Alex Hoàng – Nhà thiết kế toàn cầu, quan trọng hơn một mức thu nhập hấp dẫn

Tìm kiếm giáo trình đại học quốc tế để tự học thiết kế

Xuất thân từ ngành Kỹ sư phần mềm ở Hà Nội, Alex Hoàng (Hoàng Tiến Đạt) đang làm giám đốc thiết kế tại Onteractive Design Studio – một studio chuyên thiết kế cho các Công ty khởi nghiệp công nghệ ở thị trường nước ngoài và anh cũng đang làm thiết kế tự do từ xa (remote) tại các công ty trên thế giới. “Với mình, trải nghiệm làm thiết kế vô cùng thú vị. Trước đây mình chưa biết nhiều, nhờ thiết kế mình mới biết nhiều hơn: biết cả công nghệ, con người, văn hóa – lịch sử của nước mình và họ” – Anh bày tỏ.

Anh học ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học ở Hà Nội. Với niềm yêu thích thiết kế, vừa học IT, Alex vừa học thêm về thiết kế. Anh thử nghiệm công cụ, đi giao lưu với các bạn trong lĩnh vực. Khi tốt nghiệp ra trường thì anh đi làm.. IT kiêm thiết kế.

Có thể kể bắt đầu lúc công ty đầu tiên Alex làm việc là về hệ thống thông tin, anh làm với vai trò là kỹ sư phần mềm, về sau vì nó khá ‘khô khan’ với anh nên anh đã chuyển sang công ty về thương mại điện tử (e-commerce), “nó thú vị hơn mình nghĩ vì ngoài làm lập trình (code) thì mình còn được thử thiết kế”. Anh hào hứng kể lại rằng họ nhận thấy tiềm năng và cho anh làm thử thiết kế, “dự án đầu tiên mình làm thiết kế là với khách hàng ở Canada. Dự án đó mình vừa làm xong là họ đồng ý mà không quá phải chỉnh quá nhiều, đến bây giờ mình cũng không hiểu sao dự án lại ‘trót lọt’ vậy..” 

Sau dự án Alex cảm thấy mình cần học thêm kiến thức thiết kế nên anh đã học lại tất cả các thiết kế một cách bài bản như một ‘sinh viên đại học tại nhà’. May mắn thay là anh có nền tảng tiếng Anh khá tốt trước đó, anh tìm kiếm các giáo trình ở các trường Đại học, đọc các quyển sách tiếng Anh. “Cứ thế mình bám theo lộ trình đấy, theo mà học từ từ, học về nguyên lý thiết kế, phong trào nghệ thuật rồi các môn tính ứng dụng (thiết kế thương hiệu, quảng cáo hay UI/UX). Sau đó thì mình cũng kết hợp làm thiết kế tự do để rèn thêm môi trường”. Với những kiến thức anh học hỏi từ việc làm ở công ty, đi học thêm trên mạng. Kết thúc khóa học hay một dự án công việc, anh cố gắng tổng hợp để bỏ vào portfolio..

LIVE DEMO – Onteractive Portfolios Website

Nỗ lực tìm cơ hội để trở thành ‘nhà thiết kế toàn cầu’

Trở thành nhà thiết kế toàn cầu là câu chuyện không còn khó khăn, lướt ngang các tin tuyển dụng trên mạng xã hội hiện có nhiều vị trí tuyển dụng thiết kế từ xa. Hầu hết các yêu cầu công việc về thiết kế có mô típ không quá nhiều khác biệt giữa môi trường nước ngoài và nội địa. Sớm nhận ra tiềm năng lớn từ thị trường toàn cầu, anh chuyển việc và tự mình ứng tuyển vào các vị trí ở các công ty. 

“Mình nghĩ những trải nghiệm làm thiết kế toàn cầu làm mình phát triển nhanh hơn từng ngày. Công việc đầu tiên ở nước ngoài của mình là làm thiết kế về UI/UX, việc làm với doanh nghiệp họ thì công việc vẫn không khác mấy Việt Nam: nhận yêu cầu từ khách hàng, tìm hiểu, thiết kế tương ứng, gói ghém nó lại rồi gửi qua bộ phận lập trình để phát triển và hỗ trợ đội nhóm” – Anh nói thêm.

Dự án thiết kế lại ứng dụng thanh toán [ VNPT Pay ] Your real wallet – UI Concept exploration

Alex bộc bạch, điều khác biệt gây khó khăn nhất đối với anh: ngôn ngữ (tiếng Anh), yếu tố văn hóa và làm việc trực tuyến. Thứ nhất về ngôn ngữ mình cần phải giao tiếp với đội nhóm và tương tác với nhóm làm phát triển sản phẩm khá nhiều lần, tất nhiên tất cả bằng tiếng Anh. Thứ hai là yếu tố văn hóa, vì mình là người nước ngoài nên chưa hiểu được hành vi người tiêu dùng như thế nào, đòi hỏi mình cần tìm hiểu (research) thật kỹ và mất nhiều thời gian hơn trước khi thiết kế. Và thứ ba thì làm việc trực tuyến vừa mang thuận lợi và bất lợi riêng, như đã biết chúng ta không cần phải di chuyển nhưng đồng nghĩa với việc phải giao tiếp qua màn hình máy và lệch múi giờ làm việc..

“Vậy mình đã đối mặt trở ngại của công việc từ xa ra sao..

Như Alex đã kể trước đó, việc giao tiếp tiếng Anh gây khó dễ với các bạn khi mong muốn ứng tuyển vị trí thiết kế từ xa như thế. Anh gợi ý: “Đơn giản mình nghĩ không cần nhất thiết quá giỏi về tiếng Anh mà chỉ cần tập trung vào hai hạng mục là học tiếng Anh để trao đổi thông tin và tiếng Anh chuyên ngành. Với thời kỳ hội nhập càng có nhiều điều kiện, môi trường để bạn có thể thực tập để đỡ bỡ ngỡ hay tự tin về khả năng ngôn ngữ của mình. Mình nghĩ bạn có thể thử nghiệm nó từ bây giờ..”

Còn yếu tố bản địa có lẽ là phần phải cần nhiều ‘nỗ lực nhất’ trong quá trình làm việc. Anh đã phải học cách đặt bản thân như ‘người bản địa’, ra sức tìm kiếm dữ liệu trải nghiệm người dùng, hỏi han đồng nghiệp rất nhiều trong quá trình thiết kế diễn ra. “Alex tìm ra những đặc tính ứng dụng cơ bản có sẵn, rồi tiếp theo đó là tính bản địa khác như thế nào mình sẽ cho vào thêm trong lúc thực hiện.. Nhờ vậy mình làm một thời gian dài rồi cũng quen tay và hiểu ra nhiều,”

Lấy ví dụ dự án thiết kế tự do làm với các nước, anh kể thêm: “Năm 2016, mình có làm dự án với người Pháp, lúc đó mình làm gần như toàn thời gian (fulltime) và mức lương tầm $2000 (12USD / giờ). Có một kỷ niệm đáng nhớ là ở Pháp việc nghỉ lễ rất nhiều và mọi người trong công ty cũng ít giao tiếp, bắt buộc mình phải phán đoán và cố gắng gợi mở trao đổi với họ rất nhiều khi thực hiện thiết kế. 

Hay công việc gần đây nhất là với bên Israel thì khác, phong cách của họ rất ‘quân đội’, có thể vì nước họ ai cũng đi quân đội 4 năm nên cách xử lý công việc cũng rất ‘thẳng’, thắc mắc thì hỏi.. Lúc đầu mình hơi ‘dội’ nhưng sau đó hiểu ra và cũng trở nên bớt áp lực hơn,”

Thêm vào đó, yếu tố trải nghiệm người dùng trong câu chuyện bản địa cũng cần phải chú ý. “Ở Mỹ câu chuyện giới tính, chủng tộc, văn hóa.. thì họ sẽ quan tâm rất nhiều, mình cần khéo léo đưa yếu tố thiết kế như thế nào vào cho hợp lý,”

Cuối cùng thì phải kể đến làm việc từ xa: trái múi giờ, không được tương tác trực tiếp. Alex có bày tỏ việc bản thân cũng bối rối và chưa quen với việc đi làm ban đêm, “có những cuộc hợp lúc 11h-12h đêm mình cũng khá đuối”, còn về hoạt động tương tác anh chia sẻ thêm: “Mình có kỷ niệm khá vui về việc này, tuy mình làm từ xa nhưng có một lần bản thân bị ‘khủng hoảng nghề nghiệp’, anh CEO bên Israel có gọi điện và trao đổi với mình. Sự chân thành, cởi mở từ anh đó làm mình cảm thấy như một phần động viên và cần cố gắng nhiều hơn nữa.. Nhờ buổi nói chuyện 30 phút đó, mình thay đổi nhiều góc nhìn và nhiều thứ khác,”

“Dần dần mình đã quen và vượt qua những khó khăn đó. Đến bây giờ, mình có thể tự hào nói với mọi người rằng bản thân có những điều mà ít ai thử. Mình cũng hãy chia sẻ điều này đến với mọi người và hay đùa rằng: làm nhà thiết kế toàn cầu có mức thu nhập cao và ‘nhàn’..” – Anh thổ lộ!

Một mức lương thật sự hấp dẫn..

Người Việt triển khai công cụ rất là tốt, được nhiều nhà tuyển dụng ở nước ngoài khen ngợi và có phần rất ấn tượng với các ứng viên Việt Nam. Vì vậy, họ sẵn sàng cho ngân sách lớn để thuê một nhân lực nước ngoài.  “Vì thị trường thiết kế ở Việt Nam mạnh về gia công (công cụ) nên mới có nhiều bạn giỏi đến như vậy, các bạn sử dụng thành thạo, nhanh nhẹn.. điều này là thuận lợi được nhiều nhà tuyển dụng để mắt”

Thế nhưng phần yêu cầu cần lưu ý đạt những kỹ năng cơ bản, Alex có tóm tắt riêng những kỹ năng cần có: (1) Kỹ năng về chuyên môn (2) Về công cụ. (3) Văn hóa bản địa. Đó là phần khó khăn cũng như phần kỹ năng thật sự cần thiết để trở thành nhà thiết kế toàn cầu.

Một vấn đề nữa có thể là về việc trả lương thông qua đâu: “Thật ra bây giờ người ta đã cải thiện việc trả tiền mang tính quốc tế, từ khi có dịch covid-19 nên việc này đã trở nên bình thường. Họ sẽ tìm cách để xử lý các việc đó khi họ chọn nhân sự nước ngoài, nên mình cũng không cần quá lo lắng. Thậm chí họ còn hỗ trợ cho mình máy tính đến tận nhà!” – Anh giải thích thêm.

Alex vẫn đang làm rất bận rộn với công việc của bản thân nhưng vẫn không quên chia sẻ các kiến thức mang tính cộng đồng trên mạng xã hội. Anh bày tỏ trong tương lai sẽ tiếp tục mở rộng các dự án cá nhân, dự án tự do và đặc biệt phát triển việc chia sẻ kiến thức. Kênh Instagram của anh và công ty Onteractive ngày càng thu hút nhiều bạn đọc quốc tế..

Ghi chú: Bài viết được thực hiện vào năm 2022, chỉ đúng trong thời điểm hiện tại với trải nghiệm của người viết và chia sẻ của nhân vật. Có thể ở một thời điểm khác những trải nghiệm sẽ được thay đổi với góc nhìn mới. RGB rất vui khi được chia sẻ bài viết này đến với quý độc giả!

Bạn có thể xem thêm các dự án của Alex Hoàng tại đây!

Viết bài: Lê Quan Thuận 

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!