Vào ngày 10.01 vừa qua tại Bitexco Tower, Arena Multimedia kết hợp cùng Pencil Group, RIO Global, Vietnam Legacy Branding Center (VLBC) tổ chức sự kiện tọa đàm thường niên Roundtable Unlock Creativity 2025 với chủ đề “Sáng tạo số và Giá trị bản địa”.
Roundtable Unlock Creativity là sự kiện thường niên được Arena Multimedia tổ chức vào đầu năm để cùng nhìn lại những biến động và cơ hội – thách thức của ngành Sáng tạo, với sự chia sẻ của các diễn giả khách mời là các chuyên gia đầu ngành và đại diện các doanh nghiệp Sáng tạo tại Việt Nam.
Theo anh Đinh Trí Dũng – Brand Manager Arena Multimedia, Roundtable Unlock Creativity không chỉ nhìn lại ngành Sáng tạo trong một năm mà còn để mở ra một góc nhìn mới cho tương lai. “Tôi nhận thấy các bạn trẻ hiện nay ngày càng đề cao giá trị bản địa, với các tác phẩm nghệ thuật, giải trí, phim ảnh… mang màu sắc văn hóa Việt và đem lại giá trị cho xã hội. Khoảng cách giữa ngành Sáng tạo Việt Nam và thế giới cũng đang dần được khỏa lấp bởi sức mạnh của công nghệ. Đó là lý do Arena Multimedia chọn “Sáng tạo số và Giá trị bản địa” làm chủ đề cho Roundtable Unlock Creativity mùa thứ 4 này, giữa rất nhiều sự lựa chọn khác nhau”, anh Dũng chia sẻ.
Đến với Roundtable Unlock Creativity 2025, anh Nguyễn Tiến Huy – Founder & CEO @ Pencil Group, anh Trần Quang Tùng – CEO & Creative Director @ RIO Creative Agency, chị Ngô Trúc Quỳnh – Business Lead @ Social Elite và anh Vũ Anh Đức – Academic Head @ Arena Multimedia đã mang đến một buổi trò chuyện thú vị, cùng các bạn trẻ tham dự nhìn lại sự chuyển mình mạnh mẽ của ngành Sáng tạo, Truyền thông & Giải trí trong năm 2023 và 2024. Với sự dẫn dắt của anh Nguyễn Việt Dũng – Career Strategist & Managing Editor @ WeCreate, các diễn giả đã gợi mở những vấn đề cơ hội của ngành Sáng tạo trong thời gian sắp tới, cũng như đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ chuẩn bị dấn thân và sẵn sàng tâm thế vươn lên đến “những đỉnh núi Sáng tạo”.
Tại sự kiện, Arena Multimedia gợi lên một câu hỏi, cũng là nỗi trăn trở của nhiều người làm sáng tạo hiện nay: “Nền tảng văn hóa, giá trị bản địa nằm ở đâu trong thời đại công nghệ số?”. Đây chính là chủ đề được các diễn giả tập trung thảo luận trong Roundtable Unlock Creativity 2025 với chủ đề “Sáng tạo số và Giá trị bản địa”.
Tìm hiểu gốc cây văn hoá trong thời đại AI cùng anh Nguyễn Tiến Huy
Nhìn lại hai năm 2023 và 2024, dễ thấy ngành Sáng tạo, Truyền thông & Giải trí đã có sự thay đổi mạnh mẽ, vừa mở ra cơ hội cho người làm sáng tạo với từ khóa “văn hóa truyền thống”, vừa có những thách thức không nhỏ cho các cá nhân, studio, agency khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang gồng mình trong cơn bão suy thoái hậu Covid-19.
Trong bối cảnh đó, AI (Trí tuệ nhân tạo) dường như lại tạo thêm nhiều mối bận tâm cho người làm sáng tạo trong việc xác định đó là trợ thủ đắc lực hay kẻ thay thế trong tương lai. Đó là vấn đề mở đầu cho phần chia sẻ của anh Nguyễn Tiến Huy – Founder & CEO @ Pencil Group ở đầu chương trình. Anh nhận định: “Trong những năm qua, AI đang phát triển vô cùng mạnh mẽ với nhiều công nghệ ngày một tiên tiến. Thế nhưng vẫn có những kỹ năng mà AI sẽ không thể nào thay thế được con người trong cung cấp dịch vụ sáng tạo. Đây chính là lợi thế lớn của người làm sáng tạo trong bối cảnh hiện nay”.
Theo Founder kiêm CEO của Pencil Group, một trong những kỹ năng mà AI không thể thay thế được con người làm sáng tạo đó là khả năng giải quyết vấn đề và sự thấu hiểu văn hóa. “Vai trò của người làm sáng tạo không chỉ đơn giản là thiết kế bao bì, làm một bộ phim hay vẽ được một nhân vật hoạt hình, mà đó còn là sự kết nối giữa con người với nhau trong doanh nghiệp, tổ chức. Từ đó, chúng tôi có một mô hình được gọi là “Cây thương hiệu”, với phần gốc cây sẽ là giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp”, anh Tiến Huy chia sẻ.
Đi sâu vào trình bày mô hình “Cây Thương Hiệu”, anh Huy phân tích phần gốc chính là “căn gốc văn hóa doanh chủ”, phần thân là “hệ thống văn hóa thương hiệu” và phần tán cây sẽ là cách mà doanh nghiệp triển khai “văn hóa tiêu dùng”. Muốn cây vững mạnh thì phần rễ phải thật chắc khỏe. Đối với gốc rễ của doanh nghiệp vững mạnh, anh Huy cho rằng sứ mệnh, tầm nhìn, năng lực và giá trị văn hóa chính là điều quan trọng nhất phải vun đắp.
Tựu trung lại, anh Tiến Huy cho rằng các designer – những storyteller (người kể chuyện) trong thời đại công nghệ số cần có tư duy chiến lược về thấu hiểu và kết nối với khách hàng. Câu chuyện làm nghề khi ấy sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều với sự hỗ trợ AI và các công nghệ tiên tiến khác. “Quan trọng là thấu hiểu và gốc rễ vẫn là văn hóa doanh chủ. Với một người làm sáng tạo, từ khóa “giá trị văn hóa doanh chủ” sẽ giúp cho bạn unlock được khả năng giải quyết vấn đề của khách hàng, khả năng hiểu được văn hóa thương hiệu của khách hàng”, anh Huy khẳng định.
Nắm bắt xu hướng Shoppertainment – thương mại hóa sản phẩm sáng tạo cùng chị Ngô Trúc Quỳnh
Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội toàn cầu, cũng như thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bùng nổ và thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Điều này dẫn đến sự ra đời phương thức mua sắm mang tên Shoppertainment (mua sắm trực tuyến kết hợp giải trí), tạo ra một ngách mới cho người làm sáng tạo: xây dựng và phát triển tiềm năng thương mại xã hội trong một chiến dịch thương hiệu (Brand Campaign).
Với hơn 15 năm làm việc trong ngành Truyền thông, chị Ngô Trúc Quỳnh – Business Lead @ Social Elite đã chia sẻ cụ thể về xu hướng Shoppertainment tại sự kiện Unlock Creativity. Chị Trúc Quỳnh cho rằng người dùng đang dần có thói quen xem các nội dung giải trí trên các phiên livestream bán hàng, song song với việc giải trí trên mạng xã hội như trước. Giữa “làn sóng” Social Commerce (sự kết hợp giữa thương mại điện tử và mạng xã hội để bán sản phẩm và dịch vụ một cách trực tiếp) đang phát triển rầm rộ như vậy, chị Quỳnh đặt vấn đề: “Điều gì sẽ tạo nên lợi ích bền vững cho thương hiệu và khách hàng, nếu doanh nghiệp chỉ chạy đua ở những con số chiết khấu hay freeship?”.
Chị Trúc Quỳnh cho rằng câu chuyện (story) mà doanh nghiệp truyền tải đến cho khách hàng chính là điều tạo nên sự khác biệt, đem lại doanh thu và sự phát triển. Hòa trong xu hướng lan tỏa văn hóa Việt của ngành Truyền thông – Giải trí trong những năm gần đây, chị Quỳnh đưa đến khái niệm Culturetaiment – một từ ghép giữa “Culture” (văn hóa) và “Entertainment” (giải trí) để chỉ sự kết hợp giữa văn hóa và giải trí, nhằm mục tiêu mang đến những trải nghiệm vừa giàu tính giáo dục văn hóa, vừa thú vị và dễ tiếp cận. “Chất liệu văn hóa, lịch sử của Việt Nam, của từng vùng miền đã rất giàu có, quan trọng là chúng ta phải hiểu được hành vi người dùng, hiểu đối tượng xem là ai để lựa chọn chất liệu và câu chuyện truyền tải phù hợp”, chị Trúc Quỳnh cho hay.
Trước khi kết thúc phần chia sẻ, chị Trúc Quỳnh một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa bản địa là yếu tố tạo nên sự khác biệt và mang tính bền vững cho người làm sáng tạo trong bối cảnh hiện nay. Chị cũng khuyên các bạn trẻ đang làm nghề hãy tiếp tục kiên trì và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân, chọn cho mình một con đường sáng tạo phù hợp để phát triển lâu dài.
Roundtable Unlock Creativity: Văn hóa là nền tảng cho sáng tạo số
Sau phần chia sẻ của anh Tiến Huy và chị Trúc Quỳnh, các diễn giả có phần trò chuyện trọng tâm trong sự kiện Unlock năm nay, xoay quanh chủ đề “Sáng tạo số và giá trị bản địa”. Nói về tầm quan trọng của văn hóa trong ngành Sáng tạo, anh Vũ Anh Đức – Academic Head @ Arena Multimedia nhấn mạnh đây là yếu tố tạo nên sự khác biệt mà AI không thể nào thay thế con người. Hiểu rõ điều này, Arena Multimedia đã chủ động mang đến hai chương trình đào tạo mới với những môn học về lịch sử thiết kế, hay nghiên cứu nghệ thuật, tạo tiền đề cho tư duy sáng tạo hướng đến việc thấu hiểu giá trị văn hóa bản địa. Theo anh Đức, đây là bước chuyển mình phù hợp với thời đại, với thị trường và nền kinh tế hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, anh Trần Quang Tùng (Tùng Juno) – CEO & Creative Director @ RIO Creative Agency cho rằng thấu hiểu và thích nghi với thị trường là điều cần thiết trong một chu kỳ kinh tế mới có nhiều thách thức. Tuy nhiên, thích nghi không có nghĩa là mải mê chạy theo những thay đổi mà điều quan trọng là xây dựng được bản sắc văn hóa riêng, coi đó là gốc rễ của doanh nghiệp. Không chỉ riêng thị trường, việc thấu hiểu và kết nối với khách hàng là điều mà các designer phải lưu tâm. “Thiết kế của mình rất đẹp nhưng khách hàng không hiểu cái đẹp ấy thì rõ ràng cũng không mang lại kết quả”, anh Tùng phân tích.
Nói về sự thay đổi của cộng đồng sáng tạo Việt Nam trong những năm gần đây, anh Nguyễn Tiến Huy – Founder & CEO @ Pencil Group khẳng định người Việt Nam hiện nay đang có một niềm tự hào to lớn về những thành tựu kinh tế đạt được, sẵn sàng vươn mình trong một kỷ nguyên mới. Từ đó các doanh nghiệp sáng tạo đang ngày một phát triển hơn, hợp tác với nhau nhiều hơn. Anh cho hay: “Tôi cho rằng để làm việc với nhau, nhất định phải có một nền tảng chung về văn hóa, mà điều cốt lõi chính là sự hợp tác giữa doanh nghiệp và khách hàng. Về điều này, genZ là thế hệ phát huy văn hóa Việt tốt nhất so với các thế hệ đi trước”.
Tiếp nói câu chuyện này, chị Ngô Trúc Quỳnh – Business Lead @ Social Elite cảm nhận rằng văn hóa Việt Nam thật sự rất đẹp và đa dạng, người làm sáng tạo cũng đã có nhiều sản phẩm hay lấy cảm hứng từ văn hóa. Tuy nhiên chị cho rằng đôi khi các bạn trẻ làm việc quá nghiêng về đam mê, cho thỏa cái tôi cá nhân của mình mà bỏ qua yếu tố thị trường – vốn là thứ quyết định “đầu ra” của sản phẩm. Chị Quỳnh nhắn nhủ các bạn nên khéo léo hơn trong việc cân bằng đam mê và kinh doanh, để tác phẩm của mình đến được với công chúng và mang nét đẹp Việt Nam vươn ra toàn cầu.
Tạm kết
Roundtable Unlock Creativity 2025 không chỉ là sự kiện mang đến những kiến thức và kinh nghiệm trong ngành Sáng tạo cho các bạn trẻ có đam mê, mà còn đem lại góc nhìn mới mẻ cho chính những người đã và đang làm nghề. Sự kiện có sự góp mặt với vai trò khách mời của những tên tuổi như Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh – Founder Alien Media, anh Mỹ Bùi – Executive Producer @ TOMO Films, anh Nguyễn Trương Kiên – Founder Zodiac II Media, anh Thái Sơn – Art Director Sparta VFX, cùng các giảng viên tại Arena Multimedia. Nói về cảm nhận của mình sau khi tham dự sự kiện, Đạo diễn Kawaii Tuấn Anh bày tỏ: “Mình thật sự được truyền cảm hứng khi nghe những câu chuyện mà các diễn giả chia sẻ, cho mình thêm nhiều góc nhìn mới khách quan hơn, nhiều kinh nghiệm hay để ứng dụng vào công việc. Roundtable Unlock Creativity là một sự kiện rất ý nghĩa”.
Khép lại chuỗi sự kiện tọa đàm đặc biệt về ngành Sáng tạo, Arena Multimedia tin rằng Unlock Creativity đã giúp các bạn trẻ “mở khóa” những kiến thức và kinh nghiệm quý giá từ các chuyên gia trong ngành, để từ đó vững tin trên con đường đam mê mình đã chọn trong thời gian sắp tới. Arena xin cảm ơn Pencil Group, RIO Global, Vietnam Legacy Branding Center (VLBC) đã cùng đồng hành để mang đến một sự kiện bổ ích này cho các bạn trẻ – chủ nhân tương lai của ngành công nghiệp Sáng tạo tại Việt Nam. Hãy đón chờ những sự kiện bổ ích tiếp theo cùng Arena Multimedia bạn nhé!
Để lại đánh giá