Chiến dịch “Tết vỗ về” của Lifebuoy liệu có tiếp tục tỏa sáng như “Tết ổn”?

Thương hiệu được mong chờ nhất mùa Tết 2025 – Lifebuoy – chính thức tái xuất với chiến dịch “Tết vỗ về”. Sau thành công vang dội của triển lãm “Tết vỗ về”, MV nhạc Tết thuộc chiến dịch đã được công bố vào ngày 1/1, với sự tham gia của những gương mặt đình đám như Đông Nhi, Jun Phạm… Câu hỏi đặt ra là: Liệu “Tết vỗ về” có đủ sức chinh phục khán giả và vượt qua cái bóng thành công lớn từ chiến dịch “Tết ổn” trước đó? Cùng theo dõi chiến dịch qua góc nhìn phân tích của Growstack dưới đây.

Trong mùa Tết 2024, chiến dịch “Tết ổn” đã giúp Lifebuoy ghi dấu ấn mạnh mẽ với thông điệp gần gũi: “Có gia đình, có sức khỏe là Tết ổn rồi”. Không chỉ nhẹ nhàng mà đầy sâu lắng, thông điệp này chạm đến trái tim của hàng triệu người, đặc biệt trong bối cảnh đầy thách thức của năm. Sự đồng cảm được khơi gợi đã giúp “Tết ổn” nổi bật giữa rừng quảng cáo Tết vốn thiên về thông điệp sung túc, xa hoa.

Tuy nhiên, thành công vang dội này cũng đặt ra một thách thức lớn cho đội ngũ Lifebuoy khi phải tự vượt qua chuẩn mực do chính mình thiết lập. Hãy cùng Growstack nhìn lại những điểm sáng của hai chiến dịch Tết đầy cảm xúc này và xem cách Lifebuoy đã kể chuyện như thế nào qua mỗi mùa Tết!

Chiến dịch “Tết vỗ về”

1. Big Idea & Key Message

Vào dịp Tết, bên cạnh niềm vui sum họp, nhiều người vẫn phải đối mặt với những áp lực về công việc, tài chính chưa đủ đầy, hay những mối lo âu về tình duyên chưa trọn vẹn. Những gánh nặng đó đôi khi làm niềm vui ngày Tết trở nên không trọn vẹn. Để sẻ chia và xoa dịu những cảm xúc ấy, chiến dịch “Tết vỗ về” 2025 của Lifebuoy mang đến thông điệp đầy ý nghĩa: Mọi vết xước của cuộc sống, những khó khăn và thử thách trong suốt một năm qua, sẽ được chữa lành khi ta trở về trong vòng tay yêu thương, ấm áp của gia đình.

Thông điệp ấy gợi nhắc về tiếng “vỗ” của những giông bão cuộc đời mà mỗi người đã phải đối diện, cùng với con đường “về” chất đầy những lo toan khi Tết cận kề. Nhưng sau tất cả, chính tình yêu thương và sự che chở của gia đình sẽ “vỗ về” chúng ta, làm dịu đi mọi áp lực. Qua đó, thương hiệu cũng gửi lời nhắn nhủ: Dù một năm qua có thành công hay thất bại, dễ dàng hay gian nan, hãy luôn giữ sức khỏe để trở về bên gia đình – nơi mọi khó khăn đều có thể được xoa dịu.

Mọi vết xước của cuộc sống, những khó khăn và thử thách trong suốt một năm qua, sẽ được chữa lành khi ta trở về trong vòng tay yêu thương, ấm áp của gia đình.

2. Các hoạt động nổi bật của chiến dịch

2.1. Triển lãm “Tết vỗ về”:

Từ ngày 27/12/2024 đến 01/01/2025, Lifebuoy tổ chức triển lãm tương tác đa giác quan tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, TP.HCM. Triển lãm dẫn dắt người xem qua ba không gian:

  • Phòng “Vỗ”: Tái hiện những áp lực và khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, giúp người tham quan nhận diện và chia sẻ những gánh nặng mà họ đã trải qua.
  • Phòng “Về”: Gợi nhớ hình ảnh ngôi nhà thân thương, khơi dậy khao khát trở về và sum họp gia đình trong dịp Tết.
  • Phòng “Vỗ Về”: Tái hiện không gian ấm áp của gia đình với những cái ôm dịu dàng, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự vỗ về và tình thân.

Triển lãm kết hợp nghệ thuật sắp đặt, âm thanh và ánh sáng để tạo nên một hành trình cảm xúc, giúp người tham quan trải nghiệm và thấu hiểu giá trị của sự vỗ về trong cuộc sống.

2.2. MV “Tết vỗ về” – Đông Nhi x Jun Phạm x Bùi Công Nam:

Đúng 0h ngày 01/01/2025, Lifebuoy ra mắt MV “Tết vỗ về”, tiếp nối thông điệp của triển lãm, nhấn mạnh ý nghĩa của việc trở về nhà và sự vỗ về từ gia đình trong dịp Tết.

Chiến dịch “Tết ổn”

1. Big Idea & Key Message

Tết ổn – Có gia đình, có sức khỏe là Tết ổn rồi.

Tết là dịp để mọi người sum vầy, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Nhưng với nhiều người trưởng thành, Tết cũng mang theo áp lực từ hàng loạt kỳ vọng về công việc, tài chính, tình cảm… và những trăn trở về việc làm sao để có một cái Tết “được gọi là ổn”. Thế nhưng, liệu sau tất cả những kỳ vọng ấy, Tết có còn giữ được ý nghĩa thực sự? Một cái Tết như thế nào mới thực sự “ổn”?

Với Big Idea “Tết ổn”, chiến dịch mang đến một thông điệp mới, tái định nghĩa về ý nghĩa ngày Tết. “Tết ổn” không phải là đạt đủ mọi tiêu chuẩn hay kỳ vọng xã hội đặt ra, mà chỉ đơn giản là khi chúng ta được sum vầy, đoàn tụ và tận hưởng những giây phút bình yên bên gia đình – điều quý giá nhất mà Tết mang lại.

“Tết ổn” không phải là đạt đủ mọi tiêu chuẩn hay kỳ vọng xã hội đặt ra, mà chỉ đơn giản là khi gia đình được sum vầy, đoàn tụ.

2. Các hoạt động nổi bật của chiến dịch

2.1. Bức tường “Tết ổn” tại Landmark 81:

Lifebuoy đã lắp đặt một bức tường gạch độc đáo tại Landmark 81 với hàng loạt dòng chữ như “Trúng số một cái là ổn”“Thưởng Tết 5 tháng là ổn”, hay “Dẫn được người yêu về nhà là ổn”. Người tham gia sự kiện có cơ hội viết những mong muốn của riêng mình lên các viên gạch, sau đó tự tay rút và đập vỡ chúng. Qua hoạt động này, Lifebuoy muốn gửi gắm thông điệp: Hãy buông bỏ những kỳ vọng xa vời mà xã hội thường gắn liền với Tết, để tự định nghĩa lại một cái Tết “ổn” – đó đơn giản là khi gia đình được quây quần bên nhau.

2.2. MV “Tết ổn rồi”:

Ngày 1/1/2024, Lifebuoy chính thức khởi động chiến dịch Tết với MV “Tết ổn rồi”, được sáng tác bởi nhạc sĩ quen thuộc của mùa Tết – Bùi Công Nam.

Khác với những quảng cáo Tết thường ngập tràn hình ảnh lung linh, đủ đầy, MV này khai thác câu chuyện mộc mạc nhưng đầy cảm xúc về những áp lực tài chính và nỗi lo cơm áo của người trưởng thành trong dịp năm mới. Kết thúc MV là một thông điệp nhẹ nhàng nhưng sâu sắc: “Không cần Tết phải sung túc, giàu sang, chỉ cần có gia đình và sức khỏe là Tết đã ổn rồi”.

Nhận xét về hai chiến dịch Tết của Lifebuoy

Chiến dịch “Tết ổn” 2024 ra đời trong bối cảnh người tiêu dùng chịu nhiều áp lực về tài chính, công việc và kỳ vọng xã hội, đặc biệt là sau một năm lạm phát. Vì vậy, thông điệp chính của chiến dịch tập trung vào giá trị của gia đình và sức khỏe: “Có gia đình, có sức khỏe là Tết ổn rồi”. TVC của chiến dịch khai thác những câu chuyện chân thật về áp lực cơm áo gạo tiền, sử dụng hình ảnh giản dị để tạo sự đồng cảm với người xem.

Hoạt động chính của chiến dịch là MV “Tết ổn” và bức tường “Tết ổn” tại Landmark 81, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Đông Nhi, Hiền Thục, Jun Phạm, Huỳnh Lập… Điểm nhấn của “Tết ổn” là đánh trúng tâm lý lo âu của người tiêu dùng trong thời điểm khó khăn, tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ nhờ bối cảnh xã hội phù hợp.

Sang đến năm 2025, chiến dịch “Tết vỗ về” diễn ra trong bối cảnh kinh tế dần phục hồi, dù người tiêu dùng vẫn còn gặp áp lực, nhưng tâm lý đã được cải thiện đáng kể. Thông điệp của chiến dịch chuyển sang hướng động viên và lạc quan hơn: “Vinh hoa hay ê chề, cũng phải khỏe mà về”.

TVC của “Tết vỗ về” vẫn kế thừa những yếu tố quen thuộc như câu chuyện về người con xa nhà và cộng đồng LGBT, nhưng bổ sung thêm hình ảnh đoàn kết của người dân trong bão Yagi, thể hiện tinh thần tương thân tương ái. Hoạt động chính của chiến dịch là MV “Tết vỗ về” và triển lãm đa giác quan, tiếp tục có sự góp mặt của Đông Nhi, Jun Phạm, Huỳnh Lập, Ông Cao Thắng và bổ sung thêm những gương mặt mới như Bùi Công Nam, KOL Khoai Lang Thang, NSND Hồng Vân. Điểm nhấn của “Tết vỗ về” nằm ở triển lãm offline tạo dấu ấn mạnh mẽ nhờ trải nghiệm đa giác quan và không gian ấn tượng, mang đến những trải nghiệm thực tế và sâu sắc hơn cho người tham gia.

Điểm nhấn của “Tết vỗ về” nằm ở triển lãm offline tạo dấu ấn mạnh mẽ nhờ trải nghiệm đa giác quan và không gian ấn tượng.

Về thông điệp, cả hai chiến dịch đều đi theo chủ đề “Homing”, xoay quanh việc động viên người tiêu dùng buông bỏ những lo toan, khó khăn để tận hưởng sự bình yên trong vòng tay gia đình dịp Tết. Tuy nhiên, bối cảnh thực hiện của mỗi chiến dịch tạo nên những điểm nhấn khác biệt:

  • “Tết ổn”: Xuất hiện trong giai đoạn người tiêu dùng đối mặt với áp lực tài chính nặng nề do lạm phát. Điều này khiến thông điệp “Có gia đình, có sức khỏe là Tết ổn rồi” trở nên nổi bật và dễ dàng chạm đến cảm xúc của khán giả.
  • “Tết cỗ về”: Được triển khai trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi, tâm lý người tiêu dùng đã cải thiện hơn. Mặc dù thông điệp vẫn phù hợp với những áp lực ngày Tết, nhưng khó đạt được sức lan tỏa như chiến dịch năm trước.

Về cách thức triển khai nội dung:

  • MV Tết: Cả hai chiến dịch đều khai thác những câu chuyện quen thuộc như người con xa nhà, cộng đồng LGBTQ+. Riêng MV “Tết vỗ về” 2025 bổ sung hình ảnh đặc biệt về sự đoàn kết của người dân, gợi nhắc đến giai đoạn bão Yagi ở miền Bắc, tạo thêm chiều sâu cho câu chuyện.
  • Kênh online: Hoạt động trên các kênh online của cả hai năm không có quá nhiều sự đổi mới, duy trì các hình thức tương tác quen thuộc.
  • Kênh offline: Triển lãm “Tết vỗ về” năm nay ghi dấu ấn mạnh mẽ hơn sự kiện trước nhờ:
    • Không gian trưng bày thẩm mỹ, ấn tượng, phù hợp để giới trẻ check-in và chia sẻ trên mạng xã hội.
    • Cách dẫn dắt cảm xúc người tham gia qua sự kết hợp hài hòa giữa âm thanh, ánh sáng, hình ảnh.

Dù “Tết vỗ về” mang lại cảm giác thân thuộc với “Tết ổn”, chiến dịch này đã tạo nên điểm nhấn riêng nhờ hoạt động offline ấn tượng. Tuy nhiên, sức lan tỏa của thông điệp có thể không vượt qua được cái bóng lớn từ chiến dịch năm ngoái do sự thay đổi về bối cảnh xã hội.

Theo Growstack

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!