Một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của danh họa người Hà Lan thựa ra là một bức họa trong loạt tranh hoa hướng dương của ông. Trong bài viết này, tác giả Alastair Sooke sẽ kể cho chúng ta nghe về sự ra đời những kiệt tác này.
Đôi khi, danh tiếng chói lọi có thể làm lu mờ bối cảnh và ý nghĩa ban đầu của một tác phẩm nghệ thuật. Đó cũng chính là trường hợp của bộ tranh Những bông hướng dương (Sunflowers), chấp bút bởi danh họa Vincent van Gogh.
• • •
Hãy ngắm nhìn bức tranh đang được treo tại Phòng trưng bày Quốc gia của London mà danh họa người Hà Lan đã vẽ ở Arles, miền Nam nước Pháp vào tháng 8 năm 1888. Mười lăm bông hoa hướng dương được cắm trong một chiếc bình đất nung đơn điệu trên nền màu vàng rực. Một số bông hoa vẫn tươi tắn nở bung, tựa như vòng lửa lấp lánh, với những cánh hoa vàng tỏa rực bao tròn lấy nhụy. Nhưng bên cạnh đó lại là những bông hoa đã kết hạt và bắt đầu tàn rũ .
Vừa mang thông điệp tinh thần về sự thay đổi của thời gian, bức tranh vừa mang đến một sự thay đổi đầy màu sắc, đối lập mạnh mẽ với truyền thống cũ kỹ của hội họa hoa Hà Lan thời bấy giờ, vốn đã kéo dài từ thế kỷ 17. Kể từ khi được đưa vào bộ sưu tập của Phòng trưng bày Quốc gia vào năm 1924, bức tranh đã trở nên nổi tiếng đến khó tin. Năm 2013, đã có rất nhiều bưu thiếp in hình bức tranh này được bán tại quầy lưu niệm của Phòng trưng bày – con số chính xác là 26.110 chiếc – nhiều hơn bất kỳ bức tranh nào khác trong toàn bộ bộ sưu tập.
Nhưng trong số hơn 5 triệu người đến thăm Phòng trưng bày Quốc gia hàng năm, nhiều người có lẽ không biết rằng bức tranh này vốn thuộc loạt bốn bức tranh tĩnh vật hoa hướng dương mà Van Gogh đã vẽ ra trong vòng chưa đầy một tuần, vào mùa hè năm 1888, khi một cơn gió lạnh phương Bắc ngăn cản ông ra ngoài vẽ những bức tranh ngoại cảnh.
Bức đầu tiên trong số này, hiện nằm trong một bộ sưu tập tư nhân và đôi khi được mô tả là Hoa hướng dương ‘không rõ nguồn gốc’ của Van Gogh, cho thấy ba bông hoa màu vàng cam trong một chiếc bình tráng men màu xanh lá cây trên nền màu xanh ngọc. Lần cuối bức tranh được trưng bày là vào năm 1948, khi nó được Bảo tàng Nghệ thuật Cleveland mượn cho triển lãm trong một tháng.
Bức tranh thứ hai, cũng giống bức thứ nhất, có ba bông hoa trong chậu và ba bông khác đặt phía trước với nền đằng sau là bức tường màu xanh hoàng gia đậm. Tuy nhiên, bức họa này đã bị phá hủy trong cuộc bắn phá của Mỹ vào thị trấn Ashiya, Nhật Bản, vào năm 1945. Bức tranh thứ ba, khá giống bức được treo tại Phòng trưng bày Quốc gia, nhưng chỉ có 14 bông hoa hướng dương và nền màu xanh ngọc, hiện đang nằm trong phòng trưng bày Neue Pinakothek ở Munich.
Hơn nữa, không lâu sau khi thực hiện bốn bức tranh Hoa hướng dương này, Van Gogh đã tạo ra ba bản sao, hoặc biến thể khác, một trong số đó đang được Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam cho Phòng trưng bày Quốc gia mượn triển lãm, nơi hai bức tranh sẽ được treo cạnh nhau từ ngày 25 Tháng 1 cho đến ngày 27 tháng 4 năm 2014.
Một “bó” nghệ thuật
“Công chúng hầu như không biết rằng Van Gogh đã tạo ra một loạt các bức tranh về hoa hướng dương,” Leo Jansen, một người phụ trách tại Bảo tàng Van Gogh và cũng là người biên tập các bức thư của danh họa cho biết. “Tôi kể cho 10 người nghe thì đến 9 người thấy đó là tin mới.” Martin Bailey, người viến cuốn The Sunflowers Are Mine: The Story of Van Gogh’s Masterpiece (Tạm dịch: Những bông Hướng dương của Tôi: Câu chuyện về Tuyệt tác của Van Gogh) được xuất bản năm 2013 cũng lên tiếng đồng tình: “Nhiều người biết đến một bức Những bông hoa hướng dương nhưng lại không biết rằng có cả một loạt tranh về chủ đề đó”.
Van Gogh vẽ hoa hướng dương lần đầu tiên vào mùa hè năm 1886. Hai năm sau, cảm hứng của ông lại nổi lên sau khi định cư tại Arles, ngay phía bắc Marseille, Provence. Sau khi mời Gauguin, họa sĩ người Pháp theo trường phái Hậu Ấn tượng mà ông rất ngưỡng mộ, tham gia Xưởng vẽ Miền Nam của mình, ông bắt đầu vẽ những bông hoa hướng dương để làm bừng sáng nội thất sơn trắng của ngôi nhà màu vàng mà ông đang thuê tại số 2 Place Lamartine, nơi không cách xa nhà ga và nhà chứa của thị trấn là bao.
Sau khi Gauguin chấp nhận lời mờ một cách khá khiên cưỡng, Van Gogh đã vẽ hai trong số bốn bức Hoa hướng dương để trang trí cho căn phòng ngủ giản đơn, nơi vị khách quý sẽ nghỉ ngơi khi đến thăm ông vào mùa thu năm đó. Bailey cho biết: “Van Gogh coi việc vẽ những bức Hoa hướng dương cho phòng ngủ của Gauguin là một cách để lôi kéo người bạn đến từ vùng Bretagne của mình.”
Các đường viền màu xanh dương rõ rệt trong bức tranh được treo tại Phòng trưng bày Quốc gia thậm chí có thể được hiểu như một sự kính trọng đối với Gauguin, bởi những tác phẩm của Gauguin cũng từng sử dụng thủ pháp tương tự, gợi nhớ đến các dải viền nét mảnh, ngăn cách các màu phẳng khác nhau trong kỹ thuật trang trí men cloisonné hay tranh kính màu. Jansen giải thích: “Bằng cách trang trí ngôi nhà của mình ở Arles với một loạt bức tranh hoa hướng dương, Van Gogh muốn chứng minh với Gauguin rằng, mình luôn giữ vững lập trường với tư cách là một nghệ sĩ.”
Theo Martin Gayford, tác giả của cuốn Ngôi nhà Màu vàng: Van Gogh, Gauguin và Chín tuần Sóng gió ở Arles (The Yellow House: Van Gogh, Gauguin, and Nine Turbulent Weeks in Arles), “Gauguin đã rất thán phục trước những bức tranh Hoa hướng dương, ông liên tục khen ngợi và xin được tặng làm kỉ niệm. Nhiều năm sau, ở Nam Thái Bình Dương, Gauguin đã tự tay vẽ một số bức tranh hoa hướng dương để tỏ lòng kính trọng đối với người bạn cùng nhà đầu tiên của mình ”.
Khởi đầu của loạt tranh này đã giúp Van Gogh phá bỏ sự xa lạ với Gauguin. Jansen nói: “Tôi nghĩ ông ấy vẽ chúng với niềm vui tuyệt đối.” ; “Những sắc vàng tươi của những bông hoa mà ông có thể kết hợp thành những sự tương phản rực rỡ, cùng với hình thức, đường nét của cánh hoa và thân cây: chúng là một thử thách lớn cho một họa sĩ.” Bailey giải thích: “Đỉnh cao hội họa của Van Gogh là vào mùa hè năm 1888.” ; “Ông ấy đã vẽ những bức Hoa hướng dương một cách nhanh chóng, tràn đầy năng lượng và sự tự tin.” Van Gogh đã viết cho em trai Theo của mình vào cuối tháng 8 như sau: “Anh đang vẽ với cảm giác thích thú của một người Marseille đang ăn món bouillabaisse [món cá hầm của vùng Provençal], em hẳn sẽ chẳng lấy làm thử vẽ những bông hoa Hướng dương lớn vậy đâu”.
Tác phẩm mang tính biểu tượng
Van Gogh ngay lập tức nhận ra rằng mình đã tạo ra một thứ gì đó quan trọng và thích thú với việc Những bông hoa hướng dương của ông đặc biệt, đến mức chúng có ý nghĩa gần giống như một kiểu chữ ký của một người họa sĩ. Như ông nói với Theo vào tháng 1 năm 1889, trong khi các nghệ sĩ khác được biết đến với việc vẽ các loài hoa đặc biệt như mẫu đơn hay hoa thục quỳ, thì “hoa hướng dương là của anh”. Christopher Riopelle, giám tuyển phụ trách triển lãm các bức tranh sau năm 1800 tại Phòng trưng bày Quốc gia, giải thích: “Van Gogh đã sớm nhận ra rằng Hoa hướng dương là một mô-típ độc đáo mà ông có thể biến chúng thành dấu ấn của riêng mình.”
Điều này phần nào giải thích cho sự nổi tiếng của Hoa hướng dương của Van Gogh ngày nay: chúng là một loại tốc ký hình ảnh để danh họa, người có cuộc sống đầy tính kịch và khó khăn, đỉnh điểm là cái chết của ông vì vết đạn tự gây ra vào năm 1890, tiếp tục mê hoặc công chúng.
Các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng khác cũng theo dạng loạt tranh cùng chủ đề, chẳng hạn như các bức tranh vẽ cây dương và đống cỏ khô của Monet hoặc các phiên bản khác nhau của bức Tiếng hét (The Scream) của Munch, nhưng trong trường hợp của Van Gogh, thì việc ông vẽ nhiều phiên bản không phải là lý do chính giúp chúng nổi tiếng. Bailey nói: “Tôi không chắc rằng loạt tranh này đã làm cho Hoa hướng dương trở nên nổi tiếng. Trong số bốn bức tranh ban đầu, có tới hai bức ‘bị mất tích’”: một bức đã bị phá hủy trong chiến tranh và bức còn lại luôn được cất giấu trong các bộ sưu tập tư nhân.”
Thay vào đó, Hoa hướng dương của Van Gogh phát triển mạnh trong Thế kỷ 20, khi các bản sao của chúng được phổ biến khắp thế giới, nhờ tính nhanh chóng, rõ ràng và ấn tượng của chúng.
“Thay vì cố gắng thể hiện chính xác những gì anh thấy trước mắt mình,” Van Gogh nói với em trai Theo ngay trước khi bắt đầu loạt tranh, “Anh sử dụng màu sắc tùy ý hơn để thể hiện bản thân một cách mạnh mẽ.” Việc sử dụng màu sắc theo cảm tính, chủ quan này sẽ có ảnh hưởng to lớn đến nghệ thuật hiện đại sau này và cho đến tận ngày nay vẫn không những làm người xem rung động. Van Gogh từng nói: “Tôi muốn vẽ theo cách mà… những ai có mắt đều có thể hiểu được.”
Đối với Jansen, điều này, cùng với câu chuyện hấp dẫn về cuộc đời của danh họa, cũng như giá trị của những bức tranh (vào năm 1987, bản sao Hoa hướng dương không có chữ ký của Van Gogh trở thành bức tranh đắt nhất từng được bán đấu giá), chứng tỏ một sức hấp dẫn khó cưỡng: “Sự nổi tiếng của Hoa Hướng dương là sự kết hợp của, một mặt là vẻ đẹp, tác động tình cảm và cảm xúc về thân phận con người, mặt khác, là sự say mê của công chúng với danh tiếng, tiền bạc và huyền thoại. Ai cũng có phần của riêng mình. “
Bài viết gốc Van Gogh’s Sunflowers: The unknown history
Bởi Alastair Sooke, tại BBC Culture, 21 tháng 01 năm 2014
Lược dịch bởi Artplas x RGB
Để lại đánh giá