Cuộc chuyển mình sang đám mây, sau những trắc trở ban đầu cuối cùng đã mang về trái ngọt cho Adobe. Adobe đã mạnh dạn làm cuộc cách mạng, thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống sang “thuê bao” theo nhu cầu.
Cuộc chuyển mình sang đám mây, sau những trắc trở ban đầu cuối cùng đã mang về trái ngọt cho Adobe.
Adobe đã mạnh dạn làm cuộc cách mạng, thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống sang “thuê bao” theo nhu cầu. Bài học kiên trì đổi mới và sáng tạo liên tục đang được đền bù xứng đáng.
[quote]Kiên trì thay đổi[/quote]
Khi Adobe Systems Inc. bắt đầu chuyển đổi từ mô hình bán sản phẩm sang mô hình đăng ký sử dụng sản phẩm dựa trên nền tảng đám mây cách đây chưa đầy 5 năm, mô hình này dường như rất rủi ro. Những người hoài nghi cho rằng, mô hình đăng ký thuê bao sẽ ăn vào biên lợi nhuận béo bở của bộ phận phần mềm video, nhiếp ảnh và thiết kế của công ty. Lúc đó, giá đối với gói sản phẩm Creative Suite vốn dĩ rất được ưa chuộng của Adobe (vốn đi kèm với Photoshop, Ilustrator và các chương trình khác) khởi điểm đã lên tới 1.300 USD và có thể lên tới mức cao 2.600 USD, tùy vào phiên bản. Trong khi đó, một số khách hàng công khai chỉ trích ý tưởng cho thuê các phiên bản dựa trên đám mây. Khoảng 50.000 người đã ký kiến nghị trên Change.org yêu cầu công ty từ bỏ ý tưởng này. Doanh thu đã giảm 8% trong năm 2013 và kết quả kinh doanh cũng không khá hơn trong năm tiếp theo.
Một chiến lược “không có đường lùi” đã khiến Adobe chạy đua sáng tạo liên tục. Chiến lược này chỉ có tác dụng khi khách hàng cũng như bản thân Adobe không còn lựa chọn nào khác!
Nhưng đến giờ thì hầu như không còn ai nghi ngờ Adobe nữa. Doanh thu của công ty đã xấp xỉ 5,9 tỷ USD trong năm tài chính kết thúc vào tháng 11/2016, tăng từ mức chỉ 4 tỷ USD của năm 2013. Đáng chú ý, khoảng 80% con số đó đến từ mảng đăng ký thuê bao và các bộ phận có khoản thu định kỳ khác.
Melissa Webster, Phó chủ tịch phụ trách nội dung và các công nghệ truyền thông kỹ thuật số tại hãng nghiên cứu IDC, gọi đó là một ví dụ tuyệt vời của “bệnh hoang tưởng thông minh”. “Nếu họ không làm mới mình thì sẽ có ai đó vượt lên và loại bỏ họ khỏi cuộc chơi”, bà Webster nói.
Khi Adobe bắt đầu nghĩ đến chuyện nhảy sang đám mây, chưa tới 5% doanh thu của công ty đến từ bộ phận đăng ký thuê bao. Nhưng Adobe vẫn kiên trì thay đổi, bởi góc khuất của mô hình bán hàng sản phẩm đã trở nên rất rõ ràng trong suốt giai đoạn suy thoái khi doanh thu giảm tới 18% chỉ trong 1 năm. Ban đầu công ty thực hiện một chương trình thí điểm tại Úc, sau đó mới cho ra đời mô hình đăng ký thuê bao bước đầu. Tiếp đến là bước ngoặt lớn: tuyên bố ngừng bán các sản phẩm Creative Suite. Các khách hàng có thể tiếp tục sử dụng các phần mềm hiện có của hãng, nhưng nếu họ muốn được cập nhật các phần mềm phiên bản mới nhất và được hỗ trợ sản phẩm trong nhiều năm sau đó, khách hàng chỉ có thể chọn hình thức đăng ký thuê bao trên đám mây, chứ không còn lựa chọn nào khác. Đó là một chiến lược “không có đường lùi”, theo Giám đốc Tài chính Mark Garrett và chỉ có tác dụng khi khách hàng cũng như bản thân Adobe không còn lựa chọn nào khác.
[quote]Liên tục cải tiến[/quote]
Giám đốc Công nghệ Abhay Parasnis cho rằng, cuộc chuyển đổi sang đám mây thành công cũng nhờ vào việc cải tiến sao cho sản phẩm đám mây tốt hơn so với Creative Suite, chẳng hạn như gia tăng thêm các đặc tính, cho phép người sử dụng làm việc trên cả thiết bị di động.
“Đó là một sản phẩm mới, một trải nghiệm mới”, ông nói. Bước sang đám mây có nghĩa rằng, người sử dụng có thể chia sẻ các file và hợp tác làm việc trên các dự án và Adobe có thể đưa ra các đặc tính và những cải tiến từng chút trong quá trình phát triển dự án, thay vì chờ đến mỗi 18-24 tháng mới đưa ra phiên bản phần mềm được cập nhật và cải tiến một lần.
Zsolt Vajda, một nhà thiết kế tự do ở Budapest, cho biết: “Mua một phần trong gói Creative Suite có thể rất mắc tiền”. Trong khi đó, trả 50 USD mỗi tháng cho một gói sản phẩm đám mây tương đương thì dễ xoay xở hơn đối với một công ty nhỏ hoặc một cá nhân.
Garrett cho biết, hơn 1/3 người đăng ký sử dụng Creative Cloud đều là những khách hàng chưa từng sử dụng Adobe lần nào. Những người này có thể bao gồm cả những khách hàng trước đó sử dụng phần mềm lậu của Adobe. Mặc cho những phản đối lúc đầu chuyển đổi mô hình, Adobe cho biết công ty đã chuyển được phần lớn danh mục khách hàng sang đám mây.
Một vấn đề là dù Creative Cloud là sản phẩm lõi của Adobe, tạo ra khoảng 55% doanh thu của công ty, nhưng tương lai của Adobe có thể phụ thuộc nhiều hơn vào các sản phẩm đám mây khác. Document Cloud với Acrobat là hạt nhân trung tâm, được thiết kế để giúp các công ty không cần phải sử dụng giấy tờ gì nữa. Hay Experience Cloud cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp một bộ công cụ marketing trực tuyến.
“Kết nối một cách trôi chảy các dòng sản phẩm sáng tạo với marketing kỹ thuật số là một cơ hội tuyệt vời”, bà Webster (IDC) nhận xét. Bởi lẽ, theo bà, không có nhiều nền tảng phần mềm cho phép những người thực hiện khác nhau trong cái mà bà gọi là “chuỗi cung ứng nội dung” dễ dàng lên kế hoạch, tổ chức và quản lý công việc của họ. Adobe rõ ràng “đang ở một vị thế có một không hai”, bà nói.
Nhiếp ảnh gia Brad Trent cũng là một trong số những người đã phản đối kịch liệt việc Adobe chuyển sang đám mây vào năm 2013. Trent cũng tham gia ký vào đơn kiến nghị trên Change.org với một bài đăng trên blog nói rằng, các khách hàng chuyên nghiệp sẽ không nhận được giá trị mới từ việc chuyển đổi của Adobe. Một trong những điều ông thắc mắc là liệu Adobe có còn động lực mạnh mẽ để cải tiến sản phẩm khi chuyển qua mô hình đăng ký trên đám mây? Theo mô hình kinh doanh cũ, để bán được sản phẩm, công ty buộc phải nỗ lực cải tiến để chứng minh mỗi một lần ra mắt phiên bản Creative Suite mới so với phiên bản trước đó. Có như vậy mới có thể khiến khách hàng cam lòng bỏ ra hơn 1.000 USD mua phiên bản cập nhật. Giờ động lực cải tiến có vẻ ít mang tính bắt buộc hơn khi khách hàng chỉ trả 50 USD/tháng. Tuy vậy, Trent đã miễn cưỡng đăng ký sử dụng một phiên bản đám mây của phần mềm Photoshop.
Dù vẫn có một số ít khó chịu với mô hình đám mây, nhưng không thể chối bỏ một sự thật rằng, hiện tại Adobe đang sống rất tốt khi doanh thu liên tục tăng trưởng trong những năm gần đây.
—
Tác giả: Thành Lợi | Doanh Nhân Online
Để lại đánh giá