[Dẫn lời KTS]
Hillside House nằm tại một khu đất có diện tích khoảng 700m2 thuộc khu nghĩ dưỡng bên dòng suối Bùi, xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, gần khu du lịch Thác Thăng Thiên và cách Hà Nội 55 km về phía tây, đây là nơi sinh sống của dân tộc người Mường.
Cảnh quan đặc sắc nhất của khu vực là dòng suối Bùi quanh năm róc rách với sườn đồi hai bên có độ dốc lên đến 45 độ, vốn bị coi là khu vực hạn chế xây dựng. Ngay bản thân khu đất hiện trạng tuy nằm cao và xa hơn sườn đồi nhưng cũng có những vị trí độ dốc lên đến 30 độ. Đây cũng là một thử thách khó khăn cho nhóm kiến trúc sư trong việc qui hoạch giao thông cho khu đất.
Chủ đầu tư có nhu cầu muốn xây dựng 1 ngôi nhà nghỉ dưỡng cuối tuần dành cho gia đình. Mong muốn lớn nhất của chủ đầu tư là ngôi nhà được gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên, có kiến trúc phù hợp với kiến trúc địa phương, tiết kiệm năng lượng khi vận hành và được xây dựng với chi phí thấp.
Từ các yếu tố trên, nhóm kiến trúc sư đã thiết kế ra Hillside House, một ngôi “nhà trên đồi” với hình thái thấp thoáng nhà sàn của người Mường. Vật liệu xây dựng chủ yếu là vật liệu địa phương khai thác ngay trong khu vực như đá hộc, cây trúc, tre, lá cọ, v.v… kết hợp với các vật liệu đặc trưng của miền Bắc như đá phiến, đá ong màu vàng.
Ngôi nhà có hệ khung kết cấu bằng thép tổ hợp, thời gian thi công nhanh, kết cấu gọn nhẹ tuy nhiên rất bền vững. Các đội thợ thi công hầu hết là người Mường sinh sống tại đây nên nhóm kiến trúc sư đã rất cố gắng đưa ra phương án kiến trúc đơn giản nhưng đảm bảo công năng sử dụng một cách tối ưu nhất.
Ngôi nhà có 1 tầng trệt và 1 tầng áp mái. Tầng trệt có diện tích sử dụng 70m2 bao gồm phòng khách, phòng ăn, bếp liên thông, 1 phòng vệ sinh chung tiêu chuẩn. Cốt sàn tầng 1 được nâng cao hơn so với phần đất xunh quanh là 1,2m ngoài việc để cho người sử dụng có thể bao quát toàn bộ cảnh quan khu vực, còn có tác dụng ngăn ngừa bò sát, côn trùng có tác dụng gây hại, làm cho không khí luôn đối lưu, tạo được môi trường sinh hoạt thoáng mát và tránh được sự ẩm ướt do đất thẩm thấu lên.
Trước nhà có một bể cá bao quanh là một điểm nhấn thú vị, thêm tác dụng làm mát luồng không khí thổi qua nhà. Trong giai đoạn đầu, giải pháp bao che cho không gian tầng 1 thay cho hệ cửa sổ kính trượt gập (sẽ đầu tư vào giai đoạn sau) là hệ rèm trúc. Mỗi khi rèm trúc được kéo lên thì cảnh quan khu vực được nhìn qua hệ cột thép của ngôi nhà và lan can tre tạo thành 1 bức tranh thiên nhiên vô cùng lãng mạn.
Tầng 2 có diện tích sử dụng 50m2 vừa là không gian sinh hoạt chung vừa là nơi ngủ nghỉ của gia đình, được bao che bằng hệ vách kính để không hạn chế tầm nhìn ra xa toàn cảnh đồi núi. Hệ mái của nhà với khung chịu lực làm bằng tre và lợp bằng lá cọ dày gần 50cm nên không khí trong nhà lúc nào cũng mát mẻ ngay cả vào những ngày hè nóng nực nhất.
Khi ngôi nhà được xây dựng xong thì cũng là lúc cảnh quan của khu đất đã được phủ xanh toàn bộ nhờ vào bàn tay chăm chút của người chủ đầu tư yêu thiên nhiên. Các chủng loại cây xanh ở công trình rất đa dạng, từ các cây ăn quả, cây bóng mát đến đủ các loại rau phục vụ cho gia đình. Hệ thống tưới tiêu và nước sinh hoạt đều được lấy từ mạch suối ngầm kết hợp với giếng nước mưa qua qui trình lọc bằng vật liệu tự nhiên và luôn cung cấp đủ cho sinh hoạt, không cần sử dụng nước máy.
Cuối cùng nhóm kiến trúc sư đã hoàn thành nhiêm vụ trao lại cho chủ đầu tư một ngôi nhà sinh thái, một không gian nghỉ dưỡng hết sức “thiên nhiên”.
- Thiết kế: TOOB STUDIO
- Diện tích sàn: 80 m²
- Địa điểm: Kỳ Sơn, Hòa Bình
- Năm: 2014
- Hình ảnh: Lê Anh Đức, Vũ Ngọc Hà
Để lại đánh giá