Prototype Design – Khi bạn tìm thấy một ý tưởng hay, hãy tìm đến một ý tưởng khác hay hơn

justinmind

Việc tạo nguyên mẫu (prototyping) giúp hình thành ý tưởng cho thiết kế cũng như tìm kiếm một giải pháp tốt hơn nếu có. Bất kì nhà thiết kế nào cũng xem công đoạn này như phần tất yếu của sản phẩm. Hãy tham khảo qua chương trình tạo mẫu ProtoPie – một công cụ sẽ giúp bạn đơn giản hóa hơn trong việc tạo mẫu để đưa chúng vào thiết kế và sản phẩm trong hiện thực.

Thiết kế là về giải quyết vấn đề. Bất kể hoạt động trong lĩnh vực nào, chúng ta đều cố gắng cung cấp các giải pháp tốt nhất có thể cho người dùng. Quá trình nghiên cứu, hình thành ý tưởng, tạo nguyên mẫu và thử nghiệm là những bước cơ bản của quá trình thiết kế sản phẩm. Bước hình thành ý tưởng đóng vai trò then chốt, và trong suốt tiến trình này, các nhà thiết kế sẽ lên những giả thuyết – ý tưởng thô về cách giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, dù là giả thuyết tốt như thế nào đi nữa cũng cần được thẩm định.

Nếu bỏ qua quá trình thẩm định này, trong nhiều trường hợp, các nhà thiết kế sẽ tạo ra một sản phẩm không mang nhiều giá trị cho đối tượng khách hàng của họ. Hi vọng rằng đây là cách đơn giản có thể giúp được bạn đi đúng hướng – đó chính là “quá trình tạo nguyên mẫu”. Và ProtoPie là công cụ có thể giúp cho việc tạo mẫu này.

Dưới đây là một số hướng dẫn thực tế về cách sử dụng nguyên mẫu trong tiến trình thiết kế.

1. Các nguyên mẫu giúp ích như thế nào trong việc giả định ý tưởng và hoàn thiện dần các giải pháp?

KHIẾN Ý TƯỞNG CỦA BẠN TRỞ NÊN HỮU HÌNH HƠN

Các nhà thiết kế tốn khá nhiều thời gian cho việc giải thích ý nghĩa cụ thể của ý tưởng. Khi người khác lắng nghe, nếu không được nhìn thấy, họ sẽ phải tưởng tượng ra sản phẩm dẫn đến sai lệch ý tưởng ban đầu của người thiết kế. Nguyên mẫu chính là cách để đưa ý tưởng trở nên hữu hình hơn trong mắt đội nhóm và các nhà đầu tư. Chúng không cần quá lộng lẫy mà chỉ cần giúp mọi người hiểu được ý nghĩa của ý tưởng và nhìn nhận giá trị của thiết kế.

Giảm thiểu tối đa thời gian cho việc phác thảo ý tưởng là điều cực kì quan trọng. Các bước khác nhau trong tiến trình phát triển sản phẩm đều cần sự chân thật khác nhau. Vì thế, ở bước đầu trong tiến trình sáng tạo, nếu muốn thử nhiều ý tưởng trước khi lựa chọn 1-2 quyết định cuối cùng, bạn có thể sử dụng bản phác thảo có độ chân thật thấp để truyền tải ý tưởng. Đến khi ý tưởng đã được quyết định, bạn có thể chọn độ chân thật từ trung bình đến cao để tạo bản nguyên mẫu giúp khách hàng hình dung sản phẩm cuối cùng chính xác hơn. Có như vậy, họ mới dễ dàng tương tác với giải pháp của bạn.

TẬP TRUNG

Thông thường, các nhóm thiết kế sản phẩm có hàng tá ý tưởng về tính năng cho sản phẩm. Vì thế, trong một số trường hợp, khi họ cố gắng biến tất cả ý tưởng trở thành hiện thực, không may thay, họ lại tạo ra một sản phẩm tích hợp nhiều chức năng tệ và hoàn toàn không sử dụng được.

Đồ thị Featuritis cho thấy mối tương quan giữa tính năng sản phẩm và sự hài lòng của khách hàng (Nguồn ảnh: plutora)

Không phải tính năng nào cũng quan trọng đối với người dùng. Do đó, nguyên mẫu chính là công cụ thử nghiệm các tính năng sản phẩm. Kết quả về tính ứng dụng của thử nghiệm sẽ là đề tài tranh luận với các nhà đầu tư. Điều này đơn giản hóa việc thuyết phục nhà đầu tư về cách người dùng tương tác với sản phẩm.

Tập trung vào khách hàng mục tiêu và tối ưu hóa cho việc thiết kế sản phẩm (Nguồn ảnh: depalmastudios)

ĐÁNH GIÁ TÍNH NĂNG KỸ THUẬT

Chi phí cho việc giới thiệu một tính năng cụ thể của sản phẩm rất khác nhau, tùy vào độ phức tạp của chúng. Trong nhiều trường hợp, rất khó để chúng ta đánh giá được tính phức tạp chỉ bằng việc đọc đặc điểm kỹ thuật. Một giả định sai lầm như “phát triển tính năng này không tốn nhiều hơn một ngày”, trong khi đó việc phát triển thực sự lại tiêu tốn cả tuần hoặc hơn thế nữa dẫn đến trì trệ thời gian giới thiệu sản phẩm ra thị trường và tiêu tốn nhiều kinh phí.

Nguyên mẫu đóng vai trò là cầu nối giữa nhà thiết kế và nhà phát triển. Quá trình tạo nguyên mẫu giúp nhà phát triển hiểu được khía cạnh nào trong ý tưởng của bạn là khó hoặc không thể đưa vào ứng dụng. Trong suốt quá trình tạo mẫu có độ chính xác cao, hầu hết các thiếu sót tiềm ẩn về UI và tương tác người dùng đều bị phơi bày ra. Việc này giúp bạn lên kế hoạch cho nguồn lực, thời gian và ngân sách. Hãy nhớ rằng: bạn càng xác định được tiến trình và chỉnh sửa những vấn đề cơ bản càng sớm bao nhiêu thì chi phí càng ít tốn kém bấy nhiêu.

BIẾN Ý TƯỞNG CỦA BẠN THÀNH NHIỀU Ý TƯỞNG KHÁC NỮA

Khi các nhà thiết kế sản phẩm nghĩ ra được ý tưởng hay, họ thường có xu hướng cho đó là giải pháp hoàn thiện cuối cùng để cả nhóm xây dựng và thực hiện. Cách suy nghĩ này thường rất nguy hiểm vì hạn chế tầm nhìn của cả đội cũng như tổ chức. Tuy nhiên, điều này chỉ xảy ra khi chúng ta bỏ qua bước tạo nguyên mẫu mà đi thẳng vào việc xây dựng sản phẩm.

Khi bắt đầu tạo mẫu, nó sẽ hoàn toàn thay đổi cách chúng ta nghĩ về ý tưởng. Quá trình tạo mẫu như một cuộc thử nghiệm nơi đội nhóm thử nhiều cách tiếp cận khác nhau để tìm ra giải pháp tối ưu nhất. Ngay cả khi chỉ bắt đầu với một ý tưởng, họ cũng có thể đi qua nhiều hướng phát triển khác nhau, và dĩ nhiên kết quả cũng khác nhau. Đội nhóm trải qua chu trình nhanh: xây dựng – đo lường – học hỏi sẽ tiếp cận nhanh với ý tưởng cuối cùng. Vì vậy, không có gì nghi ngờ khi nói rằng quá trình tạo mẫu giúp đưa ra quyết định thiết kế sản phẩm.

Áp dụng mô hình Double Diamond để khám phá và triển khai ý tưởng (Nguồn ảnh: Hackernoon)

ĐỪNG QUÁ DÍNH CHẶT VÀO MỘT Ý TƯỞNG

Một trong những cách chơi cờ hay chính là “khi bạn tìm thấy một nước đi tốt, hãy cố gắng tìm ra một nước đi khác tốt hơn”. Trong thiết kế sản phẩm cũng vậy. Khi bạn tìm thấy một ý tưởng thật sự hay, điều tốt nhất là hãy phớt lờ nó đi trong giây lát. Lấy quyển sổ và viết ý tưởng của mình vào một trang giấy, sau đó lật qua trang khác và cất lên kệ. Cách tiếp cận này giúp bạn loại ý tưởng đó ra khỏi đầu trong một tích tắc và tiếp tục suy nghĩ cho một ý tưởng khác. Bởi vì, bạn phải học cách luôn sẵn lòng tìm ra ý tưởng hay, mới nếu bạn muốn tìm thấy một ý tưởng tuyệt hảo.

THIẾT KẾ VỚI CÁC DỮ LIỆU

“Hành động theo trực giác” là cụm từ chúng ta thường nghe trong cuộc sống. Mỗi người chúng ta cũng thường dùng trực giác cá nhân để ra quyết định, ngay cả trong những quyết định về thiết kế. Trực giác đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển giải pháp, tuy nhiên nó không phải là điều duy nhất chúng ta sử dụng. Việc bị ảnh hưởng quá nhiều vào trực giác khiến chúng ta dễ mất phương hướng, có xu hướng giải thích, biện hộ cho điều chúng ta nghĩ rằng đúng đắn.

 Thay vì chỉ dựa vào trực giác, hãy thu thập các thông tin, kiến thức bằng cách thử nghiệm nguyên mẫu trên đối tượng người dùng thật hoặc đại diện khách hàng mục tiêu của bạn. Các nguyên mẫu có tính chân thật cao luôn được khuyến nghị trong quá trình thử nghiệm tính năng bởi vì nó ghi nhận phản hồi tốt hơn (khi người dùng thấy một thiết kế thực tế, họ sẽ đánh giá nó như một sản phẩm hoàn chỉnh)

2. Nguyên mẫu giúp ích gì trong sự hợp tác đội nhóm và phản hồi trong thiết kế

BIẾN NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH BẠN TRỞ THÀNH NGƯỜI BÌNH LUẬN CỞI MỞ HƠN VỚI CÔNG VIỆC

Rất nhiều tổ chức gặp phải hiệu ứng HiPPO (ý kiến của người được trả lương cao nhất). Hiệu ứng này mô tả xu hướng của những người được trả lương thấp hơn bị dè dặt và gò bó bởi người được trả lương cao hơn (thường là quản lý) khi cần đưa ra một quyết định. Có thể nói đây là một tác động tiêu cực đến thiết kế sản phẩm – vì nó đưa ra sự thiên vị cho tất cả các quyết định thiết kế. Khi cả nhóm thảo luận về thiết kế, thay vì cùng nhau đưa ra quyết định, họ thường chỉ nhìn vào một người để chia sẻ ý tưởng.

 Có hai điều sẽ giúp bạn đối phó với hiệu ứng HiPPO. Đầu tiên, hãy nhớ tư duy “Không có ý tưởng tồi.” Có nghĩa là: “Không phải việc bắt đầu ngay được với một ý tưởng tốt mà là việc chuyển nó sang nhiều khả năng rộng lớn như thế nào.” Điều quan trọng là luôn sẵn sàng khám phá nhiều hướng đi khác nhau và nhiều giải pháp nguyên mẫu khác nhau.

Thứ hai, đưa ra những nhận xét thật lòng. Ngay cả khi bạn là một người chủ hay quản lý của tổ chức, những người làm việc cùng bạn cũng không nên vì thế mà dè dặt khi nghĩ về ý tưởng của bạn. Bạn nên thúc đẩy họ thử nghiệm nhiều cách tiếp cận khác nhau. Thay vì nói “Tôi nghĩ chúng ta nên thiết kế như thế này….”, hãy nói “các bạn nghĩ sao về cách thiết kế này?” Chỉ một lời nói đơn giản thế thôi nhưng sẽ giúp bạn xây dựng tinh thần sáng tạo và giúp các thành viên khác trong đội cùng nhau giải quyết vấn đề.

BỎ QUA SỰ THIÊN VỊ CÁ NHÂN

Cảm xúc đóng vai trò rất lớn trong việc đưa ra quyết định. Khi đánh giá các ý tưởng, chúng ta không chỉ cố gắng hiểu giá trị ý tưởng mà còn nhận thức hoặc vô thức đánh giá người đưa ra ý tưởng đó. Điều này xảy ra vì thường rất khó tách biệt ý tưởng khỏi người đề xướng chúng.

Thật ra, điều quan trọng là tách giá trị ý tưởng khỏi người đã chia sẻ chúng. Hãy tập trung vào việc nhận xét nguyên mẫu. Khi một thành viên trong nhóm nảy ra một ý tưởng hoặc giải pháp tiềm năng, hãy yêu cầu họ khiến chúng trở nên hữu hình hơn (tạo nguyên mẫu) và thử thách nguyên mẫu đó cùng với các thành viên khác. Đánh giá các quyết định thiết kế dựa trên mục tiêu kinh doanh và nhu cầu người dùng. Khi thử nghiệm nguyên mẫu, hãy tránh nói: “Chúng ta cùng hiện thực thiết kế này” mà hãy nói “Cùng tìm hiểu xem nó hoạt động hoặc không hoạt động như thế nào đối với người dùng và tại sao”. Bằng việc thu thập các phản hồi có ích từ đồng nghiệm cũng như những người có liên quan đến dự án, bạn không những bỏ qua được suy nghĩ thiên vị của bản thân mà còn tìm ra giải pháp tuyệt vời để xử lý vấn đề.

Quy trình xây dựng – đo lường – học hỏi bởi Learn Startup (Nguồn ảnh: openclassrooms)

3. Tóm lại:

Quá trình tạo nguyên mẫu không chỉ là một kĩ thuật được sử dụng trong quá trình phát triển sản phẩm. Nó còn là một triết lý thiết kế, một lối suy nghĩ. Tom và David Kelly của IDEO tóm gọn tầm quan trọng của quá trình tạo nguyên mẫu như sau: “Nếu một bức tranh trị giá 1,000 từ thì một nguyên mẫu trị giá 1,000 cuộc họp”. Quá trình tạo nguyên mẫu giúp định hình quỹ đạo thiết kế bằng cách hình thành nên tâm trí bạn theo đuổi những ý tưởng hay hơn. Bất kì đội nhóm nào cũng xem quá trình tạo nguyên mẫu là phần thiết yếu của sản phẩm để tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn.

Viết bởi Tony Kim
Biên dịch: Cici Giang