường này không có sự hỗ trợ của chuột hay bàn phím.
Và khi ta đã đắm mình trong một thế giới ảo với tiềm năng bất tận, cảm giác phải quay lại thế giới thật, chật vật với bàn phím để tìm kiếm chắc hẳn sẽ rất kì cục.
Đột nhiên, tất cả những phương pháp đi đầu của chúng ta trong việc tương tác với công nghệ đều đi theo phong cách tái tạo hiện thực (skeumorphic). Bạn đã thử sử dụng một bàn phím thực tế ảo chưa? Bật mí nhé, nó thực sự không ổn đâu.

[quote]Nhưng không thể phủ nhận, nó đang phát triển[/quote]

Nếu lịch sử là những dấu mốc, thì giai đoạn chúng ta sắp đi qua, sẽ là giai đoạn tuy thú vị nhưng khá buồn cười của kỉ nguyên thực tế ảo, nó sẽ tương tự như Geocities với web những ngày đầu, poking với Facebook những ngày đầu, và Seaman với Sega Dreamcast.
Sẽ chẳng có bằng chứng nào đủ để khiến luận điểm trên trở nên thuyết phục bằng việc bạn hãy xem đoạn clip về thử nghiệm Facebook thực tế ảo này, đây dường như là một buổi họp lên ý tưởng, được phát sóng trực tiếp. Facebook đang ném mọi ý tưởng có thể, từ các ý tưởng cũ (như một phiên bản khác của Paint) đến những ý tưởng mới (như hình ảnh 360) lên bàn đánh giá, để xem đâu là ý tưởng có thể trụ lại.
Trong khi các công ty công nghệ đang cạnh tranh trong từng chi tiết nhỏ nhất kiến tạo trải nghiệm người dùng, cùng lúc đó phát triển hệ thống những chức năng định hướng cơ bản, câu hỏi hợp lý lúc này có lẽ là làm thế nào và ở đâu, chúng ta sẽ thực sự tương tác bên trong không gian thực tế ảo này.
Bên cạnh những nỗi lo về sự cô lập sẽ ngày càng lớn mạnh, rất nhiều chuyên gia đã dự đoán một cách đầy hứa hẹn rằng thực tế ảo, thực chất sẽ giúp ta kết nối với người khác nhiều hơn bất cứ khi nào.

Trong một bài TED Talk gần đây, giám đốc, và người tiên phong trong lĩnh vực thực tế ảo, ông Chris Milk không cho rằng mũ đội đầu là một nền tảng công nghệ – ông cho rằng đây là một nền tảng mang tính nhân văn nhiều hơn. Và dù cho lời tuyên bố này có mang tính lý tưởng hóa, hay sến sẩm đến mức nào, ông cũng cho rằng công nghệ này chính là một yếu tố quan trọng trong lịch sử kể chuyện và tương tác của con người.

rgb.vn_mot-tuong-lai-khong-man-hinh_06.jpeg

Kể từ khi chúng ta nắm bắt được khả năng trò chuyện, trao đổi, chúng ta đã chia sẻ những trải nghiệm của bản thân cho người khác – thông qua văn hóa truyền miệng, sách, radio, TV, phim, và các website. Điểm chung của các hình thức trên, là chúng ta phải (bằng các cách khác nhau) sử dụng trí tưởng tượng của mình thể cảm thông với nhân vật chính của người kể chuyện. Bất kể trải nghiệm đó như thế nào, chúng ta cũng sẽ luôn lấp đấy các chỗ trống bằng trí tưởng tượng của bản thân. Điều khiến công nghệ thực tế ảo khác biệt với các hình thức khác, Milk cho rằng, đó là cuối cùng, chúng ta đã có thể trải nghiệm một câu chuyện, theo đúng bản chất của nó, là theo góc nhìn của người kể chuyện.
Thay vì kể câu chuyện về những con người ở đâu đó xa xôi, dù họ có là người tị nạn, những người phải chịu đựng hoàn cảnh vô cùng khó khăn, hay đó là một người tối cổ đang săn động vật có vú – Công nghệ thực tế ảo có thể đặt chúng ta trực tiếp vào môi trường đó. Và câu chuyện đột nhiên trở thành “Chúng ta”. Và đó là lý do tại sao các chuyên gia khi thảo luận về các vấn đề đa dạng trong công nghệ thực tế ảo, từ những hướng dẫn thế thao, cho đến những hướng dẫn sử dụng công nghệ thực tế ảo tương tự, thường gọi chúng là cỗ máy đồng cảm.

[youtube]http://www.youtube.com/watch?v=iXHil1TPxvA[/youtube]

Khoảnh khác tuyệt vời và thú vị nhất trong đoạn hướng dẫn phía trên (tin tôi đi, tôi đã chờ đợi nó trong khi đếm ngược thời gian theo đồng hồ) là khoảnh khắc người dùng phấn khích, không phải ở màn biểu diễn của Cirque de Soleil, hay là khoảnh khắc không trọng lượng, lơ lửng trong hệ mặt trời, mà chính là khoảnh khắc ngồi cùng những người Mông Cổ, và trải nghiệm những sắc thái khác nhau của một nền văn hóa mới. Đương nhiên, chiếc chuông nổ tung và tiếng huýt sáo cũng tuyệt, nhưng nó thực sự rất thú vị khi một trong những sự hấp dẫn cơ bản nhất đối với con người chúng ta chính là việc kết nối với những người khác và khám phá môi trường sống của họ một cách hiếu kì.  Một lần nữa, với công nghệ thực tế ảo, bạn không chủ quan hóa trải nghiệm của ai đó, mà bạn thực sự trở thành một phần của trải nghiệm đó.

Và khả năng tuyệt vời của công nghệ thực tế ảo chưa dừng lại ở đây. Milk đưa ra ý tưởng của sự hòa nhập xã hội tiến một bước xa hơn, đó là những không gian ta tới thăm sẽ nhanh chóng vượt ra xa hơn những địa điểm vật lý. Thay vì thăm nhà ai đó, hoặc họp hành ở một bãi biển xa xôi, chúng ta có thể thâm nhập trực tiếp vào cảm xúc và suy nghĩ của ai đó. Milk đề cập hiện tượng này như việc lướt qua những cảm xúc thô sơ, và những hàm ý ở đây là vô cùng. Hãy tưởng tượng chính bạn, đang ngả người ở một bãi biển khi hoàng hôn – một nhóm bạn của bạn và người dân địa phương ở bên cạnh – với một đường ống trực tiếp dẫn đến cảm xúc của họ. Thay vì dựa vào lời nói của họ và trí tưởng tượng của bạn để chủ quan hóa những trải nghiệm, nếu bạn thực sự là một phần của chúng thì sao? Liệu công nghệ thực tế ảo có biến mạng xã hội trở thành xã hội thực sự? Những cải tiến về mặt không gian và xã hội này sẽ không chỉ mang đến những chuyển biến cho các cá nhân như bạn và tôi, mà chúng còn có những ảnh hưởng to lớn đến những công ty công nghệ mà chúng ta quen thuộc. Hiện tại, chắc hẳn ai trong chúng ta có một danh sách nhạc trong tầm tay – danh sách đã được đo ni đóng giày qua những sở thích cá nhân của chúng ta bằng những đề cử trong bảng xếp hạng tuần hay lượt yêu thích.

Chắc sẽ không là quá nếu nghĩ rằng những công ty như Spotify đã bắt đầu mơ đến những phương thức lồng nhạc nền vào các trải nghiệm thực tế ảo của bạn: Một bản nhạc trong trẻo đượm buồn cho hoàng hôn nơi bãi biển, hoặc có thể là một danh sách tùy chỉnh được đồng bộ hóa với một nhóm những cảm xúc thịnh hành dành cho một không gian chung. Những ảnh hưởng này, hiển nhiên sẽ thể hiện ở các khía cạnh vật lý của các không gian này. Giống như cách Google tự động điền vào trình duyệt tìm kiếm của bạn dựa vào lịch sử truy cập cá nhân, bạn có thể chắc rằng những nơi bạn ghé qua trong không gian thực tế ảo sẽ sớm được tùy biến cho vừa vặn với sở thích cá nhân của bạn. Biết đâu Google và các ông lớn công nghệ khác sẽ bắt đầu sáng tạo, biết đâu chúng ta sẽ có những không gian lấy cảm hứng từ các nghệ sĩ ta yêu thích hoặc những trải nghiêm theo chương hồi của các đạo diễn ta yêu thích (cập nhật từ lịch sử Netflix) – tất cả sẽ linh động và có thể tùy biến như việc công nghệ luôn đi theo qũy đạo đương nhiên của quy luật Moore. Đương nhiên, chúng ta còn chưa bàn đến những ảnh hưởng lâu dài do những không gian và trải nghiệm chung này tạo ra khi chúng được ghi lại và lưu trữ – điều khiến Mark Zuckerberg đang rất phấn khích.

Mặc dù Facebook mới chỉ đang ở giai đoạn đầu tiếp xúc với công nghệ thực tế ảo, nhưng Zuckerberg đã thảo luận đến khả năng lưu trữ những khoảnh khắc ta thu lại được, bất kể là lần sinh nhật đầu tiên hay một lời cầu hôn. Chúng ta có thể mời bạn bè và người thân từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ trải nghiệm này với chúng ta, những đặc điểm mạnh mẽ nhất của tính năng này sẽ là chất lượng về lâu dài của nhũng trải nghiệm này. Trong tương lai thực tế ảo của chúng ta, Facebook sẽ sẵn sàng để trở thành một cỗ máy thời gian, cho phép mọi người có thể ra vào kí ức yêu thích của bản thân bất cứ khi nào họ muốn.

Những tác giả khoa học viễn tưỡng đã đưa ra các gợi ý về những khả năng thực tế nào trong nửa thế kỷ qua, và công nghệ của chúng ta dường như cuối cùng cũng đã bắt kịp với trí tưởng tượng của họ. Đương nhiên, chúng ta sẽ còn cần một vài thế hệ nữa để nghiên cứu yếu tố ít tráng lệ hơn của máy tính cá nhân (hay gọi là giao diện) và chúng ta cũng vẫn còn một vài nút thắt cần phải tháo gỡ trong những năm sắp tới.

Nhưng cũng không thể phủ nhận, chúng ta thực sự đã đi cả một quãng đường dài kể từ những dòng lệnh đơn.

Việt hóa bởi: Thảo Đặng | Ban biên tập: RGB.vn

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!