Sau suy thoái, điều gì sẽ xảy ra trong giai đoạn tái định hình ngành thiết kế sáng tạo?

Những người làm thiết kế sáng tạo thường tập trung vào kỹ năng và kiến thức chuyên môn mà bỏ qua những dấu hiệu thay đổi của thị trường. Điều này dễ dẫn đến suy nghĩ rằng các biến động thị trường chỉ là vấn đề của những người làm kinh tế. Tuy nhiên, thực tế, mọi ngành nghề, đặc biệt là thiết kế sáng tạo – một lĩnh vực gắn liền với Marketing và thương hiệu đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các nguyên tắc và xu hướng thị trường. Việc không kịp thời nhận ra và thích ứng với các biến động này có thể khiến bạn rơi vào trạng thái bị động trong định hướng sự nghiệp lâu dài. Thay vì dẫn dắt và làm chủ, bạn phải liên tục chạy theo những thay đổi để duy trì sự phù hợp. Điều này không chỉ làm tiêu tốn năng lượng mà còn dễ gây ra sự kiệt sức trong quá trình cố gắng bắt kịp những xu hướng mới.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn góc nhìn tổng quan về thị trường, mối quan hệ giữa sự thay đổi của nền kinh tế sau suy thoái và giai đoạn tái định hình ngành thiết kế sáng tạo lĩnh vực Marketing, Branding. Bây giờ hãy cùng nhau hiểu thêm về góc nhìn vĩ mô để có sự chủ động trong hành trình sự nghiệp sắp tới. Mong có thêm những chia sẻ và thảo luận từ bạn.

Những biến động kinh tế trong vài năm qua không chỉ khiến các doanh nghiệp thắt chặt ngân sách, mà còn đẩy ngành thiết kế sáng tạo vào một giai đoạn “tái định hình”. Nếu bạn là một freelancer vừa bước chân vào nghề, một nhà sáng lập trẻ điều hành studio thiết kế, hay một designer đã trải qua làn sóng layoff, chắc hẳn bạn cảm nhận rõ sự thay đổi sau giai đoạn khủng hoảng những năm gần đây. Nhưng đó không chỉ là sự khó khăn. Đó còn là cơ hội để vượt qua những khuôn mẫu cũ và tìm hướng đi mới cho sự nghiệp. Nếu vậy, đây là lúc chúng ta cần hiểu những góc nhìn vĩ mô và cơ hội đang chờ đợi trong ngành thiết kế sáng tạo tại Việt Nam.

Mức chi trả cho thiết kế giảm – Xu hướng không thể tránh khỏi 

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp buộc phải giảm thiểu chi phí ở mọi khâu, và ngân sách dành cho thiết kế sáng tạo cũng không nằm ngoài xu hướng này. Điều này càng trở nên rõ nét hơn khi AI xuất hiện, cho phép các tác vụ cơ bản được thực hiện bởi người không chuyên, trong khi nguồn cung designer trẻ trong ngành ngày càng gia tăng. Các doanh nghiệp, với sự hiểu biết ngày càng sâu sắc về định giá dịch vụ thiết kế đã bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn giá cụ thể, kéo theo mức chi trả cho thiết kế sáng tạo có xu hướng giảm so với thời kỳ trước.

Do áp lực từ khách hàng, nhiều nhà cung cấp buộc phải điều chỉnh giá để duy trì sự cạnh tranh và tồn tại. Trong giai đoạn 2021-2024, mức chi cắt giảm liên tục đã tạo ra một “vùng giá thấp” mà khách hàng coi là tiêu chuẩn. Điều này khiến việc tăng giá trở nên khó khăn, ngay cả khi nền kinh tế phục hồi. 

Mặc dù thời kỳ “sáng tạo là vô giá” sẽ kết thúc nhưng điểm sáng nằm ở khách hàng thấy được giá trị thực tế và có những yêu cầu cụ thể với các phân khúc chi trả. Điều này giúp người làm thiết kế sáng tạo định hình được mức giá dịch vụ của mình và có lộ trình gia tăng bài bản trong tương lai.

Giá giảm nhưng nhu cầu thiết kế sáng tạo sẽ gia tăng sau giai đoạn suy thoái

Lịch sử đã chứng minh rằng sau mỗi giai đoạn khủng hoảng, nền kinh tế sẽ bước vào một chu kỳ phục hồi mạnh mẽ. Giai đoạn này thường đi kèm với sự gia tăng về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tái cơ cấu mô hình kinh doanh cũ, từ đó thúc đẩy các nhu cầu về các dịch vụ thiết kế sáng tạo. 

Nền kinh tế Việt Nam năm 2024 đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng vẫn xuất hiện những dấu hiệu phục hồi tích cực. Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận gần 136,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 1,9% về số lượng so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp lớn đang tập trung tái định vị sản phẩm, giới thiệu các giải pháp mới và tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội. Khi các doanh nghiệp tiên phong này mở đường, các thương hiệu mới với sự nhạy bén sẽ nhanh chóng gia nhập thị trường. Những thương hiệu mới này cần sáng tạo trong việc định vị sản phẩm, xây dựng thương hiệu và tìm kiếm chỗ đứng trên thị trường. Xu hướng này sẽ làm gia tăng đáng kể nhu cầu thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu, đổi mới bao bì, sáng tạo nội dung cho các chiến dịch quảng cáo ở mọi phân khúc, đặc biệt trong giai đoạn hậu khủng hoảng và những năm tăng trưởng ổn định tiếp theo.

Mặc dù nhu cầu dự kiến sẽ gia tăng, mức độ cạnh tranh cũng trở nên khốc liệt, đòi hỏi các start-up và freelancer chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế sáng tạo phải tập trung vào việc phát huy giá trị riêng. Đồng thời, họ cần liên tục cập nhật và áp dụng những tư duy sáng tạo mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh, từ đó tận dụng cơ hội bứt phá và xây dựng đòn bẩy cho mình trong giai đoạn phục hồi sau suy thoái.

“Go Global” – Đồng hành cùng khách hàng trên thị trường quốc tế

Đầu năm 2023, sản phẩm Chin-su Wasabi của Masan Consumer đã tạo nên cú đột phá khi hòa quyện vị cay của ớt Việt với wasabi Nhật Bản, mang đến một trải nghiệm “2 trong 1” vừa quen thuộc vừa độc đáo cho người tiêu dùng Nhật. Điều này không chỉ đến từ sự thử nghiệm mới mẻ của vị giác mà còn là các thiết kế sáng tạo phù hợp với thị hiếu và văn hóa của thị trường mục tiêu. Không chỉ là Massan, các thương hiệu lớn của Việt Nam như Vinamilk, Trung Nguyên, FPT… đều đang thúc đẩy các hoạt động xuất khẩu tại thị trường quốc tế.

Hiện nay câu chuyện “Go Global” không chỉ dừng ở các thương hiệu lớn. Các sàn thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Alibaba đã tạo điều kiện và thúc đẩy nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam xuất khẩu sản phẩm ra thị trường toàn cầu. Theo báo cáo của Amazon Global Selling 2021, gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã được bán cho khách hàng trên toàn cầu, cùng với đó là doanh số ngày càng tăng. Đồng thời, thông tin tại Hội nghị Thương mại Điện tử xuyên biên giới 2024 cho thấy số lượng đối tác bán hàng Việt Nam tham gia chương trình đăng ký thương hiệu của Amazon tăng gấp 35 lần. Đây là minh chứng cho việc các doanh nghiệp ngoài việc bán sản phẩm, họ còn tập trung xây dựng thương hiệu và củng cố sự hiện diện của mình trên trường quốc tế.

Có thể nói đây là một xu hướng bền vững tạo cơ hội cho người làm thiết kế sáng tạo đồng hành cùng các thương hiệu Việt trên hành trình “Go Global” bằng cách cung cấp các giải pháp sáng tạo phù hợp dựa vào việc hiểu biết yếu tố văn hóa bản địa và thị trường xuất khẩu mục tiêu của thương hiệu. Với khả năng tốt về ngoại ngữ và sự thích ứng nhanh với các nền tảng công nghệ…, điều này tạo nên một lợi thế cho thế hệ genZ và các startup trẻ nếu đi theo định hướng này.

AI và BigData – Tối ưu hiệu suất trong thiết kế sáng tạo

Với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, AI có rất nhiều khía cạnh, giải pháp mà người làm sáng tạo có thể tận dụng để hỗ trợ công việc. Một giải pháp cụ thể như khi người làm thiết kế sáng tạo phải hiểu khách hàng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những lĩnh vực rất đặc thù như nghiên cứu dược phẩm hay thiết bị y tế. Thay vì việc bạn dành hàng giờ để tìm kiếm tài liệu, lúc này AI hoàn toàn có thể cung cấp chân dung khách hàng dựa vào tốc độ tổng hợp và phân tích dữ liệu nhanh chóng. Kết hợp với thông tin đó, và thời gian bạn tiết kiệm được nhờ dùng AI, bạn có thể tập trung suy nghĩ về các ý tưởng, cách đưa storytelling hay moodboard như thế nào để dẫn dắt cảm xúc và đề xuất giải pháp sáng tạo cho khách hàng. Nhờ vậy, AI đang giúp bạn có thêm thời gian để tạo ra những ý tưởng nguyên bản và những giải pháp sáng tạo có tính ứng dụng cao. Với việc biết cách khai thác AI ở nhiều khía cạnh, thì bạn có thể hoàn toàn nâng cấp hiệu suất trong công việc, gấp nhiều lần so với trước đây.

Ngoài AI, BigData sẽ hỗ trợ đắc lực để người làm sáng tạo đảm bảo tính hiệu quả nhờ thiết kế dựa trên dữ liệu. Hiện nay, Big Data giúp các nhà thiết kế hiểu rõ hơn về hành vi, sở thích và kỳ vọng của khách hàng ở từng thị trường, từ đó đưa ra những giải pháp thiết kế tối ưu. Để người làm thiết kế sáng tạo có được các dữ liệu đáng tin cậy thì nguồn thông tin phần lớn đến từ khách hàng. Tuy nhiên, việc khách hàng chia sẻ dữ liệu cũng là một trở ngại vì lo sợ rò rỉ thông tin với đối thủ cạnh tranh. Vậy làm sao để tạo được lòng tin giúp khách hàng sẵn sàng chia sẻ với bạn? Bạn sẽ có câu trả lời nếu đọc bài “Tâm thế của người bán thiết kế sáng tạo xịn sò” tại chuỗi bài viết này.

Né cạnh tranh trực tiếp, đừng bỏ qua thị trường ngách

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc tập trung vào các dịch vụ phổ biến không còn là lựa chọn tốt nhất. Thay vào đó, khai thác thị trường ngách là cách để bạn tạo sự khác biệt và xây dựng vị thế riêng. Bạn có bao giờ thử nghĩ về việc chuyên thiết kế cho các doanh nghiệp hướng đến giảm dấu chân carbon và chi phí năng lượng, dựa trên việc hiểu và vận dụng các tiêu chuẩn quốc tế về Net Zero? Hay nền kinh tế chuyên gia đang phát triển, điều này là dấu hiệu gia tăng của nhu cầu tạo dấu ấn riêng hay chính xác là một bộ hệ thống nhận diện thương hiệu cá nhân có tính chuyên nghiệp và nổi bật. Vậy bạn hoàn toàn có thể hướng đến cung cấp dịch vụ thiết kế cá nhân hóa, thay vì đối đầu trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp. Và nếu bỏ thêm công sức, thời gian thử nghiệm thị trường, bạn hoàn toàn có thể tiên phong và nổi bật khi bán giải pháp thiết kế sáng tạo cho khách hàng trong một lĩnh vực đặc thù. 

Đây chính là cơ hội dành cho những ai đang muốn bắt đầu khởi nghiệp hoặc các studio trong giai đoạn tái định vị muốn tìm cho mình một thị trường đại dương xanh trong một bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt.

Sau mỗi cuộc suy thoái, ngành thiết kế sáng tạo không chỉ phục hồi mà còn thay đổi mạnh mẽ, mang đến cả cơ hội lẫn thách thức. Ngay thời điểm này, tạm gác lại những điều quen thuộc, tận dụng những kinh nghiệm khởi nghiệp và điều hành hệ sinh thái dịch vụ sáng tạo 12 năm qua, chính bản thân tôi cũng đang thực hiện quá trình tái định vị sản phẩm, dịch vụ để phù hợp với xu hướng thị trường. Việc trau dồi cho mình một góc nhìn tổng quan về thị trường, mối quan hệ giữa sự thay đổi của nền kinh tế và lĩnh vực chuyên môn của bạn, đồng thời cập nhật xu hướng mới là điều cần thiết. Nếu bạn đang trên hành trình khởi nghiệp hay tái định vị dịch vụ thiết kế sáng tạo, bạn có thể theo dõi chuỗi bài viết này và cùng nhau chia sẻ góc nhìn.

Đọc thêm từ chuỗi bài của tác giả Tùng Juno:

Chuỗi bài RGB hợp tác độc quyền với Tùng Juno – CEO/Creative Director của RIO Creative, khai thác góc nhìn đa chiều về tư duy kinh doanh và cách bán dịch vụ thiết kế sáng tạo chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam 

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!