“Tiếng Thét” (The Scream): Phân Tích Tác Phẩm Tràn Ngập Lo Âu Của Edvard Munch

Bài báo này có đề cập đến các vấn đề sức khỏe tâm lý và bạo hành trẻ em bằng lời nói. Khuyến cáo độc giả cân nhắc trước khi đọc.

Thời còn đi học tiểu học, tôi đã được học về tác phẩm Tiếng Thét rất nhiều, không biết bạn có giống vậy không. Ý tôi không phải là học về những kiến thức cơ bản như lý do họa sĩ Munch vẽ bức tranh này, mà là thảo luận về tác phẩm và những cảm xúc nó gợi đến cho chúng tôi, và học về thời điểm bức tranh được tạo ra cũng như nơi nó được trưng bày hiện nay. Khi tôi còn là trẻ con thì bức Tiếng Thét đã dọa tôi chết khiếp. Nền bầu trời cam chói lóa đi cùng với gương mặt ma mị, không giống hình thù con người đầy hãi hùng. Hồi ấy trông bức tranh chẳng có chút gì là hấp dẫn. Ấy vậy mà, qua thời gian, thì nó lại trở thành một trong những bức tranh yêu thích của tôi. Bức vẽ đầy hỗn loạn được Munch sáng tạo vào năm 1893 này có sức hút riêng, và tôi muốn tìm hiểu tường tận sức hút ấy.

Tiếng Thét, 1910, Phòng Triển lãm Quốc gia và Bảo tàng Munch, Oslo, Na Uy

• • •

Theo như lời của chính họa sĩ Munch, bức tranh Tiếng Thét phác họa tâm hồn ông. Thay vì đi theo phong cách nghệ thuật thời bấy giờ – vẽ chủ thể trong tranh một cách tỉ mẩn, cẩn thận đến từng chi tiết – thì ông lại chọn phong cách vô thực để diễn tả cảm xúc cá nhân, không quá chú trọng vào chủ nghĩa hiện thực và hoàn hảo. Munch giải thích rằng bức vẽ khắc họa một khoảnh khắc của cơn khủng hoảng hiện sinh. Lúc đó, ông đang đi bộ dọc một con đường tương tự như con đường trong tranh, cũng vào lúc hoàng hôn vô cùng rực rỡ. Ông dạo bước cùng vài người bạn, nhưng khi họ tiếp tục đi, thì ông lại dừng lại để ngắm nhìn bầu trời trước mắt. Ông mô tả cảm giác mà thời nay ta gọi là một cơn hoảng loạn; bỗng nhiên ông thấy mệt mỏi, lo lắng, sợ không gian hẹp và gục ngã dưới sức nặng của thiên nhiên và thế giới, tất cả những cảm giác đó ào ạt ập đến trong cùng một lúc.

Vậy thì vào ngày hôm ấy, điều gì đã làm dấy lên sự phản ứng mạnh mẽ trong tâm trí của Munch đến vậy? Với nhiều người, những cơn hoảng loạn có thể xảy ra như cơm bữa. Hầu như ai cũng trải qua cảm giác này một lần trong đời. Tuy nhiên, chứng hoảng loạn của Munch lại đi cùng với một cuộc khủng hoảng hiện sinh. Phải chăng đã có một sự kiện xảy ra trong cuộc sống của ông mà dẫn đến một thoáng suy sụp tinh thần hoặc xa rời thực tại này? Câu trả lời là, đúng vậy. Trước khi họa sĩ suy sụp, một trong những người chị em gái của ông bị đưa vào bệnh viện tâm thần vì mắc bệnh tâm lý nặng. Không chỉ có thế, ông cũng vật lộn với việc mẹ qua đời khi ông mới lên 5 và một chị gái qua đời khi ông mới 13. Cả hai người đều mất vì bệnh lao phổi. Thực sự thì quá khứ của ông tràn ngập buồn đau, và có lẽ điều ấy đã góp phần tạo nên cơn khủng hoảng hiện sinh của ông, để rồi trở thành ý tưởng xuyên suốt quá trình vẽ bức Tiếng Thét.

Các phiên bản khác nhau của Tiếng Thét (từ trái sáng): 1893 – được xem là bản đầu tiên, 1893, 1895

Khi còn nhỏ, ông đã gặp nhiều vấn đề về sức khỏe và hay phải nghỉ học ở trường – ông thậm chí còn không thể đi ra ngoài vào mùa đông vì ốm bệnh. Bố của Munch thường bạo hành ông bằng lời nói và còn dùng chính người mẹ đã khuất của ông để chì chiết, khẳng định rằng bà sẽ không thấy tự hào về những người con của bà đâu. Sau đó, ông còn phải chịu thêm sự lạm dụng thể chất từ bố vì ông ta không ưa nghề nghiệp của Munch. Những tác phẩm đầu tay của ông thì hứng chịu nhiều trỉ trích từ phía công chúng. Rõ ràng là, những chấn thương từ thời thơ ấu của ông đã dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe tâm lý, và những trận bạo hành và căng thẳng nối tiếp nhau trong sự nghiệp của ông chắc chắn  chẳng giúp ích gì.

Có nhiều bài phân tích nói rằng bức Tiếng Thét và cách họa sĩ Munch mô tả cơn khủng hoảng hiện sinh phía sau bức tranh là những dấu hiệu rõ rệt của căn bệnh rối loạn giải thể nhân cách (depersonalization disorder). Căn bệnh này tạo ra cảm giác mất kết nối với bản thân và môi trường xung quanh, cứ như thể người bệnh bất chợt quan sát cơ thể của họ từ bên ngoài chứ không hề có sự liên kết với nó. Chứng rối loạn giải thể nhân cách được cho  là bắt nguồn từ những bạo hành thời thơ ấu. Nó có thể gây ra căng thẳng và hoảng loạn tột độ. Người ta tin rằng điều mà Munch mô tả khi ông trải qua cơn khủng hoảng hiện sinh trên cầu, cách xa những người bạn của mình, rất giống với triệu chứng của chứng rối loạn giải thể nhân cách.

Các phiên bản khác nhau của Tiếng Thét (từ trái sáng): 1895, 1910 – bị lấy cắp vào năm 2004, chưa rõ năm sáng tác

Xét đến việc Munch có nhiều dấu hiệu của việc căng thẳng thần kinh nặng và cũng thừa nhận việc bị bố bạo hành bằng lời nói suốt thời ấu thơ, rất có khả năng ông thật sự mắc căn bệnh trên. Do ông cũng đề cập đến chứng lo âu và có dấu hiệu trầm cảm, có thể đây không phải căn bệnh tâm lý duy nhất mà ông mắc phải. Dù cho người họa sĩ trải qua căn bệnh nào, ta cũng có thể gần như chắc chắn là nó có tác động đến cơn khủng hoảng hiện sinh của ông trên cầu. Bức Tiếng Thét không đơn giản chỉ là một sản phẩm được tạo ra từ sự căng thẳng hay một thoáng hoảng loạn bất thường. Bức tranh là hiện thân cho những thời khắc tăm tối mà Munch trải qua khi ông vật lộn với những căn bệnh và chấn thương về mặt tâm lý, nó cũng tượng trưng cho nỗ lực giải thích và hợp lý hóa trải nghiệm của ông thông qua điều mà ông biết rõ nhất – vẽ tranh.

Sau khi vẽ Tiếng Thét, Munch tự đăng ký vào một bệnh viện tâm thần vì ông khẳng định rằng bản thân đã nghe thấy nhiều giọng nói trong đầu. Tiếng Thét không chỉ là sản phẩm phái sinh duy nhất của chứng lo âu nặng và sức khỏe tâm thần sụt giảm. Dù ta không thể phủ nhận rằng đó là bức tranh nổi tiếng nhất của Munch, nhưng phải thừa nhận ông cũng có nhiều tác phẩm khác tập trung vào chủ đề sức khỏe tâm thần. Một vài trong số đó là chân dung của người chị gái đã mất. Tác phẩm mang tên Lo Âu (Anxiety) được vẽ sau bức Tiếng Thét và có nét tương đồng đáng kể với bức tranh này.

Lo Âu, 1894, Bảo tàng Munch, Oslo, Na Uy

Dù Munch đã vẽ nhiều quang cảnh tăm tối và buồn rầu từ rất lâu trước khi ông bắt tay vào vẽ bức Tiếng Thét, thì bức tranh này dường như là sản phẩm có tác động lớn nhất tới ông. Trong bức Lo Âu, ông thực sự đã sao chép lại toàn bộ phông nền của Tiếng Thét. Những đường nét phía sau trông cũng na ná, đến cả trang phục cũng giống nhau. Tuy nhiên, có hai điểm khác biệt đáng kể. Bức Lo Âu có nhiều người cùng hướng mặt về phía khán giả. Và không có ai đang la hét cả.

Vậy thì bức tranh tiếp nối này có ý nghĩa gì? Đây có phải một nỗ lực diễn giải những vấn đề tâm lý và chứng lo âu của ông hay không? Hay đây là cách ông nói với xã hội rằng tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ và lo lắng giống nhau, có lẽ đã có hàng trăm nghìn người đi trên chiếc cầu ấy trước ông và lo lắng về những vấn đề của riêng họ? Hoặc có lẽ đơn giản là ông chỉ đang cố gắng an ủi bản thân bằng cách vẽ hình ảnh những người khác, cũng đang trải qua cơn khủng hoảng giống như ông đêm đó? Có thể ông không quá ám ảnh với tranh của chính mình nhưng chắc chắn ông đã nghĩ kĩ về nó. Bức vẽ tiếp nối cho Tiếng thét không được tạo vì mục đích lợi nhuận hay mong muốn danh vọng đơn thuần. Suốt cả cuộc đời, Munch đã nói về những vấn đề ông gặp phải khi trở nên nổi tiếng và được mọi người nhận ra nhờ các tác phẩm của mình. Ông cũng thường xuyên thể hiện sự khó chịu khi được biết đến nhiều nhờ tranh ông vẽ. Có lẽ ông vẽ tranh cho chính bản thân mình, như một kết luận cho những cơn khủng hoảng mà ông gặp phải. Cũng có thể ông vẽ tranh cho mọi người, để họ thấy được rằng chúng ta cùng đồng vai sát cánh, kể cả lúc khổ đau. Vế nào mới là câu trả lời đúng hẳn vẫn còn khó nói. Lo Âu thể hiện nỗi lo của một tập thể. Trong Tiếng Thét, người chịu sự dày vò trên cầu lại đơn độc một mình.

Tự hoạ trong trận Cúm Tây Ban Nha, 1919, Phòng trưng bày Quốc gia Oslo, Na Uy

• • •


Tôi tin rằng bức Tiếng Thét trở nên nổi tiếng như vậy là bởi chúng ta đều có thể thấy bản thân mình trong đó. Bức tranh chắc chắn sẽ có ý nghĩa vượt thời gian. Chứng lo âu là điều mà nhiều người mắc phải, và dù ta có ở trong thời đại nào đi chăng nữa, thì điều đó cũng không thay đổi. Chúng ta là con người. Ta đi qua cuộc sống và trải nghiệm những thứ không mong muốn. Bức Tiếng Thét vẫn khiến tôi sợ hãi, nhưng vì một lý do khác. Gương mặt ma mị đầy kinh hãi không còn là mối bận tâm của tôi nữa. Thứ khiến tôi sợ là việc bản thân bức tranh ấy khiến người ta dễ liên hệ đến mức nó vẫn còn nổi tiếng sau cả trăm năm. Sự phổ biến của nó không hề bị phai mờ. Khi ta ngắm nhìn bức tranh, ta thấy chính bản thân mình trong đó, mắc kẹt trong tiếng thét bất tận đầy sợ hãi. Đó chính là sự lo âu, sự tổn thương, sự đau khổ, những căn bệnh tâm lý của ta. Chính chúng ta cũng phải đau khổ trong đơn độc.

Bài viết gốc The Scream: A Deeper Analysis of Edvard Munch’s Anxiety-Wrought Piece
Bởi Sophia Beams, tại Medium, 02.08.2019
Lược dịch bởi Artplas
Bản dịch thuộc bản quyền của Artplas & RGB, vui lòng liên hệ khi có ý định đăng tải