Những “ánh trăng lừa dối” trong Plus by Bao Nam: “combo đạo nhái” khiến cộng đồng bức xúc, tác giả triển lãm phản hồi qua loa

Triển lãm Plus by Bảo Nam đã kết thúc nhưng ồn ào đạo nhái tác phẩm vẫn chưa lắng xuống. Không chỉ 2 mà thêm nhiều tác phẩm khác của triển lãm này vừa được phát hiện sao chép ý tưởng từ các nghệ sĩ quốc tế. Bên cạnh đó, phản hồi và cách xử lý của tác giả Bảo Nam và ekip còn khiến giới chuyên môn và cộng đồng sáng tạo càng thêm bức xúc.

Nghệ thuật đạo nhái hay “kế thừa và phát triển”?

Theo thông cáo báo chí và các trang tin, Plus by Bao Nam diễn ra từ 9/4 đến 15/4/2021 tại Tp.HCM là một triển lãm nghệ thuật, được chính tác giả giới thiệu “là sự kết hợp của Contemporary Art, Nghệ thuật điêu khắc cơ thể, Thực Vật, Tranh, Mùi Hương, Flora Art, Home Decor, Gốm Thành Lễ, Thời trang sáng tạo…”

Chỉ ít ngày sau khi triển lãm diễn ra, nghệ sĩ người Nga Baina Uchaeva đang sinh sống và làm việc tại Tp.HCM phát hiện 2 tác phẩm trong “Plus by Bao Nam” copy ý tưởng của các nghệ sĩ quốc tế. Cụ thể đó là một tác phẩm rất giống với tác phẩm trong triển lãm Terraforms của nghệ sĩ Jamie North diễn ra vào năm 2014 tại Sarah Cottier Gallery. Một tác phẩm khác thì có sự tương đồng rất lớn với The Cloud (Đám mây) của nghệ sĩ Matsuri Yamana.

Nghệ sĩ Chinh Ba, bạn của Baina đã chia sẻ thông tin này và ngay lập tức nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn. Trong các bài chia sẻ, Baina nhấn mạnh: “Tôi tin nghệ sĩ ở Việt Nam nên tôn trọng sự nguyên bản. Tôi tự hỏi liệu có một nền tảng nào hỗ trợ điều này không. Thật kinh khủng khi họ tin chẳng ai chú ý điều này cả.”

Khi sự việc lan nhanh và gây ồn ào trên mạng xã hội, Bảo Nam – tác giả triển lãm phản hồi trong bài phỏng vấn của một trang tin, rằng anh “tổ chức triển lãm hoa chứ không phải triển lãm nghệ thuật sắp đặt thông thường, nó mang thông điệp hoàn toàn khác. Ví dụ với tác phẩm đám mây mà mọi người thấy, nội dung chính của tác phẩm thực ra là mặt bên trong được trang trí bởi hoa tươi chứ không phải hình thức bên ngoài.” Lời phản hồi này được cho là vẫn chưa thỏa đáng, vì chính anh đã định nghĩa triển lãm này của mình là sự kết hợp của Nghệ thuật đương đại, Nghệ thuật điêu khắc cơ thể, Thực Vật, Tranh, Mùi Hương, Flora Art, Home Decor, Gốm Thành Lễ, Thời trang sáng tạo.

Bảo Nam – tác giả triển lãm Plus by Bao Nam

“Thực ra những ý tưởng như vậy nhiều lắm. Nghệ thuật vốn là kế thừa và phát triển. Cùng một hình thức nhưng mỗi người một câu chuyện. Triển lãm của mình là triển lãm hoa, thông điệp câu chuyện mình muốn gửi gắm cũng khác. Nên nếu tranh cãi thì cũng không biết phải nói sao cho đúng, tùy mọi người nghĩ thôi. Nói chung mục đích chính của mình là hoa, vậy thôi”, giám đốc sáng tạo của Plus by Bao Nam này cho biết thêm. Phát biểu này càng làm gia tăng sự bức xúc của giới chuyên môn và cộng đồng Sáng tạo.

Nghệ sĩ Jamie North trong một bài phỏng vấn với báo Ngày Nay cho biết: Với tôi, tham khảo thêm các nguồn tài liệu trong nghệ thuật đương đại là không sai. Tuy nhiên, trong trường hợp này nói “tham khảo, kế thừa và phát triển” là sai. Như các bạn đã thấy, Bảo Nam sao chép trực tiếp tác phẩm của tôi từ triển lãm Terraforms năm 2014 tại Sarah Cottier Gallery, Sydney, Australia mà hoàn toàn không hề có sự phát triển nào riêng, chỉ có sự cẩu thả hơn về cả hình khối và thi công, một bản thể lỗi so với nguyên tác.

Nghệ sĩ Jamie North

Giữa ồn ào đạo nhái, Bảo Nam vẫn chia sẻ và kêu gọi tham gia triển lãm trên Facebook cá nhân của mình. Chưa hết, pha xử lý của Bảo Nam và ekip càng khiến cộng đồng “sững sờ” hơn khi sau một đêm, họ đã thay đổi bố cục, cách sắp đặt của 2 tác phẩm bị tố copy ý tưởng, và cho rằng đây là ý đồ từ đầu của ekip. “Cứ 2 ngày là sẽ thay đổi toàn bộ hoa, và một số thay đổi về không gian. Để mọi người có nhiều góc độ nhìn mới hơn về thiết kế”. Đáng nói hơn, trong một tài liệu mô tả tác phẩm được phát hiện, Bảo Nam dùng hình ảnh của chính tác phẩm gốc từ nghệ sĩ Jamie North để làm minh họa.

Thêm nhiều tác phẩm trong Plus by Bao Nam “trùng ý tưởng” đến ngạc nhiên

Không dừng lại ở đó, nhiều tác phẩm mới được cộng đồng sáng tạo phát hiện là copy ý tưởng, vậy không chỉ có hai mà ít nhất bảy tác phẩm trong Plus by Bao Nam bị nghi vấn đạo nhái.

Trong lúc sự việc xôn xao, dù triển lãm đã kết thúc, nhiều người còn phát hiện các tác phẩm đạo nhái khác của Plus by Bao Nam. Trong bài tổng hợp của nhà Giám tuyển Nghệ thuật Ace Lê, có thể thấy đã có cáo buộc triển lãm này nhái ít nhất là 07 tác phẩm trong show, từ 07 nghệ sỹ và studio quốc tế, từ Úc và Hàn Quốc tới Nhật và Mỹ. 06 tác phẩm là của các nghệ sỹ thị giác đương đại, và 01 là display cửa hiệu Chanel tại Hawaii. Riêng tác phẩm tượng của Jiyou Kim Studio được cho là đã bị nhái sản phẩm bởi một công ty Trung Quốc và được ekip Plus by Bao Nam mua về sơn lại và trưng bày tại triển lãm.

Một số tình tiết mới được phát hiện, càng khẳng định chắc nịch việc đạo nhái tác phẩm của triển lãm Plus by Bao Nam. Đó là thông tin mà Bảo Nam chia sẻ trong các group, anh dùng chính hình ảnh tác phẩm gốc để giới thiệu về ý tưởng cho triển lãm của mình.

Ảnh chia sẻ trên MXH

Giới chuyên môn nói gì?

Có thể thấy, sự việc này khiến giới chuyên môn và cộng đồng sáng tạo tại Việt Nam hết sức bức xúc. Bởi lẽ nó sẽ làm xấu hình ảnh nghệ thuật nước nhà trong mắt bạn bè quốc tế, khi mà trong thời đại của mạng xã hội, những thông tin này dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận nhiều người.

Nhà Giám tuyển Nghệ thuật Ace Lê, hiện đang sinh sống và công tác trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo tại Singapore, cho biết trong một bài chia sẻ với Luxuo và báo Lao Động: Tôi nghĩ phía người sao chép, cũng nên nhận thức được rằng khi sự việc đã ra tầm quốc tế, thì không chỉ thanh danh của họ bị ảnh hưởng, mà cộng đồng sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lây”.

Giám tuyển Nghệ thuật Ace Lê

Giám tuyển Ace Lê cũng chỉ ra lỗi sai của triển lãm “Plus by Bảo Nam” rằng: “Tôi nghĩ rằng, việc xin lỗi không cần tác giả gốc phải yêu cầu, mà tự lương tâm của người sao chép phải có đủ bản lĩnh để nhận sai trước công luận, chứ không phải vòng vo.

Cái sai của Bảo Nam là khi gửi thông tin cho truyền thông đều nhận định đây là triển lãm có yếu tố nghệ thuật đương đại. Nếu ngay từ đầu họ quán triệt là chỉ là nơi trưng bày các sắp đặt trang trí về hoa, có lẽ cộng đồng yêu nghệ thuật đã không giận như vậy.

Và mặc dù làm hoa hay làm nghệ thuật thị giác thì sao chép vẫn là sao chép. Khi vay mượn ý tưởng ở đâu đó, nhất thiết phải ghi rõ nguồn, nếu đó là nguồn mở. Còn nếu là tác phẩm có bản quyền, thì tuyệt đối không được vay mượn mà không có sự đồng ý của tác giả, dù là vay mượn cho sự kiện thương mại hay phi thương mại. Đó là những quy tắc sáng tạo căn bản. Đây là một biện hộ cẩu thả. Như vậy cứ ý tưởng nào thấy trên mạng là ta được quyền “copy & paste”.

Trao đổi với báo Ngày Nay, Ace Lê cũng nêu quan điểm: “Việt Nam tuy có tham gia công ước Bern, nhưng như ta vẫn thấy, vấn nạn sao chép tác phẩm quốc tế vẫn xảy ra như cơm bữa, ở khắp các mảng nghệ thuật từ thị giác tới âm nhạc hay phim ảnh. Không nên dung túng. Nếu quả thật là copy thì phải có đủ bản lĩnh tự nhận sai. Khi sự vụ đã vượt biên giới, thì bạn không chỉ đại diện cho mình bạn, mà còn cho cộng đồng nghệ thuật Việt Nam nói chung”.