Quy trình thiết kế UX

Đầu tiên, xin khẳng định với bạn: không có một quy trình tiêu chuẩn nào! Thực tế, UX không yêu cầu bạn phải theo sát một quy trình nghiêm ngặt, nhiều vòng nhiều cửa nhiều công đoạn như thủ tục hành chính ở Việt Nam.

Vậy tại sao vẫn cần bài viết về một quy trình?

Đó là bởi vì với một người bắt đầu, một quy trình với những bước đi cụ thể sẽ giúp bạn có một khởi đầu tốt hơn, rõ ràng hơn. Sau đó, khi đã có những kinh nghiệm nhất định, việc tùy biến quy trình cho phù hợp với từng dự án hay cá nhân mình sẽ dễ dàng hơn bởi bạn đã hiểu tổng quan những công việc thiết kế tiêu chuẩn và mục đích, kết quả của chúng.

Ý tưởng cơ bản về một quy trình thiết kế đó là: chúng ta thường có thói quen làm theo bản năng, thường thấy nhất đó là bản năng “too fast, too furious”. Bản năng này đưa chúng ta đến với những ý tưởng, những giải pháp ngay từ ban đầu mà không nắm rõ vấn đề. Hoặc ngược lại, có những người lại mắc kẹt với những ý tưởng không tốt dẫn đến việc bỏ cuộc quá nhanh.

Từ vấn đề đó, một quy trình thiết kế được xây dựng dựa trên 2 điều:

 

[quote]Giải pháp đến từ sự thấu hiểu[/quote]

Nếu yêu cầu bạn thiết kế một cái ly dành cho người mù, hầu như bạn sẽ chẳng biết bắt đầu từ đâu. Nhưng nếu cho bạn biết người mù có thính giác nhạy hơn người bình thường nhiều lần, chắc chắn rằng bạn sẽ bắt đầu có những ý tưởng đầu tiên. Một thiết kế UX tốt không phải tự nhiên được hình thành trên màn hình Photoshop với những layout hoành tráng long lanh, nó đến từ sự thấu hiểu tâm lý cơ bản cũng như hành vi của người dùng sản phẩm.

rgb_creative_quy_trinh_thiet_ke_ux_01

 

[quote]Thử nghiệm và thử nghiệm[/quote]

Bạn nên chấp nhận một sự thật đó là thiết kế đầu tiên bao giờ cũng đầy lỗi. Đừng lo, các developer sẽ chia sẻ sự cảm thông với bạn. Amazon mất hàng chục năm để phát triển trải nghiệm mua sắm như hiện nay, Airbnb với đội ngũ thiết kế mạnh mẽ liên tục cải tiến sản phẩm, chẳng ai có thể làm ra một sản phẩm hoàn hảo ngay từ đầu. Bạn cần thử nghiệm liên tục trong quá trình thiết kế để cải thiện thiết kế của mình.

rgb_creative_quy_trinh_thiet_ke_ux_02

Chúng ta sẽ đi qua lần lượt tổng quan các bước, sau đó chúng tôi sẽ phát triển nội dung chi tiết từng bước trong các bài viết tiếp theo.

1. Nghiên cứu người dùng

Không phải lúc nào việc nghiên cứu cũng phức tạp. Mục đích của việc nghiên cứu cơ bản là giúp bạn hiểu được mô hình tâm lý và hành vi của người dùng trong việc sử dụng sản phẩm.

Về tổng quan, có 2 phương pháp nghiên cứu được sử dụng:

Nghiên cứu định tính

Giúp bạn hiểu sâu hành vi của một người dùng thông qua trò chuyện, quan sát, trải nghiệm thực tế. Đây luôn là bước đầu tiên trong việc phát triển sản phẩm. Bạn càng dành nhiều thời gian, những thông tin của bạn sẽ càng sâu, giá trị và có ích khi thiết kế.

Nghiên cứu định lượng

Sau khi đã nói chuyện, đã quan sát, câu hỏi đặt ra là: “Liệu những điều bạn học được có đúng với những người dùng khác?” Định lượng giúp bạn kiểm chứng và đánh giá hành vi trên diện rộng. Vấn đề này thuộc về phân tích dữ liệu để xây dựng các quyết định trong thiết kế khi sản phẩm đã hoạt động.

Chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn cách thực hiện trong bài sau.

2. Tìm insights từ kết quả nghiên cứu và quan sát

Đây là bước cầu nối rất quan trọng mà hầu hết mọi người đều bỏ qua. Sau khi có được thông tin về hành vi của người dùng, làm sao để chuyển nó thành các tính năng, những ý tưởng thiết kế? Bạn sẽ phải xử lý các thông tin này, chuyển nó thành các tài liệu để phục vụ cho việc thiết kế.

Trong series này, chúng ta sẽ nói đến các công cụ cụ thể trong bước này như: Personas, Task Analysis, Scenario,…

3. Lên ý tưởng và Thiết kế

Vâng, đây mới là lúc bạn bắt đầu ngồi xuống và định hình thiết kế cho sản phẩm. Đầu tiên, từ mục tiêu lớn nhất của người dùng đối với ứng dụng, bạn phải xây dựng được flow căn bản mà phần lớn người dùng sẽ trải qua. Giả sử với ứng dụng email, bạn chỉ nên làm việc với 1 flow cơ bản: thông báo email – xem email – trả lời / forward / xóa – thoát ứng dụng. Tất cả những tính năng râu ria khác phải để sau.

Để xây dựng được flow căn bản này, bạn sẽ trải qua các bước lớn sau:

+ User flow

+ Sketch

+ Wireframe

+ Prototype

Tiếp tục, bạn sẽ lặp lại việc này với các tính năng khác, mở rộng wireframe, prototype.

Chúng ta sẽ đi qua từng bước cụ thể trong series này cũng như những kiến thức cần có trong thiết kế.

4. Thử nghiệm

Luôn ghi nhớ: thử nghiệm là một quá trình liên tục, song song với việc thiết kế. Quay lại bước 3, sau khi thiết kế flow căn bản, bạn cần đưa bản prototype vào thử nghiệm ngay lập tức, nhận phản hồi để cải tiến. Đừng để đến khi thiết kế của bạn đã quá lớn và chi tiết mới thử nghiệm, chi phí để sửa chữa sẽ chỉ càng ngày càng lớn.

Trong series này chúng ta cũng sẽ đi qua những phương pháp thử nghiệm trong UX.

5. Hoàn thiện trải nghiệm và giao diện sản phẩm

Thực tế mà nói, đây là một bước khá nhẹ nhàng. Với giao diện, các tương tác, có vô số các bộ UI Kit, các tương tác mẫu, animation hợp xu hướng để bạn chọn lựa. Bạn không cần phải làm lại từ đầu, như chúng ta thường nói “don’t reinvent the wheel”!

Tuy nhiên, chúng ta cũng sẽ đi qua các nguyên tắc cơ bản trong thiết kế UI, tương tác, tâm lý trong series này.

Đây là 5 bước cơ bản cho một người bắt đầu. Khi đã bắt đầu quen dần và hiểu rõ từng bước, bạn nên tùy biến để phù hợp với mục tiêu, thời gian, nguồn lực của bản thân và dự án.

 

Nguồn: Quang Nguyễn / UXD.vn