Bạn đã sẵn sàng để bắt đầu sự nghiệp và biến khát vọng của bản thân trở thành hiện thực?
Bạn đã học cách sử dụng các phần mềm, thực hành và nghiên cứu. Tuy nhiên, để biến ước mơ thành sự nghiệp dài hạn và thành công thì sự khát khao và tài năng không là chưa đủ.
Việc cân bằng sự sáng tạo, kế hoạch nghề nghiệp và quản lý công việc là một nghệ thuật thiết yếu cho các nhà thiết kế đồ họa – cần có nhiều thời gian để thấu hiểu. Có một số thứ bạn chỉ có thể học qua bằng cách trải nghiệm, tuy nhiên vẫn có nhiều thứ bạn có thể học được từ các chuyên gia và người đi trước.
Dưới đây là 12 điều cơ bản cho bạn bắt đầu sự nghiệp thiết kế.
Đầu tiên là 6 kỹ năng giúp bạn tối đa hóa khả năng sáng tạo
1. Nắm vững (thực sự nắm vững) về Photoshop
Bạn sẽ sử dụng muôn vàn công cụ khác nhau trong quá trình thiết kế, và mỗi nhà thiết kế đều có một ứng dụng yêu thích cho riêng mình. Tuy nhiên, có một chương trình mà bạn phải biết như lòng bàn tay nếu muốn thành công – Adobe Photoshop. Chương trình này mạnh mẽ và đa năng đến nỗi bạn không chỉ làm đa số công việc với nó mà còn được yêu cầu làm việc với nó.
Nếu bạn không giỏi phần mềm này, hãy dành thời gian thực hành hoặc tham gia các khóa học, workshop online và các video hướng dẫn nhanh. Hãy làm bất cứ điều gì để nâng cao và cập nhật xu hướng mới nhất với các kỹ năng Photoshop.
2. Tìm kiếm nguồn cảm hứng (chứ không phải bắt chước)
Dĩ nhiên là bạn sẽ có nhiều nguồn cảm hứng từ thế giới xung quanh, bởi vì các nhà thiết kế chuyên nghiệp luôn có nhiều phương pháp để bạn học hỏi theo. Internet là nguồn tài nguyên dồi dào và phong phú sẵn sàng đợi các nhà thiết kế trẻ tuổi đầy khát vọng, đam mê khám phá.
Người ta hay nói rằng bắt chước chính là sự tâng bốc chân thành nhất dành cho tác phẩm gốc, tuy nhiên trong thiết kế, nó lại dẫn đến việc đạo nhái không có biên giới và hồi kết. Thật khó cho các nhà thiết kế trẻ tuổi lấy nguồn cảm hứng từ ai đó mà không vô tình sao chép vài chi tiết. Thay vì làm thế, chúng ta hãy phân tích tác phẩm đó, để xem khía cạnh nào của nó khiến chúng ta bị thu hút và hấp dẫn. Mấu chốt là đừng làm theo chính xác những gì người khác làm, hãy làm công việc riêng của bạn theo cách tương tự.
3. Cập nhật xu hướng nhưng vẫn giữ phong cách riêng
Trong thời đại công nghệ như hiện nay, visual content là mảng đang phát triển với tốc độ chóng mặt, điều này giúp công việc của các nhà thiết kế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Để chiếm ưu thế, bạn cần hiểu rõ các xu hướng hiện tại. Sử dụng nguồn tài nguyên truyền cảm hứng để luôn được cập nhất các xu hướng sáng tạo là một bước đi khôn ngoan.
Tuy nhiên, đừng chỉ như con thiêu thân lao vào những xu hướng mới nhất. Phong cách riêng và sự chính trực của bản thân với tư cách là nhà thiết kế sẽ khiến bạn độc đáo trong một biển nhà thiết kế trẻ. Bí mật là ngoài việc thích nghi với các xu hướng, hãy thêm vào phong cách cá nhân – và mong muốn của khách hàng – theo một cách riêng và có dấu ấn nhất.
4. Đơn giản hóa mọi thứ
Khi vừa mới ra trường hoặc mới bắt đầu hoạt động freelancer, thật dễ hiểu khi bạn cảm thấy hứng thú với việc thể hiện các kỹ năng và mong muốn tạo ra hình ảnh ấn tượng. Và bạn hoàn toàn làm được điều đó mà không cần dồn hết tất cả các kỹ thuật được học hoặc mọi ý tưởng vào cùng một thiết kế duy nhất.
Hãy tin vào bản năng của bản thân và lời khuyên từ những nhà thiết kế có kinh nghiệm khi họ nói rằng thiết kế hiệu quả là những thiết kế có ý tưởng rõ ràng, mạch lạc, chủ đề xác định và một vài kỹ thuật được áp dụng một cách hiệu quả. Nói cách khác: đừng cố làm quá mọi thứ, hãy đơn giản hóa nó.
5. Luôn cố gắng đạt được sự hài hòa của hình ảnh trực quan
Để đạt được những thiết kế như mong muốn, bạn cần chú ý đến sự hài hòa của các yếu tố trực quan. Dự án của bạn không chỉ cần súc tích mà phải được thiết kế trau chuốt, gọn gàng, bên cạnh đó cũng nên toát lên trải nghiệm vui vẻ cho người dùng.
Làm thế nào đạt được điều này? Nó đơn giản hơn bạn nghĩ đấy – vì “đơn giản” chính là mấu chốt. Chẳng hạn như, khi làm việc với bảng màu, hãy chọn tông màu đừng quá đối lập cho những yếu tố phụ, sử dụng không quá hai phông chữ và đảm bảo định dạng chữ bổ sung cho nhau một cách trôi chảy.
Điều quan trọng nhất là tận dụng hệ thống phân cấp nội dung: không dùng những phông nền quá dày đặc hoặc kiểu chữ khó nhìn đối với những nội dung quan trọng, không sử dụng hiệu ứng đồ họa quá nhiều đối với những tiêu đề chính v.v… Việc xác định được sự liên quan với mỗi yếu tố trong thiết kế sẽ giúp tác phẩm của bạn phát huy tác dụng cũng như tận dụng tốt hệ thống phân cấp thị giác này.
6. Sử dụng kho lưu trữ ảnh Stock
Kho lưu trữ Stock là một cứu cánh tuyệt vời cho công việc sáng tạo. Những trang này chứa các hình ảnh, minh họa, mẫu v.v… hoàn toàn miễn phí và có ích cho các thiết kế đồ họa của bạn.
Có một số lợi ích cơ bản như: các hình ảnh có sẵn, tiết kiệm cho bạn hơn. Bạn cũng có thể tùy chỉnh chúng nếu muốn. Ngoài ra, các hình ảnh đều có độ phân giải cao, phù hợp với mục đích sử dụng chuyên nghiệp và đảm bảo bản quyền miễn phí, chi phí cũng hoàn toàn hợp lý.
Tiếp theo là 6 kỹ năng cho các freelancer mới vào nghề
1. Xác định giá trị bản thân ngay từ đầu
Một USP (unique selling proposition: lợi điểm bán hàng độc đáo) mạnh mẽ sẽ là yếu tố giúp cho sự nghiệp freelancer thành công. Điều quan trọng là nghĩ về điều bạn có thể làm, muốn làm, và làm thế nào để mang lại giá trị độc đáo cho khách hàng. Xác định được USP của bản thân là việc không dễ dàng, nhưng một khi bạn đã làm được, bạn sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về việc quảng bá hình ảnh cá nhân đến cơ sở dữ liệu khách hàng tiềm năng của mình.
2. Giao tiếp, giao tiếp và không ngừng giao tiếp
Phần lớn thời gian công việc của bạn là giúp khách hàng mang tầm nhìn của họ trở thành hiện thực, và thiết kế theo yêu cầu, mong đợi (hoặc vượt mong đợi) của họ. Giao tiếp được xem là một kỹ năng thiết kế quan trọng, chúng ta không thể trông đợi vào khách hàng liệu rằng họ có phải là người truyền tải tốt hay không, tốt nhất chúng ta nên chủ động giữ vai trò này.
Từ bảng tóm tắt, nhận xét hoặc sự phê duyệt, tất cả các bước trong quá trình dự án: deadline, giao nhận hồ sơ, thời gian biểu, hóa đơn v.v… hãy cố gắng trình bày ý tưởng và các điều khoản của bạn một cách rõ ràng nhất có thể. Sau đó, yêu cầu xác nhận và phê duyệt cụ thể bất kể trong trường hợp nào.
Theo dõi thường xuyên các công việc này thật không dễ dàng, nhất là khi bạn đang có nhiều dự án trong cùng một lúc. Hãy cân nhắc một giải pháp quản lý dự án để có thể giúp bạn kiểm tra mọi thứ (mà vẫn giúp bạn giao tiếp tốt hơn, cả trong nội bộ đội nhóm và với khách hàng). Bạn có thể tham khảo thêm về hai công cụ: Wrike và Asana.
3. Hợp đồng chính là đồng minh của bạn
Luôn có một bản hợp đồng về giá cả. Ngày nay, điều này còn dễ hơn nhiều khi có rất nhiều website và ứng dụng cung cấp các dạng hợp đồng có sẵn, bạn chỉ cần điền vào, gửi đi, kí tên và lưu trữ. Các định dạng hợp đồng cũng hỗ trợ PDF. Không có lí do gì mà không sử dụng hợp đồng, bởi vì có rất nhiều rủi ro tiềm tàng nếu bạn không làm thế.
4. Kỹ năng tổ chức là điều thiết yếu
Có một định kiến rằng các nhà sáng tạo luôn bừa bộn. Đừng để điều đó xảy ra với bạn – sự vô tổ chức chỉ khiến cuộc sống phức tạp hơn và làm chậm lại sự nghiệp freelance vừa chớm nở của bạn mà thôi.
Hãy mang sự tổ chức vào công việc, từ việc sắp xếp gọn gàng desktop theo file lưu trữ hợp lý đến các bước lập kế hoạch công việc. Việc khiến mọi thứ luôn luôn nằm trong tầm kiểm soát giúp bạn có nhiều cơ hội hơn trong quá trình sáng tạo. Ngoài ra, các nhà sáng tạo chuyên nghiệp đều có sự tổ chức cơ bản vốn có như thế.
5. Hãy mang đến dịch vụ khách hàng tuyệt vời
Phần lớn công việc freelancer sẽ liên quan trực tiếp đến khách hàng (kể cả khách hàng tiềm năng). Nếu bạn có thiên bẩm về dịch vụ khách hàng thì thật tốt, nhưng nếu không, bạn phải rèn luyện nó ngay.
Quản lý tốt khách hàng không chỉ là việc tỏ ra tốt bụng, đúng deadline, làm họ vui lòng; mà nó là cả một nghệ thuật khuyên răn họ khỏi những ý tưởng điên rồ, xác định xem khi nào nên “làm thêm” một chút ít cho họ hay đó là đối tượng lợi dụng mối quan hệ mà bóc lột thời gian của bạn. Quan trọng là vững vàng trước những ai có ý nghĩ không muốn trả tiền cho thời gian bỏ ra của bạn.
Tất cả những điều này đều được học hỏi qua kinh nghiệm, và mỗi cá nhân sẽ có cách ứng phó khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên hiểu rằng: đây không phải là khía cạnh bạn nên xem thường nếu muốn phát triển hơn trong ngành thiết kế.
6. Đừng ngần ngại khám phá những cơ hội kinh doanh
Đúng là việc xây dựng portfolio, cơ sở khách hàng, thương hiệu cần nhiều thời gian, nhưng không có nghĩa là bạn cứ chần chừ, đợi đến khi là “một chú cá lớn” mới dám bơi sang “một cái hồ lớn”.
Có một số cách đơn giản để bạn phát triển việc kinh doanh của mình ngay cả khi là một nhà thiết kế trẻ. Chẳng hạn như: viết blog, kết nối với những nhà thiết kế khác, thương hiệu và sản phẩm có liên quan, khách hàng tiềm năng v.v… Hãy đảm bảo rằng bạn có những ý tưởng tươi mới và độc đáo để mang đến cho những người mà bạn cảm thấy sẽ có lợi khi kết nối và cộng tác với bạn.
Dù chỉ mới bắt đầu, hãy làm việc thật chuyên nghiệp
Nếu bạn làm theo những hướng dẫn và lời khuyên này từ các nhà thiết kế có kinh nghiệm, bạn sẽ có thể làm được nhiều việc mà nhiều người khác không làm được – vì vậy hãy bắt đầu với một thái độ chuyên nghiệp ngay từ đầu.
Tác giả: Atiq Rehman | Theo justcreative
Biên dịch: CiCi Giang | RGB.vn
Để lại đánh giá