Những chia sẻ thú vị với góc nhìn trẻ của Mai Hòa, đặc biệt là những trải nghiệm trong tác phẩm mà cô muốn chia sẻ đến cộng đồng. Tất cả sẽ nằm trong bài viết tới đây.
Mai Hòa với những tác phẩm vẽ liên quan về cuộc sống, văn hóa, và hoài niệm dựa trên trải nghiệm của cô gái trẻ thuộc thế hệ gen Z. Hiện Hòa đang học năm 02 khoa Thiết kế đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Thủ đô Hà Nội.
“Bạn có thể gọi mình là Hòa Mai hoặc Hi Mei. Mình hiện là sinh viên năm 02 khoa thiết kế đồ họa và cũng đang là thực tập sinh về motion graphic (đồ họa chuyển động) và là họa sĩ minh họa tự do” Hòa chia sẻ.
Mai Hòa: “Mình tự nhận thấy bản thân là một người có điều kiện được tiếp xúc với vẽ từ sớm nên càng phải nỗ lực và cố gắng thật nhiều”
Hòa chia sẻ về sở thích của cô có chút thiên hướng về nghệ thuật và năng khiếu từ nhỏ, nên sau khi tốt nghiệp cấp 03 cô đã chọn và theo đuổi ngành học liên quan đến sáng tạo. Cụ thể là trở thành họa sĩ vẽ minh họa.
“Đối với mình, việc vẽ nói riêng hay sáng tạo nói chung đều có những cái hay và cái khó. Trước tiên, cái hay khi làm vẽ minh họa là mình có thể sống với đam mê yêu thích nghệ thuật. Làm sáng tạo hay vẽ minh họa sẽ luôn được ở trong một thế giới rất thú vị, nhiều màu sắc và có thể tự do thể hiện cá tính của bản thân” cô thổ lộ.
Về trải nghiệm cấp 03 của Hòa, cô nói, sau khi bước vào môi trường đại học cô thấy rõ sự thay đổi của mình. Với cấp 03, cô phải trải qua những môn học liên quan đến khoa học tự nhiên hay xã hội, văn hóa thì lên đại học, cô được lựa chọn đúng chuyên ngành mà cô thích, hằng ngày cô được học vẽ vời, đồ họa, và nạp rất nhiều kiến thức liên quan. Hòa bày tỏ sự yêu thích của bản thân với những trải nghiệm hiện tại.
“Nhưng bên cạnh đó thì cái khó của làm sáng tạo hay vẽ minh họa cũng rất nhiều. Với mình thì việc khó khăn nhất là duy trì nguồn cảm hứng và ý tưởng. Vì với tần suất đòi hỏi sự sáng tạo liên tục mình nghĩ là ai trong ngành này cũng sẽ có những giai đoạn bị bí ý tưởng, bị bế tắc trong việc phải sáng tạo.
Hiện tại, mình đang vừa đi học, vừa đi làm, vừa trong quá trình định hình phong cách và xây dựng thương hiệu cá nhân. Việc cân bằng được nhiều việc một lúc cũng là một thử thách với mình. Mình luôn cố gắng ưu tiên và đặt việc học tập lên trên cùng vì mình quan niệm chỉ khi có một nền tảng tốt thì sau này mình mới có thể bước đi tự tin hơn.
Mình luôn thấy việc mình được học vẽ từ sớm, được may mắn gặp gỡ những người bạn, những anh chị trong nghề, mọi người đã cho mình những định hướng rất tốt và giúp mình biết mình cần phải làm gì để theo đuổi cái mình đã lựa chọn. Có cho mình một môi trường tốt như vậy nên mình sẽ càng phải tận dụng nó và nỗ lực hết sức khi mình còn trẻ và còn có thời gian.”
Được học một ngành nghề yêu thích, Hòa thổ lộ, đó là cách mà cô vươn mình ra khỏi vùng an toàn. Cô chia sẻ về cách cô nghiêm túc theo đuổi trước công việc vẽ sáng tạo này, vì trước đó có lẽ cô cũng có lúc hoài nghi trước lựa chọn công việc. Sau nhiều trải nghiệm mang tính tác động, cô đã vững tâm trong công tác học vẽ.
“Hơn một năm qua, mình đã tìm lại được tình yêu vẽ tranh và mỗi khi được vẽ mình luôn thấy hạnh phúc hơn bất cứ một công việc nào. Mình vẽ tranh xuất phát từ việc mình yêu thích và mình vui vì việc được vẽ thì cảm xúc và câu chuyện của bức tranh một cách chân thật.”
Cảm hứng từ hoài niệm hay nét văn hóa & Những tác phẩm của cô muốn hướng đến giá trị bền vững
Những tác phẩm mà Hòa thể hiện được lấy cảm hứng từ hoài niệm hay nét văn hóa Việt, như đã kể trước đó. Hòa thuộc thế hệ 10x được lớn lên ở ngoại thành, cô được trải nghiệm những trò chơi tuổi thơ: ném lon, bắn bi. “Đó là cảm hứng để mình vẽ bộ sưu tập: Hồi xưa con nít Việt Nam chơi gì?”
Một câu chuyện cảm hứng trong quá khứ khác, khiến Hòa hào hứng kể: “Hồi nhỏ, mình ở với bà nội nên luôn được nghe bà kể rất nhiều chuyện về ngày xưa chiến tranh như thế nào, được bà dạy cách bổ cau, têm trầu, xem cùng bà rất nhiều các chương trình truyền hình về thời sự, văn hóa. Mình rất vui vì có bà nội là người đã khiến mình yêu những giá trị văn hóa của đất nước ngay từ bé. Nên khi lớn lên dù có nhiều cảm hứng sáng tác về đa dạng đề tài thì văn hóa vẫn luôn là cái mình muốn hướng về”. Những tác phẩm sáng tạo khác được Hòa nhắc đến: (1) Tranh “Tết và Áo dài” được lấy cảm hứng từ hình ảnh các chị các mẹ những năm 1960-1970 ở Việt Nam trong tà áo dài đi xem chợ hoa vào dịp Tết. (2) Tranh “Người Mèo” được lấy cảm hứng từ trang phục truyền thống của dân tộc H’mông.
Bên cạnh đó nguồn cảm hứng sẵn có nhất là những điều bình thường diễn ra hằng ngày xung quanh mình: gia đình, bạn bè, thời tiết, những thứ đáng yêu: (3) Tranh “Ánh Tuyết” em vẽ tặng sinh nhật bạn thân. (4) Tranh “Summer” em vẽ lúc Hà Nội mới bắt đầu chuyển sang mùa hè. (5) Tranh “Câu cá” lấy cảm hứng từ những chú bé con ở làng quê hay cởi trần, đi chân trần câu cá ở những con sông.
Ngoài cảm hứng từ tuổi thơ, lý giải việc Hòa luôn lựa chọn những đề tài này, cô bày tỏ, cô nghĩ điều cô muốn mang lại cho mọi người khi xem tranh vẽ của mình, đó là giá trị bền vững. “Những điều có giá trị lâu bền ở đây có thể chỉ đơn giản là gia đình, là người yêu, là bạn bè hoặc lớn hơn là một nền văn hóa, là lịch sử. Mình mong muốn qua các tác phẩm của mình người xem họ sẽ luôn nhìn thấy những giá trị lâu bền vẫn ở đó, nhắc họ không được quên đi và giúp họ có ý thức bảo vệ và trân trọng hơn. Trong một bối cảnh thế giới phát triển như hiện tại, mình cảm giác nếu như không có sự nhắc nhở, con người luôn vô thức ‘bỏ quên’ những điều có giá trị bền vững.”
Mai Hoà: Quy trình sáng tạo khó khăn nhất đối với mình là tìm ý tưởng đến phác thảo nét.
Hòa kể về quy trình sáng tạo cá nhân, cô đặc biệt ấn tượng ở giai đoạn ý tưởng. Trong giai đoạn này, Hòa cảm thấy thách thức nhất từ việc tìm kiếm / lên ý tưởng đến bản line sketch (bản phác thảo nét). “Mình khá kỹ về tính chất nguyên bản trong việc tìm hiểu hình ảnh tham khảo, đặc biệt là các tham khảo liên quan đến văn hóa hay lịch sử. Mình đã dành thời gian vài ngày chỉ để đọc tài liệu, thật sự hiểu biết về đối tượng muốn vẽ thì mới bắt đầu.”
Một trải nghiệm có lẽ ứng dụng nhất những gì đã viết trên. Về cuộc thi “Vẽ con Mèo” do Vietnam Local Artist Group tổ chức mà Hòa tham gia trong thời gian vừa qua. Cô thổ lộ việc mình dành nhiều thời gian trong quá trình tìm hiểu sâu cho ý tưởng kết hợp giữa chủ đề vẽ con Mèo năm 2023 và trang phục truyền thống dân tộc H’mông.
“Vấn đề lớn nhất mình đặt ra khi làm tác phẩm này là làm sao đưa trang phục, đưa văn hóa của dân tộc H’mông vào trong tranh mà đồng thời vẫn làm nổi bật được chủ thể chính là con Mèo. Và nguồn tham khảo về trang phục của dân tộc H’mông khá phong phú, việc của mình là trong rất nhiều các loại trang phục truyền thống của người Hmông, mình sẽ phải chọn ra một bộ trang phục phù hợp nhất để đưa vào tác phẩm.”
Một trải nghiệm khác về quá trình nỗ lực học tập sáng tạo, Hòa cho hay, giai đoạn cô bắt đầu tập vẽ digital, cô đã gặp khá nhiều khó khăn trong việc điều khiển và làm quen với việc sử dụng bút wacom (loại bản vẽ dành cho vẽ kỹ thuật số). Sau đó, Hòa tự đặt cho mình thử thách vẽ 10 dáng (poses) và vẽ liên tục trong 30 ngày với #30daysgesturechallenge.
Mỗi ngày cô sẽ đưa những tác phẩm của mình lên Instagram – đây là nền tảng mà Hòa có những người theo dõi tác phẩm của cô, “điều này giúp mình và bạn bè xem tranh mình nhắc nhở mình rằng: Hòa đã lên tranh cho ngày hôm nay chưa? *kiểu vậy”. Đợt đó là Tết, nên dù đang vào kì nghỉ lễ thì cô vẫn ngồi vào bàn vẽ để hoàn thành thử thách mình đã tự đặt ra cho bản thân.
Sau 30 ngày đó, Hòa học hỏi rất nhiều về tính kiên nhẫn hay cả kỹ năng sử dụng bút wacom trở nên thuần thục, có tiến bộ. Đây cũng là thói quen sau này mà cô thấy nó cần được duy trì: “Dù bận rộn như nào, mình cũng cố gắng phải vẽ điều gì đó cho 01 ngày.”
Với những trải nghiệm dù là khó khăn hay kỷ niệm nhất, Hòa Mai vẫn đã vượt qua với chính sự chăm chỉ cố gắng của bản thân. Là một người trẻ, ngoài việc học, cô bộc bạch sẽ sáng tác những dự án cá nhân, tham gia những dự án cộng đồng hay là việc kết hợp được cả đồ họa & minh họa vào trong tác phẩm trong tương lai.
Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật
Để lại đánh giá