“Pulu Studio là công ty sáng tác tranh minh hoạ, thiết kế và định hướng hình ảnh thương hiệu. Mang những tác phẩm minh hoạ đó đến gần với công chúng thông qua ứng dụng lên các sản phẩm bao bì của doanh nghiệp, ấn phẩm truyền thông quảng cáo”
Là những gì mà mình tìm hiểu có trên nền tảng mạng xã hội về Pulu Studio, đằng sau những giải pháp sáng tạo đầy màu sắc là 01 quy trình đầy cá tính, riêng biệt trong cách thể hiện tinh thần sản phẩm mà họ đưa ra. Chúng mình (RGB) có cơ hội để trò chuyện cùng Pulu Studio, tìm hiểu nhiều hơn về quy trình đó.
Pulu có thể giới thiệu về mình đến với độc giả không?
Pulu chào quý đọc giả! Pulu Studio có nghĩa là Studio của Pulu, và tôi là Pulu, nhưng không có nghĩa studio đó là của tôi, studio đó là của “tôi và những cộng sự”, nơi chúng tôi thi nhau kể những câu chuyện theo cách riêng của mình dưới góc nhìn mỹ thuật một cách vui vẻ, nồng đượm và phấn khích nhất!
Còn tôi, các khách hàng gọi tôi là hoạ sĩ, và Pulu thực ra là một hoạ sĩ, nhưng điều đó không quan trọng, tôi chỉ biết rằng không ăn, ngủ, làm việc với mỹ thuật, cụ thể là hội hoạ thì tôi không còn là mình! Và Nếu bạn cũng là người đam mê những tác phẩm đầy cảm xúc ấy, thì nhớ ghé chơi cùng chúng tôi!
Những trải nghiệm của bạn thông qua các dự án?
Không gì hơn ngoài việc càng phấn khích, càng đam mê. Mỗi dự án được hình thành đều có tiêu chí, mục đích và yêu cầu khác nhau. Điều đó tạo nên sự đa dạng trong cách thể hiện, cách tư duy, và phong cách của tác phẩm. Mà “cái mới” thì luôn có một sức hút mãnh liệt. Giống như cách mà mọi người đang say đắm những tác phẩm của Pulu Studio vậy.
Giải pháp sáng tạo của bạn là gì?
Theo Pulu, “Sáng tạo” là một từ ngữ mang hàm nghĩa quá lớn hơn những gì chúng tôi đang thực hiện tại studio của mình. Do đó chúng tôi thường dùng từ “sáng tác” cho đúng. Theo hoạ sĩ Nguyễn Đình Đăng: “Cụm từ ‘hoạt động sáng tác’ 創作活動 (sô-sa-kư kat-sư-đô) thường được dùng để chỉ việc viết văn, vẽ tranh, soạn nhạc của văn nghệ sỹ, y như trong tiếng Việt. Thậm chí, cả trong nấu ăn người ta cũng dùng cụm từ 創作料理 (sô-sa-kư ryô-ri) hàm ý việc làm ra các món ăn theo kiểu của mình. Còn từ sáng tạo (創造) mới là từ thuần túy chỉ việc phát minh hoặc chế tạo ra sự vật chưa từng có. Chặt chẽ mà nói, chỉ có Chúa Trời mới là đấng thực sự sáng tạo khi Ngài sáng tạo ra thế giới và muôn loài, trong đó có con người, mà không theo một cái gì có trước.”
Chân-Thiện-Mỹ chính là giải pháp của chúng tôi. “Chân” nghĩa là đúng. Nghĩa là những gì chúng tôi tạo nên đều dựa theo những tiêu chuẩn nhất định, mang tính đúng đắn đặt lên hàng đầu. “Thiện” là thân thiện, khả thi, phù hợp. Và “Mỹ” là thẩm mỹ, là yếu tố cuối cùng. Kết quả của Chân Thiện Mỹ chính là sự độc đáo, ấn tượng và phù hợp.
Yếu tố văn hóa theo mình thấy trong các dự án. Đó có phải là điểm chính mà Pulu muốn truyền tải là gì?
“Văn hoá” không phải tiêu điểm của chúng tôi. Mà sự pha trộn giữa những câu chuyện với mỹ thuật (trong đó có sử dụng chất liệu văn hoá hoặc không) mới là điều chúng tôi quan tâm nhất.
Thông qua những giai thoại, có thể là cổ tích, truyền thuyết, truyền miệng, hay bất cứ câu chuyện nào có thông điệp rõ ràng, thậm chí từ việc kinh doanh của khách hàng. Khi khoác lên chiếc áo mỹ thuật, nó sẽ tạo nên nét hòa trộn thú vị, độc đáo và khác biệt hơn hẳn.
Quy trình sáng tác trong 01 dự án của các bạn là gì?
Sáng tác dựa trên quy chuẩn chung là hướng đi ít rủi ro mà chúng tôi lựa chọn cho những đứa con của mình. (1) Bước đầu tiên vẫn là nghiên cứu và trao đổi với khách hàng để viết nên hoặc lắng nghe câu chuyện. (2) Đề ra tiêu chí cần thiết cho dự án. (3) Định hướng, đề xuất phong cách thể hiện tác phẩm dựa trên kiến thức về lịch sử mỹ thuật. (4) Phác thảo nhiều phiên bản để lựa chọn ra hướng đi phù hợp với tiêu chí ban đầu. (4) Vẽ tác phẩm. (5) Thiết kế lại cho phù hợp với ấn phẩm mà tác phẩm này ứng dụng lên. (6) Trình bày tất cả trên Presentation.
Hãy kể cho mình nghe về một dự án mà các bạn muốn showcase với độc giả?
Thời điểm này là thời điểm giao mùa, chuẩn bị một năm mới trọn vẹn và đầy hứa hẹn, do đó dự án Tết ắt hẳn sẽ tạo nên cảm xúc tích cực cho mọi người. Dự án tôi muốn giới thiệu là bộ sản phẩm Tết “Ngọc Yến Kim Miêu” của thương hiệu Cici Thượng Đỉnh Yến (tại Hà Nội) mà chúng tôi vừa hoàn thành vào tháng 9.
Phần research (tìm hiểu) của các bạn là gì?
Nghiên cứu chính là bước mấu chốt để quyết định tính khả thi của toàn dự án. Nghiên cứu có 2 phần: thị trường và chuyên môn.
(1) Nghiên cứu thị trường là nghiên cứu về hành vi sử dụng, ý thích, xu hướng, hoàn cảnh, dựa theo mối quan tâm của người tiêu dùng (cả offline và online) để suy ra nhu cầu mà người tiêu dùng thật sự cần thiết.
(2) Nghiên cứu chuyên môn: Bao gồm phong cách thiết kế, kỹ năng vẽ, tư duy sáng tác, màu sắc, tạo hình, bố cục, nghệ thuật chữ. Tất cả đều phải được chọn lọc, hoà hợp lại dựa trên những yêu cầu, phù hợp với tiêu chí chung của toàn dự án, để đề ra được cách thể hiện tốt nhất, phù hợp nhất.
Mình có biết đến Pulu Art & Culture, bạn có thể mô tả nó chi tiết với mình không?
Pulu Art & Culture là một team (nhóm) chuyên nghiên cứu và chia sẻ kiến thức về Lịch sử Mỹ thuật. Vì Art History chính là nền tảng quan trọng nhất cho công việc sáng tác nói chung, vì thế với đội ngũ bao gồm những nhân vật uy tín trong ngành tại Việt Nam và cả nước ngoài, chúng tôi luôn đề cao và mong muốn lan toả kiến thức về Lịch sử Mỹ thuật cho tất cả mọi người.
Ở thời đại phát triển nhanh thần tốc như hiện nay, kiến thức là thứ vô cùng quan trọng hơn bao giờ hết. Là người làm trong lĩnh vực sáng tác, chúng tôi luôn phải nghiên cứu mỹ hàng ngày, bổ túc kiến thức nền tảng không ngừng nghỉ. Nhưng nếu chỉ có chúng tôi nói riêng và những người làm ngành này nói chung làm điều đó, thì cũng không đủ để tác động đến thẩm mỹ chung của xã hội, huống chi là ước mơ cải thiện hay nâng tầm. Do đó chúng tôi cần sự tương tác 2 chiều, từ phía người sáng tác và từ phía người tiêu dùng.
Chính niềm yêu thích của các bạn từ việc tiếp nhận thông tin nhanh trong thời đại số sẽ giúp các bạn tự nguyện học hỏi và thực hành mỹ thuật hàng ngày. Nhiệm vụ mà chúng tôi đặt ra cho Pulu Art & Culture là nghiên cứu và chia sẻ nội dung với hình thức đơn giản nhất, dễ hiểu nhất, tránh đi vào lối mòn khô khan của chủ đề “lịch sử” nói chung, giúp mọi người dễ hiểu, dễ ghi nhớ và thích thú đối với Lịch sử Mỹ thuật.
Điều đó sẽ hỗ trợ rất tốt cho thẩm mỹ của chính các bạn, tô điểm cho cuộc sống của mỗi người chúng ta thêm rực rỡ. Và đó cũng là tiền đề giúp chúng tôi có thể làm việc với khách hàng dễ dàng hơn.
Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi Pulu Studio!
Để lại đánh giá