Heo Đất đã không còn quá xa lạ với những sản phẩm sáng tạo và thủ công (handmade) được giới thiệu với cộng đồng. Nhóm Heo Đất gồm 03 thành viên chủ chốt: Nhật Trần, Sịn (Bùi Văn Nhị), và Đăng Duy cùng nhau thực hiện những sản phẩm mang chút tuổi thơ, kỷ niệm, truyền thống không kém hiện đại.
Chia sẻ về cái tên của Heo Đất và những trải nghiệm xung quanh, nhóm chia sẻ, nhắc đến Heo Đất, hẳn ai cũng sẽ nghĩ đến hình ảnh ống heo tròn xoe mà ngày nhỏ vẫn dùng để tiết kiệm tiền mua đồ chơi hay quà tặng cho bạn bè. Cảm giác tích tiểu thành đại ấy như một thành tựu “khổng lồ” của cả một thời tuổi thơ hồn nhiên.
“Và cũng đồng thời là nguồn cảm hứng chính để thành lập nên thương hiệu mang chính cái tên của “kho báu” đó – Heo Đất. Từ những ý tưởng và dự án tụi mình đã làm sẽ tích góp vào trong “Heo Đất” để rồi một ngày, khi tụi mình nhìn lại sẽ thấy bản thân ngày càng phát triển và có một gia tài sáng tạo cho riêng mình. Trong năm gần qua thì Heo Đất có đã có cơ hội để trải nghiệm thử sức sáng tạo với nhiều chất liệu và hình thức khác nhau”, Heo bộc bạch.
Những sản phẩm sáng tạo của Heo được lấy cảm hứng từ việc nhìn thấy, chạm được, hơn hết là sự cảm nhận. Về các chất liệu truyền thống, cảm hứng qua những điều mà có lẽ nhiều người cũng từng trải qua: trò chơi lô tô, bầu cua, ghim cài hình con vật, hay thẻ postcard… Về các chất liệu hiện đại, cảm hứng qua trải nghiệm / cảm nhận, cách mà những nhà sáng tạo trẻ đang sống, làm việc. Họ đang sống ở thời hiện đại và kết hợp với trải nghiệm quá khứ để tạo ra những sản phẩm thủ công tuyệt vời. Điều này tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đến từ nhóm Heo Đất.
Nhóm chia sẻ thêm: “Điều mà Heo học hỏi để thổi hồn cho những sản phẩm sáng tạo, từ các nghệ nhân làm những sản phẩm thủ công truyền thống, và trò chuyện với những cô chú bán đồ chơi thủ công mình bắt gặp ở ngoài và mua chúng về để tìm hiểu . Kết hợp với khả năng sáng tạo mà tụi mình rèn luyện, biến đổi mới hơn, phù hợp với hiện đại nhưng vẫn không mất đi truyền thống vốn có của nó.”
Chủ đề mà Heo Đất lựa chọn để sáng tạo được bắt đầu từ những trò chơi truyền thống ở Việt Nam. Từ trò chơi ở nông thôn đến đô thị: bầu cua, ô ăn quan & các sản phẩm tuổi thơ. “Ở mỗi miền của đất nước Việt Nam, mỗi tuổi thơ lớn lên qua các trò chơi nhân gian, mỗi trò chơi ở mỗi miền mỗi khác nhau. Thông qua đó Heo Đất muốn tạo ra các sản phẩm để có thể giúp các bạn trẻ có thể giao lưu văn hoá với nhau.”
Sau khi chọn chủ đề để thiết kế / minh họa, đến phần lên ý tưởng, để mang đến hình ảnh có nội dung thú vị. Tiếp quy trình là bản phác thảo, hoàn thành thiết kế kỹ thuật số. Về phần màu sắc giữa in ấn & kỹ thuật số, tùy theo sản phẩm mà Heo Đất sẽ chọn chất liệu phù hợp. “Thử nghiệm nhiều phương án và chốt chất liệu phù hợp nhất, Tiến hành bắt tay vào làm thủ công như nặn, gấp, cắt, tạo hình sản phẩm theo ý muốn. Và cuối cùng là bao bì cho các sản phẩm thủ công.”
Với quá trình làm ra những sản phẩm, điều mà Heo Đất thổ lộ, họ ấn tượng nhất và đầu tư nhiều thời gian nhất có lẽ là khâu tìm kiếm idea (ý tưởng) và concept (tạm dịch: cách thực hiện trong thiết kế / minh họa). “Heo Đất nghĩ một dự án hay và thành công thì yếu tố ý tưởng và concept quyết định rất lớn, team Heo Đất có 3 thành viên nên mỗi bạn, mỗi ý tưởng khác nhau, có những ý tưởng mà các bạn đưa ra rất hay rất wow mà mình chưa thể nghĩ đến. Chúng mình cùng tiếp thu trao đổi và chắc lọc ra những idea hay để phát triển lên thêm.”
Bạn có thể xem những dự án của Heo Đất tại nền tảng mạng xã hội, mình xin đính kèm tại @heodat.concept!
Thực hiện: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi Heo Đất!
Để lại đánh giá