Chuyến tìm về Nghệ thuật truyền thống của các họa sĩ trẻ Việt Nam qua Vẽ Về Hát Bội

50 tác phẩm được hoàn thành, hơn 7000 lượt theo dõi trên fanpage, nhân sự gồm hơn 40 hoạ sĩ trẻ và các nhân sự đến từ nhiều ngành nghề khác nhau cùng chung tay góp sức chỉ trong vòng hai tháng. Với nhóm sáng lập “Vẽ Về Hát Bội” – một dự án vẽ tranh phi lợi nhuận nhằm khơi dậy niềm cảm hứng về bộ môn nghệ thuật hát bội, những con số trên đã vượt xa khỏi sự tưởng tượng ban đầu. Chuỗi triển lãm và các hoạt động nghệ thuật Vẽ Về Hát Bội sẽ bắt đầu khai mạc lúc 18h00 ngày 01/02/2018 tại Trung tâm thương mại The Garden Mall, 190 Hồng Bàng, Q.5.

rgb_creative_trien_lam_nghe_thuat_ve_ve_hat_boi

[quote]Hành trình bắt đầu từ nỗi niềm của người nghệ sỹ[/quote]

Trong một dịp gặp gỡ tình cờ, khi nghe NSND Đinh Bằng Phi – nhà hát bội học tài hoa chia sẻ thẳng thắn “có lẽ sớm muộn gì hát bội cũng sẽ chết đi”, hai bạn hoạ sĩ trẻ Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đã tìm thấy những xúc cảm mạnh mẽ trước quy luật đào thải khắc nghiệt của bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Đau đớn và trăn trở, một loại hình nghệ thuật đặc sắc đã tồn tại hàng trăm năm, từng là niềm tự hào của dân tộc, vậy mà đến thời của những người trẻ, thanh âm của sân khấu ấy lại chết dần chết mòn trong sự lãng quên của cả một thế hệ. Vốn đam mê màu sắc và luôn bị thu hút bởi những hình ảnh hoá trang của các nghệ sĩ hát bội, đôi bạn Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên đã nghĩ đến ý tưởng dùng hội hoạ – vốn là sở trường của mình để thực hiện bộ tranh vẽ lại nhằm khơi dậy niềm cảm hứng giữ gìn hát bội – bộ môn nghệ thuật đang bị mai một dần.

[tentblogger-youtube qmNa-e7GGiU]

Thời gian đầu, Quang và Liên thành lập một nhóm nhỏ rồi mời bạn bè hoạ sĩ cùng thực hiện. Đến nay, dự án thu hút 40 hoạ sĩ trẻ đến từ Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, hay thậm chí có những bạn ở Singapore, Anh, Mỹ, Canada hoặc Tây Ban Nha cũng gửi tranh về tham gia. Bạn Huỳnh Kim Liên chia sẻ: “Đây là dự án về lĩnh vực sân khấu đầu tiên mà các hoạ sĩ trẻ làm chung với nhau. Có rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm hiểu tư liệu và hình ảnh về hát bội. Có khi tụi mình phải căng mắt ra nhìn cho rõ để vẽ đúng hoa văn màu áo vì hình tư liệu quá mờ ảo”. Chưa kể tư liệu trên mạng rất hiếm, nhóm phải tìm mua những cuốn sách viết riêng về hát bội, nhưng nhiều cuốn chỉ lưu hành nội bộ hoặc quá cũ, mua được cũng khó khăn”.

rgb_creative_ideas_trien_lam_ve_ve_hat_boi_nghe_thuat
— Rất nhiều họa sĩ đến từ nhiều nơi cùng tham gia dự án

Đều là dân không chuyên về nghệ thuật hát bội nên trước khi vẽ hoạ sĩ phải nghiên cứu rất kỹ về trang phục cũng như cách hóa trang của nhân vật hoặc của vở tuồng mình muốn vẽ. Đặc biệt, các bạn chú ý rất kỹ đến các chi tiết vẽ mặt và trang phục vì rất dễ nhầm qua kinh kịch, cải lương, hay hồ quảng. Trong quá trình vẽ, hoạ sĩ chia sẻ lần lượt các giai đoạn từ phác thảo đến lên bản màu cho các thành viên trong nhóm góp ý và NSND Đinh Bằng Phí là cố vấn cuối cùng trước khi tác phẩm được hoàn thành.

 

[quote]Đến những tác phẩm tạo nên từ tâm huyết[/quote]

Dù có nhiều trở ngại nhưng những người sáng lập dự án “Vẽ về hát bội” rất bất ngờ khi thấy các bạn hoạ sĩ hứng thú và nhiệt tình, ai cũng cố gắng làm ra những tác phẩm đẹp hơn mong đợi của cả nhóm rất nhiều. Với tinh thần sáng tạo tự do trong cách vẽ nhưng vẫn bám sát vào tư liệu gốc, các hoạ sĩ đã vẽ vừa như nguyên bản, vừa thể hiện tình cảm, sắc thái và hành động của nhân vật theo cảm nhận rất riêng của mình. Như ở tác phẩm “Cánh cửa”, hoạ sĩ Hoàng Giang đã khắc họa một vị thần hát bội nhỏ bé, ngồi lặng lẽ bên trong căn phòng tối với ánh sáng le lói lọt qua khe cửa, như hàm ý hỏi rằng liệu có ai đó còn nhớ đến ta không, hay hát bội rồi sẽ chìm dần trong quên lãng.

rgb_creative_ideas_trien_lam_ve_ve_hat_boi_nghe_thuat_03

Nhóm cũng đã vẽ lại hình chụp nghệ sĩ Đình Bằng Phi trong vai diễn Quan Công và đem đến cho thầy Phi xem trước. Thầy rất vui và hứa sẽ có mặt trong buổi triển lãm nếu sức khỏe cho phép. Sau triển lãm, bản gốc VVHB sẽ gửi tặng thầy Phi, như một món quà nhỏ tượng trưng lòng biết ơn của nhóm đối với thầy.

rgb_creative_ideas_trien_lam_ve_ve_hat_boi_nghe_thuat_02

Cùng với đó, nhiều hoạ sĩ đã có cách thể hiện độc đáo, sáng tạo như trong tác phẩm “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, họa sĩ Phạm Quang Phúc đã thể hiện một con cáo trắng hiện lên phía sau Hồ Nguyệt Cô trong khi Nguyệt Cô lúc này đã mất ngọc và không còn giữ lại hình dáng người được nữa. Hay ở tác phẩm “Tạ Ôn Đình chém Khương Linh Tá” của họa sĩ Phùng Nguyên Quang, dải lụa đỏ của người diễn viên được kéo dài ra thành một dòng sông máu … đã để lại ấn tượng mạnh mẽ nơi người xem. Có người mất khoảng nửa tháng để hoàn thành tác phẩm, nhưng cũng có người dành cả hai tháng để đầu tư công sức vào đứa con tinh thần của mình. Bởi những tác phẩm như phim hoạt hình đòi hỏi họa sĩ phải vẽ một khối lượng tranh rất lớn nên thời gian vẽ lâu hơn so với việc vẽ những bức tranh thông thường.

[tentblogger-youtube _GmQZI8eXI0]

Thông qua buổi triển lãm cùng những hoạt động đặc sắc xoay quanh dự án “Vẽ về hát bội”, bạn Phùng Nguyên Quang chia sẻ “Mục đích ban đầu của “Vẽ Về Hát Bội” không phải là làm thế nào để tiếp cận giới trẻ. Mà thay vào đó, nhóm chỉ nghĩ hãy tự do sáng tạo và làm những gì mà mình yêu thích nhất. Một cách tự nhiên, những điều này sẽ hướng đến giới trẻ mà thôi. Người trẻ rất giỏi liên kết và sáng tạo. Nếu cảm thấy văn hóa truyền thống của nước nhà thú vị thì họ sẽ nhanh chóng tìm hiểu và cho ra đời nhiều ứng dụng mới, vừa giữ gìn được giá trị truyền thống, vừa tân tiến hợp thời”.

 

rgb_creative_design_Art_Ve_Ve_Hat_Boi-Trienlam_01

Triển lãm “Vẽ về Hát Bội” diễn ra từ ngày 01/02/2018 đến ngày 10/02/2018 tại sảnh Gallery của Trung tâm thương mại The Garden Mall (190 Hồng Bàng, Quận 5, TPHCM).  Đến đây, bên cạnh thưởng lãm những bức tranh độc đáo về hát bội, du khách còn có dịp tham gia nhiều hoạt động đặc sắc như vẽ tranh, vẽ mặt nạ hát bội, talkshow, thưởng thức các tác phẩm hát bội kinh điển …  Theo dõi thông tin mới nhất về dự án tại fan page: www.facebook.com/vevehatboi (Vẽ Về Hát Bội)

 Bài: Thu Thanh – RGB

Nhập hội Sáng tạo cùng RGB nha!