Được biết đến là một dự án phim dã sử dài hơi được đầu tư bài bản và chuyên nghiệp, dự án Việt Sử Kiêu Hùng đang tạo nên cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ Việt hiện nay. Đó cũng là mong ước từ Đuốc Mồi, những người trẻ tâm huyết trong việc khơi gợi khơi gợi tình yêu sử trong khán giả Việt. Cùng RGB trò chuyện cùng những người trẻ đầy đam mê và lắng nghe hành trình thực hiện một dự án truyền cảm hứng của họ.
Khởi xướng bắt đầu từ giữa năm 2017, tới tháng 12/2017 Việt Sử Kiêu Hùng cho ra mắt tập phim thử nghiệm “Võ Tánh” nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Tới tháng 1/2018 “Tử chiến thành Đa Bang – Hồi 1: Giấy” tập phim chính thức đầu tiên của dự án lên sóng đã làm nức lòng bao bạn trẻ mê sử lẫn không mê sử nước nhà.
“Rất cuốn hút, lời thoại rất chất, cảnh phim rất tạo hiệu ứng. Người trẻ còn mong gì hơn thế cho những khô khan đã chịu đựng vừa qua?” Đó là nhận xét của anh Dũng Phan – tác giả cuốn sách “Sử Việt 12 khúc tráng ca”, cuốn sách lịch sử hiện tượng của năm 2017 khi nói về dự án Việt Sử Kiêu Hùng.
Dường như khán giả Việt đã chờ đợi rất lâu cho một sản phẩm lịch sử nghiêm túc và chất lượng như vậy. Điều đó cho thấy rõ ràng người trẻ không quay lưng với lịch sử nước nhà, chỉ là chúng ta chưa biết cách khơi gợi lên tình yêu sử trong họ mà thôi.
Vài năm gần đây, sự nhen nhóm của các dự án về lịch sử như các dự án phục dựng: “Hoa Văn Đại Việt” “Ngàn Năm áo Mũ” của nhóm Đại Việt Cổ Phong, dự án: “Vẽ về Hát Bội” “Dệt nên triều đại” tại Vietnam Center, dự án giao lưu đàm đạo sử việt “Sử Talk”, hay mới đây nhất là “Loa Thành Rực Lửa”… đang nhận được ngày càng nhiều sự quan tâm của khán giả trẻ, là một tín hiệu đáng mừng cho thấy khán giả Việt đang dần quay lại với sử Việt qua những cách truyền tải mới mẻ, sáng tạo và hấp dẫn.
— Xin chào Đuốc Mồi, ý tưởng của nhóm được nhen nhóm từ khi nào? Động lực nào đã khiến cả nhóm đưa ra quyết định bắt tay vào dự án này?
Ý tưởng của tụi mình bắt đầu nhen nhóm vào giữa năm 2017. Khi đó thì anh trưởng nhóm của tụi mình (Trần Tuấn) có dịp qua thầy Đạt Phi để nhờ thầy lồng tiếng cho 1 dự án phi lợi nhuận của ảnh. Lúc đó thầy đang phát triển kênh đọc sử Hùng Ca Sử Việt rất hay nhưng bị ngưng lại. Khi trò chuyện với thầy hỏi tại sao không làm tiếp, thì thầy bảo thầy chỉ chuyên về âm thanh, lồng tiếng thôi, những thứ khác thầy không biết, với thầy cũng bận quá. Thế là thầy gợi ý cho ảnh làm, ảnh đồng ý luôn và bắt tay vào làm thôi ^^
— Làm thế nào mà nhóm có thể tìm kiếm và quy tụ được các bạn trẻ đến góp sức vào dự án này?
Phải nói là anh trưởng nhóm của tụi mình rất có tài “dụ dỗ” người khác. Ảnh đi gặp từng người, trò chuyện và thuyết phục. Khi mà dự án mới còn là ý tưởng chưa thành hình, rất nhiều người đã lắc đầu. May mà ảnh không nản lòng và đi gặp hết bạn này tới bạn khác. Bắt đầu từ tháng 6/2017 với vẻn vẹn 3 người, tới tháng 12/2017 thì đã có thêm gần 10 bạn làm chính thức, bên cạnh đó còn nhiều bạn CTV cho dự án nữa.
— Tính đến thời điểm hiện tại nhóm mình bao gồm bao nhiêu thành viên.
Hiện tại các thành viên chính fulltime cho dự án có 8 bạn. Các bạn CTV thì rất nhiều, khi cao điểm lên tới hơn 30 người.
Về anh Tuấn trưởng nhóm, thì là một người theo đuổi các dự án cộng đồng. Anh là người sáng lập của kênh Sosub.org – học mọi thứ với phụ đề song ngữ, từng đạt giải 3 cuộc thi ý tưởng triệu đô của Forbes. Cũng từ cái duyên của một dự án cộng đồng mà anh gặp được thầy Đạt Phi và phát triển dự án Việt Sử Kiêu Hùng như hôm nay.
Bên cạnh anh Tuấn thì Vinh – đạo diễn, là người đồng khởi xướng dự án, cũng dồn hết tâm huyết cho Việt Sử Kiêu Hùng. Tuy có kinh nghiệm làm đạo diễn cho nhiều dự án phim, TVC, nhưng làm phim hoạt hình thì với Vinh là lần đầu tiên, nên quá trình làm phim cũng gặp rất nhiều khó khăn và phải update mình liên tục.
Thành viên trẻ nhất nhóm, chắc mình tính cả các bạn CTV viên đi thì là em Trang (1997), đang là SV năm 3 ĐH Mỹ Thuật TP HCM. Nhắc đến Trang thì mình nhớ tới 1 kỷ niệm (không biết nên buồn hay vui) là 1 lần tụi mình cần các bạn CTV hỗ trợ gấp, Trang phải thức tới 2-3h sáng để làm việc, và sáng hôm sau ngủ quên tới 10h. Khi tỉnh dậy thì được bạn nhắn tin là “mày bị cấm thi rồi Trang” lý do là nghỉ quá số buổi quy định, mà buổi quyết định là buổi làm thêm với tụi mình hôm đó ^^
Việt Sử Kiêu Hùng là dự án phim dã sử diễn họa đầu tiên của Việt Nam, tái hiện những trang sử kiêu hùng nhất của dân tộc. Được xây dựng bằng tất cả tâm huyết của nhóm hoạt động vì cộng đồng Đuốc Mồi, mang khát vọng truyền cảm hứng sử Việt cho các bạn trẻ Việt.
— Các thông tin lịch sử cũng như tạo hình nhân vật trong dự án có hỗ trợ từ các cố vấn chuyên môn?
Tụi mình phải tự nghiên cứu là chính. Khi có được kiến thức nền tảng rồi, đụng tới những vấn đề còn nhiều tranh cãi hay nhiều luồng ý kiến, thì phải nhờ tới các anh chị cố vấn. Trong đó có anh Phan Thanh Nam – bên Đại Việt Cổ Phong, là một người nổi tiếng trong giới yêu thích lịch sử, người thực hiện dự án “Hoa Văn Đại Việt” và nhiều dự án lịch sử khác; chị Nguyễn Phượng Anh, giảng viên Học viện An ninh Nhân dân Hà Nội, tiến sĩ Việt Nam học cũng hỗ trợ cố vấn sử liệu cho dự án.
— Nhóm có thể chia sẻ về những trận “chết đi sống lại” của nhóm với dự án trong những ngày đầu tiên.
Cái này thì không biết kể bao nhiêu cho đủ =)))
Chắc mình xin kể một kỷ niệm đáng nhớ là buổi công chiếu ra mắt tập phim đầu tiên “Tử chiến thành Đa Bang – Hồi 1: Giấy”. 3h là chương trình bắt đầu mà lúc đó tụi mình vẫn chưa có phim để chiếu. Team chia ra 2 nhóm, 1 nhóm lo sự kiện ở café Tinh Tế, nhóm còn lại lo làm phim tiếp tục và chỉ làm phim thôi. Lúc đó mình thì đang ở sự kiện, cứ nhìn màn hình chat liên tục để xem phía hậu phương đã xong phim chưa, các bạn khác thì phải tìm mọi cách “câu giờ”để giữ chân khán giả. Và mãi tới 5h chiều, cuối cùng nhóm ở nhà cũng xuất xong phim và up lên. Lúc đó trời đã bắt đầu tối, tụi mình chiếu phim, hơn 100 khán giả chưa ai ra về, chăm chú xem tới giây cuối cùng. Lúc hết phim tất cả không gian yên lặng, không ai biết là đã hết kể cả chúng mình, một hồi sau tất cả mới ớ ra là đã hết phim rồi =))) Khán giả vỗ tay rất lâu và ở lại góp ý rất nhiều cho bọn mình.
Một buổi chiếu phim trong sự kiện ra mắt dự án
— Trung bình nhóm phải mất bao lâu để hoàn thành một tập trong series của mình. Trong đó, bước nào ngốn nhiều thời gian và công sức nhất của nhóm?
Tập “Giấy” tụi mình mất gần 3 tháng, tập “Huyết Mạch Trần Gia” vừa rồi thì mất hơn 4 tháng, các bạn để ý sẽ thấy là sự đầu tư về mặt hình ảnh, màu sắc, biểu cảm nhân vật, chi tiết hoa văn trang phục, âm thanh… có sự update hơn khá nhiều.
Công đoạn nào cũng rất tốn thời gian và khó phân tách từng việc đơn lẻ. Ví dụ như riêng việc nghiên cứu sử liệu thì tụi mình mất gần cả tháng trời tìm tòi nghiên cứu các nguồn sử liệu. Trong quá trình làm cũng phải vừa làm vừa nghiên cứu liên tục. Từ nền tảng sử liệu tụi mình mới xây dựng kịch bản, thoại, cũng phải sửa đi sửa lại rất nhiều mới ra được kịch bản cuối cùng.
— Điều gì tạo nên nét khác biệt cho phim sử Việt của Đuốc Mồi?
Mình nghĩ rằng sự khác biệt nhất là “thổi hồn” cho phim, khán giả vừa xem vừa như được sống lại trong thời khắc lịch sử đó. Để làm được điều đó là nhờ sự kết hợp của:
-
Phong cách nghệ thuật độc đáo. Đặc biệt ở tập Huyết Mạch Trần Gia tụi mình đã dành nhiều thời gian nghiên cứu và đưa vào các hoa văn, họa tiết trên trang phục, kiến trúc,vật dụng… mang bản sắc Việt riêng trong thời đại lịch sử đó.
-
Lồng tiếng chuyên nghiệp: Từ êkip của thầy Đạt Phi và các nghệ sỹ trong Đạt Phi Media, đơn vị lồng tiếng được Disney công nhận số 1 châu Á.
-
Âm nhạc hùng tráng: được tài trợ bởi EpicMusicVn, là đơn vị chuyên về âm nhạc hùng tráng nổi tiếng thế giới.
— Những tính từ nào thể hiện rõ nhất phong cách làm phim của nhóm.
– Khác biệt
– Cảm xúc
– Hùng tráng
— Chia sẻ của nhóm về tập phim mới nhất: Huyết Mạch Trần Gia.
Huyết Mạch Trần Gia mất hơn 4 tháng để hoàn thành. Đây là tập phim mà tụi mình quyết định thử nghiệm phong cách minh họa mới khác với ở Hổi 1: Giấy. Cũng chính vì vậy mà trong nhóm đã xảy ra rất nhiều mâu thuẫn nội bộ: có cần phải làm tỉ mỉ từng chi tiết vậy không? Có cần sửa đi sửa lại quá nhiều như vậy khônh? Có cần đầu tư quá nhiều thời gian và công sức như vậy không?…
Tới trước ngày ra phim tụi mình vẫn vô cùng lo lắng, không biết khán giả sẽ đón nhận thế nào. Và thật vui mừng vì tập phim đã nhận được rất nhiều lời khen và động viên từ khán giả. Trong vòng 24h phim đã đạt 124k view hoàn toàn orgaic. Nhóm cũng vô cùng cám ơn các đối tác truyền thông đã hỗ trợ hết mình cho dự án trong đó có RGB, các anh chị phóng viên cũng rất nhiệt tình đưa tin bài về dự án…
— Với nhóm, để dự án của mình có thể tiếp cận được với người trẻ thì cần phải có những yếu tố nào? Trong đó yếu tố nào là quan trọng nhất?
Tiếp cận được với người trẻ bằng phong cách độc đáo, cuốn hút, và đưa vào nhiều góc nhìn khách quan thì tụi mình nghĩ là các tập phim của dự án đã phần nào đạt được. Điều quan trọng nhất bây giờ là tụi mình phải tìm được nhà đầu tư, đầu ra cho dự án để có thể làm tiếp. Đó đang là vấn đề lớn nhất.
— Giá trị cốt lõi mà nhóm muốn mang lại cho cộng đồng giới trẻ nói chung và ngành làm phim hoạt hình nói riêng là gì?
Ngay từ đầu tụi mình đã xác định mục tiêu là truyền tải cảm hứng sử Việt cho các bạn trẻ Việt, để từ đó các bạn chủ động tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
Về mảng phim hoạt hình, tụi mình thấy là một sân chơi tiềm năng cho người Việt trong thời điểm hiện tại, khi mà các tác phẩm hoạt hình trong nước thật sự chất lượng chưa nhiều. Tụi mình cũng cố gắng hoàn thiện và nâng cao chất lượng chuyên môn liên tục để có thể thu hút được khán giả.
— Những khó khăn ở hiện tại mà nhóm đang gặp phải.
Khó khăn thì rất nhiều nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là tìm kiếm nhà đầu tư/đầu ra cho dự án. Những bạn đi với dự án từ những ngày đầu tính tới nay đã tròn 1 năm, cũng là tròn 1 năm làm việc không lương. Để tiếp tục đi đường dài thì dự án buộc phải có nguồn lực tài chính đủ lớn, nếu không thì cỗ xe lịch sử này có thể sẽ sớm cạn nhiên liệu và không thể lăn bánh tiếp.
— Nhóm có thể tiết lộ một ít về hướng phát triển của dự án trong tương lai.
Hiện tại tụi mình vẫn chưa xác định được chính xác sẽ làm gì tiếp theo, vì còn rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu được nhóm hy vọng sẽ tiếp tục sản xuất được nhiều tập phim có đầu tư hơn về kịch bản, thoại… đặc biệt là đưa được các yếu tố văn hóa Việt Nam vào phim.
— Câu nói yêu thích nhất của nhóm là gì?
“Cứ đi rồi sẽ đến”, mà tụi mình hay nói đùa là “Cứ đi rồi sẽ chết” =)))
— Đánh giá của Đuốc Mồi về thách thức của loại hình phim hoạt hình lịch sử trong nước trong thời gian sắp tới.
Mình thấy đang có 1 số các nhóm bạn trẻ khác cũng đầu tư cho phim hoạt hình lịch sử, như là Loa Thành Rực Lửa, mình có xem intro thấy cũng rất thú vị.
Tuy nhiên để làm phim chất lượng thì cần kết hợp nhiều yếu tố: Kịch bản, thoại, minh họa, lồng tiếng, âm nhạc, âm thanh… các khâu đều phải đạt chất lượng tốt nhất thì mới tạo ra được tác phẩm ấn tượng. Nếu tách ra từng khâu riêng lẻ thì Việt Nam mình không phải thiếu các đơn vị giỏi, nhưng để chúng ta sẵn sàng “đi cùng nhau” thì đang thiếu. Mình nghĩ đó là thách thức lớn nhất.
[tentblogger-youtube WIToAbOD4m4]
Tập phim mới nhất – Huyết Mạch Trần Gia
[quote]Nỗi lo về kinh phí duy trì dự án[/quote]
“Đụng đến sử thì cái gì cũng khó, vừa khó vừa mắc. 15 phút mọi người xem trên phim là cả mấy tháng trời nhiệt huyết của tất cả các bạn” – Đó là chia sẻ của thầy Đạt Phi, diễn viên lồng tiếng gạo cội, cũng là người đảm nhận vai trò lồng tiếng cho Việt Sử Kiêu Hùng khi nói về dự án.
“Sự thật là để có được 15 phút trên phim, chúng mình mất tới cả tháng trời để tìm đọc và nghiên cứu sử liệu. Tài liệu Tiếng Việt thôi không đủ, nhóm còn phải tìm đọc thêm các tài liệu tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp… để có được các góc nhìn khách quan nhất về thời đại và các nhân vật lịch sử. Thông tin nhiều rồi thì phải quyết định lựa chọn xem cái nào sẽ kể trên phim, cái nào không, và kể như thế nào cho hấp dẫn” – Tuấn nói.
Đấy là mới riêng khâu nghiên cứu sử liệu, theo sau là cả chục khâu khác như lên kịch bản phân cảnh, thoại, phác thảo storyboard, vẽ máy, lên màu, làm chuyển động animation, dựng phim, lồng tiếng, âm nhạc, âm thanh, hiệu ứng… và vô số các công việc không tên khác. Để làm chuyên nghiệp thì khâu nào cũng cần đầu tư hết sức tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian, chưa kể làm ra rồi còn phải sửa đi sửa lại cho tới khi đạt yêu cầu.
Khi sự đầu tư cho mỗi tập phim chất lượng hơn, thời gian làm việc cũng bị kéo dài ra, kinh phí đội lên rất nhiều. Chỉ tính riêng chi phí vận hành cơ bản (ăn uống, đi lại, máy móc thiết bị, vật liệu…) đã lên tới 150 triệu đồng /tập phim, chưa kể toàn team vẫn đang làm việc hoàn toàn không lương với sự hỗ trợ hết mình cũng hoàn toàn miễn phí từ các đối tác.
Song song với “Tử chiến thành Đa Bang”, nhóm cũng đang thực hiện series phim phóng tác dã sử hợp tác với biên kịch Phạm Vĩnh Lộc và Đạt Phi Media, đã phát sóng được 2 tập (Võ Tánh, Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành – Phần 1). Các tập phim ra mắt đều được khán giả đón nhận hết sức nhiệt tình, tuy nhiên nhóm vẫn đang rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cho series này.
Chặng đường Việt Sử Kiêu đi đã gần 1 năm, để tiếp tục đi đường dài các bạn buộc phải có đủ kinh phí, từ đóng góp của cộng đồng lẫn các nhà tài trợ tiềm năng. Nhóm hy vọng sau khi phát sóng “Huyết Mạch Trần Gia”, thì sẽ được nhiều đơn vị, nhà đầu tư quan tâm hơn và đầu tư cho dự án.
Dù đang phải đối mặt với sự thiếu thốn lớn về kinh phí, nhân lực, thời gian như vậy, nhóm bạn trẻ vẫn luôn kiên định đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để xứng đáng với sự mong chờ của khán giả.
Khán giả quan tâm có thể đóng góp cho dự án tại website: www.vietsukieuhung.com
Để lại đánh giá