Nữ đạo diễn 9x Mai Vũ và hành trình tạo nên phim ngắn “Spring Roll Dream” đang tranh cử tại Cannes

Giữa những ngày Liên hoan phim Cannes lần 75 diễn ra sôi nổi tại Pháp, trong hạng mục tranh cử La Cinef một cái tên rất Việt Nam xuất hiện, đó chính là Mai Vũ. Vượt qua hàng trăm bộ phim đến từ khắp nơi trên thế giới, phim hoạt hình stop motion “Spring Roll Dream” (Giấc mơ gỏi cuốn) của cô gái trẻ người Việt đã chinh phục hội đồng ban giám khảo khó tính để lọt vô top 16 phim được trình chiếu và tranh cử.

RGB may mắn có dịp kết nối và trò chuyện cùng Mai Vũ để hiểu hơn về hành trình sáng tạo và sản xuất ra bộ phim hoạt hình mang đậm dấu ấn Việt Nam đang chinh chiến tại một trong những giải thưởng điện ảnh  danh giá nhất thế giới. 

Chào Mai Vũ, Chúc mừng bạn và bộ phim “Spring Roll Dream” được chiếu và tranh giải trong hạng mục La Cinef, Liên hoan phim Cannes lần 75, Pháp. Cảm xúc của bạn lúc này như thế nào?

Cám ơn RGB rất nhiều! Khi làm phim Mai không mong mỏi gì nhiều, chỉ nghĩ mình làm ra một câu chuyện, nhân vật và truyền tải thông điệp thông qua tác phẩm của mình đến người xem. Khi bộ phim hoàn thành, các thầy cô đã tư vấn và đánh giá bộ phim phù hợp để tham gia hạng mục La Cinef ở Liên hoan phim Cannes nên hỗ trợ gửi phim đi dự thi.

Khi nhận được thông tin phim được chiếu và tranh giải trong hạng mục La Cinef sau khi vượt qua hàng trăm bộ phim khác để có mặt trong top 16, Mai đã rất vui và hạnh phúc, không tin được đây là sự thật. Đây là một vinh dự vì công sức của rất nhiều người trong ekip của mình đã được công nhận. Những thành tựu này giúp mọi người và bản thân Mai có niềm tin hơn vào con đường mình đang làm và theo đuổi để mình có thêm động lực để tiếp tục hành trình mà mình đang làm. 

Vì sao bộ phim lại có tên là “Giấc mơ gỏi cuốn”? Có phải món gỏi cuốn có một ấn tượng đặc biệt với bạn? Và món ăn yêu thích nhất của Mai Vũ có phải là gỏi cuốn không? Hay đó là món ghét nhất?

Gỏi cuốn chắc chắn là món ăn mà Mai rất yêu thích. Khi qua Anh học, Mai nhớ món ăn ở Việt Nam kinh khủng. Và Mai nghĩ ẩm thực chính là cách truyền tải thông điệp hiệu quả nhất đến với trái tim mỗi người. Vì vậy mà Mai muốn làm ra một bộ phim dựa trên một món ăn Việt Nam.

Mai cũng suy nghĩ qua rất nhiều món ăn khác nhau của Việt Nam để mình khai thác như bánh xèo, bánh canh, canh mướp đắng… Nhưng gỏi cuốn có một cái hay chính là nguyên liệu rất dễ kiếm, kết hợp nguyên liệu của Châu Á như bún, mắm và Tây Phương như salad, hành, tôm, thịt… Gỏi cuốn cũng khá phổ biến ở Anh hơn, bên này gọi món ăn đó là Spring Roll, nên nhiều bạn trong ekip đến từ những quốc gia khác họ có thể ăn, cảm nhận và hiểu hơn về món ăn này. 

Điều gì đã truyền cảm hứng và khiến bạn quyết định tạo nên bộ phim hoạt hình thể loại stop-motion dài 9 phút này? Ý tưởng về “Spring Roll Dream” (còn gọi là Giấc mơ gỏi cuốn) được hình thành như thế nào?

Ban đầu khi quyết định làm một bộ phim, Mai muốn làm điều gì đó độc lạ, khác biệt. Nhưng khi ngẫm nghĩ lại, mình làm những gì vốn thân quen, nằm trong chính tính cách suy nghĩ, tiềm thức của mình thì sẽ dễ biểu đạt hơn.

Có thể nói ý tưởng ban đầu bắt nguồn từ 1 project nhỏ năm nhất khi mình tạo hình 1 nhân vật người cha gốc Bắc có tình yêu thương con dạt dào nhưng không biết cách biểu đạt tình yêu ấy đến với các con và người cha đó rất cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Hình tượng người cha này Mai lấy cảm hứng từ chính người cha của mình và gia đình của mình. Thông qua gian bếp nhỏ, những món ăn hằng ngày của gia đình nhưng lại chứa đựng những xung đột về khoảng cách thế hệ, giữa truyền thống và hiện đại.
Sau khi có nhân vật gốc, Mai cùng ekip bắt đầu tạo ra những tuyến nhân vật phụ, tạo cho nhân vật nguồn gốc, lịch sử, câu chuyện để đẩy những mạch cảm xúc, tính cách của nhân vậy lên rõ nét nhất, đồng thời tạo ra những thông điệp mà mình muốn truyền tải. 

Chủ đề về gia đình, ẩm thực thường là chủ đề phổ biến, đã rất nhiều người làm. Vì sao Mai Vũ lại lựa chọn chủ đề này để làm dự án phim tốt nghiệp của mình và đem bộ phim đến Cannes?

Mai không quá quan trọng việc chủ đề gia đình, ẩm thực có nhiều người làm hay chưa. Mình chỉ nghĩ đơn giản là mình có một câu chuyện và mình truyền tải câu chuyện đó đến với công chúng của mình làm sao cho chân thật, truyền cảm xúc nhất. Làm sao mình có thể khai thác được tối đa câu chuyện để đưa được những thông điệp mạnh mẽ nhất đến trái tim người xem.

Mai thì luôn ám ảnh về đồ ăn, nên làm về chủ đề đồ ăn thì chắc chắn là Mai làm tốt hơn những chủ đề khác. Mình tự tin với điều gì thì mình lựa chọn chủ đề đó thôi.

Câu chuyện của bộ phim “Spring Roll Dream” xoay quanh một gia đình người Việt tại Mỹ. Linh là bà mẹ đơn thân đang xây dựng cuộc sống ổn định cho mình và con trai Alan. Gia đình hai người bị đảo lộn khi bố cô – ông Sang từ quê nhà sang thăm. Trong một lần nấu ăn, ông nhất quyết làm món gỏi cuốn cho cháu trai nhưng Linh lại muốn nấu mì ống và phô mai. Hai bố con bất đồng quan điểm về việc chọn món ăn, cũng chính lúc này, khoảng cách thế hệ lộ rõ.

Câu chuyện này có thể gặp ở bất cứ đâu trong một gia đình Việt Nam nhập cư, hoặc ngay chính gia đình Việt Nam hiện đại ngày nay. Khi mà văn hoá phương Tây – phương Đồng vừa hoà quyện, vừa mâu thuẫn. Ở đó người trẻ muốn xây dựng cái tôi, còn người già khó khăn trong việc hòa nhập. Và thật may là bộ phim được sự đồng cảm và đón nhận từ những người có chuyên môn. 

Được biết làm phim hoạt hình stop motion dàn dựng rất công phu và tốn rất nhiều thời gian. Thường thì bạn mất bao lâu để hoàn thành một bộ phim stop-motion? Và với dự án này?

Stop-motion là thuật ngữ để chỉ những đoạn phim được tạo nên bởi hàng loạt những hình ảnh chụp tĩnh. Nguyên tắc cơ bản của loại hình nghệ thuật này là sẽ chụp liên tiếp những bức ảnh (ở trạng thái tĩnh) sau đó tiến hành xử lý trên bàn dựng chuyên dụng để tạo thành một đoạn phim (ở trạng thái động).

Thông thường ở những bộ phim khác mình làm ở Việt Nam như dự án phim ‘Xin chào bút chì” thì mất đâu đó 1 tháng cho 1 tập phim 8 phút.

Riêng dự án phim hoạt hình “Spring Roll Dream” mình mất khoảng hơn 1 năm để hoàn thành, bao gồm 6 tháng cho phần tiền kỳ xây dựng kịch bản, tạo hình nhân vật. Và mất 8 tháng để ghi hình. Với 10 giây hình trên phim, mình mất 1 ngày để làm liên tục từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối. 

Mai Vũ có thể chia sẻ một chút về quá trình sáng tạo nên tác phẩm này được không?

Đầu tiên mình tạo ra một nhân vật, sau đó mình xây dựng nội dung cho nhân vật đó, những tuyến nhân vật phụ xung quanh. Mình tạo ra một kịch bản phim hoàn chỉnh. Đồng thời mình cũng tạo hình cho nhân vật. Khi có kịch bản mình tiếng hành làm việc với các diễn viên lồng tiếng và lồng tiếng đợt 1 và dựa trên bản lồng tiếng để quay dựng bộ phim. Mình phải vẽ rất rất rất nhiều storyboard, để khi quay mình không cần loay hoay chỉnh sửa quá nhiều.
Sau đó mình lại tiếng hành lồng tiếng đợt 2 để bổ sung mạch cảm xúc cho bộ phim. Đồng thời làm mình cũng làm việc với các bạn nhạc sĩ để tạo ra những bản nhạc phim phù hợp nhất cho bộ phim.
Ekip chính của mình gồm có 8 người nhưng đã làm việc rất chăm chỉ và nhiệt huyết nhất để có thể làm những điều tốt nhất cho bộ phim. 

Điều khó khăn nhất đối với Mai Vũ khi thực hiện dự án này là gì?

Cường độ làm việc rất cao và liên tục trong một khoảng thời gian dài nên đôi khi khiến bản thân mình kiệt sức. Đặc biệt có những khoảng thời gian mình phải làm việc liên tục từ 10 giờ sáng đến 10 tối một mình. Có lúc mình cảm thấy cô độc, đôi khi cũng có chút hoang mang lo lắng không biết liệu mình có đi sai đường, liệu mình có nên dừng lại. Thật may là luôn có những đồng đội, thầy cô, người thân bên cạnh cổ vũ và trợ lực tinh thần để mình tiếp tục công việc mà mình đang theo đuổi. 

Cách Mai Vũ tạo ra nhân vật của mình trong bộ phim thế nào? Mất bao lâu để bạn tạo ra tạo hình các nhân vật?

Vì làm thể loại stop-motion nên tạo hình, bối cảnh cho nhân vật rất quan trọng. Nhân vật người cha mình ấp ủ từ thời năm nhất. Với những nhân vật con gái và cháu trai thì mình lấy cảm hứng từ những người thân, bạn bè xung quanh và cả bản thân mình. Đầu tiên mình tưởng tượng ra các nhân vật của mình ra sao. Sau đó mình thiết kế đồ hoạ để tạo ra nhân vật gần nhất với tưởng tượng của mình.

Với nhân vật người cha có tính cách khô cứng nên mình lựa chọn những chất liệu thô ráp như giấy, đất sét giấy để tạo hình cho nhân vật. Quần áo mình cũng suy nghĩ là lựa chọn những chất liệu vừa có tính thô ráp như giấy nhưng có thể “trụ” được khi bị mình quăng quật quay, dựng suốt 8 tháng. Cuối cùng mình chọn một chất liệu tựa như bao bố để làm quần áo cho nhân vật.
Sau khi có tạo hình nhân vật, mình cho dựng nhân vật. Phải mất 3 tháng để bạn tạo hình tạo ra nhân vật bằng chất liệu silicon. Các nhân vật cử động nhiều và biến chuyển cảm xúc trên gương mặt cũng nhiều. Vì vậy mà tụi mình làm rất chi tiết và rất kỹ mô hình cho nhân vật.

Được biết phần lồng tiếng bộ phim được làm rất công phu và tạo nhiều cảm xúc, thăng hoa cho bộ phim. Trong phim còn có cả sự tham gia lồng tiếng của nghệ sĩ nổi tiếng. Mai Vũ có thể chia sẻ về quá trình mình quyết định lựa chọn các nghệ sĩ lồng tiếng và cách thuyết phục để họ nhận lời mời tham gia dự án của mình được không?

Lồng tiếng là một phần thách thức đối với Mai và bộ phim. Ban đầu Mai có tuyển casting diễn viên lồng tiếng tại Anh. Nhưng rồi nhận ra không có diễn viên lồng tiếng người Việt nào ở Anh trên 50- 60 tuổi. Sau đó mình mới chợt nghĩ, tại sao mình lại bó hẹp bản thân trong phạm vi nước Anh, bây giờ là thời đại online rồi mà.

Mai nhớ ra mình rất thích chất giọng nhân vật Hoà của bác Bùi Bài Bình trong phim Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Đó cũng chính là chất giọng mà khi tưởng tượng ra người bố miền Bắc mà Mai tưởng tượng. Thật may mắn là khi Mai ngỏ ý thì bác Bình nhận lời và hỗ trợ ngay. Giọng bác Bình rất truyền cảm, nên dù khác biệt về ngôn ngữ nhưng thầy cô và bạn bè nước ngoài của Mai khi xem phim đã thấu hiểu ít nhiều về nhân vật ông ngoại Sang Bùi. 

Elyse Dinh sống ở Mỹ lồng tiếng cho vai Linh (con gái ông Sang) và bé Jarlan Bogolubo sống ở Anh lồng tiếng cho Alan, con trai của Linh.

3 nhân vật ở 3 nơi khác nhau với những múi giờ hoàn toàn khác nhau. Mai dậy lúc 3h ở Anh, Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Bài Bình đến phòng thu lúc 10h ở Hà Nội, Elyse Dinh làm phòng thu tại gia lúc 21h ở Los Angeles. Và dù cách trở địa lý, múi giờ, tụi mình cũng đã hoàn thành rất tốt phần lồng tiếng, góp phần tạo nên sự thăng hoa cho bộ phim. 

Phần nhạc phim cũng là yếu tố đặc sắc của bộ phim “Giấc mơ gỏi cuốn” khi có nhiều tiết tấu giai điệu của âm nhạc truyền thống, hiện đại. Mai Vũ có thể chia sẻ kỹ hơn về phần nhạc phim?

Mai may mắn được làm việc cùng Sam Rapley, sinh viên khoa soạn nhạc NFTS, cũng là người sáng tác nhạc nền cho bộ phim. Sam rất tài năng và đã tạo nên phần âm nhạc sống động hòa quyện giữa chất Á Đông và Tây Phương. Bên cạnh đó Mai còn được làm việc với nghệ sĩ Phạm Đức Thành, một nghệ sĩ chơi đàn bầu truyền thống và nghệ sĩ Hữu Bắc, một nghệ sĩ kết hợp đàn bầu với nhạc jazz. Nhạc sĩ Trương Vĩnh Bình – em trai nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh – sáng tác một bài hát mang hơi hướng nhạc dân gian Việt Nam. Bộ phim chỉ có 9 phút, nhưng có đến 4 bài nhạc được dàn dựng và sản xuất công phu dành riêng cho bộ phim này. 

Nếu phải chọn một phân cảnh mà bạn thích nhất trong bộ phim của mình, bạn sẽ chọn thước phim nào và tại sao?

Chắc có lẽ đó là phân cảnh gương mặt người bố cảm thấy chơ vơ lạc lõng, đơn độc khi bị con gái từ chối ý định làm món gỏi cuốn cho cả nhà để thay bằng món mì ống và phô mai. Đây là khoảnh khắc lột tả rất rõ nỗi niềm của người bố rõ nét và rất sống động, nhiều xúc cảm. 

Được biết Mai Vũ từng sản xuất bộ phim hoạt hình “Xin chào Bút Chì, loạt phim hoạt hình stop motion đầu tiên của Việt Nam vào năm 2011. “Giấc mơ gỏi cuốn” và “Xin chào bút chì” có gì khác nhau dưới góc độ sáng tạo và quá trình sáng tác hay không vậy Mai Vũ?

“Xin chào Bút Chì”, Mai làm khi mình là cô bé 19 tuổi, chỉ đơn giản là yêu thích hoạt hình. Mai làm bằng tất cả đam mê, năng lượng và thật nhiều sự sáng tạo, đôi khi hơi ngô nghê, trẻ con.

“Giấc mơ gỏi cuốn” là một dự án được nuôi dưỡng lâu dài, có chiều sâu và được đầu tư bài bản, chuyên nghiệp. Đây là sản phẩm của một Mai Vũ trưởng thành, muốn làm một bộ phim hoạt hình không chỉ thỏa đam mê mà còn muốn đem đến những câu chuyện nhân văn, những thông điệp có giá trị.

Khi tham gia sản xuất “Xin chào Bút Chì” Mai Vũ là một cô gái trẻ đến với việc làm phim hoạt hình bằng niềm yêu thích và bộ phim cũng rất thành công được nhiều khán giả đón nhận, hiện tại Mai Vũ đã tốt nghiệp trường Điện ảnh & Truyền hình Quốc gia Vương quốc Anh (National Film and Television School – NFTS). Vậy thì việc đi học làm phim có mang lại nhiều giá trị, hay giúp mình thay đổi tư duy, cách làm trong công việc làm phim hiện tại?

Dĩ nhiên việc đi học tại NFTS mang lại nhiều giá trị và giúp Mai có nhiều nền tảng kiến thức, kỹ năng để tạo ra một bộ phim hoạt hình chuyên nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trước đây Mai chỉ biết rằng mình muốn làm phim hoạt hình, nhưng ở Việt Nam chưa có nơi đào tạo làm phim hoạt hình bài bản. Mai phải tự mày mò học, mày mò làm, vừa vất vả và tốn nhiều thời gian. Đó cũng chính là lý do Mai quyết định “khăn gói quả mướp” lên đường du học.
Khi được học làm phim tại Anh, mình biết sắp xếp, kiểm soát mọi khâu, và làm ra những dự án bài bản và có tính chiều sâu hơn. 

Một số dự án khác của Mai Vũ

Vì sao Mai Vũ lại lựa chọn và yêu thích sản xuất phim hoạt hình. Hướng tiếp theo trong tương lai, ngoài thể loại stop motion, hoạt hình, Mai Vũ có dự định lấn sân sang các thể loại khác của điện ảnh không?

Mai là người hướng nội, ít quản giao với nhiều người. Vì vậy stop motion là thể loại mà Mai yêu thích, nó đến một cách tự nhiên. Trong thế giới hoạt hình stop motion, Mai có thể kiểm soát hết tất cả mọi thứ theo ý mình và không có bất cứ giới hạn nào. Không có biên giới, việc sáng tạo trở nên vô tận.

Có thể trong tương lai, Mai sẽ thử nghiệm bản thân ở những lĩnh vực như phim tài liệu ngắn và có thể sau này là điện ảnh.
Tuy nhiên hoạt hình vẫn là điều mà Mai tâm đắc và theo đuổi suốt cuộc đời của mình. Mai hi vọng mình sẽ góp phần tạo động lực cho nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích làm hoạt hình. Mai có niềm tin và lạc quan về thị trường phim hoạt hình Việt Nam, trong tương lai Việt Nam cũng sẽ có những bộ phim hoạt hình không thua kém bất cứ bộ phim hoạt hình nào của thế giới. 

Được biết ngoài dự án làm phim, Mai Vũ còn nhận làm nhiều dự án agency quảng cáo cho nhiều nhãn hàng nổi tiếng như Vietnam Airlines, Chupa Chups, G Kitchen, OMO, và các TV shows… Vậy bạn sắp xếp quỹ thời gian của mình thế nào khi vừa phải làm các dự án agency vừa thực hiện dự án làm phim của mình một cách tốt nhất?

Thực tế mình không sắp xếp được. Mình chỉ có thể làm tốt một việc trong một thời điểm. Khi làm quảng cáo thì mình không làm dự án phim mà khi làm dự án phim thì mình chỉ tập trung duy nhất vào công việc này.

Kế hoạch sắp tới của Mai Vũ là gì? Có dự án nào sắp ra mắt nữa không?

Mình đang ấp ủ một dự án phim tài liệu về cuộc sống người Việt định cư ở Anh. Khi nghe tin 39 người Việt trốn trong xe container và tử nạn khi nhập cư trái phép ở Anh, mình đã rất sốc. Câu chuyện ấy thôi thúc mình mạnh mẽ và mình nghĩ mình phải làm một điều gì đó, phải kể một câu chuyện nào đó về những người Việt đang sống ở Anh.
Hiện tại mình đang tìm kiếm và kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư hỗ trợ cho dự án phim này của mình và hi vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ những người yêu nghệ thuật, điện ảnh. 

Cuối cùng, lời khuyên của bạn là gì dành cho những nghệ sĩ làm phim đầy tham vọng?

Mình không dám cho lời khuyên ai đâu, vì mỗi người sẽ có những cách làm và hành trình khác nhau.
Mình chỉ hi vọng rằng với những gì mình làm được đó sẽ là lời động viên cho những ai đang theo đuổi thể loại phim hoạt hình. Cứ tin vào bản thân, đừng sốt ruột, đừng quá quan tâm vào kết quả. Cứ làm từng tí, từng tí một, rồi mọi thứ sẽ ổn. Thành quả không đến ngay đâu mà phải là một quá trình.
Và nếu yêu thích thể loại hoạt hình thì nên học về mỹ thuật, tìm hiểu về các khóa học làm hoạt hình, tự học và trau dồi mỗi ngày.

Mình cũng hi vọng sau này có thể về Việt Nam và giúp đào tạo các bạn trẻ có thể làm phim hoạt hình một cách bài bản. 

Cám ơn Mai Vũ rất nhiều! RGB chúc bạn luôn thành công và hy vọng sẽ được thấy nhiều dự án thú vị khác của bạn trong tương lai!

Mai Vũ sinh năm 1992 tại TP HCM, yêu thích và làm các bộ phim hoạt hình thể loại stop motion từ năm 2011. Mai Vũ cũng tham gia và đạo diễn hơn 70 tập phim “Xin chào Bút Chì” loạt phim hoạt hình stop motion đầu tiên của Việt Nam. Mai Vũ gắn bó với dự án này trong nhiều vai trò biên kịch, chụp ảnh, dựng phim từ năm 2012 đến 2015. 

Năm 2020, cô sang Anh du học ngành hoạt hình trường Điện ảnh & Truyền hình Quốc gia Vương quốc Anh (National Film and Television School – NFTS). Cô cũng là đạo diễn kiêm họa sĩ hoạt hình “Spring Roll Dream” được chiếu và tranh giải trong hạng mục La Cinef, Liên hoan phim Cannes lần 75, Pháp. Dự án là sản phẩm tốt nghiệp của cô.

La Cinef (Cinéfondation) là một trong những hạng mục chính của Liên hoan phim Cannes. Hạng mục tìm kiếm tài năng làm phim trên toàn thế giới. Mỗi năm có hơn 2.000 phim của sinh viên được gửi đến La Cinef. Từ năm 1998 đến nay, hơn 410 bộ phim đã được chiếu trong chương trình. Trong hạng mục La Cinef năm nay, có 1.528 tác phẩm được gửi về từ các trường điện ảnh, nhưng chỉ 16 cái tên được chọn trong đó có tác phẩm “Spring Roll Dream”  của Mai Vũ. 


Thực hiện: KIM PHỐ | RGB