Huỳnh Lân – Một nhà thiết kế đồ họa đến từ Cần Thơ. Tác phẩm của Huỳnh Lân với sự chi tiết trong cách thể hiện chủ thể, tác phẩm đồ họa khi in ấn thủ công cũng không kém tỉ mỉ trong công tác thực hành sáng tạo.
Bài viết mô tả về sự tỉ mỉ, sự bình tĩnh trong nhịp độ phát triển sản phẩm – một trong những tính cách tốt, đáng học hỏi, tạo ra nhiều hiệu ứng bất ngờ, đôi khi bạn sẽ chậm lại một chút để nhìn nó. RGB đã cùng trò chuyện với Huỳnh Lân thông qua bài viết này, mời bạn theo dõi.
Bạn có thể giới thiệu đôi chút về bản thân đến độc giả của RGB?
Xin chào, mình là Lân. Mình sinh ra và lớn lên ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện mình sinh sống, làm việc và thực hành đồ họa tại Cần Thơ. Đối với mình sáng tạo là một cách thể hiện quan điểm, bằng cách này hay cách khác. Đồ họa in ấn (printmaking) là phương thức mình lựa chọn để biểu đạt những ý tưởng trong tâm trí mình.
Nguồn cảm hứng để bạn tạo nên các tác phẩm printmaking là gì?
Hiện tại các tác phẩm của mình được truyền cảm hứng bởi thế giới nội tâm. Hai tác phẩm đầu tay của mình có tên “Qua vùng nước thẳm” và “Invisible vines” được rất nhiều người đón nhận có lẽ cũng bởi vì nó diễn tả những trạng thái cảm xúc chúng ta đều gặp phải trong đời như nỗi buồn hay sự cô đơn. Những tác phẩm của mình đa số truyền đi thông điệp về mối quan hệ giữa con người với chính mình, với người khác và với thế giới tự nhiên.
Mức độ bình tĩnh khi bạn đang sáng tạo nếu được đo theo thang điểm, bạn sẽ cho nó là bao trên /10? Và nhịp độ bình tĩnh đã mang lại cho bạn hiệu quả sáng tạo bất ngờ như thế nào?
Mình nghĩ điểm cho sự bình tĩnh khi sáng tạo của mình hiện nay sẽ ở mức 8/10, ở mức này thì mình đã tự cảm nhận được lúc nào mình đang mất bình tĩnh và có thể ý thức làm gì đó để tìm lại sự bình tĩnh. Đối với riêng printmaking, mình nghĩ sự bình tĩnh là cần thiết khi thực hiện khuôn và tiến hành in ấn. Với printmaking, đặc biệt là khi mình thực hiện những tác phẩm quan trọng, thì mỗi sai lầm đều phải được trả giá bằng nhiều thời gian và công sức làm lại. Khi mình bình tĩnh sẽ ít phạm phải sai lầm hơn, nhờ đó mà thời gian hoàn thành tác phẩm và độ hoàn thiện của tác phẩm cũng hiệu quả hơn dự kiến.
Sáng tạo bình tĩnh, bạn có cảm thấy bị “FOMO” trong dòng chảy hối hả hiện đại không?
Nhiều lúc mình cũng bị cuốn theo ý nghĩ phải hoàn thành nhiều tranh trong một thời gian nhất định. Suy nghĩ thường trực trong đầu của mình mỗi khi nghĩ đến sự nghiệp sáng tạo sẽ là: với tốc độ như hiện tại thì mỗi năm mình chỉ có thể hoàn thành được 1-2 tranh trong khi còn quá nhiều ý tưởng chưa thực hiện. Mình cần phải đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nhiều tác phẩm hơn. Tuy nhiên, printmaking không phải một bộ môn có thể thực hiện với tâm thế gấp rút nên mỗi khi mình ở trong trạng thái không bình tĩnh là sẽ phạm lỗi trong công việc, thường là khắc hỏng đường nét hoặc in hỏng. Mỗi lần như vậy mình tự nhắc nhở bản thân phải nhớ giữ bình tĩnh.
Dự án gần đây nhất của bạn là gì? Bạn có thể kể về nó không?
Dự án gần nhất của mình là một tác phẩm có tên ‘Río Loco’ (crazy riverflow). Theo như tên gọi, tác phẩm này diễn tả dòng chảy của một tâm trí tự do sáng tạo. Điều đặc biệt của tác phẩm này là nó được tạo nên hoàn toàn ngẫu hứng: mình đã vẽ những đường nét đầu tiên của tranh theo những vân gỗ tự nhiên của tấm gỗ và từ đó triển khai những nội dung khác. Hiện tại mình có phiên bản risograph của ‘Río Loco’ được in tại Cần Thơ bởi studio Lộn Xộn. Phiên bản risograph này được hỗ trợ thực hiện bởi hai người bạn nghệ sĩ của mình, một người tô màu và một người thực hiện vẽ chữ cho tựa đề của tranh.
Quy trình sáng tạo tác phẩm printmaking của bạn là gì? Có nhiều khác biệt so với quy trình painting hoặc digital illustration không?
Thông thường mình sẽ vẽ trực tiếp lên tấm gỗ hoặc linoleum và tiến hành khắc tranh. Vừa khắc mình vừa điều chỉnh nét vẽ cho phù hợp và suy nghĩ về màu sắc của tranh. Mình nghĩ sáng tạo tác phẩm printmaking cũng giống như painting hoặc illustration về mặt ý tưởng hay quy trình. Điều khác biệt ở đây có lẽ là cách thức và công cụ để hoàn thành tác phẩm.
Bạn có thể mô tả về cách chọn chất liệu khắc, giấy và mực in không? Bạn đã làm thế nào để kết hợp các nguyên liệu một cách tốt nhất?
Mình lựa chọn giấy dó và giấy dướng thủ công của Việt Nam để in các tác phẩm vì tính nguyên bản và độ bền của các loại giấy này. Mình chọn mực in khắc nổi gốc dầu và có màu sắc phù hợp với giấy. Mục tiêu quan trọng nhất của mình khi chọn chất liệu là tạo nên những bản in có giá trị lâu bền và có tính sưu tầm cao, ít bị ảnh hưởng bởi các điều kiện của môi trường như độ ẩm hay ánh sáng. Thật may vì mọi thứ mình chọn đã kết hợp với nhau rất tốt.
Ngoài đam mê printmaking bạn còn niềm yêu thích đặc biệt nào khác không? Niềm yêu thích đó có ảnh hưởng đến các tác phẩm của bạn không?
Ngoài printmaking, mình còn có niềm yêu thích đặc biệt với âm nhạc và vẻ đẹp của cây cối. Âm nhạc truyền cảm hứng đến mình rất nhiều và cho mình những quan điểm quý giá về cuộc sống và con người dưới góc nhìn nghệ thuật. Trong khi thế giới tự nhiên mang đến những ý tưởng đẹp về mặt hình ảnh. Hai niềm yêu thích này ảnh hưởng quan trọng đến nội dung các tác phẩm của mình.
Biên tập: Lê Quan Thuận
Hình ảnh được cung cấp bởi nhân vật!
Để lại đánh giá