Truyện tranh Hàng Xóm của họa sĩ Thành Phong Ronin

Mới đây, họa sĩ Thành Phong (Ronin) vừa giới thiệu trên blog cá nhân của mình Truyện tranh “Hàng Xóm” – tác phẩm vốn định trưng bày tại triển lãm truyện tranh Mảnh Sống ở L’Espace, nhưng cuối cùng đã không được cấp phép để triển lãm.

Anh chia sẻ: Gần đây tôi nhận ra là vì trí nhớ không được tốt, mình đã quên mất khá nhiều chuyện hay ho từng xảy ra trong đời. Tôi nhận ra khi cuộc sống không ngừng trôi, bên cạnh những biến cố lớn, những điều nhỏ nhặt như sáng hôm nay ta ăn món gì, gặp những ai, trò chuyện những gì.. lại chính là những mảnh vụn tạo nên kí ức, tạo nên màu sắc, mùi vị, cảm giác, tạo nên những chân dung làm câu chuyện đời trở nên chân thực, sinh động. Bỗng dưng tôi muốn vẽ những chuyện bình dị hàng ngày xảy ra quanh cuộc sống mà chúng ta thường chỉ thoáng qua nhớ tới. Đây là một câu chuyện như vậy.

 

Chia sẻ thêm về quá trình thực hiện Truyện tranh Hàng Xóm:

2 khâu mất thời gian nhất trong dự án này là thiết kế nhân vật và lựa chọn phong cách vẽ. Thử nhiều loại bút với nhiều loại nét khác nhau, rốt cuộc tôi quyết định sử dụng bút chì vì chất mộc mạc của nó là thích hợp nhất với câu chuyện này.

Các bạn có thể xem các tác phẩm của Thành Phong tại:
phong210.wordpress.com
www.behance.net/fong210

 

Trung tâm văn hóa Pháp, đơn vị tổ chức triển lãm Mảnh sống, cho biết văn bản chỉ ghi chung chung “tác phẩm đã vi phạm quy chế” và không nói cụ thể chi tiết quy chế đó là gì.

Họa sĩ Thành Phong rất ngạc nhiên khi biết tác phẩm của anh không được cấp phép: “Tôi chưa từng nghĩ đến chuyện này vì đây là một câu chuyện rất đời thường”. Có ý kiến cho rằng Hàng xóm bị cấm có thể do câu chuyện đã xúc phạm người cao tuổi.

“Nếu đọc sơ qua, người ta có thể cho là như vậy. Nhưng nếu đọc kỹ, sẽ thấy ẩn ý trong câu chuyện của tôi hoàn toàn ngược lại”, tác giả khẳng định.

Ông Vi Kiến Thành – Cục trưởng Cục Mỹ thuật, triển lãm và nhiếp ảnh, cho biết: “Chúng tôi cấp phép triển lãm theo quy định của pháp luật. Bộ truyện tranh này, từ tranh vẽ đến lời thoại, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, chính vì vậy đã không được cấp phép. Đây là việc làm bình thường của cơ quan quản lý nhà nước với các tác phẩm vi phạm. Việc có thể cắt hình ảnh hay nội dung nhạy cảm hay không, chúng tôi chỉ trả lời nếu Trung tâm văn hóa Pháp thắc mắc”.

 

RGB.vn | Theo Thanhnien

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!