FRIENDS -- "The One with the Lesbian Wedding" Episode 11 -- Air Date 01/18/1996 -- Pictured: (l-r) Jennifer Aniston, David Schwimmer as Ross Geller, Courteney Cox as Monica Geller, Matthew Perry as Chandler Bing, Matt LeBlanc as Joey Tribbiani (Photo by Paul Drinkwater/NBC/NBCU Photo Bank via Getty Images)

Nói về kiến trúc và không gian sống thông qua bộ phim sitcom Friends

Cánh cửa màu tím hoa oải hương và khung chữ nhật màu vàng bao quanh có thể làm nhiều người liên tưởng đến tiếng cười và những người bạn cực kỳ vui nhộn trong bộ phim sitcom nổi tiếng của thập niên 90 – FRIENDS.

Kiến trúc, thiết kế nội thất căn hộ trong series phim kinh điển “Friends” sẽ cho chúng ta một cái nhìn về cuộc sống giới trẻ những năm thập niên 90 và những ảnh hưởng, thay đổi của phong cách từ ngày ấy đến hiện tại.

Ngày 22/09/1994 là ngày đầu tiên bộ phim Friends được phát sóng trên màn ảnh nhỏ, và tiếp tục được phát sóng kéo dài đến một thập kỷ với tổng cộng 236 tập. Ngày đó chúng ta không có TV kỹ thuật số hay internet trực tuyến, mọi người đều xem phim thông qua truyền hình analog, bỏ lỡ tập phim nào là mất luôn tập phim đó. Thời điểm đó, FRIENDS là bộ phim sitcom cực kỳ ăn khách với khoảng 20-30 triệu người xem mỗi tuần.

Nếu bạn đã từng có thời gian ở với bạn cùng phòng, tin rằng bộ sitcom này sẽ đưa bạn trở lại quãng thời gian đáng nhớ đó, trở về với những tiếng cười, niềm vui nỗi buồn mà các bạn từng chia sẻ với nhau. Phim có thể sẽ khiến bạn nhớ về bầu không khí, không gian sống nơi căn trọ mình từng thuê chung với bạn bè… hoặc chiếc bàn ăn nơi quán quen luôn được để trống như thể một dấu hiệu ngầm dành cho ai đó….

“I’ll be there for you”  là bài hát chủ đề của FRIENDS. Bài hát kể về tình bạn và cuộc sống của 6 con người ngoài độ tuổi 20 mà số phận đã mang họ đến với nhau.

Ý tưởng chia sẻ không gian sống, hay còn gọi là Co-living hay Collective Housing, xuất phát từ bối cảnh xã hội khi mà mọi người phải làm việc ở những thành phố lớn, trong điều kiện kinh tế mà tiền thuê phòng và tiền lương ở 2 cực trái ngược nhau, và họ không còn sự lựa chọn nào khả dĩ hơn. Từ kiến trúc phòng ốc dành cho gia đình, nó trở thành một căn phòng dành cho hai người thuê với những khu vực sinh hoạt chung phải chia sẻ nhau. Họ chấp nhận hy sinh quyền riêng tư trong việc sử dụng không gian sống để đổi lấy cơ hội tiếp cận các tiện ích cuộc sống như bến xe, tàu điện, công viên, đường sá…

Giả sử ngày nào đó bạn tan làm và chỉ mất 15p để về nhà mỗi ngày, tôi tin rằng bạn sẽ cảm nhận được sự thay đổi về chất lượng cuộc sống.

Hình ảnh bên ngoài tòa nhà được quay tại một địa điểm có thật nằm ở số 90 Bedford, phố West Village, New York. Đây là một khu phố khá đặc biệt, là khu dân cư bị phá vỡ từ cấu trúc lưới  với các đường phố nhỏ chạy ở nhiều góc khác nhau như mạng nhện, tạo một cảm giác rất châu Âu. Nội thất căn hộ trong Friends được dàn dựng và quay trong studio của Warner Bros ở California bởi John Shaffner, người đã thiết kế và lên kế hoạch cho các bộ phòng chung đến nội thất. Và dẫn đầu xu hướng tường màu tím trong phòng của Monica, hình ảnh kinh điển vẫn được khán giả nhớ đến cho đến ngày nay.

Sơ đồ của cả hai căn hộ được phân chia rõ ràng thành khu vực sinh hoạt cá nhân và khu vực sinh hoạt chung của từng phòng. Phòng bếp, phòng khách, phòng sinh hoạt chung và phòng vệ sinh là tâm điểm ở mặt tiền của ngôi nhà. Khi vào nhà, mọi người sẽ bước qua khu sinh hoạt chung trước khi vào khu vực riêng ở phía sau phòng với 2 phòng ngủ dành cho 2 người.

Mỗi phòng đều không có phòng tắm riêng, vì vậy khi các thành viên muốn sử dụng phòng tắm, họ đều phải băng qua khu vực chung ở phòng khách. Hơn nữa, tất cả các cửa phòng đều được bố trí quay về hướng phòng khách chính giữa. Thiết kế này nhằm làm tăng cơ hội gặp gỡ và giao tiếp với nhau giữa các thành viên. Đây là một phần của việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hài hòa trong cuộc sống tập thể.

Phòng của Monica và Rachel

Phòng số 20 bên phải là phòng của Rachel và Monica, vốn là bạn cũ từ thời trung học. May mắn cho Monica, cô tiếp nhận căn hộ này từ bà của cô với hợp đồng thống nhất rõ ràng về khoản tiền thuê. Vì vậy, chủ nhà của cô không thể tăng giá thuê theo giá thị trường ngày càng đắt đỏ vào thời điểm đó một khi hợp đồng chưa hết hạn. Vì thế, Monica – một cựu đầu bếp và Rachel – một nhân viên quán cafe có thể thuê được một căn hộ nhỏ ngay phố West Village này.

Căn phòng có một điểm nhấn không thể không nhắc đến đó là những chi tiết nội thất quyến rũ điển hình của thập niên 90. Có thể gọi đây là sự pha trộn các phong cách, hay thuật ngữ chuyên môn trong giới kiến trúc gọi là chủ nghĩa chiết trung – Eclecticism.

Phòng của Monica và Rachel có thể coi là điển hình của nghệ thuật mix & match đồ nội thất và màu sắc cho không gian sống. Tường xây kiểu châu Âu cổ điển với màu tím oải hương kết hợp với độ thô của gạch, thép, kính chịu lực của tòa nhà trong thời đại công nghiệp của New York. Đèn trần Venice kiểu Ý kết hợp với ghế sofa màu kem mang hơi hướm hiện đại. Tấm thảm hoa cỡ lớn trên sàn gỗ được thiết kế theo pattern qua lại. Counter gỗ màu xanh lam trong khu bếp cùng với những sản phẩm quảng cáo hiện đại được sắp xếp ẩn ý ngăn nắp. Bàn ăn và ghế gỗ lót đệm hoa khác màu nhau vô tình tạo ấn tượng về một căn homestay ở khu ngoại ô. Rèm hoa màu vàng mang hơi thở châu Âu cho khung cửa sổ lớn ở phòng khách.

Đây chính là những điểm đặc biệt trong các cảnh phim sitcom này. Nếu nghiêm túc suy nghĩ, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy ngần ấy thứ trộn lẫn trong một căn phòng. Hãy thử nhìn lại thời kỳ mà nhà sản xuất và cửa hàng nội thất chưa ra đời, chúng ta phải đến nhiều cửa hàng khác nhau để tìm mua đồ nội thất cho gia đình. Nó cũng như Flea Market ở châu Âu hay chợ cuối tuần Chatuchak ở Thái Lan, mỗi cửa hàng thường bày bán những mặt hàng không giống nhau. Nhưng thời đại ngày nay thì khác, đồ nội thất và phụ kiện trang trí được lựa chọn, sắp xếp và bày bán trong cùng không gian một cách có hệ thống từ một công ty lớn. Bạn chỉ cần đi đến một nơi duy nhất và chọn đủ cho gia đình.

Phòng của Joey và Chandler

Tiếp theo hãy cùng tham quan căn phòng số 19 của hai chàng trai Joey – một nam diễn viên vô cùng đam mê nghiệp diễn và Chandler – một doanh nhân mà thật sự chúng ta không thể biết rõ nghề nghiệp của anh là gì. Chỉ có một chi tiết rõ ràng là cả hai chàng trai này có thể nằm xem TV cả ngày trên chiếc lazy sofa. 

Phòng các chàng trai khác hoàn toàn với phòng của hai cô gái. Các tông màu hài hòa nhau đến mức không có gì nổi bật. Từ sàn gỗ, tủ, đến quầy bếp đều màu kem cho đến các thiết bị điện, tủ lạnh màu trắng… Hầu như không có gì hơn.

Khi Monica và Rachel thua trong một trò cá cược, họ phải đổi phòng với Chandler và Joey. Monica và Rachel là những người tỉ mỉ và sống có tổ chức. Hai cô nàng thích làm bữa sáng cho mọi người, thường tổ chức tiệc tùng và mời bạn bè đến chơi. Vì thế, họ đã cố gắng sắp xếp lại phòng của các chàng trai theo style như căn hộ cũ của mình với những món đồ mà họ có. Mặt khác, Chandler và Joey lại không thay đổi gì nhiều. Họ chỉ thay bàn ăn bằng bàn bi lắc bóng, và đặt thêm 2 chiếc lazy sofa ngay giữa phòng. Phân cảnh này cho ta thấy được tầm quan trọng của việc thể hiện cá tính của một người thông qua phong cách nội thất. Đôi khi, việc chọn lựa những gì chúng ta thích – như một phương thức định danh –  có thể quan trọng hơn việc lựa chọn đi theo xu hướng hoặc các phong cách đang thịnh hành.

Những vấn đề của chung cư cũ được khắc họa một cách rất thú vị trong nhiều cảnh phim. Chẳng hạn như cảnh Rose khiêng chiếc ghế sofa lên phòng, cô phải liên tục hô lớn “Pivot Pivot Pivot” để ra hiệu cho một người bạn nhấc và xoay chiếc sofa qua được khúc ngoặt của cầu thang, nhưng cuối cùng vẫn không được. Hoặc đó là vấn đề tiếng ồn của cư dân tầng trên mà ông Hackles có lẽ là người hiểu rõ nhất. Trong nhiều cảnh, ông cảm thấy phiền phức đến mức cầm chổi khua lên trần nhà, hoặc đi lên gõ cửa phòng Monica để yêu cầu cô và bạn bè giảm bớt âm lượng lại. Ngoài ra còn có các vấn đề khác về quan điểm sống và quyền riêng tư. Sáu người bạn của chúng ta rất hay mở cửa sổ để lấy ánh sáng và view nhìn ra ngoài. Vì vậy, họ hay vô tình nhìn thấy hoặc cũng có lúc cố ý nhìn trộm hàng xóm khỏa thân đi loanh quanh trong phòng.

Ở cuối sitcom, trước khi loạt phim kết thúc vào năm 2004, Chandler và Monica đã quyết định quay lưng với cuộc sống ở New York. Họ từ bỏ căn hộ họ đang ở và dọn đến West Chester, một thị trấn nông thôn cách Manhattan khoảng hai giờ đi xe. Họ muốn những đứa trẻ được lớn lên ở nông thôn, sống trong một căn nhà ấm cúng với bãi cỏ xanh và xích đu trong vườn, tránh xa sự hối hả và nhộn nhịp của thành phố phồn hoa.

Ở phương Tây, khi cư dân quyết định dọn ra ngoài, họ thường thích tận hưởng ngày nghỉ cuối tuần ở những khu vực lân cận chứ không phải lái xe hàng giờ để vào thành phố. Bạn bè trong nhóm đã cố gắng thuyết phục họ đừng rời đi, và Rachel đã phải thốt lên “Để những đứa trẻ lớn lên trong thành phố thì có gì là sai chứ?”

Có một điều buồn cười ở đây là mọi người đều đổ xô đến những thành phố lớn để làm việc và tìm cách xây dựng tương lai. Họ sống vội vã, chống chọi với ô nhiễm với hy vọng sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân. Nhưng khi bắt đầu có tài chính và cuộc sống tương đối ổn định, họ lại muốn dọn đi và mua một ngôi nhà ở ngoại ô thành phố, chỉ thỉnh thoảng vào trung tâm vì công việc. Đây là điều đang xảy ra ở nhiều quốc gia, cho dù ở Bắc Âu hay ở chính New York.

Chắc chắn một điều rằng trong đầu mỗi người đều có một hình dung khác nhau về ngoại ô, hoặc nông thôn. Nhiều người nghĩ đến những khu nhà phố đi kèm với Community Malls. Vài người nghĩ đến bức tranh miền quê hoang dã, trở về với thiên nhiên, tiếp cận điện nước rất khó khăn. Một số khác lại hình dung công nghệ canh tác nông nghiệp ngày một tiên tiến ở vùng nông thôn. Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu hơn, bắt đầu đặt câu hỏi nông thôn là gì, thế nào gọi là nông thôn, nông thôn có phải luôn luôn là một nơi không có sự phát triển, nông thôn là vùng đất chờ đợi cơ hội phát triển để chuyển mình phải không, hay thực tế nông thôn là nơi không có thành phố, không có con người, chỉ có thiên nhiên… Nếu như những vùng nông thôn đó ngày càng phát triển, mọi người muốn đến làm việc và sinh sống, xe lửa và đường sá ngày càng phổ biến và hiện đại… thì chúng ta có thể gọi nơi đó là nông thôn không?

Những câu hỏi trên được trích từ một cuộc triển lãm của kiến trúc sư và nhà nghiên cứu Rem Koolhaas và Samir Bantal từ AMO – tổ chức tư vấn của Văn phòng Kiến trúc Đô thị (OMA) tại Bảo tàng Guggenheim ở New York vào tháng 9 năm 2020 để phản ánh tầm quan trọng của các nguồn lực nông thôn đối với thành phố.

Do tác động từ các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch Covid-19, người dân New York đã phải thay đổi lối sống. Làm việc tại nhà trở thành một thói quen nhằm ránh xa các khu vực tập trung đông đúc. Chính điều này đã khiến cho người dân New York dần có xu hướng bán nhà của họ để chuyển đến sống ở vùng ngoại ô để có đủ không gian làm việc và sinh hoạt. Một số hãng thông tấn, trong đó bao gồm cả New York Times, đã đưa ra những báo cáo về việc cư dân thành phố đang giảm xuống đồng thời nhu cầu nhà ở ở khu vực ngoại ô đang tăng lên nhanh chóng. Điều này trái ngược hoàn toàn với các báo cáo của Liên Hợp Quốc vào năm 2018 – trước khi đại dịch ập đến. Báo cáo chỉ ra rằng 68% dân số thế giới sẽ chuyển đến sống ở  các khu vực thành thị trong tương lai gần.

Tương lai và định nghĩa của từ ‘thành phố’ và ‘nông thôn’ sẽ như thế nào, khi mà con người bắt đầu có sự lựa chọn và có thể tự do lựa nơi họ sống, lựa chọn môi trường sống và làm việc.

Theo Verasu Sae Tae
Biên dịch: Thanh Nguyen RGB