Mặc dù có kích thước chỉ bằng một hạt muối thô, chiếc máy ảnh siêu nhỏ mới được chế tạo có thể chụp được những hình ảnh sắc nét, đầy đủ màu sắc ngang bằng với các ống kính thông thường với kích thước lớn hơn 500.000 lần.
Thiết bị quang học siêu nhỏ gọn này được phát triển bởi một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Princeton và Đại học Washington. Nó khắc phục được các vấn đề với các thiết kế máy ảnh kích thước siêu nhỏ trước đây, vốn có xu hướng chụp ảnh bị méo và mờ với trường nhìn rất hạn chế. Chiếc camera tí hon này có thể cho phép các robot siêu nhỏ cảm nhận được môi trường xung quanh hoặc giúp bác sĩ tìm thấy các vấn đề bên trong cơ thể con người.
Trong một máy ảnh truyền thống với kích thước đầy đủ, một loạt các thấu kính bằng thủy tinh hoặc nhựa cong được sử dụng để bẻ cong các tia sáng tới thành tiêu điểm trong một mảnh phim hoặc một bộ cảm biến kỹ thuật số. Còn chiếc máy ảnh siêu nhỏ được phát triển bởi nhà khoa học máy tính Ethan Tseng và đồng nghiệp này thì lại có một ‘siêu bề mặt’ đặc biệt với 1,6 triệu điểm hình trụ siêu nhỏ – mỗi trụ có kích thước bằng một con virus HIV – có thể điều chỉnh hành vi của ánh sáng và hoạt động giống như một ăng-ten. Các thuật toán học sau đó sẽ diễn giải sự tương tác của mỗi điểm hình trụ này với ánh sáng, sau đó tổng hợp chúng rồi biến nó thành một hình ảnh.
Những bức ảnh mà thiết bị nhỏ bé này chụp được đánh giá là có chất lượng hình ảnh cao nhất và trường nhìn rộng nhất so với bất kỳ máy ảnh màu siêu bề mặt nào được phát triển cho đến nay. Các thiết kế trước đây có xu hướng cho ra hình ảnh bị biến dạng với trường nhìn hạn chế và thường gặp vấn đề với việc ghi lại toàn bộ quang phổ ánh sáng có thể nhìn thấy được. Chiếc camera siêu nhỏ này cũng có thể hoạt động tốt trong ánh sáng tự nhiên, không như các máy ảnh siêu bề mặt khác chỉ có thể hoạt động dưới ánh sáng laser hoặc các điều kiện lý tưởng khác mới cho ra được ảnh chất lượng cao.
Theo dailymail
Để lại đánh giá