Duy Văn: “Mình kể những câu chuyện ma thông qua nét vẽ dân gian”

Đã có lúc tôi phát khiếp, sợ hãi những câu chuyện tâm linh. Hồi bé, nhà tôi lúc ấy ở dưới quê, có lần tôi còn không dám ra khỏi ngoài để đi vệ sinh, tôi vẫn nhớ mình bước ra đến cửa mà lòng thì sợ hãi sẽ có ‘con ma’ nào đó sẽ bắt mình đi. Câu chuyện đó chỉ là một phần nằm trong những ký ức của tôi và bây giờ nó cũng là một trong những phần tác phẩm được thể hiện bởi dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký của Văn Công Duy.

“Mình nuôi dưỡng tâm hồn bằng việc vẽ tranh minh họa..”

Văn Công Duy (Diwan) – anh tốt nghiệp ngành Mỹ thuật công nghiệp thuộc trường Đại học Kiến Trúc TP HCM. Và có nhiều năm kinh nghiệm trong mảng thiết kế sáng tạo ở các Agency. Hiện Duy đang làm Giám đốc sáng tạo (Creative Director) tại ProductionQ – một agency mảng truyền thông ở Sài Gòn. “Nơi mà mình có thể thỏa sức tạo ra các ấn phẩm thiết kế phục vụ cho điện ảnh, nhất là mảng phim kinh dị..”

“Mình nuôi dưỡng tâm hồn bằng việc vẽ tranh minh họa, sở thích sưu tầm mô hình khủng long hay cả là viết truyện,”. Trước đây, Duy bắt đầu minh họa từ những phong cách ‘cute phô mai que’, sau này anh đã thành công và được nhiều người biết đến nhờ bộ tranh Ma Quỷ Dân Gian Ký. Và nó đã trở thành dự án ‘dài tập’ do chính anh viết và tự minh họa hình ảnh. “May mắn bạn mình là nhà nghiên cứu về các vấn đề tâm linh nên mình có nguồn tài liệu tốt, bên cạnh đó mình cũng hay tìm tòi thêm thông tin trên báo chí, các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Google.. Đây cũng là một trong những hoạt động ưa thích của mình để thư giãn và bổ sung kiến thức,” – Anh thổ lộ!

Kể về hành trình học vẽ của Duy, anh chia sẻ thêm: “Mình vốn được gia đình ủng hộ từ nhỏ về ngành nghề nên phần còn lại phụ thuộc vào những nỗ lực của chính bản thân. Như nhiều người làm sáng tạo, mình cũng mong muốn tìm được sức hút riêng từ tác phẩm để tạo nên thương hiệu cá nhân. 

Một thời gian dài như mình đã nói trước đó, mình chỉ vẽ những phong cách chibi hóm hỉnh kết hợp với lối  doodle hay line art. Dần dần với mong muốn không bị bão hòa trong chính phong cách (style) vẽ sở trường, mình mới tìm tòi bổ sung thêm nhiều chất liệu mới, đơn giản nét vẽ hơn để tạo ra phong cách như bây giờ mà bạn thấy được ở dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký, đặc biệt trong đó  việc kết hợp các chất chất liệu hoài cổ, kiểu vân giấy (old texture, paper texture) được sử dụng để mang phong cách dân gian”

Khai thác những câu chuyện bị gắn mác ‘truyện ma là có thiệt’

Đối với dự án Ma Quỷ Dân Gian Ký, cảm hứng được xuất phát từ những câu chuyện gắn mác ‘truyện ma có thiệt’. “Đó có thể là một nhóm bạn gặp là kể chuyện ma hay của một ông chú bà cô nào vô tình nói chuyện lúc rảnh rỗi”. Chính những chất liệu đời sống đó mà anh tạo thiện cảm tốt nhất, mang đến sự hiếu kỳ của người xem, người đọc.

Phần nội dung đã có, còn về hình ảnh có lẽ cũng không kém quan trọng, anh có kể thêm: “Chất liệu, phong cách có lẽ là cái mà mình đang cố gắng lựa chọn sao cho phù hợp nhất, đã có những phong cách vẽ chibi hay doodle trước đó cho thể loại này nhưng mình nghĩ để sáng tạo và mang nét cá nhân hơn nên mình đã lục lại những mẫu tham khảo như kiểu chất liệu giấy cũ, lối đi màu cảm hứng từ tranh dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ cúng..

Bộ tranh Ma Quỷ Dân Gian Ký được truyền tải theo hai hình thức. Hình thức thứ nhất ‘Bách Khoa Ma Quỷ’ – nơi anh thể hiện hình minh họa kèm một đoạn chú thích / câu chuyện để mọi người có thể hiểu hơn về hiện tượng Ma Quỷ: nguồn gốc, đặc tính tâm linh và bài học rút ra mà ông cha ta muốn cài cắm.

Hình thức thứ hai là đi theo lối truyện ma dân gian: Một câu chuyện dài gồm những phần truyện Ma ngắn khác khác nhau nhưng được kết nối bởi một người kể chuyện. “Cụ thể là một lão già bán Tò He hay đi ngao du và biết rõ nhiều câu chuyện trong dân gian về Ma Quỷ Việt. Mỗi đêm về làng lão sẽ kể lại một câu chuyện ma ghê rợn, quà tặng cho những đứa nhỏ ngoan ngoãn lắng nghe là con Tò He mang tạo hình loài Ma/Quỷ trong chính câu chuyện đó một cách đầy ẩn ý..

Tất cả các phần trên sẽ xuất hiện dưới dạng mỗi đêm trăng tương ứng với các loài ma và hiện tượng tâm linh quen thuộc trong dân gian. Mình muốn mọi người khi nghe về một câu chuyện hay một câu nói nào đó của ông bà xưa cũng sẽ phần hiểu nào được chúng là gì và nên kiêng cử lẫn tôn trọng tâm linh thế nào cho đúng,” – Anh chàng bày tỏ

“Dù vẽ về bất kỳ chủ đề nào thì mình nghĩ phần quan trọng vẫn là tìm hiểu thật kỹ..”

Thực hiện một tác phẩm này mất khoảng hai ngày làm việc, Duy bật mí rằng anh cũng bắt đầu từ quá trình tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu rồi đến thực hiện nội dung, hình ảnh tương ứng. Trong đó, câu chuyện (nội dung) là thứ mất nhiều thời gian để thẩm thấu cũng như đúc kết thông tin cho bạn đọc. 

Tác phẩm Ông lão Tò He kể chuyện ma

Ban đầu mình chỉ có ý định vẽ tranh với vài chú thích đơn giản thôi vì suy cho cùng mình là họa sĩ, không phải nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh. Song mình bị cuốn hút bởi nhiều thông tin thú vị và muốn chia sẻ  thêm vào tranh để các bạn cùng tìm hiểu. 

Thông tin đó là kiến thức tổng hợp từ nhiều câu chuyện ma ‘có thật’, từ những người bạn làm về tâm linh mà mình hữu duyên gặp được. Mình mong muốn sau này kiến thức đó có thể là căn cứ để những dự án về truyện, phim ảnh kinh dị khai thác hình tượng ma Việt Nam đáng sợ, gần gũi hơn.

Phần vẽ ra hoàn toàn theo trí tưởng tượng của anh về con ma quỷ đó. Điều cốt lõi là phải đúng với những mô tả chung đã có sẵn sau đấy xét đến các yếu tố văn hóa khác mà có hình dung theo bản thân hiểu.Với lượng độc giả lớn, Duy cũng không tránh khỏi những khó khăn trong việc tìm hiểu và chắt lọc thông tin như thế nào là đúng và phù hợp, để không để người khác lầm tưởng bản thân đang tuyên truyền mê tín dị đoan.

Những câu chuyện bắt nguồn từ phong tục văn hóa có thật, mà đôi lần bạn hay nghe đến ở đâu đó. Mọi thứ viết ra phải phù hợp và đi kèm lời khuyên cũng như dẫn chứng khoa học. Chứ không làm người ta sợ hãi mà có thói quen tìm đến tâm linh để giải quyết vấn đề cuộc sống.

Còn về phong cách vẽ, phần bố cục theo mình là ‘dễ thở’ hơn vì nó vốn dĩ là kỹ năng bản thân. Việc phiêu lưu tìm kiếm phong cách mới liên tục trong một dự án sẽ khá nguy hiểm và thiếu tính đồng bộ. Khi vẽ quen tay rồi thì mọi thứ sẽ nhanh hơn. Cái mình đổi mới khi vẽ là màu sắc, giúp tranh bắt mắt hơn hay trông cổ điển hơn.” – Anh bộc bạch

Có một câu chuyện làm nghề mình muốn chia sẻ, nó là những cái chuyện trùng hợp vu vơ thôi: Mình có một cái sợ là sợ thứ mình vẽ nó ‘có thật’. Và không ít lần nhiều bạn vào nhận đã thấy một con Ma/ Quỷ giống y như vậy.

Có nhiều thứ trùng khớp khiến mình liên tưởng tới việc bị ‘lên đồng’ khi vẽ, bạn đam mê vào thứ nghệ thuật đó và bị chính nó dẫn dắt để tạo nên câu chuyện của nó. Nói ghê vậy thôi chứ mình nghĩ khi tìm được hết điểm chung trong nhiều câu chuyện thì việc sát với hình dung ngoài đời không có gì là lạ” – Duy kể

Với mong muốn trong tương lai phát triển dự án này hơn nữa và tiếp cận đến gần với nhiều đối tượng trẻ tìm hiểu về tâm linh, tự hào với các giá trị dân gian truyền thống. Duy sẽ cho xuất bản một cuốn artbook Ma Quỷ Việt do chính anh vẽ trong thời gian tới, “kèm thêm vài mẩu chuyện ngắn mô tả về chúng để mọi người sưu tầm. Bên cạnh đó là các sản phẩm nhỏ khác, mockup tranh ảnh trưng bày, dùng trong đời sống hằng ngày lấy cảm hứng từ văn hóa tâm linh: bùa chú, vật bị ma ám. Nghe đáng sợ chưa, nhưng dĩ nhiên sẽ dễ thương!” – Anh hài hước.

Xa hơn nữa, anh mong muốn nhiều bạn bè không chỉ Việt Nam mà quốc tế biết đến các loài Ma quỷ trong văn hóa dân gian việt nam thông qua phim hoạt hình, truyện tranh, Triển lãm văn hóa tâm linh qua tranh như cách mà Nhật Bản làm với Yokai, loạt phim Yamishibai..

Ghi chú: Bài viết được thực hiện vào năm 2022, chỉ đúng trong thời điểm hiện tại với trải nghiệm của người viết và chia sẻ của nhân vật. Có thể ở một thời điểm khác những trải nghiệm sẽ được thay đổi với góc nhìn mới. RGB rất vui khi được chia sẻ bài viết này đến với quý độc giả!

Viết bài: Lê Quan Thuận. 

Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!