Qua mắt chuyên gia, bức ảnh được tạo ra bằng AI đạt giải nhất cuộc thi nhiếp ảnh

Mới đây, bức ảnh ngoạn mục chụp khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của tác giả “Jane Eykes” đã giành giải nhất tại cuộc thi nhiếp ảnh Mùa hè do công ty điện tử digiDirect của Úc tổ chức.

Thế nhưng ngay sau khi giải thưởng được công bố, một studio nghệ thuật AI có tên Absolutely Ai đã đứng ra thừa nhận chính họ là người đã tạo ra bức ảnh không hề có thực này bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

“Chúng tôi làm điều này để chứng minh rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo đang ở thời điểm bước ngoặt với việc vượt qua bài kiểm tra cuối cùng. Liệu một hình ảnh do AI tạo ra không chỉ có thể “qua mắt” được các chuyên gia mà còn  được trao giải thưởng cao nhất trong một cuộc thi nhiếp ảnh không? Câu trả lời rõ ràng là có” , Absolutely Ai khẳng định.

Studio này cho biết họ đã liên hệ với ban tổ chức cuộc thi để trả lại giải thưởng sau khi biết “tác phẩm” của mình đã giành chiến thắng.

Absolutely Ai cũng chia sẻ rằng cái tên Jane Eykes được đặt cho “nhiếp ảnh gia” AI này thực ra là một kiểu chơi chữ với tên của họa sĩ Jan van Eyck từ thế kỷ 15, người có tác phẩm Adoration of the Mystic Lamb vốn được coi là “tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp nhiều nhất” mọi thời đại.

Jamie Sissons, một trong những người sáng lập của Absolutely Ai, cho biết bức ảnh đoạt giải được tạo ra chỉ từ một prompt văn bản duy nhất.

Mặc dù cũng có nhiều nhà phê bình đã chỉ ra sự bất thường của các con sóng trong bức ảnh, nhưng studio này dự đoán rằng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ AI, rất có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ không thể nào biết được một bức ảnh là thật hay được tạo ra bởi một cỗ máy đã được lập trình. 

Khi được hỏi làm thế nào các cuộc thi nghệ thuật và nhiếp ảnh có thể đánh giá lại quy trình của họ để loại bỏ các hình ảnh tạo ra bởi AI, Sissons khẳng định: “Những hình ảnh ‘giả mạo’ này rõ ràng không có cùng siêu dữ liệu (metadata) như những bức ảnh thật.” Do đó, cách tốt nhất để các cuộc thi phát hiện ra những trường hợp gian lận như vậy ở thời điểm hiện tại đó là kiểm tra siêu dữ liệu trên tất cả các bức ảnh đăng ký tham gia cuộc thi.

Còn với bức ảnh đoạt giải, Absolutely Ai đã đặt cho nó cái tên là The Most Stolen Photograph và “trưng bày” trên Instagram kèm lời giải thích cho toàn bộ câu chuyện.

Tuy nhiên cũng có một số người hoài nghi về tính xác thực của toàn bộ câu chuyện này, cho rằng nó chỉ là một mánh lới marketing để quảng bá cho digiDirect và Absolutely Ai. 

Bạn nghĩ sao?

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!