Hiệp Tống (TvHiep) là một Graphic Designer (nhà thiết kế đồ họa) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Ngoài công việc chính, Hiệp còn có một niềm yêu thích đặc biệt với những điều xưa cũ, những thứ mang đến cho anh ấy nhiều cảm hứng trong công việc sáng tạo.
Hiệp đã tiếp cận với sự sáng tạo nói chung và với Lettering (Tạm dịch: Nghệ thuật chữ) nói riêng từ rất sớm. Ngay từ khi còn học tiểu học, anh ấy đã bộc lộ sự yêu thích với môn mỹ thuật. Hiệp thích chép lại các nhân vật trong truyện tranh và có khả năng vẽ chúng rất giống với bản gốc. Khi anh ấy có chiếc điện thoại kết nối internet (mạng) đầu tiên, Hiệp được tiếp cận với graffiti (vẽ đường phố) thông qua các trang trên Facebook. Đó là lúc anh ấy bắt đầu tập vẽ lại các chữ cái của graffiti, vì Hiệp thích những chữ kỳ dị, đầy màu sắc và biến ảo. Sau này, khi Hiệp theo học ngành thiết kế đồ hoạ ở Đại học, anh ấy được học môn Typography, giúp anh ấy có thêm hiểu biết về chữ và dần dần khám phá lettering – nghệ thuật vẽ chữ tạo ra những tác phẩm độc đáo.
Trong hành trình sáng tạo chữ của mình, Hiệp đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ. Một trong số đó là vào cuối năm 2018, khi anh ấy tạo ra một kiểu chữ hoàn chỉnh có tên là “Bìa Sách Xưa”. Kiểu chữ này được lấy cảm hứng từ những con chữ trên bìa sách cũ của Việt Nam trong những năm 80-90. Sự ra đời của Bìa Sách Xưa cũng đồng thời là thành quả của những nỗ lực học tập và nghiên cứu của Hiệp về typography. Mặc dù khi nhìn lại, Hiệp nhận thấy rằng kiểu chữ đó còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, nhưng nó đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong hành trình sáng tạo chữ của anh ấy.
Ngoài ra, Hiệp cũng có trải nghiệm đáng nhớ với việc làm đồ thủ công. Vào dịp Tết năm 2021, anh ấy thực hiện dự án lì xì “Luôn Vui Tươi”. Đây là lần đầu tiên Hiệp kết hợp giữa chữ viết tay và thủ công để tạo ra những lì xì độc đáo. Trong dự án này, anh ấy cũng tìm hiểu về kỹ thuật in khắc nổi trên cao su, gọi là linocut. Việc in khắc các chi tiết trên cao su đòi hỏi sự chính xác và kỹ thuật, và Hiệp đã trải qua những trải nghiệm thú vị khi phải nhìn hình ngược trong quá trình in.
Hiệp đã thể nghiệm những tác phẩm của mình như thế nào?
Mình tự thấy mình là một người thích nhiều thứ và không đi theo phong cách vẽ chữ nào nhất định. Mình luôn đón nhận và sẵn sàng thử những cách thức khác nhau để tạo ra con chữ. Mình sử dụng nhiều kiểu chữ cho mỗi tác phẩm khác nhau (chữ có chân, không chân,… và nhiều nhất là script), mình mô phỏng lại chữ bằng nhiều hiệu ứng (in risograph, chữ kim loại chrome type, chữ in sách báo cũ..)
Mình cũng thử nhiều bố cục sắp xếp chữ và mình luôn thấy hào hứng khi được phủ kín 01 bề mặt hoặc 01 hình dạng bằng chữ. Mình tự đặt tên cho phong cách vẽ đó là “fit-in-shape”. Mỗi lần mình thực hiện kiểu vẽ chữ đó là một lần thử thách bản thân, với số lượng chữ nhất định, mình phải xếp kín toàn bộ bố cục đó mà đảm bảo khi nhìn vào vẫn có thể đọc được nội dung và truyền tải được thông điệp. Trước đây mình thường hoàn thiện các tác phẩm trên định dạng digital, tới khoảng 01 năm trở lại đây thì mình thực hiện các tác phẩm chữ trên định dạng physical nhiều hơn.
Mình muốn thử nghiệm hiển thị chữ trên nhiều chất liệu khác nhau ngoài in trên giấy, có in trên nhựa mica, trên vải, in trên thuỷ tinh.. và mình cũng thử tạo ra các con chữ theo nhiều cách thức: khắc cao su, khắc laser trên kim loại, dùng sơn xịt.. Ngoài ra, mình cũng đã thử vẽ chữ trên nhiều bề mặt khác nhau: trên cốc giấy, mũ bảo hiểm, nón lá. Với mỗi tác phẩm mình đều ưu tiên thêm một điều gì đó mới để nó khác với các tác phẩm trước đó của mình.
Cảm hứng cho các tác phẩm lettering của Hiệp?
Mình có một niềm yêu thích với những điều xưa cũ, mình hay tìm về những thiết kế của thời trước, nhặt nhạnh những chi tiết để tạo ra tác phẩm mới của mình. Cảm hứng cho các tác phẩm của mình đến nhiều từ những bìa sách báo cũ, bảng biển hiệu cũ của cả Việt Nam lẫn trên thế giới, những thiết kế tem nhãn vintage, những hộp diêm cũ.. Mình cũng yêu Tiếng Việt. Trước đây khi tập vẽ chữ mình thường chọn các nội dung tiếng Anh, một phần mình theo dõi và chịu ảnh hưởng nhiều bởi các artist nước ngoài, mặt khác khi xử lý chữ tiếng Anh sẽ gọn gàng hơn vì không có các thành phần dấu như tiếng Việt.
Nhưng rồi mình nghĩ, các nội dung tiếng Anh đã được cả thế giới sử dụng rồi, mình muốn làm về nội dung tiếng Việt – mang nét gần gũi từ văn hóa bản địa. Tiếng Việt là một mảnh đất nội dung màu mỡ, thoải mái cho mình thử nghiệm và tạo nên những tác phẩm lettering tiếng Việt, của người Việt và dành cho người Việt. Mình thấy một ưu điểm ở tiếng Việt là cũng dùng chung hệ ký tự latin, bảng chữ cái abc. Chỉ có một thử thách nhỏ là xử lý phần dấu tiếng Việt sao cho khéo và mình vẫn đang cố gắng làm điều đó.
Một kho tàng nội dung tiếng Việt đồ sộ, có văn thơ, ca nhạc, ca dao tục ngữ,… đôi khi từ ngữ đứng riêng lẻ cũng đã đủ hay, hoặc gần gũi nhất là những tiếng nói hàng ngày của người Việt mình. Với mình tiếng Việt có nhiều âm điệu và cảm xúc, nhiều lớp ngữ nghĩa để khai thác. Đúng thật là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”.
Hiệp có chia sẻ về việc bản thân “Muốn làm khác mỗi lần sáng tạo”. Lý do khiến Hiệp cảm thấy “mình cần nên làm khác đi”?
Thành thật mà nói là một phần do tính cách của mình, mình thích nhiều thứ khác nhau, khi bắt gặp một thứ gì đó hay, mình luôn muốn thử làm theo xem thế nào. Đối với mình việc làm khác đi là để làm phong phú thêm trải nghiệm của bản thân, nó như một loại tài sản sáng tạo của mình vậy. Và đôi khi “làm khác đi” cũng là những thử thách mà mình tự tạo ra để chinh phục nó, khi làm được rồi nó khiến mình vui hơn và tiếp thêm năng lượng cho ngọn lửa sáng tạo luôn cháy trong mình.
Với mình những ý tưởng luôn đến bất chợt, ở bất kỳ thời điểm hoặc khoảnh khắc nào trong cuộc sống. Việc của mình rất đơn giản là ghi chép lại những ý tưởng đó, có thể ghi chi tiết một chút để khi đọc lại thì ý tưởng đó vẫn vẹn nguyên, mình chỉ ghi chép lại dưới dạng text (chữ) không hình ảnh để không bị ảnh hưởng bởi visual cũ đó. Mình thường ghi chép lại ý tưởng thành các folder (thư mục) nhỏ theo chủ đề. Ví dụ: Từ láy, thơ hay, lời bài hát, bao bì.. Khi cần dùng tới thì các ý tưởng nhỏ lẻ sẽ như những nguyên liệu cấu thành nên món ăn và công việc của mình là xào nấu cho phù hợp.
Hiệp có đặt ra tiêu chí khác biệt trong mỗi lần sáng tạo mới không?
Nhìn chung thì mỗi tác phẩm mình ít khi sử dụng lại content (nội dung) cũ, nên về mặt nội dung thì đã khác những cái trước đó rồi. Vì vậy mình để tâm vào tìm cách thể hiện khác cho tác phẩm. Với những tác phẩm digital (kỹ thuật số) thì mình có thể thay đổi palette (bảng màu) màu mới, đổi các element (yếu tố trong thiết kế) kèm theo chữ, thử texture (chất liệu) hiệu ứng mới. Còn với các tác phẩm physical (vật lý) mình thay đổi chất liệu, công cụ tạo ra chữ, đôi khi là cả kết cấu, các thành phần của sản phẩm. Khi bắt tay vào làm, thường mình sẽ phác thảo rất nhiều phương án khác nhau – tất cả những gì mình có thể nghĩ ra lúc đó. Mình không có đặt tiêu chí nhất định cho sự khác biệt mà sẽ ưu tiên chọn hướng đi có yếu tố mới mẻ mà mình chưa làm, nó khiến mình hào hứng trong quá trình thực hiện.
Điểm khác biệt lớn nhất trong các tác phẩm của Hiệp hiện tại so với khi mới bắt đầu thực hành vẽ chữ là gì?
Khi mới bắt đầu vẽ chữ, mình chủ yếu là học theo những tác phẩm mình thích của các artist trên thế giới, chỉ cần mình thấy thích là mình sẽ thử làm theo. Tới hiện tại mình đã chủ động hơn, nhặt nhạnh những thứ mình cần, chọn chi tiết hay ho trong các tác phẩm khác nhau để học hỏi, mình kiểm soát được các chi tiết mình muốn vẽ ra, và hoàn thiện tác phẩm của riêng mình. Thực ra khi bắt đầu, đơn giản là vì mình thích mấy con chữ đẹp đẽ, mình luôn cố gắng để bản thân tiếp tục đi trên hành trình này, đi được càng lâu càng tốt, trải nghiệm được càng nhiều càng tốt. Tới bây giờ, mình vẫn muốn thử nghiệm nhiều thứ mới, khai phá để xem mình có thể làm những gì và vững tin hơn vào con đường mình đang đi.
Hiệp đang phát triển một Instagram “Đồng Nát Nhặt Chữ” cùng với Tú Vy, chuyên sưu tập các bìa sách xưa?
Đồng Nát Nhặt Chữ giống như một cuốn sổ tay lưu trữ nguồn cảm hứng của mình. Thời điểm 5 năm trước, mình được truyền cảm hứng rất nhiều từ dự án Lưu Chữ của anh Lê Quốc Huy – hồi đó anh chụp lại những biển hiệu xưa cũ và chia sẻ với mọi người. Bản thân đã có sẵn niềm yêu thích với chữ và những đồ vật cũ, nên mình cũng bắt đầu chụp lại những con chữ cũ kĩ mình gặp trong đời sống: bảng biển, sách báo, bìa nhạc xưa… dần dần lượng hình ảnh sưu tầm của mình có chủ yếu là bìa sách thông qua các hội sách cũ, cửa hàng thu mua sách cũ, các quán cà phê bao cấp. Mình nhận thấy bìa sách xưa có tính thẩm mỹ cao, nội dung đa dạng và là nguồn tài nguyên phong phú để khai thác nên mình quyết định Đồng Nát Nhặt Chữ sẽ tập trung chia sẻ về các hình ảnh bìa sách xưa.
Trước tiên mình lưu lại làm nguồn cảm hứng cho bản thân, sau là chia sẻ lại với mọi người có cùng sở thích về chữ với mình. Tới khoảng 01 năm gần đây, mình muốn làm gì đó mới mẻ hơn thay vì chỉ chia sẻ hình ảnh bìa sách trên Đồng Nát Nhặt Chữ một cách khô khan.
Thật may mắn khi có thêm Tú Vy đồng hành cùng mình, Vy và mình sẽ trao đổi để chọn ra bìa sách hay, lên kế hoạch đăng bài, bây giờ Vy cũng là người viết bài cho Đồng Nát Nhặt Chữ. Nhờ có Vy mà nội dung Đồng Nát Nhặt Chữ giàu sức sống hơn, có thêm nhiều góc nhìn thú vị và mình thấy các bạn theo dõi Đồng Nát Nhặt Chữ cũng hưởng ứng tích cực hơn và có thêm nhiều lượt theo dõi mới. Còn về cái tên “Đồng Nát Nhặt Chữ” thì cũng dễ hiểu là người đi sưu tầm và lưu lại những con chữ đã cũ. Mong mọi người khi xem Đồng Nát Nhặt Chữ sẽ tìm được một chút cảm hứng sáng tạo cho riêng mình.
Dạo gần đây, bạn collab (hợp tác) với rất nhiều artist (nghệ sĩ) khác. Bạn có thể chia sẻ về một lần collab bạn thấy thú vị nhất không?
Đúng là gần đây mình có cơ hội được làm chung các dự án với nhiều artist khác. Với mình đó cũng là một cách khác để tạo ra tác phẩm mới. Khi collab với mọi người, bọn mình trao đổi với nhau các góc nhìn khác nhau về một vấn đề, các ý tưởng giao thoa và tạo ra kết quả, đôi khi là không thể ngờ tới. Mình luôn sẵn sàng kết hợp với ai đó để tạo ra thứ gì đó mới mẻ.
Một dự án collab mà mình nhớ nhất đó là lần mình và Tú Vy của tiệm kết hợp cùng nhau để cho ra mắt sản phẩm khăn lụa. Từ ý tưởng về một sản phẩm có yếu tố chơi chữ tiếng Việt của Tú Vy. Bọn mình quyết định chọn khăn – đó cũng là sản phẩm mới cả 02 chưa từng làm trước đó. Mặc dù đã từng làm việc cùng nhau, nhưng ở sản phẩm khăn lụa này bọn mình cũng gặp nhiều chuyện “dở khóc dở cười”
Từ giai đoạn lên ý tưởng nội dung chủ đề, giữa rất nhiều ý kiến xoay quanh ca dao tục ngữ và yếu tố chơi chữ thì chiếc khăn có chữ vượt khó đã được chọn. Xong phần nội dung là nghĩ hình ảnh minh hoạ sao cho phù hợp với tổng thể. Bọn mình chọn hình ảnh trái bầu và bí trong bài ca dao bầu ơi thương lấy bí cùng, để thể hiện sự tương trợ lẫn nhau, vững tin và cùng nhau vượt qua khó khăn phía trước. Kết hợp cùng kiểu chữ chủ đề vừa mềm mại nhưng đủ mạnh mẽ để “vượt khó”.
Giai đoạn sản xuất, qua nhiều lần test (thử) sản phẩm để ra được màu in trên lụa ưng ý thì tới việc tìm nhà cung cấp hộp để đóng gói, việc bọn mình làm số lượng sản phẩm không nhiều nên hầu như bị các bên từ chối hoặc báo giá cao. Nhưng sau nhiều lần rơi vào trầm tư thì “package vượt khó-khăn” cũng hoàn thiện. Bọn mình nhận ra, khi gặp khó khăn, điều đầu tiên là nên chấp nhận hiện thực tồn tại của vấn đề, bình tâm tìm phương án giải quyết và từng bước từng bước một, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Bạn có thể xem thêm các dự án của Hiệp Tống tại đây.
Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi Hiệp Tống!
Để lại đánh giá