Vào ngày 7/1/2023, sự kiện thường niên do Arena Multimedia và Vietnam Halography đồng tổ chức – Unlock Creativity mùa thứ ba đã diễn ra thành công với sự tham gia của Đạo diễn Charlie Nguyễn (Chánh Phương Films), anh Nguyễn Tiến Huy (Group CEO – Pencil Group), anh Tạ Mạnh Hoàng (Founder & CEO – Sconnect) và Th.S Vũ Anh Đức (Academic Head – Arena Multimedia).
Mỗi năm một lần, vào dịp đầu năm, Arena Multimedia đều tạo cơ hội để các bạn trẻ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và cùng nhìn về tương lai ngành Sáng tạo với sự tham gia của những vị khách mời là chuyên gia trong ngành. Năm nay, với sự xuất hiện của đạo diễn Charlie Nguyễn, người tạo nên thành công của hàng loạt tác phẩm nổi tiếng được công chúng yêu thích như Để Mai Tính, Long Ruồi, Cưới Ngay Kẻo Lỡ, Tèo Em, Dòng Máu Anh Hùng, không khí buổi tọa đàm càng trở nên hot hơn bao giờ hết.
Hào hứng, sôi nổi và xuất sắc là những cụm từ miêu tả sự kiện Unlock Creativity 2023. Không chỉ nhận được sự quan tâm của hơn 200 bạn trẻ mang trong mình giấc mơ theo đuổi sự nghiệp Sáng tạo, tham dự sự kiện Unlock Creativity 2023: Người trẻ làm Sáng tạo xây dựng vị thế trong thời đại VUCA là đạo diễn Võ Thanh Hòa, đại diện từ phía các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành Sáng tạo như Sparx* – A Virtuos Studio, Spring Production,…, các giảng viên Arena Multimedia và đặc biệt hơn là các bạn cựu học viên ưu tú của Arena Multimedia, cũng chính là thế hệ trẻ trong ngành Sáng tạo, những người đang góp phần tạo ra sự đổi thay trong ngành Sáng tạo.
Trong không gian ấm cúng tại rạp Cinestar cùng với 4 vị diễn giả chất lượng, câu chuyện tổng quan về ngành Sáng tạo năm 2022 được tái hiện, xu hướng năm 2023 mở ra. Những cơ hội, thách thức nào đang chờ đón chúng ta? Giá trị bền vững nào nên theo đuổi, hệ sinh thái mới nào sẽ ngự trị, công nghệ nào sẽ duy trì được sức sống để tạo ra những giá trị mới và nâng cao hiệu suất sáng tạo, AI có vai trò gì trong hệ sinh thái sáng tạo,…? Những câu hỏi, những câu trả lời “đắt giá” liên tục xuất hiện giữa diễn giả và người tham dự đúng tinh thần buổi hội nghị bàn tròn giữa nhiều đại diện thế hệ trong ngành Sáng tạo. Đây chính là điều đặc biệt của sự kiện Unlock Creativity mà không một sự kiện nào có. Sự nối tiếp trong giao lưu và sự hiện diện của tất cả diễn giả, người tham dự tạo ra nguồn cảm hứng bùng nổ không hồi kết, song song đó là niềm tin và sự hào hứng hướng về một tương lai nhiều thách thức nhưng cũng đầy thú vị.
Nhìn lại quá trình “tập làm phim” của điện ảnh Việt và tìm kiếm kỳ vọng trong năm 2023 cùng Đạo diễn Charlie Nguyễn
Bước sang năm mới, nhìn lại năm cũ, 2022 thật sự là một giai đoạn đầy khó khăn đối với điện ảnh Việt. Trong năm này, tuy số lượng đầu phim vẫn gia tăng cho thấy sức trẻ và nỗ lực của các thế hệ nhà làm phim, nhưng kết quả cuối cùng hầu hết đều thu lỗ, chỉ có Em và Trịnh là phim Việt duy nhất cán mốc trên 100 tỷ đồng doanh thu. Bức tranh phòng vé 2022 ảm đạm là nỗi trăn trở của tất cả các nhà làm phim Việt. Chia sẻ về vấn đề này, đạo diễn Charlie Nguyễn phân tích tình hình dựa trên quan điểm cá nhân, đồng thời mang đến những góc nhìn tươi sáng cho tình hình hiện tại:
“Trên thực tế, khi nói về điện ảnh trong năm 2022, phòng vé toàn thế giới chứ không riêng Việt Nam đều chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nhưng nền điện ảnh Việt đã nằm trong số thiệt hại ít hơn và đang trên đà phục hồi. Thị trường Việt vẫn tương đối may mắn vì trong thời gian dịch bệnh số lượng phim được sản xuất vẫn không giảm, tuy nhiên doanh thu của nền điện ảnh Việt trước dịch là khoảng hơn 4000 tỷ, và đã sụt giảm xuống chỉ còn 500 tỷ doanh thu trong năm qua.” Dẫu thế, đạo diễn tin rằng, sau khi xuống thì sẽ đến đoạn lên, sau hai năm chịu ảnh hưởng của đại dịch, chúng ta hiện đang ở giai đoạn phục hồi và đến khoảng 2024, thị trường điện ảnh Việt sẽ bắt đà trở lại và tiếp tục phát triển trên kỳ vọng trở thành một trong những thị trường top đầu thế giới.
Tiếp tục bàn luận về câu chuyện làm phim của điện ảnh nước nhà, đạo diễn Charlie cho rằng, xét một cách tổng thể, nền công nghiệp phim ảnh là một hệ thống rất đồ sộ và khốc liệt, đòi hỏi lượng lớn nhân sự chuyên nghiệp mà phim Việt thì vẫn còn thiếu một hệ thống đào tạo bài bản, có tính cạnh tranh cao thậm chí từ trong môi trường đại học. Khoảng thời gian học tập và làm việc trong môi trường quốc tế giúp đạo diễn Charlie Nguyễn nhìn nhận ra được những vấn đề còn thiếu sót của điện ảnh nước nhà. Theo đó, trong mắt anh, Việt Nam chỉ đang “tập làm phim” và khoảng cách của chúng ta vẫn còn ở rất xa so với họ. Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, đó là khi so với những nước đã có nền điện ảnh đã phát triển, còn Việt Nam là nước đang trên đà phát triển, với điện ảnh cũng vậy, chúng ta vẫn đang không ngừng tiếp thu, không ngừng cầu tiến và liên tục thay đổi. Chặng đường phía trước còn dài, khi chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện, tư duy làm phim thay đổi, thành quả khả quan hơn sẽ đến ở thì tương lai gần.
Để làm rõ hơn về tiềm năng của nghề phim và bức tranh toàn cảnh, đạo diễn Charlie Nguyễn cung cấp thêm thông tin cho thấy tình hình thực tế của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sự kỳ vọng này kết hợp cùng quá trình phục hồi sau đại dịch, trong vòng 1, 2 năm tới, ta hoàn toàn có thể trông đợi vào những bức tranh tươi sáng hơn cho điện ảnh Việt.
Anh Nguyễn Tiến Huy – Group CEO và những đề xuất biến công nghệ thành “nô lệ”
Trong năm 2022, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo trở thành một đề tài nóng sau khi sự ra đời của các công cụ vẽ bằng AI như Midjourney thành công “khuấy đảo” mạng xã hội. Khi Trí tuệ nhân tạo đang tiến đến trình độ có thể lên ý tưởng, viết kịch bản, thiết kế đồ hoạ và cho ra những sản phẩm ấn tượng, câu hỏi liệu công nghệ có thể thay thế được công việc sáng tạo của con người hay không ngày càng trở thành nỗi lo lớn.
Tuy nhiên, có những điều chắc chắn máy tính không thể thay thế được con người, và làm thế nào để dù công nghệ có thay đổi ta vẫn hiểu được giá trị cốt lõi của chính mình, của con người nói chung, thì ta sẽ vững tin để bước tiếp và nắm được những kỹ năng, kiến thức cần được thu nạp để giữ được năng lực có thể cạnh tranh với máy móc.
Những nguyên lý trong vòng lặp phát triển của công nghệ
Anh Nguyễn Tiến Huy đã đem đến buổi tọa đàm nghiên cứu của giáo sư John Maeda – người đã tìm ra được một pattern (vòng lặp) trong thiết kế và công nghệ. Dù công nghệ có phát triển như vũ bão, vẫn luôn tồn tại những nguyên lý mà nếu nắm vững chúng thì ta sẽ tự tin hơn rất nhiều trong thế giới biến động. Điện thoại di động, máy tính, trình duyệt, điện thoại thông minh thế hệ mới, tất cả đều đi theo một quy trình phát triển từ gõ chữ trên bàn phím, đến hiển thị hình ảnh, phát ra âm thanh và sau cùng là hình động. Nói cách khác, mỗi khi một đột phá công nghệ xuất hiện trong xã hội đều thường đi theo một vòng lặp giữa text – image – sound – movie (chữ – hình ảnh – âm thanh – phim).
Bổ sung thêm cho 4 yếu tố trong vòng lặp của John Maeda, ngày nay chúng ta có trải nghiệm thứ năm: Gaming, hay rộng hơn là nhập vai. Một loại trải nghiệm toàn diện, chìm đắm trong không gian ảo và có sự tham gia của máy tính và mang tính tương tác cao. Các bảo tàng nghệ thuật chào đón du khách bằng hình ảnh chuyện động theo cử động của con người, hay những tựa game ngày càng tăng tiến về độ chân thật và kích thích suy luận, tất cả đều là ví dụ của nghệ thuật tương tác.
Như thế, không chỉ là tạo ra sản phẩm để giới thiệu đến khán giả, pattern của thời đại mới được nâng cấp lên thêm một bậc, nơi người dùng công nghệ được trải nghiệm không gian mới và các nhà sáng tạo nổi bật không còn đơn giản là người kể chuyện, mà phải là người tạo ra những câu chuyện nơi khán giả có thể sống trong đó và tương tác để tạo ra nội dung, trải nghiệm cá nhân.
Tư duy lãnh đạo trong sáng tạo để thấu cảm
Theo anh Huy, điều cốt lõi làm nên khác biệt giữa máy tính và con người là cảm xúc, khả năng tư duy để thấu cảm. Anh cho rằng đặc điểm chung của những nhà sáng tạo tiên phong là tư duy leadership (tư duy lãnh đạo). Họ luôn suy nghĩ về khả năng dùng công nghệ để hiện thực hóa những ý tưởng dù nghe có vẻ xa xời. Chính tư duy lãnh đạo trong sáng tạo – tức sự tò mò và chủ động trong việc tận dụng các công cụ – đã làm nên khác biệt giữa “công nhân sáng tạo” và “nhà sáng tạo”.
Có 3 góc nhìn về thiết kế: Thiết kế để giải quyết một vấn đề trong đời sống, tạo ra giải pháp sau khi đặt mình vào vị trí khách hàng, và thiết kế điện toán – tức thiết kế ra các sản phẩm linh hoạt có thể được đông đảo khách hàng sử dụng. Thay vì lo lắng, nghĩ tích cực hơn thì các nhà sáng tạo trẻ đang sống trong một môi trường nơi các bạn có thể tận dụng công nghệ để số hoá các giá trị sáng tạo của mình. Trong thời đại cũ, chúng ta dùng công cụ như một nhạc trưởng điều khiển, nhưng với các công cụ mới thông minh hơn của thời đại mới mới, chúng ta có thể lãnh đạo sáng tạo bằng cách chơi cùng với các công cụ như cách một nhóm nhạc jazz chơi cùng nhau, với công nghệ là bạn đồng hành hữu ích…
Cũng như nỗi lo của người thợ vẽ khi nhìn thấy máy chụp ảnh, của người thợ dệt khi thấy máy dệt được phát minh, dường như nhiều người làm trong lĩnh vực sáng tạo cũng đang cảm thấy lo lắng tương tự với sự phổ biến của AI. Một thế giới với quá nhiều sự lựa chọn, đầy thách thức và rất khó khăn để định nghĩa giá trị trong tương lai.
Trích dẫn kết luận của John Maeda rằng công nghệ chỉ “make possibility” (tạo ra khả năng) còn thiết kế mới “make solution” (tạo ra giải pháp), anh Nguyễn Tiến Huy nhấn mạnh rằng công nghệ không thể thay thế những người làm sáng tạo thực thụ. Và lời khuyên cuối cùng của anh là bộ công cụ design thinking, giúp các nhà thiết kế, nhà sáng tạo ứng dụng trong quy trình sáng tạo của họ, bắt đầu từ Thấu cảm.
Tìm hiểu về Sconnect và lý do kiên trì với con đường sáng tạo IP riêng cùng Founder & CEO Tạ Mạnh Hoàng
Trong bối cảnh nhiều studio hoạt hình Việt Nam vẫn chủ yếu gia công cho các tác phẩm nước ngoài, Sconnect là một trong số ít cái tên vẫn luôn cố gắng tạo ra những sản phẩm “chính chủ”. Chỉ trong 8 năm từ khi thành lập để Sconnect mở rộng thành công ty lên đến 1000 nhân sự và góp công lớn ghi tên Việt Nam lên bản đồ hoạt hình thế giới. Anh Tạ Mạnh Hoàng chân thành chia sẻ anh mong câu chuyện của Sconnect và những thông tin trong buổi workshop hôm nay có thể trở thành một nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đang tiến bước trên con đường sáng tạo.
Với đội ngũ tay nghề cao hùng hậu, các studio Việt đã góp sức trong nhiều dự án lớn của thế giới, nhưng việc sáng tạo IP riêng (Intellectual Property – Sở hữu Trí tuệ) vẫn còn hạn chế. Sconnect là một trường hợp đặc biệt, dám lựa chọn và quyết tâm thành công bằng con đường này nhằm kiến tạo và khẳng định những giá trị riêng. Cho đến nay, những niềm tự hào của Sconnect có thể kể đến bộ nhân vật Wolfoo với 2 tỷ lượt xem hàng tháng, vũ trụ cổ tích WOA Fairy Tales, và hơn 10 IP khác. Sconnect muốn gửi gắm cả giá trị giải trí và giáo dục qua các video hoạt hình dành cho trẻ em, với kỳ vọng góp sức trong công cuộc giúp trẻ trưởng thành.
Dẫu có không ít thách thức, Sconnect vẫn kiên định với lựa chọn ghi dấu ấn bằng các IP riêng. Anh Tạ Mạnh Hoàng cho biết sở dĩ Sconnect cho rằng con đường này sẽ dẫn đến thành công xuất phát từ 3 yếu tố: Thứ nhất, tận dụng đòn bẩy của công nghệ, của Internet sẽ giúp ta rút ngắn thời gian để đạt đến thành công đột phá. Thêm nữa, đã có nhiều ví dụ thành công trước đây, tiêu biểu như các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đều kiên trì với IP riêng của họ, với những giá trị sáng tạo độc nhất cũng đợi được đến ngày được công chúng đón nhận và thành công rực rỡ. Và cuối cùng, nguồn nhân lực đông đảo và khả năng sáng tạo của đội ngũ nhà sáng tạo Việt là động lực lớn nhất để Sconnect theo đuổi việc sáng tạo IP riêng.
Đồng suy nghĩ với anh Tạ Mạnh Hoàng về con đường phát triển IP, thạc sĩ Vũ Anh Đức cho rằng các giá trị sáng tạo chỉ thuộc về riêng chúng ta cần cả một chặng đường dài để tỏa sáng. Đơn cử như các thương hiệu toàn cầu từ xứ mặt trời mọc như Dragon Ball đều xuất phát từ nền tảng nội dung được xây dựng hàng chục năm. Vì thế việc có một doanh nghiệp Việt vững bước với con đường này là điều vô cùng cần thiết.
Nói về hệ thống quản lý và quy trình sản xuất chuẩn quốc tế của Sconnect, anh Tạ Mạnh Hoàng cho biết, Sconnect là một nhà cung cấp sản phẩm sáng tạo hàng đầu với năng suất đáng ngưỡng mộ. Thành công của Sconnect hiện nay, theo anh Hoàng, xuất phát từ các chiến lược phù hợp cho các sản phẩm ngắn hạn lẫn dài hạn. Đồng thời, hệ thống quy trình và sản xuất ở Sconnect rất rõ ràng, kể cả đào tạo phát triển nhân sự lẫn sản phẩm, đi kèm với tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng chặt chẽ đã giúp đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.
Chia sẻ thêm về cách Sconnect vượt qua những “ups and downs” trong quá trình phát triển, anh Tạ Mạnh Hoàng nhấn mạnh 3 điều quan trọng trong nguyên tắc phát triển một tổ chức. Đầu tiên là tầm nhìn, kế hoạch chi tiết để ta dựa theo mà thực hiện. Quan trọng hơn là tư duy của người quản lý và lãnh đạo trong việc nhận diện thách thức, giải quyết vấn đề và kiểm soát rủi ro. Và cuối cùng là văn hoá doanh nghiệp, nơi mọi người đồng lòng hướng đến một mục tiêu và đồng lòng tìm kiếm giải pháp.
Bức tranh ngành giáo dục sáng tạo trong và sau đại dịch qua lời kể của Th.S Vũ Anh Đức
Th.S Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo Arena Multimedia khẳng định ngành giáo dục sáng tạo có thể nói là không bị ảnh hưởng trong cả khoảng thời gian trước và trong dịch nhờ phụ huynh vẫn chú trọng đầu tư cho con em mình cũng như phương thức học tập linh hoạt, đây là một điều may mắn. Song những năm gần đây ngành thiết kế sáng tạo đang bước vào giai đoạn bão hoà, tức “thừa người trung bình, thiếu người chất lượng”, dẫn đến việc ngành phim ảnh, thiết kế, sản xuất dù được cung cấp nhiều nhân viên mới từ các trường thiết kế thì vẫn thường xuyên trong tình trạng khát nhân lực.
Theo quan sát của anh Đức, trong 4 năm gần đây, từ các trường đại học công lập đến các trung tâm đều có khoa thiết kế, chứng tỏ nó đã trở thành một ngành nghề “xu hướng”. Tuy nhiên từ góc nhìn của các bạn trẻ, những ngành nghề “xu hướng” thường hấp dẫn nhưng cũng khiến ta băn khoăn và phần đa đều có chung một câu hỏi là chúng ta đang ở đâu và làm thế nào để trụ vững với nghề trong thị trường đầy biến động này.
Nhận xét về thế hệ sáng tạo trẻ, Th.S Vũ Anh Đức cho rằng không ít bạn trẻ ngày nay có lợi thế được sinh ra trong thời đại thông tin sẵn có và dễ tiếp cận, được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm nên thành thạo các công cụ rất nhanh, nhưng mặt trái là dễ dẫn đến sự lệ thuộc và giảm tính tò mò, ít nghiên cứu, tìm tòi để đi từ gốc vấn đề. Từ iPad, máy tính, phần mềm, tất cả đều sẵn có, các bạn chỉ cần sắp xếp chữ, hình ảnh, phông nền, thấy bắt mắt và nghĩ rằng nó hợp lý mà ít ai hiểu rõ chúng có phù hợp với nội dung hay không.
Việc thiếu nền tảng sống để nắm bắt và hiểu các vấn đề trong đời sống sẽ khiến các bạn trẻ khó đưa ra giải pháp phù hợp cho khách hàng, cũng như áp dụng công nghệ một cách rập khuôn sẽ khó rèn luyện năng lực tận dụng công nghệ để hiện thực hóa ý tưởng và giải pháp đột phá. Chính vì thế, bản thân anh Đức rất khuyến khích người trẻ mở rộng tri thức của mình về xã hội, đời sống. Đồng thời, những năm gần đây, Arena Multimedia cũng hướng đến đào tạo ra một hệ sinh thái, không chỉ chú trọng vào công cụ và công nghệ, mà quan trọng là phát triển kỹ năng sống, tư duy thiết kế, kỹ năng giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề cho các bạn học viên.
Không chỉ đưa ra góc nhìn về thế hệ sáng tạo hiện nay, anh Vũ Anh Đức còn trăn trở về những thế hệ tiếp nối. “Một đất nước phát triển phải có nền di sản văn hoá lâu đời. Vì những sản phẩm đột phá khiến chúng ta bất ngờ cốt đều nằm ở nội dung. Câu hỏi đặt ra là: Liệu các bạn có xây dựng và để lại được di sản gì cho đời sau không? Chúng ta vẫn tận dụng các hoạ tiết thời Lý, Trần, Lê, những kiểu tranh truyền thống như Đông Hồ, Hàng Trống mỗi khi làm các sản phẩm văn hoá lịch sử Việt. Nhưng các bạn có bao giờ tự hỏi, giả dụ, hết thế hệ này thì sẽ như thế nào?” – Đây là những điều anh vẫn luôn bận lòng.
Đối với người làm giáo dục sáng tạo như Th.S Vũ Anh Đức, thị trường Việt luôn rất “tiềm năng”, vô cùng tiềm năng bởi ta có nguồn nhân lực rất trẻ trong mọi lĩnh vực sáng tạo. Nhưng tiềm năng ấy sẽ trôi qua rất nhanh nếu chúng ta cứ thế già đi mà không đóng góp được gì đáng kể. Xuất phát từ những trăn trở ấy, anh Đức vẫn luôn mong đợi vào những con đường phát triển, những sản phẩm mang đậm bản sắc riêng, hàm chứa giá trị dài hạn và đánh những mốc son mới trên chặng đường phát triển của ngành sáng tạo Việt.
Những từ khóa dành cho ngành Sáng tạo 2023
Đến với sự kiện Roundtable Unlock Creativity 2023 anh Nguyễn Tiến Huy – Group CEO @ Pencil Group đã mở ra một thế giới mới về “Hệ sinh thái sáng tạo”, làm sao để biến công nghệ thành nô lệ, mang đến những khái niệm vô cùng mới mẻ và thú vị, đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Anh chia sẻ: “Từ khóa anh chọn là từ thấu cảm. Đó là cái chất quan trọng nhất của chúng ta trong ngành Sáng tạo. Mọi thiết kế, sáng tạo mà chúng ta làm đều được tạo ra từ sự thấu cảm. Để có thể biến công nghệ thành nô lệ, hãy tư duy sáng tạo và thấu cảm, đó là giá trị cốt lõi.”
Nói thêm về cơ hội và tiềm năng phát triển cho các bạn trẻ có ý định theo đuổi ngành sáng tạo, anh Nguyễn Tiến Huy đưa ra hai góc nhìn cận cảnh về thị trường hiện nay: “Chúng ta đang ở giai đoạn dịch chuyển mạnh mẽ sang nội dung số, đây là cơ hội lớn cho tất cả. Đồng thời, những đội ngũ gia công đã và đang bước ra với những tư duy cao cấp hơn. Các bạn sẽ được tham gia vào những doanh nghiệp có hệ thống chuyên nghiệp hơn… Các doanh nghiệp phát triển nội dung cũng sẽ được đầu tư nhiều hơn, được thế giới quan tâm hơn. Như thế, các bạn sẽ có nhiều cơ hội được hợp tác với bạn bè quốc tế, làm việc trong hệ thống chuẩn quốc tế và mang giá trị Việt ra quốc tế, vì vậy cần phải chú ý rèn giũa và tiếp thu kiến thức để nắm bắt ngay khi cơ hội đến”.
Anh Tạ Mạnh Hoàng – Founder & CEO @ Sconnect khép lại câu chuyện về Sconnect và những điều chưa biết đằng sau sự thành công của những bộ phim hoạt hình triệu người theo dõi bằng việc gửi gắm từ khóa Kiên trì đến các khán giả trẻ. Với phương châm “Đôi khi sự lựa chọn quan trọng hơn nỗ lực”, anh Mạnh Hoàng giải bài toán phát triển đường dài bằng chiến lược chinh phục thị trường châu Âu và Mỹ với tiêu chuẩn cao, tạo cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt, thúc đẩy mở rộng quy mô nhanh chóng và hướng tới thị trường toàn cầu. Và kiên trì, kiên định với sự lựa chọn của mình, chúng ta chắc chắn sẽ thành công. Chia sẻ về những thách của người trẻ làm sáng tạo, anh nói: “Chúng ta phải duy trì ngọn lửa sáng tạo, sự nhiệt huyết. Chúng ta phải sáng tạo, luôn sáng tạo mỗi ngày. Sự sáng tạo rất đơn giản, đó là những điều rất giản dị đời thường nhưng hãy nhìn nó ở một góc nhìn mới, tạo ra sự mới mẻ. Đó đã là sáng tạo.”
Đạo diễn Charlie Nguyễn cũng có những chia sẻ rất thực tế dành tặng các bạn trẻ mới bước chân vào lĩnh vực Sáng tạo: “Nếu có một từ khóa để dành tặng cho các bạn, tôi sẽ chọn từ vui chơi. Đừng quên vui chơi trong lúc chúng ta sáng tạo. Đừng quá quan trọng kết quả sẽ ra sao, thành công hay thất bại, mà hãy tận hưởng hành trình sáng tạo của chính mình. Vì khi các bạn thoải mái, tác phẩm của bạn mới có thể mang đậm dấu ấn của bạn, dễ dàng chạm đến trái tim khán giả.”
Chốt lại vấn đề về người trẻ làm Sáng tạo giữa thời đại VUCA, Th.S Vũ Anh Đức động viên, dành lời khuyên cho các bạn trẻ: “Nhìn chung thị trường thiết kế năm tới vẫn rất sáng, với khoảng 80% học viên ra trường tìm được việc làm. Tuy nhiên phát triển ra sao, làm thế nào để giữ được bản sắc của mình là điều không dễ. Khi chúng ta theo đuổi và học tập ngành Sáng tạo, hãy chuyên tâm đến cùng. Hãy nghiên cứu, tìm tòi kiến thức để hiểu biết nhiều hơn. Hãy biết chúng ta cần điều gì và dừng những gì không cần thiết và thật tập trung với mục tiêu đã chọn. Trong thiết kế, chúng ta phải biết dừng ở điểm nào, buông ở đâu. Khi muốn buông đúng điểm, chúng ta phải hiểu biết rất nhiều. Cuối cùng, chúc tất cả các bạn làm nghề một cách hạnh phúc nhất có thể.”
Chia sẻ cảm nghĩ sau buổi tọa đàm, bạn Đoàn Hữu Trường cho rằng đây là một cơ hội để những người làm ngành sáng tạo được nhìn lại và thêm vững bước với đam mê của mình: “Buổi workshop đã mang đến cho mình rất nhiều thứ. Bản thân cũng là những con người bình thường làm việc trong ngành sáng tạo nên đôi khi ta sẽ bị mất “lửa” nhiệt huyết, thì những buổi tọa đàm như thế này sẽ giúp ta thắp lại “ngọn lửa” đó.”
“Hôm nay mình học được rất nhiều từ ý kiến mà các anh chia sẻ. Bởi vì bản thân làm ở mảng kinh doanh nên mình rất hứng thú với đại diện từ Sconnect, dù trong hoàn cảnh nào, có khó khăn ra sao vẫn luôn vươn lên để đi tiếp, rằng trong khó khăn vẫn luôn có giải pháp.” là chia sẻ của bạn Mai Khanh, một nhân sự nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh. Có thể nói không chỉ hữu ích với các nhà sáng tạo, buổi workshop đồng thời là dịp để lắng nghe và chia sẻ về những giá trị liên ngành, về bức tranh toàn cảnh thời đại mới, tin rằng đã khơi mở những bài học giá trị riêng cho mỗi người tham dự.
Kết
Kết lại buổi tọa đàm thường niên về ngành Sáng tạo mùa thứ ba, Arena Multimedia xin cảm ơn Vietnam Halography, RIO Agency cùng các vị diễn giả đã góp phần tạo nên một sự kiện vô cùng tuyệt vời. Arena Multimedia cũng không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến người tham dự đã dành thời gian quý báu của mình để đến tham gia sự kiện Unlock Creativity 2023. Unlock Creativity sẽ còn tiếp tục đem đến cho các bạn những chủ đề thú vị, hãy cùng chờ đón sự kiện tiếp theo của chúng tôi nhé!
Để lại đánh giá