Anh Khoa: “Trước khi sáng tạo, mình sẽ nghĩ về câu chuyện để kể chúng bằng thiết kế & nghệ thuật”

Nghĩ về câu chuyện để kể chúng bằng thiết kế & nghệ thuật – đó là những gì chúng tôi muốn kể về bài viết này với Anh Khoa.

Trong quá trình thiết kế sáng tạo, chắc hẳn bài học mà bạn cũng được biết đến là tìm ý tưởng trước khi thiết kế. Thật ra, tôi có thể nói rằng đó là quá trình bạn đang tìm nội dung để lên ý tưởng cho chính vấn đề cần thiết kế. Nhà thiết kế đồ họa thường nghĩ nhiều về câu chuyện và kể chúng bằng thiết kế, đó là những kỹ năng nền tảng mà tôi đã học được.

Anh Khoa & Những trải nghiệm thiết kế sáng tạo – thể nghiệm và công nghệ liên quan

“Mình là Anh Khoa, tên trong ngành của mình là Jay Tran. Mình thích công nghệ, thiết kế và nghệ thuật. Năm 20 tuổi, mình đã đạt được “giấc mơ Mỹ” – đạt Giải Nhất Quốc Gia cuộc thi Thiết kế đồ họa Adobe 2019 (ACAWC 2019), đại diện Việt Nam đến New York, Mỹ để tranh tài. Còn hiện tại thì mình là một Art Director (người định hướng nghệ thuật) toàn thời gian và một Content Creator (người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội) bán thời gian”. Khoa có những kỹ năng trong “bộ truyền thông đa phương tiện”, tôi nghĩ thế. Bây giờ, anh cũng đảm nhận thêm nhiều vai trò khác mang định hướng thương mại / kinh doanh liên quan sáng tạo có thể kể đến: người đồng sáng lập Vietnam NFT Magazine, DeThird.

Những trải nghiệm sáng tạo của anh có thể được kể, khi tôi hỏi đến: “Nguyên lý sáng tạo gần đây ảnh hưởng đến tư duy của bạn?”. Anh chia sẻ, đó là việc suy nghĩ hay tư duy về câu chuyện sáng tạo & tính thể nghiệm. Khi tiếp cận một vấn đề, điều đầu tiên đó là việc đi tìm câu chuyện đằng sau nó, trong quá trình đó, lượm lặt được những insight (thấu hiểu), keyword (từ khóa), hình ảnh thú vị. “Có trong tay đầy đủ các nguyên liệu thì mình không ngại bước ra khỏi vùng an toàn của mình để thử và thể hiện ý tưởng qua các hình thức khác nhau như 3D, vẽ minh hoạ hay thậm chí nghệ thuật sắp đặt.”

Khoa vừa tốt nghiệp ngành Thiết kế đồ họa trường Đại học Hoa Sen. “Tháng 9 năm ngoái, mình được tiếp xúc với Midjourney – trình tạo dựng hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo (A.I) – Mình vô cùng ấn tượng về khả năng của máy tính hiện nay và khi khoe nó với bạn bè của mình, một câu hỏi được đặt ra là: Giờ A.I nó đỉnh đến vậy rồi, cần designer (người thiết kế) làm gì nữa? Điều đó đã làm mình phải thôi thúc đi tìm câu trả lời và mình đã chọn chủ đề này để làm Đồ án Tốt nghiệp Đại học của mình – Ứng dụng A.I vào quá trình sáng tạo và vai trò của người làm thiết kế trong tương lai.

Và mình đã tạo ra một chú mèo MAX – một meta character (nhân vật ảo) được tạo ra bởi sự kết hợp của A.I và con người. Trong đó, tạo hình của MAX được mình xây dựng bằng Dall.E (trình trí tuệ nhân tạo) và được mang lại sức sống qua các quy trình sáng tạo truyền thống như conceptualization, branding, 3D modeling, illustration. MAX tồn tại trên tất cả nền tảng digital như AR, VR, Billboard đến cả thế giới thực dưới hình thức là một art toy.”

Nói về trải nghiệm này, anh chia sẻ thêm: “Qua quá trình nghiên cứu, Khoa nhận thấy rằng A.I có thể giúp mình cắt giảm được thời gian ở các khâu như concept, mockup nhờ việc đưa ra các hình ảnh dựa trên brief (yêu cầu) từ text (chữ) chỉ trong 30 giây – 1 phút. Nhưng chính bạn – người làm thiết kế cần phải biết mình muốn gì để brief cho A.I, bạn mô tả càng kỹ, kết quả sẽ càng chi tiết. Mình tin rằng trong thời gian tới, những người làm thiết kế và sáng tạo phải không ngừng học hỏi và trau dồi mindset (tư duy) hơn là skill set (kỹ thuật) vì A.I đã và đang thay đổi cách chúng ta làm sáng tạo nhờ khả năng “vẽ” siêu phàm.”

“Mình thấy rất vui vì có nhiều trải nghiệm sáng tạo đến với mình. Nhờ những nỗ lực không ngừng học hỏi và trong sự chủ động tư duy vấn đề liên quan để khi tạo ra một dự án. Mình cảm thấy bản thân thật may mắn. Dù vậy, mình vẫn đang nỗ lực cho hành trình sáng tạo tiếp theo.” Khoa bộc bạch.

Nghĩ về những câu chuyện và kể chúng bằng thiết kế là một cách để bắt đầu dự án thiết kế sáng tạo

“Những ngày đầu tiên bắt đầu thiết kế, mình luôn đặt góc nhìn cá nhân của mình lên hàng đầu, Khoa ưu tiên tính thẩm mỹ hơn tính thực tiễn của thiết kế. Sau này mình học được rằng thiết kế đẹp không nghĩa là thiết kế tốt. Mình không thể tạo ra một thiết kế đẹp và hy vọng mọi người thích nó. Mình đã hạn chế cái tôi lại, mình lắng nghe và quan sát nhiều hơn. Bắt đầu tìm hiểu về cốt lõi của câu chuyện và khai thác nó. Khi đó mình mới có thể tạo ra những thiết kế đẹp từ trong ra ngoài. Mình đã có nhiều “trải đời” cho những lần làm thiết kế. 

Về sau, quy trình của mình được cải tiến, mình tập trung vào phân tích brief (yêu cầu sáng tạo) và cách thấu hiểu tâm lý của người xem cũng như khách hàng:  tìm hiểu những tác động, xu hướng thế giới tác động đến tính thẩm mỹ, hay thậm chí cách tiếp nhận thông tin của họ như thế nào để mà đưa ra hướng thiết kế phù hợp nhất.” 

Khoa nói thêm, nghĩ về những câu chuyện và kể chúng bằng thiết kế là các bước tiếp sau đó trong việc giải brief (debrief). Nội dung & ý tưởng được chú trọng hơn hết trước giai đoạn thiết kế sáng tạo – đó là cách bạn tư duy về câu chuyện muốn kể đến mọi người. Ngoài những kỹ thuật thiết kế chuyên môn vốn có, ta nhìn rõ được phần nội dung trước đó là cách để thiết kế trở nên có chiều sâu hơn bao giờ hết. Chính vì thế, cách bạn khai thác vấn đề cũng được cho là kỹ năng có trong công việc thiết kế sáng tạo. 

Đôi khi những câu hỏi khi mình đặt ra sẽ không có sẵn trên mạng, khi đó mình sẽ tự thân đi tìm câu trả lời bằng việc đi ra ngoài quan sát và cảm nhận. Dự án logo Biti’s Cool Kids Club mà Khoa được làm việc là một ví dụ thực tế sau đó. Khi khai thác câu chuyện, Khoa bắt đầu tìm những mảnh ghép hình bằng những câu hỏi chẳng hạn: Logo Biti’s Cool Kids Club, thế nào là Cool Kids? Trẻ con thì nghĩ gì? Trẻ con thì thích gì? “Đặt càng nhiều câu hỏi, mình càng có nhiều nguyên liệu thiết kế. Từ đó mình convert những keywords thành hình ảnh và tìm cách sắp xếp nó một cách hợp lý nhất.”

Quy trình sáng tạo thiết kế được Khoa chia sẻ, đó là những giai đoạn Collect (thu thập) –  Research (tìm hiểu) – Connect (kết nối). Và Kết nối chính là giai đoạn mà anh chìm đắm nhất. Vì đó lúc mà Khoa có thể kết nối ra vô vàn hướng thiết kế dựa trên những nguyên liệu mình đã có được, từ đó thành một tổng thể thiết kế hoàn hảo, truyền tải được nội dung, ý tưởng và cách tư duy về vấn đề xung quanh. “Mình nghĩ đây cũng là giai đoạn đòi hỏi sự sáng tạo và kiên nhẫn nhất. Nếu thiếu đi sự sáng tạo thì thiết kế của mình sẽ giống như mọi thiết kế sẵn khác và nếu thiếu đi sự kiên nhẫn thì thiết kế của mình cũng sẽ giống mọi thiết kế sẵn khác. Khi kết nối, mình ưu tiên sự thấu cảm với khách hàng lên hàng đầu. Với vô vàn khả năng thiết kế đó, định hướng nào sẽ phù hợp với khách hàng nhất. Nếu không thấu cảm thì mình rất dễ bị lạc lối hay thậm chí bế tắc.”

“Một trong những thể nghiệm mà mình tâm đắc nhất trong khi làm thiết kế đó là “Know the rules to break the rules – Tạm dịch: Biết luật để phá luật”. Vẫn với câu chuyện logo Biti’s, Khoa đặt thật nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề? Vì sao trẻ con và người trung niên đều thích thiết kế có màu sắc sặc sỡ mà thanh thiếu niên lại thích tông màu trầm, pastel hơn? Liên kết cảm xúc của chúng ta đến màu sắc như thế nào? Đặt câu hỏi chính là con đường tối ưu nhất giúp bạn giải quyết các vấn đề của thiết kế. Khi hiểu được vấn đề thì bạn sẽ có vô vàn hướng tiếp cận, còn mình “break the rules – phá vỡ quy tắc” chính là cách để giúp thiết kế trở nên nổi bật.”

Khoa bộc bạch về những dự án sắp tới trong việc trau dồi và phát triển kỹ năng vốn có, cùng với đó là học thêm về những kỹ năng liên quan quản trị kinh doanh để có thể vận hành trơn tru studio thiết kế của mình.

Viết bài: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!