Trước tình hình thị trường xuất khẩu đang ngày càng khắt khe, các doanh nghiệp nông sản Việt đang có sự chuyển hướng sang khai thác tiềm năng của thị trường nội địa. Tuy vậy, làm sao để thành công đổi mới diện mạo thương hiệu và tạo được dấu ấn riêng đang là vấn đề được đặt ra cho nhiều doanh nghiệp địa phương tại Việt Nam.
Khó khăn chồng chất khó khăn trong bối cảnh đại dịch
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh trong xuất khẩu của Việt Nam, như thanh long, dưa hấu, gạo, cà phê cho tới các mặt hàng thủy sản như tôm, cua… đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất khẩu, dẫn đến tình trạng tồn đọng, ùn ứ. Thực tế cho thấy, không phải chỉ đến khi đại dịch diễn biến phức tạp mới dẫn đến dư thừa hàng nông sản mà trong nhiều năm qua, việc “giải cứu” nông sản tồn đã trở thành chuyện thường ngày ở nhiều nơi, nhưng đến cuối cùng, người nông dân vẫn chịu thiệt hại nặng nề do giá bán sản phẩm không bù đắp nổi chi phí sản xuất.
Một trong những lý do trước nhất dẫn đến tình trạng không tiêu thụ được nông sản là lối sản xuất lạc hậu, “tù mù”, chạy theo phong trào mà không vạch ra định hướng, chiến lược cụ thể. Do thiếu thông tin nghiên cứu chuyên sâu về thị trường và những thay đổi liên tục trong xu hướng tiêu dùng, các doanh nghiệp nông sản thường đổ xô sản xuất những loại nông sản đắt hàng, dẫn đến dư thừa, bán tống bán tháo để lấy lại vốn.
Nhiều doanh nghiệp nông sản chế biến Việt Nam chưa có chiến lược định vị thương hiệu và thiết kế bao bì phù hợp để đánh dấu nhãn hiệu (Nguồn: Internet)
Một trở ngại lớn khác đối với hàng nông sản Việt là việc các thị trường nhập khẩu nông sản của Việt Nam đang ngày càng khó tính về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm, cùng với đó là sự cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ xuất khẩu khác có cùng cơ cấu hàng hóa trên cả yếu tố giá cả và thương hiệu. Sức ép cạnh tranh ấy vô hình chung lại khiến các nhà sản xuất nông sản tìm về với thị trường nội địa – vốn được đánh giá có độ ổn định và “sức chống chịu” tốt hơn nhiều so với thị trường xuất khẩu mà nhiều doanh nghiệp chưa chú tâm tận dụng.
Tuy nhiên, làm sao để chiếm lĩnh thị trường nội địa trước các đa dạng các mặt hàng xuất khẩu vốn được người tiêu dùng yêu thích và tin tưởng vẫn là bài toán khó với nhiều doanh nghiệp địa phương. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã, thiết kế bao bì là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng, tạo chỗ đứng vững chắc cho mặt hàng nông sản trong nước.
“Bắt tay” với các đối tác nước ngoài để đổi mới?
Một ví dụ điển hình về hành trình tìm kiếm chỗ đứng trên chính “sân nhà” là câu chuyện hợp tác để tận dụng thế mạnh của từng doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới bộ nhận diện và bao bì sản phẩm của Kia Shing Foodtec – công ty sản xuất nông sản chế biến nổi tiếng tại Malaysia. Trước áp lực cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nước ngoài và thị hiếu người tiêu dùng trẻ trong nước không ngừng thay đổi, thiết kế bao bì cũ nhạt nhòa, trùng lặp và thiếu sáng tạo của Kia Shing Foodtec không còn là đủ để doanh nghiệp duy trì doanh thu và phát triển sản xuất.
Xuất phát từ thực tế ấy, doanh nghiệp đã tìm đến sự trợ giúp từ tổ chức kết nối doanh nghiệp liên ngành tại Đài Loan – Taiwan Design Research Institute (TDRI) để thực hiện một cuộc đổi mới bộ nhận diện thương hiệu cho dòng sản phẩm trái cây sấy. TDRI (Taiwan Design & Research Institute) vốn có tiền thân là Taiwan Design Center (TDC) được thành lập năm 2003, với mục tiêu đưa những tinh hoa trong lĩnh vực nghiên cứu và thiết kế của Đài Loan vào các ngành công nghiệp khác nhau. Một trong những nhiệm vụ chính của TDRI trong những năm gần đây là kết nối các doanh nghiệp quốc tế với các công ty hàng đầu Đài Loan trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và thiết kế sản phẩm, nhằm giúp các doanh nghiệp tận dụng được thế mạnh, tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm chi phí và đảm bảo hiệu suất kinh doanh cao nhất.
Kia Shing Foodtec đã nhờ đến sự giúp đỡ của TDRI nhằm tìm ra định hướng phát triển và bộ nhận diện mới phù hợp với đối tượng khách hàng trẻ tại Malaysia (Nguồn: Internet)
Mục tiêu của Kia Shing Foodtec là hướng đến một nhóm đối tượng khách hàng mới là những người trẻ tại Malaysia quan tâm đến tính thẩm mỹ của sản phẩm và có thói quen tiêu dùng online, từ đó thúc đẩy doanh thu tại thị trường nội địa. Để hiện thực hóa mục tiêu này, TDRI đã “bắc cầu” cho Kia Shing Foodtec hợp tác với Dot Design – một công ty chuyên về thiết kế bao bì sản phẩm tại Đài Loan. Là một công ty trẻ, nhanh nhạy với thay đổi của thị trường và giàu sáng tạo, Dot Design được xem là đối tác rất phù hợp, có thể giúp Kia Shing Foodtec nhanh chóng đưa ra bộ nhận diện thương hiệu cũng như thiết kế bao bì mới đầy trẻ trung, rực rỡ, hợp “gu” giới trẻ và mang đậm bản sắc Malaysia – một quốc gia nhiệt đới.
Xuyên suốt quá trình dự án diễn ra, TDRI không chỉ giám sát tiến độ thực hiện một cách sát sao mà còn tích cực giúp đỡ hai doanh nghiệp vượt qua rào cản về ngôn ngữ, văn hoá để tìm thấy tiếng nói chung. Ông Han Lance – Giám đốc Dot Design chia sẻ: “Với mong muốn thiết kế bao bì để làm nổi bật hương vị tinh tế của sản phẩm nông sản, chúng tôi hy vọng sẽ gia nhập thành công thị trường nội địa và định hình lại tư duy kinh doanh thông qua cơ hội hợp tác này”.
Thiết kế bao bì mới của Kia Shing Foodtec có tính thẩm mỹ cao, độc đáo, bắt mắt và phù hợp với thị hiếu giới trẻ
Câu chuyện thành công của Kia Shing Foodtec là minh chứng rõ nét cho nhận định một thiết kế bao bì độc đáo, bắt mắt, phù hợp với thị hiếu khách hàng có vai trò then chốt trên chặng đường định vị thương hiệu của các doanh nghiệp địa phương. Bên cạnh đó, để thay đổi diện mạo của các doanh nghiệp ngành nông sản, sự kết hợp giữa các đối tác chuyên môn thông qua những đơn vị kết nối giàu kinh nghiệm như TDRI là cần thiết để mọi nguồn lực được tận dụng tối đa và hiệu quả. Chỉ khi nhận thức rõ được điều này, doanh nghiệp mới có thể tìm được chỗ đứng vững chắc cho mình trên thị trường nội địa.
Để lại đánh giá