Trên một con phố nhỏ đầy ắp nhà hàng và quán bar ở trung tâm Thượng Hải, có một bức tường màu xám bị đục lỗ với cảnh tượng kỳ lạ: một chiếc tay gấu đầy lông thò ra ngoài ngoe nguẩy chỉ vào mã QR được treo phía dưới, khuyến khích người qua đường dùng nó để gọi cà phê.
Mang bộ vuốt gấu chính là một nhân viên pha chế (barista) khiếm thính làm việc tại quán cà phê tên Hinichijou, vốn là một doanh nghiệp nhỏ chỉ thuê người khuyết tật.
Quán cà phê chỉ phục vụ các món mang đi, và nhân viên pha chế phải theo dõi qua một màn hình để biết khi nào khách hàng đến. Họ nhận order qua hệ thống mã QR, phục vụ cà phê qua chiếc lỗ trên tường và dùng chiếc vuốt gấu để bắt tay khách hàng trước khi vẫy tay chào tạm biệt họ.
Cửa tiệm Hinichijou đầu tiên bắt đầu nổi tiếng trên mạng và dần trở thành một điểm đến nổi bật của Yongkang Road, một con phố Thượng Hải nổi tiếng với các quán bar và nhà hàng.
Kể từ khi mở cửa vào tháng 12 năm 2020, Hinichijou đã đạt được thành công nhanh chóng và hiện có 9 địa điểm trên khắp Thượng Hải, tất cả đều tập trung vào việc cung cấp việc làm cho người khuyết tật.
Chỉ với hơn 20 nhân viên tại tất cả các chi nhánh, hầu hết trong số họ đều bị khiếm khuyết về thính giác hoặc khả năng nói, thương hiệu cà phê này vẫn là một hiện tượng ở thành phố tiêu thụ cà phê lớn nhất Trung Quốc và luôn đông khách.
Người đồng sáng lập của công ty, Tian Tian, nói với South China Morning Post rằng Hinichijou đã giúp bình thường hóa hoạt động quán cà phê như một tuyến việc làm phổ biến cho người khiếm thính.
Ông cho biết ý tưởng sử dụng tay gấu để phục vụ cà phê qua chiếc lỗ được lấy cảm hứng từ hai nhân viên pha chế của mình, những người không muốn bị công chúng nhìn thấy.
Một trong số họ, tên là Ying Ying, không thể nói hoặc nghe nhưng đã giành giải nhất trong cuộc thi baristas dành cho người khuyết tật toàn quốc vào năm 2019. Người còn lại bị sẹo bỏng nặng trên mặt.
“Ying Ying thật tuyệt vời, nhưng không ai muốn thuê làm việc vì tình trạng khuyết tật của cô ấy. Sau đó, chúng tôi trao đổi về việc giúp cô ấy mở một cửa hàng cà phê, và cô ấy đã bày tỏ rằng không muốn để lộ khuôn mặt của mình, và nhân viên pha chế còn lại cũng vậy,” Tian Tian nói.
“Công chúng đã chào đón chúng tôi, và sau hơn một năm, những nghệ sĩ pha chế bị khiếm khuyết về khả năng nghe và nói đã trở nên rất phổ biến trên thị trường việc làm địa phương. Chúng tôi rất vui khi giờ đây các cửa hàng cà phê khác cũng sẵn sàng tuyển dụng họ,” ông nói.
Theo Liên đoàn Người khuyết tật Trung Quốc, có hơn 85 triệu người khuyết tật ở nước này. Vào cuối năm ngoái, hơn 8 triệu người trong số họ trong độ tuổi lao động không có việc làm.
Người khuyết tật thường có cơ hội việc làm hạn chế ở Trung Quốc, vì sự phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến trong việc làm bất chấp sự can thiệp của chính phủ trong những thập kỷ qua. Do khả năng tiếp cận các phương tiện công cộng bị hạn chế, nhiều người khuyết tật dành một lượng thời gian đáng kể ở nhà.
Mục tiêu ban đầu của Hinichijou là nhắm đến những người khuyết tật về khả năng nghe và nói, và hiện đang cố gắng bao gồm những người khiếm thị. Cửa hàng mới nhất của họ vừa được khai trương vào tháng trước và do hai thanh niên mù điều hành.
Tian Bao và Tian You, hai anh em sinh đôi bị khiếm thị, phục vụ cà phê trong một gian hàng dành cho họ bên ngoài trung tâm mua sắm và điều hành công việc kinh doanh chủ yếu bằng xúc giác.
Không giống như các cửa hàng Hinichijou khác, vốn được thiết kế chỉ với một cái lỗ trên tường, cửa hàng này của họ đã cố gắng “phá vỡ bức tường” với một quầy nước tiêu chuẩn để mọi người có thể xem cách các anh em pha chế cà phê và tương tác với họ.
Với hầu hết mọi thứ trong gian hàng đều được thiết kế riêng cho những barista mù, cặp song sinh này đã trở nên quen thuộc với quy trình pha cà phê sau vài tháng đào tạo.
“Các nút trên máy pha cà phê được tạo thành các hình dạng khác nhau để chúng tôi có thể biết chức năng của từng chiếc”, Tian You nói.
“Tôi hy vọng những người khiếm thị có nhiều lựa chọn hơn khi tìm việc làm. Tôi muốn chứng minh rằng chúng tôi có thể làm tốt những công việc khác chứ không chỉ trở thành những người đấm bóp,” cậu nói khi đề cập đến lĩnh vực mát-xa của Trung Quốc, vốn là con đường làm việc phổ biến cho những người bị mất hoặc suy giảm thị lực.
Tian Tian, đồng sáng lập của Hinichijou, cho biết cặp song sinh này đã truyền cảm hứng và đến nay đã có hơn 30 người khiếm thị đăng ký khóa đào tạo nhân viên pha chế của họ, với hy vọng mở rộng triển vọng công việc của chính mình.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng làm là biến một người có thể phụ thuộc nhiều vào gia đình và xã hội thành một thành viên tự tin, độc lập trong cộng đồng của họ,” ông nói.
Theo: South China Morning Post
Để lại đánh giá