Hoàng Thái Thanh: Mùa diễn đầu tiên và “Mùi của hạnh phúc”

Ngày 10-9 tới, ngay sau giỗ Tổ sân khấu, Hoàng Thái Thanh sẽ ra mắt vở kịch mới “Mùi của hạnh phúc”. Đây là một dấu mốc đặc biệt khi sân khấu vừa kết thúc chương trình 10 vở diễn tiêu biểu và chuyển sang hình thức diễn kịch theo mùa. 

Vì sao lại là “Mùi của hạnh phúc”? Vì sao lại chọn một đề tài rất khác so với tất cả những vở trước đây của Hoàng Thái Thanh? Và sao phải gấp rút ra mắt ngay đầu tháng 9? Có rất nhiều câu hỏi và cũng chính là mong đợi từ các khán giả dành cho sân khấu trước thềm vở diễn đặc biệt này! 

Nghệ sĩ Ái Như: Cuối cùng, mình chọn hạnh phúc

Vì sao lại là “Mùi của hạnh phúc”?

Nghệ sĩ Ái Như: Mình chọn lựa cũng nhiều, rồi cuối cùng, mình chọn hạnh phúc. Nhưng tại sao lại có mùi, thì phải coi mới biết được (cười). Vì đó là cái luận về hạnh phúc trong mỗi nhân vật, là những mái ấm, những cuộc hôn nhân, những chuyện tình yêu… trong đó gặp phải những gì? Phải coi thì mình mới luận được, đúng không?

Nhưng chị ưng ý với cái tên này?

Nghệ sĩ Ái Như: Ưng, mình rất ưng. Nhưng không biết khán giả nghe có thấy tò mò? Vì hạnh phúc là vô hình, còn mùi thì rõ ràng. Hai cái đó, một là thực thể, một là cảm giác, khá thú vị. 

Để chuẩn bị cho mùa diễn này, mình đã khởi động từ đầu năm, tìm nhiều ý tưởng, nhưng đến ý tưởng này mới “đậu” lại được để phát triển thành “Mùi của hạnh phúc”.

Điều gì đã giúp “Mùi của hạnh phúc” “đậu” lại để mở màn mùa diễn đầu tiên?

Nghệ sĩ Ái Như: Đó là chuyện vấp ngã của những người trẻ. Vai chính do Thúy Diễm đóng, là một sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp giỏi, ngoan và đầy sức sống. Cô khao khát hạnh phúc, một mong ước hoàn toàn chính đáng, nhưng lại chọn con đường không chính đáng để đạt được. Vì vậy, sai lầm này tiếp nối sai lầm khác khiến cuộc đời cô đầy bất hạnh. Khi người trẻ vấp ngã, phải làm thế nào để đứng lên? Nếu biết mình sai, phải quay về như thế nào? 

Chuyện vậy thôi, vì đề tài sugar baby trong xã hội hiện tại khá nhiều. Có người gặp lý do khác, những bất trắc cuộc đời buộc họ phải chống đỡ, nhưng cũng có người không phải vậy. Đây là một thân phận mà mình muốn kể trong đề tài này.

Riêng chị, chị tâm đắc nhất điều gì với “Mùi của hạnh phúc”?

Nghệ sĩ Ái Như: Bên cạnh sự vấp ngã của những người trẻ, kịch còn là chuyện của những cặp đôi đi tìm hạnh phúc ra sao? Đôi khi có người đã nắm hạnh phúc trong tay, nhưng lâu quá họ quên mất, họ đi tìm hạnh phúc khác và phá vỡ cái mình đang có. Chị thích cái ý đó. 

Có được hạnh phúc thì dễ hay khó? Và giữ được hạnh phúc thì khó hay là khó hơn?

Cảm giác trước mùa diễn đầu tiên có khác những lần ra mắt vở mới trước đây?

Nghệ sĩ Ái Như: Áp lực hơn! Vì lúc trước mình còn vở này vở kia để sắp xếp, còn đây là mùa đầu và chỉ có một vở này, không biết món ăn này mình đưa đến khán giả có vừa miệng, vừa ý không? Rồi phải chuẩn bị rất nhanh, từ tháng 7 tới giờ vừa viết kịch bản, mời diễn viên, vừa viết tiếp đề cương chi tiết… 3 ngày trước khi lên sàn diễn viên mới có kịch bản hoàn chỉnh, nó “chí mí” tới mức đó! 

Mình rất hưng phấn, nhưng cũng rất mệt và căng thẳng. Đây là một kịch bản mới toanh. Trong giai đoạn xã hội này mình thấy có những vấn đề như vậy, nhưng liệu khán giả có đón nhận không? 

Theo chủ quan của mình, một câu chuyện hấp dẫn phải đầy những cú twist, và vở này có những khúc cua, gập khá thú vị. Mình thích, nhưng khán giả thì chưa chắc nên vẫn hồi hộp. 

Gấp rút như vậy, vì chị muốn ra mắt mùa diễn đầu tiên ngay dịp giỗ Tổ sân khấu? 

Nghệ sĩ Ái Như: Mình chọn dịp này, vì nếu xem sân khấu là nhà, mình luôn muốn nhà mình ấm áp. Giỗ Tổ là ngày quyện mùi hương khói và lòng biết ơn của những đứa con với gia đình, với Tổ nghiệp. 

Năm ngoái không thể giỗ Tổ vì dịch, mỗi nghệ sĩ phải tự bày hương án ở nhà và cúng vọng, còn ở đây rất lạnh lẽo. Năm nay, mình mới chấm dứt 10 vở tiêu biểu và vào mùa diễn, bằng mọi nỗ lực, mình cố gắng ra mắt trong tháng 9 và sát ngày giỗ Tổ, để được thắp hương khấn Tổ tụi con đã trở về. Đó như là sự an ủi và ấm áp, là động lực để mình đứng dậy đi tiếp. 

Ngày 6-9 phúc khảo, 7-9 giổ Tổ, 8-9 ra mắt báo chí, 10-9 sneak show lại là trung thu. Mình mong mọi thứ quây quần trong thời gian đó sẽ mang đến mọi điều tốt đẹp cho mùa diễn đầu tiên này.

Huỳnh Công Hiển: Một chương mới cho chính mình và cả sân khấu

Điều gì thực sự thu hút Hiển ở “Mùi của hạnh phúc” lần này?

Một câu chuyện Hoàng Thái Thanh mà không phải ở miền quê, không phải của những thập niên 70 – 80 – 90, không phải lấy cảm hứng từ cải lương, mà là một câu chuyện về những vấn đề chúng ta đang đối mặt hiện tại: sugar baby và ngoại tình.  

Sân khấu không đặt ra những câu hỏi ai đúng, ai sai? Mà đi vào những nỗi đau của thời đại: vì sao họ làm như vậy? Điều gì đưa họ đến con đường đó? Hoàng Thái Thanh đi vào những góc nhìn khác.

Khi kế hoạch diễn kịch theo mùa không còn là ý tưởng hay kế hoạch, mà đang thành hiện thực ở ngay trước mắt, Hiển thấy thế nào?

Sợ hãi dữ lắm, rất sợ. Vì từ kịch bản ra vở diễn đã khác, còn đây là từ chiến lược thành hiện thực, còn khác nhiều nữa. Trong đầu mình từ sáng đến tối chỉ có kế hoạch, kịch và vé thôi, không còn nghĩ được gì khác. Gần như ăn, ngủ, nghỉ… đều tự hỏi: liệu thành công không? Liệu khán giả có đón nhận không? Liệu có bán được hết vé không? Rồi khi thấy khán giả mua vé vở mới nhiều, mình lại lo không biết vở có đáp ứng được kỳ vọng, có trụ vững vàng được 3 tháng trong mùa không?

Những điều đó ám ảnh mình, và mỗi ngày trôi qua nỗi sợ đó ngày một lớn hơn, lớn hơn nữa… Mình chỉ có thể cố gắng giữ bình tĩnh và vững bước đi tiếp thôi.

Điều gì giúp Hiển tự tin để đi tiếp trong? 

Mình biết chắc mình đang làm hết sức, đó là điều luôn an ủi và giúp mình nhẹ lòng hơn khi bị quá tải. Vì khi đã làm hết sức và không bao giờ nói đến bỏ cuộc, thì mình chẳng có gì để hối tiếc cả. 

Ra mắt mùa diễn mới đúng vào dịp giỗ Tổ sân khấu và trung thu, Hiển cảm nhận thế nào trong những ngày đặc biệt liên tiếp này?

Rất hạnh phúc, giống như một người con xa quê được trở về nhà vậy. Vì chưa bao giờ mình nghĩ Giỗ Tổ mà không được lên sân khấu, dễ sợ lắm. Năm ngoái là một sự mất mát với tụi mình. Nên năm nay, khi Giỗ Tổ nằm gần với sneakshow và ngay sau ngày phúc khảo, mình thấy đó như một dịp chuẩn bị cho Tết, một sự khởi đầu mới, một chương mới cho chính mình và cả sân khấu.

Khi sân khấu chuyển mình sang mùa diễn, Hiển cảm nhận thay đổi rõ nhất ở điều gì?

Ở từng con người trong sân khấu, từ diễn viên đến nhân viên, cộng tác viên. Mọi người đều nhận thức rõ đây là một bước ngoặc lớn nên đều hết lòng hết chí, cả người mới lẫn người cũ. Có người không sắp xếp đi cùng nhau đợt này nhưng vẫn luôn dõi theo để biết sân khấu đang ở đâu và đang ra sao?

Đây cũng là một vở có nhiều nhân tố mới, Hiển cảm nhận thế nào về đội ngũ trẻ này?

Vì Hoàng Thái Thanh như một ngôi nhà nơi mọi người tụ họp với nhau, nên dù trẻ hay lớn thì đều vui, có người mới thì thêm bạn mới. Chị Thúy Diễm là người năng nổ, chịu khó và ít khi e dè với thử thách mới. Có thể có chút đắn đo không biết mình làm tốt được không, nhưng chị không bao giờ nói mệt quá, làm không được, mà sẽ cố gắng và không lùi bước. Dù biết khó, chị cũng sẽ tiến lên cùng mình.

Một tinh thần rất Hoàng Thái Thanh đúng không? Vậy Hiển còn điều gì muốn tâm sự cùng các khán giả trẻ?

Không biết mọi người sẽ đón nhận ra sao? Nhưng mình rất mong đây sẽ là một vở kịch mà mỗi chúng ta đều có thể nhìn thấy đâu đó một góc nhìn mà mình cảm thấy thân quen. Đơn giản chỉ như vậy thôi!

Diễn viên Thúy Diễm: “Nàng thơ” mới của sân khấu

Cảm nhận của Diễm khi lần đầu “chào sân” trong vở mới mở màn mùa diễn đầu tiên?

Mình vừa hồi hộp, vừa hào hứng, vì trước giờ người ta chỉ biết Thúy Diễm trên phim, nên khi có duyên về sân khấu, mình rất hạnh phúc. Càng vinh dự hơn khi mình được thầy Hội và cô Như tin tưởng giao cho một vai khá nặng về tâm lý. Khán giả của Hoàng Thái Thanh luôn kỹ tính và yêu cầu cao về chất lượng nghệ thuật. Mọi người lại đang có một khởi đầu mới, và viên gạch đầu tiên phải thật ấn tượng, nên “lính mới toe” như mình càng phải nỗ lực hơn nữa. 

Mối duyên cho lần hợp tác này đến với Diễm như thế nào?

Mình là một khán giả mê kịch Hoàng Thái Thanh từ rất lâu rồi. Màu sắc của sân khấu rất khác. Mỗi khi xem về, trong mình luôn đọng lại nhiều cảm xúc. Vở nào mình cũng thích, và mỗi lần như vậy, “máu nghề” của mình như nổi lên. Mê lắm. Mình cũng hy vọng có dịp được ở trên sân khấu để truyền lại cho khán giả những cảm xúc sâu sắc như mình từng được cảm nhận. Có lẽ thầy cô đã nhìn thấy một cô khán giả quen mặt mà còn đến xem thường xuyên, nên đã cho mình cơ hội được về diễn với sân khấu. 

Diễm từng diễn trên sân khấu lần nào chưa? Có gặp nhiều thách thức với vai diễn này?

Trước đây, mình có diễn vở “Cần ai đó để yêu thương” ở sân khấu Idecaf, nhưng chỉ là một vai nhỏ. Diễm là diễn viên tay ngang, không được đào tạo bài bản. Nghề diễn viên với Diễm là duyên, và mình may mắn được khán giả đón nhận ở lĩnh vực điện ảnh. Nhưng kịch nói lại đòi hỏi những kỹ năng mà sinh viên trường sân khấu điện ảnh mới được học, nên giờ Diễm đang học rất nhiều điều mới. 

Diễn kịch khác hẳn với những gì mình từng biết. Điện ảnh mộc và đời, còn sân khấu kịch nói thì phải mang cảm xúc đến cho khán giả thông qua hành động, cảm xúc và giọng nói nữa. Đây là điểm Diễm cần khắc phục nhiều nhất. Mỗi ngày, Diễm đều đang rèn luyện, tự tập tại nhà và lên sân khấu tập với thầy cô để hoàn thành tốt vai diễn này.

Diễm đồng cảm điều gì ở vai diễn này?

Khi nghe thầy cô kể về nhân vật này lần đầu, Diễm đã khóc rất nhiều, cảm thấy sao lại có một cuộc tình, một hoàn cảnh bi thương quá? Mình rất đồng cảm. 

Đây là một nhân vật rất gần gũi. Một cô gái trẻ mang nhiều hoài bão, ước mơ cho tương lai. Khi yêu thì mơ ước về một happy ending, một ngôi nhà và những đứa trẻ, mọi thứ đều màu hồng… Nhưng cuộc sống lại mang đến cho cô một ngã rẽ khác. Và khi đứng giữa những lựa chọn, cô ấy lại chọn sai, khiến mọi mơ ước của cô đều không thể thành hiện thực. Nhân vật mang lại nhiều day dứt và những thông điệp, đặc biệt cho những cô gái trẻ, để suy nghĩ kỹ hơn trước khi làm bất cứ việc gì.

Đó là về số phận nhân vật, còn khi hóa thân trên sân khấu, có gì khiến Diễm thấy khó?

Diễm phải thể hiện sao cho khán giả cảm nhận được nhiều cung bậc cảm xúc của nhân vật, từ háo hức mong chờ đến đau khổ khi gặp biến cố. Khó nhất là cảnh diễn tay đôi với thầy Thành Hội. Thầy vào vai Papa còn mình là sugar baby. Diễm rất ngại, vì diễn cảnh tình tứ với bạn diễn trẻ và có đoàn phim thì đỡ e dè mắc cỡ hơn. Còn khi mình diễn cảnh này với người đáng tuổi cha chú mình, lại còn trước mắt hàng trăm khán giả ngồi xem ở dưới, đó là thử thách rất lớn mà Diễm buộc phải diễn tả được. 

Từ vở này, sân khấu sẽ diễn theo mùa. Có khó cho Diễm khi sắp xếp lịch trình?

Khi cô Như gọi điện mời Diễm, mình đã nói: Cô yên tâm, tất cả công việc hiện tại em sẽ không nhận để toàn tâm toàn ý với sân khấu, với “Mùi của hạnh phúc”. Diễm sẽ không đi phim hay show nào khác, chỉ dành tâm huyết cho đến hết mùa diễn. 

Diễm nghĩ đây là một hướng rẽ mới cho mình, vì khi nghệ sĩ được đứng trên sân khấu và đối diện khán giả, sống hết mình với nhân vật, mang lại những cảm xúc chạm đến từng trái tim, thì giống như đang ở trong thánh đường vậy. Đó là điều rất thiêng liêng mà từ trước đến giờ các anh chị đã làm, và Diễm hy vọng đến lúc chín muồi, mình cũng được như vậy. 

Diễm có điều gì muốn nhắn nhủ với khán giả trẻ của RGB?

Cuộc sống mỗi chúng ta đều có nhiều mùi vị. Khi nồng ấm yêu thương, khi đau khổ, mất mát hay sai trái, sẽ có mùi vị khác nhau. Có người lầm đường lạc lối là đánh mất bản thân, có người lại mạnh mẽ bước tiếp… Đó là ý tứ rất nhân văn mà Diễm tâm đắc.

“Mùi của hạnh phúc” sẽ là điều gì đó khiến bạn phải suy nghĩ về hướng đi của cuộc đời, nhất là những bạn trẻ đang ở độ tuổi định hướng tương lai. Bạn hãy đến xem để biết đâu là hướng đi tốt nhất? Đâu là nơi mình thấy hạnh phúc nhất? Và Diễm hy vọng các bạn đón nhận vở kịch này, nhất là các bạn trẻ. 

Thực hiện: Thụy Du