Từ bộ ba phim huyền thoại Lord of the Rings cho đến vũ trụ điện ảnh của Marvel, kỹ xảo điện ảnh (VFX) đã để lại những dấu ấn nghệ thuật không thể phai mờ cho người xem.
VFX có thể nói là một phép màu kỳ diệu cho điện ảnh, là một công cụ giúp các bộ phim có thể hình ảnh hóa được câu chuyện của mình, tạo nên một thế giới không tưởng, làm tăng sự trải nghiệm và sống động cho người xem. Thế giới Visual Effects có muôn vàn điều hay ho mà các nhà làm phim, designer muốn khám phá, cùng RGB tìm hiểu Cận cảnh về ngành công nghiệp Kỹ xảo Điện ảnh – Visual Effects (VFX) nhé!
Visual Effects và những điều cơ bản:
VFX là gì?
VFX là quá trình tạo ra các hình ảnh kỹ thuật số để xử lý hoặc tăng cường các cảnh quay thực đã được quay trước đó. Nói cho dễ hiểu, trong quá trình làm phim sẽ có những cảnh quay quá nguy hiểm, không thực tế, quá đắt đỏ, mất thời gian, hoặc đơn giản là không thể quay được ngoài đời thực, và đây chính là lý do tại sao người ta cần đến VFX.
Tại sao VFX lại quan trọng trong quá trình làm phim?
VFX là sự bổ sung tuyệt vời cho bất kỳ bộ phim nào. Chúng cho phép các nhà làm phim hình dung và thực hiện những hiệu ứng, thế giới, nhân vật một cách chi tiết và kỳ diệu mà các diễn viên không thể khai thác được trên phim trường.
Những ứng dụng của VFX
Công dụng chính của VFX là giúp các nhà làm phim thêm thắt những yếu tố hình ảnh gây ấn tượng mạnh và những khía cạnh cực kỳ bất khả thi vào trong phim của họ. Nếu không có những hiệu ứng đặc biệt này, chúng ta sẽ không có được những yếu tố hình ảnh mãn nhãn trong những bộ phim như Star Wars, Pirates of the Caribbean, và The Matrix. Sẽ rất tuyệt nếu Neo có thể thật sự bay trên không trung, nhưng rất tiếc điều đó là không thể!
VFX còn có thể làm được những gì?
Ngoài phông nền xanh hay các bộ mặt nạ, thì VFX còn có nhiều dạng hiệu ứng phức tạp hơn nữa. Đơn cử như CGI (những hình ảnh tạo ra hoàn toàn từ máy tính). CGI không được tạo ra trong một sớm một chiều mà là cả một quá trình lâu dài và gian khổ, nơi mà ở đó các chuyên gia tạo ra những hình ảnh siêu thực để phù hợp với phong cách của bộ phim.
Nếu toàn bộ một bộ phim hay một cảnh yêu cầu 100% CGI, vậy thì đơn giản hơn rất nhiều, nhưng nếu CGI chỉ chiếm 50% của một phân cảnh, thì sẽ phức tạp hơn cho các nghệ sỹ CGI. Họ phải tính tới chuyển động của diễn viên, ánh sáng, và nhiều thứ khác nữa để làm cho cảnh quay chân thực nhất.
Một số kỹ thuật VFX phổ biến
Dưới đây là một vài kỹ thuật VFX phổ biến và độc đáo mà các nhà làm phim hay sử dụng để đưa thế giới kỳ ảo tới khán giả.
Bullet Time (Những viên đạn thời gian)
Những ai là fan của loạt phim Matrix chắc chắn sẽ nhận ra ngay lập tức những cảnh quay huyền thoại mà ở đó nhiều nhân vật tham gia vào màn đấu súng siêu phàm với những viên đạn chuyển động siêu chậm, hoặc có khi là dừng hẳn cực kỳ ấn tượng. Hiệu ứng này cho phép các nhà làm phim nhấn mạnh các chi tiết nhỏ của hành động, minh họa sự phức tạp đầy sắc thái của các cảnh phim.
Từ lúc kỹ thuật này xuất hiện đến giữa những năm 2000, bullet time rất được yêu thích và ưa chuộng ở nhiều bộ phim, quảng cáo, chương trình truyền hình, và trò chơi điện tử.
Doubling (Nhân đôi)
Nếu bạn đã từng xem phim The Parent Trap hoặc những bộ phim về đề tài nhân bản hoặc có nhân vật sinh đôi trong đó thì có thể đã thấy qua kỹ thuật này rồi. Một diễn viên (tất nhiên là không có người anh em song sinh hay nhân bản nào rồi) sẽ được quay ở hai địa điểm hoàn toàn khác nhau, sau đó các cảnh quay sẽ được ghép nối với nhau, tạo hiệu ứng hai người khác biệt đang tương tác với nhau.
Kỹ thuật này tạo ra một chút động lực thú vị cho diễn viên, vì cần phải diễn như thể có một diễn viên khác trên phim trường và thậm chí là tương tác với bạn diễn hư cấu của mình.
Những cảnh phim trước và sau VFX
Bây giờ, hãy cùng khám phá những cảnh phim yêu thích của bạn trông như thế nào trước và sau khi thực hiện VFX nhé.
Pirates of the Caribbean: Dead Man’s Chest (2006)
Bộ phận VFX của phim xứng đáng với những lời khen tặng vì đã làm cho Bill Nighy biến thành một Davy Jones thật đáng sợ. Mặc dù hơn một thập kỷ đã trôi qua nhưng đây vẫn xứng đáng là một trong những hiệu ứng đặc biệt ấn tượng nhất trong lịch sử VFX.
The Dark Knight (2008)
Những hiệu ứng có phần kinh dị được sử dụng cho khuôn mặt của Aaron Eckhart trong The Dark Knight khiến bạn tin rằng anh ấy có hai khuôn mặt hoàn toàn khác biệt.
The Life of Pi (2012)
Xin lỗi đã làm bạn thất vọng, nhưng con hổ trong The Life of Pi không có thật. Thay vào đó, một cái giống gối ôm được sử dụng và các kỹ xảo về con hổ cũng được thêm vào ở phần hậu kỳ.
Oz the Great and Powerful (2013)
Mặc dù trông có vẻ như James Franco đang bị ném mạnh trên sông, nhưng thật ra anh ấy chỉ đứng yên trên phim trường mà thôi.
Man of Steel (2013)
Ai cũng biết rằng Henry Cavill trong Man of Steel thật sự không thể bay. Hình ảnh này cho thấy làm thế nào anh ấy đạt được cảnh bay mang tính biểu tượng của Siêu Nhân, đơn giản là sử dụng dây và phông xanh. Thậm chí áo choàng siêu nhân cũng được thêm vào ở phần hậu kỳ.
Tương lai của VFX?
Từ nhiều năm qua, VFX đã là nền tảng của ngành làm phim và chắc chắn sẽ còn tiếp diễn trong tương lai. Mặc dù vẫn có người chỉ trích việc lạm dụng VFX trong phim, nhưng thực tế thì VFX đã hòa quyện vào quá trình làm việc và sáng tạo của một bộ phim đến mức chỉ trích VFX đồng nghĩa với việc chỉ trích chính bộ phim đó. Cho dù bạn có thích hay không thích đi chăng nữa, có một điều không thể chối cãi rằng VFX mang lại nhiều lợi ích to lớn cho quá trình làm phim, biến những cái không thể thành có thể và trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa với những bước tiến vượt bậc trong công nghệ.
Theo gamedesigning.org
Để lại đánh giá