Thiết kế Việt Nam: Dong buồm ra biển lớn

“Đó chỉ đơn giản là công việc sử dụng các phần mềm máy tính.”

“Cậu cần phải thành thạo các phần mềm đắt tiền – Photoshop, Corel Draw hay QuarkXPress. ”

“Nó có phải một nghề không?”

Tôi nhận được những tràng cười khi chia sẻ ước mơ theo đuổi ngành thiết kế đồ họa cách nay hơn một thập kỷ.

Thật vậy, mất một khoảng thời gian dài để ngành thiết kế đồ họa được công nhận tại Việt Nam. Hơn 20 năm trước, với sự xuất hiện của các tạp chí máy tính và công nghệ, người ta mới bắt đầu hiểu thiết kế đồ họa là gì và tính ứng dụng của chúng.

11438Design_1484149981

Ảnh minh họa: 99u.com
Sau đó thì nhu cầu nhân lực cho ngành này gia tăng nhanh chóng, các trung tâm tin học đã đưa vào một vài khoá học ngắn hạn về thiết kế đồ họa và thu hút đông đảo học viên tham gia. Các lớp học này dạy một số kiến thức căn bản về thiết kế. Tuy nhiên, hầu hết học viên chỉ được học cách sử dụng các phần mềm thiết yếu.

Và đó là lúc Việt Nam chứng kiến sự khai sinh của thế hệ thiết kế đồ họa đầu tiên mà đa phần là thiếu kiến thức và không có khả năng nhận biết thiết kế đồ họa thực sự là như thế nào. Hệ quả là đến tận bây giờ, nhiều sản phẩm tạo ra đều rất rập khuôn, thiếu tính sáng tạo và thậm chí một số còn sao chép ý tưởng từ phương Tây (chứng kiến sức ảnh hưởng mạnh mẽ về mọi mặt từ phương Tây đối với văn hóa Việt Nam trong suốt nhiều năm thì điều này không có gì đáng ngạc nhiên).

Trong bối cảnh đó, đất nước cần một đội ngũ thiết kế không chỉ sử dụng thành thạo phần mềm mà còn phải có kiến thức chuyên môn tốt và giàu lòng nhiệt huyết trong việc tạo nên sự đổi mới, ghi dấu ấn độc đáo trong lĩnh vực thiết kế. Dần dần, chúng ta chứng kiến sự đơm hoa kết trái cho những nỗ lực đó. Hãy bắt đầu với trang sáng tạo nổi tiếng Behance, bạn sẽ bắt gặp nhiều tài năng dẫn đầu trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh và tranh minh họa, đã tạo được những dấu ấn cá nhân trên đấu trường thiết kế. Có thể kể đến là Lê Thanh Tùng và Jimmi Tuan (thiết kế đồ họa); Linh Phan và Tamypu (tranh minh họa); Tang Tang và Wing Chan (nhiếp ảnh). Với sự sáng tạo và đam mê của mình, họ đã tạo nên tầm ảnh hưởng cũng như truyền cảm hứng cho những thế hệ thiết kế tiếp nối.

Việt Nam là một quốc gia có lực lượng lao động trẻ với 50% dân số dưới độ tuổi 30. Họ – nguồn lực sống còn của đất nước với nguồn năng lượng dồi dào, lòng nhiệt huyết và sự thông minh sắc sảo sẽ quyết định tương lai nền công nghiệp sáng tạo của quốc gia.

Nhìn chung, người Việt Nam rất mưu trí và chịu khó. Điều này đặc biệt cần thiết đối với thiết kế đồ họa vì ngành này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và có tầm nhìn. Tuy nhiên điều trở ngại đối với các thế hệ trước đây là việc thể hiện cá tính của bản thân lại không được khuyến khích. Đáng lạc quan là thế hệ trẻ ngày nay rất tích cực thể hiện mình. Điều này có thể nhận thấy qua những thiết kế được bắt gặp tại các cửa hàng café, các buổi triển lãm nghệ thuật hoặc các phong cách thời trang táo bạo trên đường phố.

11438Design_1484150833

Một tác phẩm của Tamypu.
Với mục đích dần nâng cao trình độ, các nhà thiết kế trẻ cần trau dồi nhiều kỹ năng cần thiết như nghiên cứu thị trường, tâm lý khách hàng, phê bình đánh giá… Về mặt chuyên môn, cần củng cố phương pháp thiết kế, quản lý hiệu quả công việc và bồi dưỡng các kỹ năng sáng tạo. Việt Nam có một nền nghệ thuật hơn 4000 năm lịch sử với các ngành thủ công đáng tự hào từ truyền thống cho đến hiện đại. Dễ dàng nhận thấy mỹ nghệ vẫn là ngành xuất khẩu mũi nhọn của đất nước đặc biệt là nội thất gỗ, mây tre và tơ lụa. Đây là vùng đất đang chờ đợi được khám phá, một sân chơi tiềm năng để các nghệ sĩ và các nhà thiết kế phát triển các trường phái, phong cách sáng tạo cho riêng mình.

Đa dạng là yếu tố đặc thù của văn hóa Việt Nam cùng với sự kết tinh của nhiều nền văn hóa địa phương kết hợp với sự ảnh hưởng từ nhiều nền văn hóa trên thế giới đã tạo nền tảng cho sự phát triển và biến hóa của ngành thiết kế. Sự đa dạng thể hiện trong đặc điểm địa lý và khác biệt văn hóa giữa các vùng miền đã tạo nên một hệ thống ngôn ngữ thiết kế độc đáo. Hiểu rõ và biết ứng dụng sự khác biệt này trong cách tiếp cận, tư duy và với một mục tiêu phát triển nghề nghiệp rõ ràng sẽ giúp các nhà thiết kế trở nên xuất sắc.

Thế giới mà trước đây khi nhắc đến khiến mọi người cười và nghi ngờ giờ không chỉ trong ảo tưởng mà nay lại trở thành niềm đam mê mỗi ngày cho lớp thiết kế trẻ nhiều tham vọng ở Việt Nam. Thế giới thiết kế, hãy chứng kiến sự hòa nhịp của chúng tôi!


Vùng đất mỹ thuật đang chờ đợi được khám phá, đây là một sân chơi tiềm năng để các nghệ sĩ và các nhà thiết kế phát triển các trường phái, phong cách sáng tạo cho riêng mình.


Tác giả: An Tong, Art Director tại QUO | Nguồn: Brands Vietnam

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!