Nhật Thanh: “Tiên học thiết kế, Hậu học quản lý dự án”

Trải nghiệm thiết kế – Sáng tạo gần đây – Kỹ năng quản lý là những từ khóa mô tả đến nội dung bài viết.

Nhật Thanh – nhà thiết kế sáng tạo / vẽ minh họa từng làm việc ở các studio, agency lớn có thể kể đến: Behalf Studio, Dentsu Redder hay Hypersia. Bây giờ, công việc hiện tại của cô là nhà thiết kế / vẽ minh họa tự do tại Sài Gòn. Tốt nghiệp ngành Digital Media Design (Thiết kế truyền thông) của trường đại học RMIT. 

Kể về những năm cấp I, cô được học hỏi nhiều chất liệu vẽ truyền thống, và đã từng luyện thi vào trường Đại học Mỹ Thuật. Thế nhưng, cơ duyên có vẻ vẫy gọi cô ngành thiết kế đồ họa. Từ đó, Thanh bắt đầu học thiết kế và học vẽ minh họa trên nền tảng kỹ thuật số.

Việc trở thành nhà thiết kế đồ họa kết hợp với kỹ năng nghề vẽ minh họa giúp Thanh có thể tiến bộ nhanh chóng. Kể từ khi bắt đầu làm việc toàn thời gian ở các công ty, cô nhận được những trải nghiệm mà sau này nó trở thành kinh nghiệm không thể thiếu.

Cô hào hứng kể lại kỉ niệm về một dự án ở công ty quảng cáo, dự án về chiến dịch quảng cáo liên quan chủ đề Không uống rượu, bia khi lái xe cho các nước Đông Nam Á. “Mình còn nhớ mỗi lần cần kiểm tra lại phần chính tả của các tiếng Thái, Lào, Cambodia.. Thanh và nhóm phải ngồi căn mắt ra so sánh từng nét chữ, tới giờ mình nhìn chữ tượng hình còn sợ. Chiến dịch này diễn ra suốt 01 năm do mình  & đồng nghiệp được nắm toàn quyền về định hướng mỹ thuật (art direction), nên kết quả nhận được phản hồi tốt, mình cảm thấy tuyệt vời!

Nhật Thanh và chuỗi câu hỏi gợi mở ‘đại loại như’: Cảm xúc của bạn là gì trong thời điểm gần đây?

Gần đây, những tác phẩm của Thanh càng ngày thay đổi theo một tư duy mới, và có những lúc, sự tự do cũng được thể hiện lên hẳn tác phẩm hay cách hoạt động mạng xã hội của cô. Bắt đầu tiếp cận vấn đề, với những gợi mở bằng câu hỏi có một chút thư giãn, Thanh thổ lộ..

Một chất liệu để mô tả về bạn?

Thanh nghĩ là sơn dầu, Thanh thích những chất liệu cổ điển, cảm giác cọ chạm vào canvas với cảm giác dễ chịu khi nhìn thấy một vệt sơn hoàn hảo. Trên hết nữa là sự kiên nhẫn và luyện tập rất cần thiết cho sơn dầu.

Bạn sẽ thiên hướng gì khi phối màu cho dự án cá nhân?

Thiên hướng phối màu cho dự án cá nhân của Thanh thường thay đổi theo từng giai đoạn. Trước đây Thanh có xu hướng phối màu đơn sắc, hoặc chỉ 2 – 3 màu đối lập nhau cho 1 bức tranh. Nhưng từ 2019 đến nay, thì màu sắc của Thanh bắt đầu tươi hơn, sử dụng nhiều gam màu nóng và tổng quan bức tranh sẽ hơi rực rỡ, tự do hơn.

Những dự án của bạn muốn nói lên điều gì?

Hầu hết các dự án cá nhân của Thanh là về cảm xúc của con người. Thanh luôn có hứng thú tìm hiểu về tâm lý cũng như hành vi của bản thân và người xung quanh. Màu sắc này cho bạn cảm giác gì? Câu chuyện của bạn là gì? Chủ đề này thường xảy ra trong giai đoạn nào của một người? Với chủ đề tranh này, liệu nó có đem lại sự đồng cảm, hay liệu nó có mang lại ảnh hưởng tích cực tới bạn không? Đôi khi, Thanh chỉ vẽ những chủ đề nhỏ rất tùy hứng để mô tả lại những khoảnh khắc nhỏ, hài hước “a slice of life” (lát cắt của cuộc sống) mà mình có thể chia sẻ với mọi người.

Nói về phong cách cá nhân, bạn có vẻ sử dụng màu có saturation (sắc độ) từ khá trở lên, bạn có thể chia sẻ về lý do không?

Đúng là giai đoạn gần đây Thanh đã chủ ý sử dụng màu có độ saturation (sắc độ) cao, đôi khi là chói nữa. Từ khóa của Thanh cho giai đoạn này là “contrast: sự tương phản” vì Thanh luôn quan tâm đến hai mặt của chủ đề, đôi khi Thanh muốn đẩy hai phía đến cực điểm. Thanh chia sẻ thêm vài điểm chung của các tranh là ngoài về màu sắc, các elements (yếu tố) Thanh dùng cũng rất nhiều, tràn đều tranh với nhiều kiểu pattern (họa tiết) khác nhau. 

Tất cả những chủ ý này là để thể hiện một tinh thần mới, một giai đoạn mới của Thanh khi Thanh không còn ngại thể hiện bản thân, một Thanh hơi nổi loạn, hài hài nhây nhây. Nếu bạn vào Instagram của Thanh và kéo về giai đoạn đầu, bạn sẽ thấy phong cách của Thanh giai đoạn trước khá đơn sắc, trầm buồn hơn. Cho nên biết đâu trong tương lai mọi người sẽ gặp một Thanh “hoà nhã, pastel và trưởng thành hơn

Khi bắt đầu vẽ, bạn nghĩ gì?

Khi bắt đầu vẽ, thói quen đầu tiên Thanh hay làm đó là nhắm mắt lại tưởng tượng layout tranh, câu chuyện mà Thanh muốn kể, nhân vật trong tranh có tính cách gì, đang cảm thấy như thế nào. Sau đó Thanh mới phác thảo.Trong quá trình vẽ Thanh sẽ liên tục tìm thêm reference (nguồn tham khảo) về màu sắc, shape, hành động của nhân vật và patterns mới. 

Những chia sẻ về kỹ năng quản lý dự, dự định học ngành Art Therapy

Thanh bộc bạch về một kỹ năng quản lý dự án mà cô đã học hỏi được trong suốt quá trình làm việc tại các studio, agency. Bắt đầu là một nhà thiết kế đồ họa, về sau, cô nàng có khoảng thời gian trở thành người quản lý dự án (project manager) về sáng tạo.

Mình được học hỏi kỹ năng quản lý từ tiến trình trong một chiến dịch quảng cáo: khả năng giao tiếp, cách gợi ý ý tưởng cho khách hàng, cách lên kế hoạch thời gian sản xuất hợp lý từ giai đoạn tiền kỳ đến hậu kỳ, và quan trọng nhất đó là kỹ năng lắng nghe từ cả phía khách hàng lẫn team nội bộ. Đó là trải nghiệm khó quên được của mình..” Thanh chia sẻ

Để quản lý một dự án lớn, cô nói thêm, cần chuẩn bị một tinh thần tốt cùng tính linh hoạt, bên cạnh đó thì chuẩn bị các tài liệu cần thiết: việc lên kế hoạch, cách triển khai, và luôn chuẩn bị sẵn kế hoạch khác, đề phòng rủi ro.

Đến nay, Thanh làm công việc thiết kế tự do (freelance), cô cũng không ngần ngại chia sẻ trải nghiệm này. Như mọi người điều hiểu về công việc làm freelance, tất tần tật được chuẩn bị từ khâu tính toán chi phí, dịch vụ thiết kế, đến khâu hậu mãi sau dịch vụ. Tất cả điều cần có quy trình:

Giai đoạn đầu là công việc giải toán (brief) và xác nhận lại thật kỹ với khách hàng, đảm bảo bản thân hiểu rõ yêu cầu của dự án, để mình có thể bắt đầu phổ biến với nhóm thiết kế (team). Tiếp theo là giai đoạn làm việc với team để chia các steps/ milestones (bước / giai đoạn) để cập nhật liên tục tiến trình. 

Đối với lịch trình (timeline) trong thiết kế, điều quan trọng là Thanh báo thời gian hoàn thành chính của khách hàng để team tự đưa thời hạn nội bộ với nhau. Việc này nhằm mục đích đảm bảo một thời gian vừa đủ để team đưa ra được chất lượng tốt nhất. Ngoài ra, từ đó người quản lý dự án sau vài lần sẽ dự đoán được thời gian trung bình của nhóm thiết kế – tránh chuyện ‘hứa trước deadline’. 

Khi mọi thứ về thời gian đã chốt giữa hai bên, mình và team bắt đầu đưa ra moodboard cho thành phẩm của dự án mà team muốn đề xuất. Giai đoạn này cộng với chỉnh sửa thì đa số dự án sẽ giao động từ 3 – 5 ngày. Trong giai đoạn sản xuất, quan trọng là cần đảm bảo cả team nhà và khách hàng đều cùng chung ý tưởng, tránh việc “đập đi xây lại” quá nhiều gây lãng phí thời gian.

Nếu team chạy nhiều nhiệm vụ song song – Thanh sẽ sắp xếp trước trong một ngày làm việc sẽ có bao nhiêu nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ sẽ có thời gian là bao nhiêu. Nếu hết thời gian mà nhiệm vụ này chưa xong, vẫn nên để chuyển sang nhiệm vụ khác và có thể quay lại vào ngày hôm sau. Như vậy tiến độ sẽ được dàn đều và tránh việc bị kẹt ý tưởng quá lâu.”

Với hơn 05 năm hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Thanh đang mong muốn bản thân mình sẽ khép lại hành trình này và bắt đầu học về Art Therapy (hay trị liệu tâm lý bằng nghệ thuật). “Trong tương lai xa hơn, Thanh dự định sẽ học thạc sỹ, chuyên ngành Creative Art Therapy. Mình đang có một dự án workshop (buổi chia sẻ) cho cộng đồng về bài tập vẽ giúp thư giãn tên là “Once upon a mind”. 

Trong đó Thanh chia sẻ về bài tập lấy cảm hứng từ Art Therapy cho cá nhân và theo nhóm, dự định sẽ tổ chức vào cuối năm nay nhằm mục đích cổ vũ mọi người vẽ để tập cách lắng nghe cảm xúc, chia sẻ tính nghệ thuật của bản thân. Vì đối với Thanh, vẽ là một cách để kết nối với tinh thần mà ai cũng có thể tiếp cận được.

Bạn có thể xem thêm dự án của Nhật Thanh tại đây!

Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!