Kiến trúc cho cộng đồng: những điều kiến trúc sư tương lai cần biết để thiết kế hiệu quả

Kiến trúc và cộng đồng có mối quan hệ liên kết với nhau, bởi kiến trúc vốn phục vụ cho cuộc sống của con người. Kiến trúc cộng đồng không chỉ tạo nên nét đẹp đô thị, mà còn góp phần gầy dựng văn hóa, đưa con người đến gần nhau hơn và nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt hơn. Chính vì vậy, các kiến trúc sư (KTS), nhà thiết kế cần thấu hiểu cộng đồng để có thể kiến tạo những công trình tốt.

Root Bench – Yong Ju Lee Architecture

Cộng đồng được định nghĩa là sự kết hợp đa dạng giữa nhiều người, chức năng, những ứng dụng xoay quanh gia đình, các mối quan hệ xã hội,… Trong việc thúc đẩy sự kết nối và phát triển của cộng đồng, kiến trúc đóng vai trò trung tâm. Khi được thiết kế đúng cách và thấu hiểu, kiến trúc có thể giúp xây dựng ý thức cộng đồng, gầy dựng văn hóa, đưa cư dân đến gần nhau và nuôi dưỡng mối quan hệ bền chặt hơn.

“Kiến trúc cộng đồng” – Là một hướng riêng trong ngành kiến trúc mà tiếng Anh gọi là “Community Architecture”. Sự ra đời của “kiến trúc cộng đồng” từ hàng ngàn năm trước là khi kiến trúc sư đặt văn hóa người sử dụng là quan trọng nhất trong quá trình thiết kế. Theo chia sẻ từ KTS Nguyễn Chứng Nhân / nForm Architects, “kiến trúc cộng đồng” là những không gian gần gũi, thân thiện với người sử dụng. Các công trình “kiến trúc cộng đồng” phải đạt hiệu quả về công năng, chỉn chu, dễ tiếp cận, và trải nghiệm tương tác với người sử dụng.

Theo năm tháng, những công trình này có thể trở thành những biểu tượng văn hóa, hay điểm sinh hoạt cộng đồng. Do vậy, cho dù là một trạm xe bus hay quán café, khu vườn nhỏ đều đóng góp và tạo ra giá trị to lớn đối với “kiến trúc cộng đồng” bởi vì chúng đơn sơ nhưng gần gũi với người sử dụng.

High Line – Mỹ biến đường sắt trên cao đã qua sử dụng thành công viên

Kiến trúc cộng đồng bao gồm các không gian công cộng và các tòa nhà xung quanh chúng ta, trong hoạt động con người hàng ngày, nó phản ánh các giá trị văn hóa và xã hội qua thời gian. Ngày nay ở những nước phát triển họ tạo ra cả những “nếp” hay “phép lệ” trong văn hóa ứng xử trong không gian cộng đồng qua các tiêu chuẩn thiết kế cộng đồng. Từ đó giúp chuẩn hóa các không gian công cộng, các quy hoạch không gian, tạo ra nếp sống mới tươi đẹp và văn minh hơn.

Vậy để tạo ra một công trình kiến trúc cộng đồng, các nhà thiết kế và kiến trúc sư phải lưu ý những điều gì? Dưới đây là một số khái niệm cơ bản dành cho sinh viên và các kiến trúc sư tương lai tham khảo:

Vai trò của văn hóa

Khi thiết kế các tòa nhà hay không gian cho cộng đồng, văn hóa đóng một vai trò quan trọng. Văn hóa bao gồm nhiều yếu tố như lịch sử, tôn giáo, tập quán và các yếu tố khác. Văn hóa cũng xác định kinh nghiệm, phong tục và lý tưởng sống của đại đa số cư dân tại một khu vực.

Văn hóa cũng đóng một vai trò to lớn trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến quan điểm, giá trị, ước mơ, hy vọng, lòng trung thành, lo lắng và sợ hãi của con người. Hiểu biết về văn hóa là điều tối quan trọng cho nhà thiết kế nếu mục đích của dự án là đưa cư dân đến gần nhau hơn.

Beyond Survival – Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái ở Rizvi Hassan. Đây là một nơi được thiết kế dành cho những người tị nạn Rohingya, họ đã phải chiến đấu với những tổn thương về nơi ở, sức khỏe, dinh dưỡng và cả cảm xúc. Do đó dự án này được thực hiện để giúp họ có thể khôi phục lại tinh thần cũng như có nơi an toàn để sinh hoạt, học tập.

Vật liệu được sử dụng trong Beyond Survival rất cơ bản và sẵn có ở gần đó. Tre làm kết cấu, rơm / cỏ khô với bạt làm vật liệu lợp (yêu cầu thay đổi luân phiên sau hơn 1 năm hoặc bằng vật liệu bền khác để sử dụng lâu hơn). Địa điểm nằm trong khu vực dễ xảy ra lốc xoáy và vì vậy các KTS đã phải tránh các vật liệu có thể gây nguy hiểm khi xảy ra thiên tai.

Thấu hiểu nhu cầu của cộng đồng

Một trong những điều quan trọng khi bắt đầu thiết kế, xây dựng hay vận hành bất kỳ một không gian công cộng chính là xác định nhu cầu sử dụng, cũng như đời sống vật chất, tinh thần của dân cư tại khu vực đó. KTS phải hiểu rõ nhu cầu của cộng đồng mà họ chuẩn bị thiết kế mới có thể tạo được những không gian tăng cường kết nối và mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau. Cộng đồng dân cư là những người có thể đưa ra quan điểm về lịch sử, hiểu biết về tập quán và những sự kiện, vấn đề quan trọng tại địa phương.

Tapis Rouge là một trong những không gian công cộng ở Carrefour-Feuilles, Haiti được thiết kế đa chức năng, vừa là nơi khuyến khích các tương tác xã hội, vừa là một nơi an toàn cho cộng đồng, nơi không có bạo lực và tội phạm.

– Bắt đầu bằng việc đặt câu hỏi cho cư dân

Hãy hỏi những người sẽ sinh sống và sử dụng công năng của các công trình về nhu cầu của họ. Tổ chức một buổi trò chuyện trực tiếp, phỏng vấn họ, thực hiện các cuộc thăm dò ý kiến hoặc khảo sát. Thông qua các phương pháp này, người sử dụng tiềm năng của các dự án sẽ trả lời và giải thích các nhu cầu cơ bản của họ cũng như cách thức mà không gian hoặc môi trường xung quanh giúp điều kiện sống của họ tốt hơn.

– Trò chuyện với cư dân của các cộng đồng tương tự

Nếu các công trình cho cộng đồng tương tự đã được xây dựng trong quá khứ, thì việc trao đổi với các cư dân nơi đây là rất hữu ích. Các yêu cầu có thể khác nhau nhưng ít nhất KTS sẽ có cái nhìn rõ hơn và có thể đưa ra ý tưởng về cách thiết kế cũng như cải tiến cho các tòa nhà.

– Hãy cụ thể hóa

KTS nên hỏi những câu hỏi cụ thể nếu nhu cầu của cư dân chưa được rõ ràng. Thêm vào đó, các câu hỏi cũng nên được điều chỉnh hoặc diễn đạt lại để hiểu câu nào cần ưu tiên hơn. Hơn nữa, những nghiên cứu về độ tuổi, tầng lớp, phong cách sống… của đại đa số cư dân tại khu vực đó cũng giúp KTS đưa ra những giải pháp phù hợp cho số đông.

– Nghiên cứu cùng các chuyên gia

Thảo luận về nhu cầu của cư dân, cách tiếp cận thiết kế và các công năng mong muốn với các chuyên gia. Chẳng hạn như các chuyên gia tâm lý có thể chỉ ra những nghiên cứu thiết thực về hành vi xã hội của cư dân tại một khu vực. Một số nơi nhiều người mắc chứng trầm cảm hay khu vực thường xảy ra tệ nạn,… cũng là những thông tin quan trọng để KTS tạo ra thiết kế phù hợp. Thậm chí, các vấn đề về địa lý, môi trường nếu được nắm rõ cũng giúp ích rất nhiều trong việc thiết kế.

– Tương tác với những người thuộc các nền văn hóa hoặc vùng miền khác nhau

KTS nên tương tác với những người thuộc các nền văn hóa hoặc vùng miền khác nhau để thấy được sự khác biệt và tìm ra mẫu số chung cho thiết kế và không gian hiệu quả hơn.

Superkilen là công viên được thiết kế như một khu vườn lớn ở Đan Mạch. Công viên nằm gần một khu đô thị được đánh giá là nơi có dân cư đa dạng và phức tạp nhất Đan Mạch, các cư dân tại đây đến từ 60 quốc gia khác nhau với văn hóa, truyền thống cũng như phong tục tập quán khác biệt.

Công viên được thiết kế với 3 phần bao gồm quảng trường đỏ, quảng trường đen và công viên xanh. Trong công viên, cảnh quan và hoạt động hết sức đa dạng từ thể dục thể thao cho đến vườn cảnh thiên nhiên.

Khu vực quảng trường đỏ được tạo ra như là nơi thường diễn ra các hoạt động thương mại, văn hóa của địa phương, quảng trường đen là nơi gặp gỡ, giao lưu và công viên xanh là nơi dành cho hoạt động thể thao và sân chơi tập thể.

Không chỉ là một thiết kế mà là tạo ra một điểm đến

Một không gian công cộng hoạt động tốt phải đạt được các tiện nghi vật lý (tiện ích, cảnh quan, thiết bị). Mọi người thường yêu thích ghé đến một nơi công cộng có cảnh quan đẹp, có nhiều tiện ích cũng như các hoạt động thú vị, thoải mái để sử dụng.

Doodle Park ở Trung Quốc là một quy hoạch tổng thể tích hợp các cơ sở giáo dục, dân cư và thương mại. Ý tưởng thiết kế cảnh quan và sân chơi này như những bức vẽ nguệch ngoạc của trẻ em trên một tờ giấy, tạo ra các khu vực nghỉ ngơi và vui chơi cũng như các tiện ích thể thao công cộng. Dự án được thiết kế bao gồm 30% tỷ lệ mảng xanh cùng với các khu chức năng.

Những nguyên tắc chung trong thiết kế kiến trúc cho cộng đồng

Kiến trúc cộng đồng phải đạt được những ý chính cơ bản sau:

  • Hình khối, mảng miếng và cấu trúc phải hấp dẫn và phong phú.
  • Vật liệu, màu sắc, ánh sáng hài hòa với kiến trúc hiện có trong khu vực.
  • Quy mô phải phù hợp với các tòa nhà, công trình khác trong vùng lân cận.

Theo đó, công trình cộng đồng phải đảm bảo yêu cầu công năng, linh hoạt trong sử dụng, phong phú về hình thức, thiết kế, chiếu sáng tự nhiên, ánh sáng nhân tạo, màu sắc, vật liệu… Ngoài ra phải thấu hiểu các yếu tố ngoại cảnh tác động đến giao tiếp và mối quan hệ của con người, từ đó đưa ra các thiết kế thúc đẩy việc trò chuyện, tương tác giữa những người lạ chưa từng biết nhau.

Cách mà kiến trúc mang mọi người đến gần nhau hơn

Các công trình công cộng hay sân chơi nên hướng tới việc kết hợp đa chức năng để tạo sự phong phú, kết nối con người và phục vụ nhiều đối tượng.

Horse Land (Thượng Hải) – một khu vui chơi và thể thao kết hợp dành cho nhiều đối tượng khác nhau, từ trẻ em, người trẻ cho đến gia đình. Không gian là nơi để mọi cư dân có thể cùng nhau giải trí và tập luyện trong bối cảnh đô thị tấp nập và bận rộn.

Trải nghiệm nhiều lớp đang là thể nghiệm mới; đề cao tương tác và thúc đẩy kết nối. Một thiết kế công trình công cộng phải mang lại sự đa dạng và có thể được sử dụng theo nhiều cách để nó vẫn sôi động suốt cả ngày đêm.

Urban Bloom ở Trung Quốc là một dự án thử nghiệm, biến nơi từng là bãi đỗ xe thành một khu vườn đô thị lý tưởng chỉ với những vật liệu tái chế. Những tấm pallet gỗ được thiết kế như những đường sóng nhấp nhô, tạo không gian phù hợp với các cuộc tụ họp, gặp gỡ. Nơi đây cũng được dành cho các sự kiện nhỏ, chỗ ngồi ngoài trời cho nhóm đông người,… Các không gian xung quanh cũng có thể trở thành nơi để thưởng thức cà phê, giải trí hay họp nhóm.

Đẩy mạnh tính trải nghiệm thực tế

Một cá nhân sẽ trải nghiệm kiến trúc bằng cách sử dụng và tương tác với không gian kiến trúc đó. Chính vì vậy, kiến trúc dành cho cộng đồng nên được chế tác đẹp mắt cùng công năng hợp lý để tạo ra một khu phức hợp văn hóa truyền cảm hứng và đáp ứng sự chờ đợi của công chúng.

Ví dụ, một trường mẫu giáo dành cho trẻ em dưới 6 tuổi nên được thiết kế theo cách khuyến khích sự tương tác. Nó nên có thêm hành lang, đường dốc hơn là cầu thang và phải mang tính khuyến khích việc học tập. Thêm vào đó, nó nên được chú ý theo cách mà cha mẹ có thể đưa đón trẻ một cách tiện lợi. Điều này sẽ cho phép các bậc phụ huynh tương tác với những bậc phụ huynh khác, xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ hơn.

Một ví dụ về công trình Farming Kindergarten – ngôi trường mẫu giáo xanh ở Biên Hòa với sân chơi rộng lớn trải dài liên tục trên mái. Thiết kế tận dụng không gian và tăng cường các hoạt động thể chất gắn liền với thiên nhiên. Mái nhà xanh mát của Farming Kindergarten có hình dạng như ba vòng tròn được vẽ bằng một nét đơn, bao quanh ba khu sân bên trong làm sân chơi an toàn cho trẻ. Một vườn rau thử nghiệm cũng đã được hiện thực hóa trên mái. Có năm loại rau khác nhau được trồng trong khu vườn rộng 200m2 để phục vụ giáo dục nông nghiệp.

Đáp ứng những nhu cầu kinh tế và xã hội

Một tòa nhà, một công trình không bao giờ là thành phần độc lập mà phải gắn kết với cộng đồng. Vì vậy, khi được thiết kế, phải xem xét đến diện mạo chung và nhu cầu rộng hơn của cộng đồng dân cư khu đó. Nếu thiết kế sáng tạo và chu đáo, kiến trúc sẽ củng cố thêm những lợi ích khác cho cộng đồng.

Trong thiết kế Terminal ở sân bay Changi, Sinpaore, ngoài việc tối ưu không gian cho việc lưu thông hành khách, khu vực này còn được biến thành một địa điểm biểu tượng, gia tăng giá trị cho du lịch, kinh tế. Mảng xanh và các yếu tố thiết kế mang tới cảm hứng, nhằm giúp du khách giảm bớt mệt mỏi sau những chuyến bay cũng như trở thành một nơi nghỉ ngơi lý tưởng.

Bảo tồn cộng đồng và khu vực

Thiết kế của một tòa nhà có tác động đến nhiều yếu tố khác nhau của cộng đồng như môi trường và hệ thống giao thông công cộng. Những yếu tố này bằng mọi cách cần phải được bảo tồn. Việc tôn trọng hệ sinh thái xung quanh, cân bằng thiết kế trong tổng thể khu vực hiện có là điều vô cùng quan trọng. Không chỉ là việc bảo tồn các yếu tố về thiên nhiên, địa lý, kiến trúc sư cũng phải lưu ý đến việc giữ gìn văn hóa của nhóm cộng đồng tại nơi đó.

Một ví dụ trong việc tôn trọng không gian và khu vực, Dải Băng Đỏ là một thiết kế đặc biệt có chiều dài 500m, chạy qua công viên Qinhuangdao của Trung Quốc. Thiết kế này mang lại các chức năng như sự phản chiếu ánh sáng, chỗ ngồi, trồng cây xanh và xác định phương hướng. Nằm giữa địa hình tự nhiên và thảm thực vật phong phú, “dải băng” với thiết kế tối giản nhưng sống động bám dọc theo bờ sông, nơi dành cho các hoạt động giải trí và giáo dục về môi trường. Dự án này cho thấy một giải pháp thiết kế đơn giản nhưng mang đến hiệu quả đáng kể đối với cảnh quan.

Tạo nên dấu ấn

Các công trình kiến trúc công cộng còn có thể trở thành một biểu tượng, điểm nhấn cho khu vực. Đó có thể là điểm nhấn về chức năng, sự tích hợp phong phú hoặc đôi khi chỉ một ý tưởng đơn giản nhưng tạo nên sự đặc biệt cho cảnh quan.

Ví dụ như Root Bench ở Hàn Quốc – một không gian công cộng ấn tượng mang tính dấu ấn. Với thiết kế dạng hình tròn, Root Bench hợp nhất vào lớp cỏ xanh xung quanh và làm mờ ranh giới giữa nhân tạo và môi trường tự nhiên. Du khách có thể cảm thấy thoải mái trong không gian nghỉ ngơi và đồng thời thưởng thức tác phẩm nghệ thuật.

Có đường kính 30m, được lắp đặt trên thảm cỏ, thể hiện hình dáng chuyển động của bộ rễ lan tỏa khắp công viên. Thiết kế kích thích thị giác tạo ra sự tương phản mạnh mẽ với không gian rộng rãi xung quanh công viên ngoài trời. Mọi người có thể nghỉ ngơi nằm ngồi hoặc dựa vào tùy ý nhờ vào độ cao khác nhau của ghế.

Tóm lại

Việc thiết kế kiến trúc cho cộng đồng cần kết hợp truyền thống văn hóa, nhu cầu của người dân và nơi họ sinh sống. Thiết kế phải bao trùm để chúng phù hợp với tất cả mọi người và tạo điều kiện tương tác và bền vững để giảm thiểu tác động môi trường.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Hiểu rõ tầm quan trọng của các sân chơi và không gian công cộng trong cuộc sống đô thị hiện đại, cũng như mong muốn tạo cảm hứng cho tinh thần sống gắn kết cộng đồng, Nam Long Group ra mắt cuộc thi thiết kế nhằm kết nối và tôn vinh những Kiến trúc sư, sinh viên tài năng. Cuộc thi Kiến tạo sân chơi gắn kết cộng đồng – The Shape of Community Space đang diễn ra từ 28/06 đến hết 01/08/2021 với những giải thưởng hấp dẫn lên đến hơn 200 triệu đồng. Theo dõi thông tin tại đây.