Trong ngành sáng tạo, từ freelancer cho đến các studio, khi nghĩ ra một ý tưởng hay giải pháp, chúng ta thường tự hào và trân trọng công sức của mình. Điều đó khiến chúng ta mong muốn được công nhận và nhận về mức thù lao xứng đáng.
Tuy nhiên, thực tế đôi khi không như kỳ vọng. Có những dự án mà ý tưởng bị đánh giá thấp hơn giá trị thực sự. Thay vì thất vọng hay phàn nàn, đã đến lúc bạn cần thay đổi cách tiếp cận. Hãy thử đặt mình vào vị trí khách hàng và trình bày ý tưởng theo cách họ dễ hiểu và bị thuyết phục bằng storytelling.
Storytelling là nghệ thuật kể chuyện để truyền đạt ý tưởng một cách mạch lạc và giàu cảm xúc. Trong thiết kế sáng tạo, storytelling giúp trình bày giải pháp thiết kế như một câu chuyện có mở đầu, diễn biến và kết thúc. Thay vì liệt kê các thiết kế hoàn chỉnh hay đi thẳng đến ý tưởng thì storytelling dẫn dắt khách hàng qua quá trình hình thành ý tưởng, từ vấn đề đến giải pháp.
Storytelling thể hiện sự chân thành và đầu tư của bạn
Storytelling giúp bạn dẫn dắt khách hàng qua hành trình hình thành ý tưởng, từ giai đoạn nghiên cứu, phân tích đến đánh giá và đề xuất. Nhờ đó, khách hàng không chỉ hiểu rõ giải pháp mà còn thấy đây là kết quả của một quá trình làm việc nghiêm túc và tâm huyết, chứ không phải một ý tưởng hời hợt, qua loa.
Thực tế, các proposal từ những agency chuyên nghiệp thường dài hơn 100 trang, trong đó chỉ ⅓ dành cho ý tưởng, còn lại ⅔ là phần phân tích và dẫn dắt. Phần này tưởng như lãng phí nhưng lại là “đòn bẩy” giúp ý tưởng thuyết phục hơn. Nó giải thích cơ sở hình thành ý tưởng và kể lại hành trình tư duy, khiến ý tưởng trở nên logic và đáng tin cậy hơn trong mắt khách hàng.
Storytelling giúp khách hàng hiểu ý tưởng của bạn một cách trọn vẹn
Người làm thiết kế sáng tạo thường gặp khó khăn khi giao tiếp với khách hàng do khác biệt về kiến thức, kinh nghiệm và ngôn ngữ chuyên môn. Điều này khiến việc trình bày ý tưởng đôi khi giống như trò may rủi.
Nhờ storytelling, khoảng cách giao tiếp được thu hẹp. Bạn có thể trình bày ý tưởng theo cách gần gũi và giàu cảm xúc thay vì sử dụng thuật ngữ chuyên môn phức tạp. Cách tiếp cận này giúp truyền đạt ý tưởng rõ ràng, dễ hiểu và để lại ấn tượng sâu sắc hơn với khách hàng. Từ đó, họ sẵn sàng trả mức giá xứng đáng với giá trị bạn mang lại.
Storytelling giúp khách hàng chủ động kể câu chuyện thương hiệu
Nhiều người nghĩ storytelling trong thiết kế chỉ là yếu tố phụ để làm cho proposal hấp dẫn hơn. Nhưng thực tế, khách hàng cần storytelling của bạn để kể về thương hiệu của họ một cách hiệu quả.
Khách hàng chắc chắn muốn tự hào khoe về thương hiệu của mình, nhưng họ không thể chỉ nói: “Key visual của chúng tôi rất đẹp, font chữ hiện đại hay hình ảnh bắt mắt.” Những điều đó, dù quan trọng, vẫn chỉ là bề nổi. Họ cần một câu chuyện có chiều sâu và cảm xúc để giải thích giá trị cốt lõi đằng sau các lựa chọn thiết kế. Storytelling trong proposal của bạn sẽ là công cụ giúp họ truyền tải câu chuyện thương hiệu đến các bên liên quan. Đây là giá trị gia tăng mà bạn cung cấp cho khách hàng.
Proposal không phải là nơi để trình bày những đường nét, màu sắc hay bố cục một cách rời rạc. Nó cần được xây dựng như một câu chuyện – một hành trình từ việc nhận diện vấn đề, đồng cảm với nhu cầu của khách hàng đến việc giải quyết sáng tạo. Điều này không chỉ giúp khách hàng hiểu ý tưởng mà còn thuyết phục họ rằng bạn xứng đáng với chi phí họ đầu tư. Khi làm được điều đó, bạn không chỉ tăng tỷ lệ thành công của proposal mà còn nhận được mức giá tương xứng với giá trị bạn mang lại.
Để lại đánh giá