The Son of Man: Đóng góp lừng danh của Magritte cho trường phái Siêu Thực

Con của Người là bức tự họa siêu thực của danh họa người Bỉ René Magritte, được vẽ vào năm 1964. Một trong những bức tranh tiêu biểu thuộc trường phái siêu thực, tác phẩm vừa đơn giản vừa đầy ẩn ý, nhường cho mỗi người xem tự mình tìm ra ý nghĩa bức tranh. Bài viết này sẽ khám phá những giả thuyết về hàm ý phía sau tác phẩm, đồng thời tìm hiểu về quá khứ của Magritte với trường phái siêu thực, cũng như dấu ấn ông để lại cho văn hóa đại chúng ngày nay.

• • •

Magritte và Trường phái Siêu thực

Cho dù khởi đầu của Magritte là những tác phẩm theo trường phái Ấn tượng, ông lại thực sự nổi bật trong việc sáng tác những bức tranh siêu thực dí dỏm, sâu sắc. Trong thời gian làm soạn thảo tại một nhà máy sản xuất giấy dán tường, ông bắt đầu thử sức với tác phẩm siêu thực đầu tiên: Người đua ngựa Lạc lối (The Lost Jockey). Bức tranh vẽ một tay đua đang cưỡi ngựa băng qua một khung cảnh tựa như sân khấu kịch, có rèm che hai bên và sàn gỗ dưới chân con ngựa. Năm 1927, Magritte tổ chức buổi triển lãm tranh đầu tiên trong sự nghiệp, nhưng sự kiện kết thúc với một nốt trầm khi các nhà phê bình tỏ rõ sự thất vọng trước những tác phẩm của ông.

Tác phẩm The Lost Jockey, René Magritte, 1926

Phản ứng của các nhà phê bình là động lực khiến ông chuyển tới Paris sống, nơi ông gặp các họa sĩ siêu thực đồng môn cùng thời: như Salvador Dali, Joan Miro, và Max Ernst. Dù Paris đã truyền cảm hứng giúp ông cho ra đời những tác phẩm như Cặp Uyên Ương (The Lovers) Sự phản bội của hình ảnh (Treachery of Images), ông vẫn không tạo được tiếng vang cho bản thân trong giới nghệ thuật, và vào năm 1930 ông chuyển về Brussels. Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra là mồi lửa cho giai đoạn phong cách Renoir của ông, thời kỳ ông sử dụng màu sắc sặc sỡ để đối chọi lại sự khốc liệt và loạn lạc của chiến tranh. Ông giải thích trong một bức thư rằng:

“Sự hỗn loạn và hoang mang mà chủ nghĩa Siêu thực cố nuôi dưỡng để có thể đặt dấu hỏi cho vạn vật, bỗng dưng mấy thằng điên Phát Xít lại phát huy hiệu quả hơn họa sĩ bọn tôi nhiều… Đối mặt với sự tiêu cực tràn lan, giờ tôi đề xuất ta theo đuổi niềm vui và khoái lạc.”

Tác phẩm The Lovers, René Magritte, 1928

Tới cuối cuộc chiến tranh, Magritte từ bỏ hoàn toàn việc sáng tác theo trường phái Ấn tượng, cột mốc khởi đầu cho thời kỳ “vache” của ông. Đối lập hoàn toàn với những bức tranh tươi sáng, vui vẻ ông đã sáng tác trong chiến tranh, những tác phẩm trong khoảng thời gian này đầy góc cạnh, tăm tối và khiêu khích, trong cách thể hiện từng bức đều mang ảnh hưởng của Fauve. Tên gọi “thời kỳ vache” vì trong tiếng Pháp, vache dịch ra là con bò, hay trong ngữ cảnh này sẽ có nghĩa là mộ bà béo, một người lười nhác. Trong các tác phẩm này Magritte đã thể hiện đúng sự thô tục này, và đúng như ông lường trước, công chúng phản ứng không mấy tích cực.

Năm 1948, Magritte trở lại với trường phái siêu thực ông từng khám phá trước Thế Chiến II. Trong chính thời kỳ này, ông đã đạt tới đỉnh cao thành công về tiền bạc và sự nghiệp, sau đó để lại nhiều triển lãm hồi tổng hợp con đường hoạt động nghệ thuật của ông.

Tác phẩm The Harvest, René Magritte, 1943. Một tác phẩm được sáng tác vào ‘thời kì vache’ của Magritte

Con của Người: Tác phẩm và Ý nghĩa

Năm 1963, Magritte được đặt vẽ một bức chân dung tự họa, từ đó ông bắt tay vào vẽ bức Con của Người. Ông nhận thấy rằng để vẽ một bức tự họa theo cách truyền thống quá khó, vậy nên ông chọn thiên về hướng siêu thực, theo tư duy rằng một bức tự họa là “một bài toán về ý thức”.

Trong bức Con của Người, ta thấy một người đàn ông đứng trước khung cảnh một bãi biển. Trời có mây bao phủ, bóng đổ về phía bên trái cho thấy nguồn sáng trong bức tranh là ánh nắng. Người đàn ông mặc trên mình một bộ áo khoác dạ dài và mũ phớt – chiếc mũ phớt này liên tục xuất hiện trong các tác phẩm của Magritte, có thể là ngụ ý chỉ đến việc quan điểm chính trị của ông theo chân Đảng Cộng Sản. Chủ thể bức tranh và khung cảnh đằng sau dường như không hề ăn nhập, người đàn ông ăn mặc trang trọng lại xuất hiện ở một địa điểm bình thường. Một điểm hơi khó nhìn ra khi mới xem bức tranh lần đầu: Khuỷu tay trái của người này hướng ngược lại với giải phẫu.

Tác phẩm Son of Man, René Magritte, 1946

Tuy nhiên, khuỷu tay không phải chi tiết siêu thực nhất bức tranh: đặc điểm dễ nhận biết nhất chình là quả táo xanh che đi một phần mặt người đàn ông. Quả táo lơ lửng trước mặt nhân vật chính, nằm ngoài mọi quy luật trọng lực, mời gọi người xem hãy tự tưởng tượng gương mặt của người này, từ đó mỗi người sẽ tự tìm đến góc nhìn của riêng mình. Trả lời một cuộc phỏng vấn về bức tranh, Magritte nói rằng:

“Vạn vật ta nhìn thấy đều che giấu một thứ khác đằng sau, và ta luôn khao khát được nhìn thấy những thứ đằng sau cái hữu hình, nhưng khao khát đó là không thể. Con người quá giỏi che giấu bí mật của bản thân. Có một sự hiếu kỳ với những thứ ẩn khuất, những thứ không được lộ ra bên dưới cái hữu hình. Sự hiếu kỳ này dần có thể trở thành một cảm xúc mãnh liệt, hay một dạng xung đột, giữa cái hữu hình ẩn giấu với cái hữu hình lộ diện.”

Một giả thuyết cho rằng tiêu đề bức tranh ám chỉ Thiên Chúa Giáo, rằng quả táo xanh tượng trưng cho cảnh người phàm sa vào cám dỗ. Trong thuyết Thiên Chúa, quả táo là biểu tượng của kiến thức và sự sa đọa của con người, như trong câu chuyện kể về Eve nhận quả táo từ con rắn trong Vườn Địa Đàng.

Một giả thuyết khác cho rằng tác phẩm muốn phản ánh người nhân viên thời nay, vô danh, buộc phải xóa bỏ cái tôi bản thân để thuận theo khuôn phép. Quả táo che đi mặt người đàn ông mang ý nghĩa rằng anh ta đang giấu đi bản thân khỏi xã hội. Một trong những khía cạnh trường tồn nhất của tác phẩm chính là vô vàn những góc nhìn và giả thuyết, chính là mục tiêu của Magritte.

Con của người, Magritte và văn hóa đại chúng

Con của người là một trong những tác phẩm siêu thực nổi tiếng nhất, một phần nhờ sự xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm văn hóa đại chúng, được biên chế lại bởi mọi tác giả, từ Norman Rockwell cho tới The Simpsons.

Tác phẩm Mr.Apple, Norman Rockwell, 1970

Năm 1970, Rockwell sử dụng hình tượng quả táo trong bức tranh Ông Táo (Mr.Apple), nhưng thay vì che khuất gương mặt, quả táo đỏ khổng lồ trong bức tranh này thay thế luôn toàn bộ phần đầu của nhân vật. Hình tượng quả táo của Magritte là cảm hứng cho Paul McCartney đặt tên cho hãng thu âm của mình là Aooke Records, từ đó cho Steve Jobs ý tưởng đặt tên công ty của ông thành Apple Computers.

Năm 1999, bức tranh cũng là một chi tiết chính trong bộ phim trinh thám The Thomas Crown Affair, đặc biệt trong cảnh cuối: nhiều người cùng mặc áo khoác dạ dài và mũ phớt, đột nhập bảo tàng và đánh lạc hướng đội an ninh khỏi phát hiện hành tung của Thomas Crown. Nhiều chi tiết gợi nhắc tới bức tranh cũng xuất hiện trong series phim hoạt hình The Simpsons, các tập (500) Days of Summer, Bronson, và Stranger Than Fiction.

Bài viết gốc The Son of Man: Magritte’s Famous Contribution to Surrealism
Bởi Tara Lloyd
Lược dịch bởi Artplas x RGB